Gọt chân cho vừa giày?
Sử ta chép rằng, đời Lý (1010-1225) có bà Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Mệnh, quê ở làng Thổ Lỗi (nay là thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Vì mất mẹ từ năm 12 tuổi, cha lấy vợ kế, nên Ỷ Lan khổ như cô Tấm trong chuyện "Tấm Cám" vậy.
Đức độ, xinh đẹp, thông minh, chăm học, chăm làm, từ một "Cô Tấm lộ Bắc" (Sử chép thế), Ỷ Lan trở thành Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông, thành Hoàng hậu nhiếp chính, thành chỗ dựa của triều đình, cả trong thời bình lẫn thời chiến. Sau này, khi trở lại nắm quyền, dù có mang tiếng là đã bỏ đói đến chết Hoàng hậu Thượng Dương (vì Thượng Dương dựa vào Thái sư Lý Đạo Thành, rất chuyên quyền, bà từng gạt Ỷ Lan ra khỏi triều chính, bất chấp công lao to lớn của Ỷ Lan trước đó), Ỷ Lan vẫn được dân lập đền thờ ở Dương Xá, và gọi đó là "Đền Bà Tấm". Dân còn gọi bà là "Nữ Quan âm".
Phía sau hai chiến công "Bình Chiêm" và "Phạt Tống" lẫy lừng, có hào quang của "Cô Tấm lộ Bắc" này.
Sử là thế, dân gian là thế. Vậy mà gần đây, có sách nọ sách kia, người này người khác, đã "viết lại" truyện "Tấm Cám", nhìn người xưa bằng con mắt chủ quan của người nay, mong con trẻ được có một cô Tấm không tỳ vết, hầu mong con trẻ trắng như tờ giấy trắng. Thế thì chả khác gì "gọt chân cho vừa giày" vậy.
"Khuyến thiện phạt ác" là đạo lý Việt ngàn năm, sao lại phải "gọt chân cho vừa giày" như thế? Người xưa kể, người nay còn dựng "Thập điện Diêm vương" để đe nẹt bọn ác bọn xấu đấy thôi? Cám có bị tội trên trần, thì cũng như là bị đi qua "Thập điện Diêm vương" vậy! Vả lại, truyện xưa, đặc biệt là truyện cổ tích dân gian, không bắt người ta phải tin vào từng chi tiết, chỉ cần tin vào đạo lý, ý nghĩa của nó. Bởi vì, pháp luật và phong tục có thể thay đổi theo thời gian, chứ không bền được như đạo lý. Vả lại, xưa nay, khi bọn Cám được vuốt ve, được nằm ngoài vòng pháp luật và lẽ đất trời, biết bao tai ương chẳng đã đổ xuống đầu dân chúng đó sao?
Hãy để "Cô Tấm", "Bà Tấm" giữ nguyên chân dung xưa của họ! Họ không phải là thánh. Họ là hình tượng dân gian, mà dân gian thường giản dị, minh triết (ít nhất thì cũng hơn sử viết sai, viết thiếu). Mặt khác, truyện cổ tích dân gian, nếu giữ nguyên, còn có một ý nghĩa nữa, là để cho đời sau biết được cách nghĩ, cách ứng xử, phong tục tập quán… của cha ông ngày trước. Để nguyên thì tính Folklor của truyện còn, bỏ đi hoặc sửa đi thì tính Folklor cũng mất.
Vì những lẽ đó, xin các vị ấy hãy để nguyên truyện "Tấm Cám" như nó vốn thế!