"Gửi Sông La" cuộc giao duyên giữa thơ và nhạc

Thứ Năm, 13/03/2008, 14:00
Nhắc đến nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhiều người nhớ ngay đến một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông - bài hát "Gửi sông La"..., "Gửi sông La" ra đời đã hơn 30 năm nhưng vẫn có sức sống đến tận hôm nay. Và thật lạ, cơ duyên ra đời của bài hát lại bắt đầu bằng cuộc "gặp gỡ" thơ và nhạc.

Ông là tác giả của hàng trăm ca khúc, trong đó hơn 30 ca khúc viết về người chiến sĩ Công an. Nhân dịp 50 năm kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng Cảnh sát, Bộ Công an đã trao tặng ông bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền góp phần Bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Nhưng nhắc đến nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhiều người nhớ ngay đến một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông - bài hát "Gửi sông La"... Trong cuộc trò chuyện đầu xuân với Văn nghệ Công an, nhạc sĩ cũng thừa nhận: "Gửi sông La" ra đời đã hơn 30 năm nhưng vẫn có sức sống đến tận hôm nay. Và thật lạ, cơ duyên ra đời của bài hát lại bắt đầu bằng cuộc "gặp gỡ" thơ và nhạc.

-Thưa nhạc sĩ Lê Việt Hòa, từ nhiều năm nay, hai bài hát "Gửi sông La" và "Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ" của ông luôn giành được sự yêu mến của thính giả cả nước. Được biết ông là người xứ Đoài, vậy mà những tình cảm đẹp, những giai điệu đẹp ông lại gửi cả cho miền Nghệ Tĩnh. Chắc hẳn ông phải có một mối tình, hoặc ít nhất là kỷ niệm đằm thắm nào đó với mảnh đất ấy?

+ Không phải là mối tình cụ thể nào mà là tình yêu với mảnh đất ấy. Trở lại những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, tuyến lửa miền Trung liên tục phải đương đầu với các trận mưa bom bão đạn của quân thù. Thời ấy, tôi đang là biên tập viên, đạo diễn các chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam.

Hàng ngày, qua các bản tin từ mặt trận phía Nam, từ tuyến lửa đưa về, anh em nhà đài chúng tôi luôn đau đáu vì những gian khổ, hy sinh mà đồng bào chiến sĩ ở trong đó đang trải qua. Cho đến khi nghe tin 10 cô thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc thì nỗi đau đã chuyển hóa thành một tâm trạng khác mà tôi không thể diễn tả nổi bằng ngôn từ.

Nhưng có lẽ đó là niềm thương đối với những thiếu nữ đã anh dũng ngã xuống, là tình yêu với mảnh đất nơi các cô đã sống và chiến đấu. Tình yêu ấy thôi thúc tôi viết một ca khúc. Nhưng tôi nghĩ đó phải là một giai điệu mượt mà như dòng La - mạch nguồn đã dung dưỡng thể chất và tâm hồn con người mảnh đất ấy. Mong sao giai điệu của bài hát sẽ góp phần làm dịu bớt nỗi đau đối với vùng đất đang ngập tràn lửa đạn này.

May thay, đúng vào dịp đó tình cờ tôi đọc được bài thơ "Gửi sông La" của tác giả Hoàng Thị Minh Khanh trên một tờ báo. Lúc ấy tôi chưa hề biết gì về tác giả bài thơ. Nhưng nhiều câu chữ trong bài thơ đồng cảm với nỗi niềm của tôi... Ngay lập tức tôi đã chọn bài thơ làm ca từ cho những giai điệu mà tôi nghiền ngẫm.

Bút tích bản nhạc của ông.

- Trong "Gửi sông La" ông đã sử dụng rất nhiều chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Nhưng giới âm nhạc nhận xét rằng, khác với nhiều bài hát mang âm hưởng dân gian, tác phẩm của ông có vẻ khó hát và kén người hát.

+ Có lẽ đây là tác phẩm mà tôi dành nhiều tâm sức nhất. Tôi viết hàng tuần, sửa đi sửa lại nhiều lần. Toàn bài ở gam mi thứ nhưng chỉ riêng chùm âm thanh dành cho hai chữ "bồi hồi" trong lời bài hát  tôi đã sử dụng một chuỗi âm nhạc luyến từ nốt mi xuống nốt mì.

Quả thật với một quãng 8 từ cao xuống rất thấp như thế không phải ca sĩ nào cũng có thể hát nổi. Hoặc một nốt nhạc trầm dành cho chữ "mà" ở câu cuối của bài hát chẳng những tạo được sự bất ngờ mà tôi muốn gieo vào lòng người nghe một niềm thương, nỗi nhớ... Khi thu âm bài này cho chương trình tác phẩm mới, trước mắt tôi lần lượt xuất hiện nhiều ca sĩ có chất giọng dân ca.

Nhưng nữ ca sĩ Thanh Hòa là sự lựa chọn thứ nhất. Với chất giọng nữ trung đằm thắm, Thanh Hòa đã dễ dàng luyến chùm âm từ nốt mi cao xuống nốt mì trầm một cách tự nhiên và hiệu quả. Sau Thanh Hòa, NSND Thu Hiền cũng rất thành công khi đưa "Gửi sông La" đến thính giả cả nước.

Nhờ giọng hát của hai ca sĩ mà cùng với những bài hát rất nổi tiếng cùng thời, "Gửi sông La" của tôi cũng nhận được nhiều thư yêu cầu từ khắp mọi miền gửi về chương trình "Bài hát theo yêu cầu của thính giả". Sau này, "Gửi sông La" còn được nhiều ca sĩ và nhiều đoàn văn công miền Trung dàn dựng trong chương trình biểu diễn hoặc tham gia các cuộc hội diễn.

- Có thể nói một cách hình ảnh thế này, những câu thơ đã góp phần tạo cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ Lê Việt Hòa và những nốt nhạc cùng giai điệu của nhạc sĩ đã chắp cánh cho những câu thơ của Hoàng Thị Minh Khanh bay lên. Vậy đến khi nào thì tác giả nhạc mới gặp mặt tác giả thơ?

+ Ngay khi bài hát ra đời và phát sóng, được thính giả đón nhận tôi đã "lặn lội" đi tìm tác giả thơ. Tìm mãi, cuối cùng được bạn bè giúp đỡ tôi mới biết Hoàng Thị Minh Khanh quê ở ngoại thành Hà Nội hiện đang công tác trong ngành y.

Bài thơ "Gửi sông La" của chị là niềm tâm sự mà chị gửi đến với miền đất của người mà chị yêu thương. Trong bài thơ có những câu: "Ơi dòng sông La/ Ơi niềm thương nỗi nhớ/ Em ước hoài mà chưa được đi qua/ Ơi con sông La/ Sông biếc ban mai/ Sông vàng trưa nắng/ Thuyền ơi lên buồm no gió lộng/ Che nghiêng bờ…".

Gặp nhau rồi, tôi mới biết chị còn là tác giả của bài thơ "Nhớ", một thời làm xao động trái tim của thế hệ thanh niên thời đánh Mỹ với những khổ thơ nao lòng như: "...Anh đi xa/ Em không buồn nhưng cũng nhớ/ Mỗi cánh chim bay qua cửa sổ/ Em ước mình được vỗ cánh bay qua", hay "Ôi cái nhớ sao mà kỳ diệu/ Ôi cái thương sao khéo mặn mà/ Có phải lúc xa nhau mới hiểu/ Hết lòng người những phút giây qua"...

- Vâng, tác giả "Gửi sông La" ngày ấy sau này đã trở thành nhà thơ với nhiều tác phẩm: "Bâng khuâng", "Đến bao giờ". "Mùa ổi chín", "Chú chim non"... Hiện nhà thơ đang sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Công an và là cộng tác viên của báo Văn nghệ Công an. Vậy, sau "Gửi sông La" ông còn tiếp tục phổ nhạc cho thơ nữa không?

+ Có, nhưng không nhiều. Tôi chỉ chọn những bài thơ nào tâm đắc hoặc hợp với chủ đề mà tôi định viết. Trong 30 ca khúc sáng tác về Lực lượng Công an của tôi có những bài tôi lấy cảm hứng sáng tác từ chính những bài thơ của anh em...

- Trong hành trang của ông, có tới hàng trăm ca khúc nhưng có lẽ giai điệu của "Gửi sông La" vẫn quá sâu lắng trong lòng khán thính giả cả nước, thành ra những tác phẩm sau này có phần mờ nhạt?

+ Biết làm sao được. Người nghệ sĩ suốt đời muốn tìm tòi và hướng tới đỉnh cao của nghệ thuật. Nhưng có lẽ thành công còn là duyên may. Sau "Xa khơi" và "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng vẫn tìm tòi ca khúc đỉnh cao mà chưa thấy. Sau "Rặng trâm bầu", "Qua bến đò Quan", nhạc sĩ Thái Cơ vẫn vật vã với bao sáng tạo rồi đành đứt gánh giữa đường.

Quả thực, sau "Gửi sông La", tôi đã cố gắng hết sức để có thêm "Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ", "Mùa xuân trên sông Tô", "Cô gái Na Hang" để thính giả vẫn nhớ đến Lê Việt Hòa. Từ nay về sau tôi vẫn tiếp tục niềm đam mê sáng tạo, biết đâu lại có một tác phẩm vượt "Gửi sông La". Điều này chưa thể nói trước được.

- Đúng như vậy. Có một nhà thơ từng viết: "Để đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết mà đâu đã thành". Con đường sáng tạo văn học nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ là như thế.  Trở lại với tác phẩm "Gửi sông La" mà ông tâm đắc nhất, với sức sống hơn ba mươi năm đã qua, chắc hẳn nó cũng mang lại nhiều kỉ niệm đối với ông...

+ Có nhiều kỷ niệm với "Gửi sông La" lắm. Chẳng hạn nhiều lần lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội gặp gỡ bà con đồng hương đã mời tôi đến như một công dân danh dự. Tại những cuộc gặp ấy, "Gửi sông La" thường được cất lên với niềm tự hào về dòng sông đã đi vào thi, ca, nhạc, họa.

Gần đây nhất, nhạc sĩ Tân Huyền, tác giả bài hát "Câu hò trên đất Nghệ An" và nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả của bài hát "Người con gái sông La" và tôi được mời về Hà Tĩnh sáng tác bài hát cho huyện miền núi Vụ Quang.

Trong buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các nhạc sĩ, một nhân viên văn phòng ở đây kể rằng, ở quê của cô ấy có người mê bài hát "Gửi sông La" của tôi đến nỗi đặt tên cho con là Việt Hòa và vì bố cháu là họ Lê nên cháu có tên trùng với tên tác giả bài hát về dòng sông quê hương.

Nhờ có bài hát mà tôi được người sông La mến mộ như thế, kể cũng vui... Nhưng tiếp tục công việc sáng tạo để có được một tác phẩm vượt "Gửi sông La" quả thực là một gánh nặng…

- Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện và chúc ông có những thành công mới trong sáng tác

Xuân Nguyễn (thực hiện)
.
.