Gọi mùa

Thứ Tư, 10/12/2014, 08:00
Nơi dấu chân trẻ thơ vương bụi đất tới trường, nơi thầy dạy gột đi bụi bậm gian tà. Nơi vang lên tiếng trống trường rộn rã gọi ta lòng yêu thương nhân ái cho mùa màng của đạo làm người. Tôi chợt nhớ ý thơ của bạn tôi - nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (đã quá cố) "không được phép sống hèn".

Tháng mười! Tháng mười thuở tuổi thơ tôi trầm tích trong tầng ký ức, lúc như sương ảo mờ, khi trong veo lung linh trên đầu ngọn cỏ. Bước dưới ban mai căng hết lồng ngực non tơ đón lấy khí đất trời trong trẻo. Đâu đó tiếng bầy chim gáy gù gọi nhau bên lũy tre rìa làng, con thì phía ngọn cây cao trên cánh đồng, tiếng chim gáy không chỉ nói ngày mùa no đủ, âm thanh của loài chim lúc trầm, bổng như tiếng đàn bầu, khi thanh cao, dồn dập tựa bản giao hưởng… níu giục bước chân lũ trẻ làng ngơ ngác. Tiếng rì rào của đồng lúa uốn câu đang vàng hươm sắc nắng. Mùa thu nắng lặn vào sắc lúa trên đồng, nắng lặn vào những vườn cây bưởi, cam mọng căng làn môi con gái. Ban mai bừng gót chân bước trẻ tới trường.

Tất cả âm, sắc của mùa hạ đã chùng xuống cho mùa thu dịu nhẹ trên từng cánh hoa. Mặt sông Hồng đã xanh trong dịu dàng nhường cho tiếng gõ lanh canh mạn thuyền của dân chài bồng bềnh hơn giữa nhạt nhòa hơi thở con sông. Phù sa mịn một màu hồng như má người con gái đang thì cho ngô non bén rễ một màu xanh trải dọc triền sông. Vẳng đâu xa lắc tiếng gọi đò một thuở… Tôi ngơ ngác bước một mình bên tiếng thầm thĩ của dòng sông, bến bãi. Cứ thế, lũ học trò chúng tôi lớn lên lúc nào chẳng rõ? Trái tim chuyển nhịp trước mái tóc dài của người con gái trước bến sông. Mùa thu ấy với bao huyền diệu náo nức, xao xuyến đan xen. Bắt đầu bước xa trường xa lớp, con đường quê cát mịn phù sa. Hình ảnh ấy là gia tài trong ký ức không thể thiếu với đời người. Vâng, đó là điểm tựa cho chúng tôi bước vào đời, trước cả những gian khó tưởng chừng không vượt nổi.

Quê hương, đôi mắt người thân dường như vẫn dõi nhìn từng bước tôi đi, cả ánh mắt bạn bè bên sân trường đau đáu, lời dạy của thầy giáo già bên ngoài trang sách: "Các em học để làm người mới khó" đã bắt đầu quẫy cựa dòng suy nghĩ trước cuộc đời với bao biến động khôn lường. Nhiều khi đứng trước truân chuyên, mọi cám dỗ của vật chất sẽ là vực thẳm khôn lường sẽ khiến ta chẳng còn là ta nữa. Những khi ấy mới khao khát làm trẻ thơ lần nữa để lấy cái chút "khôn" hôm nay để học lại trang sách lời thầy giáo dạy, thèm sự đe nẹt nghiêm khắc của mẹ cha. Giá như… giá như thì lúc này đã khác. Ta vin vào dáng quê, vào ánh mắt yêu thương đầm ấm của người thân để vượt lên. Gọi mùa thu trong ký ức xôn xao, quên đi cả mái tóc đang ngả dần theo năm tháng gió mưa. Mùa thu trong trẻo từ trong trang sách bay nghiêng gọi ta về. Những đau - vui một thuở như con sông quằn cựa mùa lũ, tới mùa thu xanh thao thiết giữa đôi bờ nghiêng xuống bóng quê. Tôi gọi mùa vương vấn rơm thơm cho lũ chim cắp cọng rơm vàng xây tổ. Trong ánh nắng rây vàng níu bước nhớ thương dưới từng con ngõ nhỏ - nơi bước chân của bao thế hệ tập làm người từng bước đi chập chững ra tới những con đường lớn, con đường hội nhập với thiên hạ tây - đông. Nơi ta lớn lên từ ngõ nhỏ, ta gọi mùa thơ thới lắm mùa thu!

Nơi dấu chân trẻ thơ vương bụi đất tới trường, nơi thầy dạy gột đi bụi bậm gian tà. Nơi vang lên tiếng trống trường rộn rã gọi ta lòng yêu thương nhân ái cho mùa màng của đạo làm người. Tôi chợt nhớ ý thơ của bạn tôi - nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (đã quá cố) "không được phép sống hèn".

Bốn mùa thiên nhiên ban tặng cho đất nước, mỗi người đều có khoảng trời kỷ niệm riêng.
Nguyễn Bá Cự
.
.