Gốc nhân bản của con người

Thứ Năm, 26/11/2015, 13:38
Tất cả những so sánh, đổ tại và bi quan kể trên đều có căn nguyên của nó, chứ không phải là những gì mơ hồ, thái quá hay phi thực tế. Nhưng thực sự không mấy ai nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng mình cũng nên góp một phần để vực dậy tính người trong cộng đồng, bằng từng hành động nhỏ hoặc thậm chí, chỉ cần bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào sự cải thiện sẽ phải xảy ra. 

Nhiều năm nay rồi, chúng ta vẫn thường than thở với nhau rất nhiều lần về sự suy đồi có thực của đạo đức xã hội. Và chúng ta so sánh, so sánh với thời mà chúng ta từng được chứng kiến, khi mà những con người tử tế vẫn còn chiếm số đông áp đảo trong đời sống bất chấp những khó khăn về vật chất. Và chúng ta đổ tại sự phong phú một cách nhanh chóng của những nhu cầu vật chất được đáp ứng mỗi ngày đã làm tha hoá xã hội quá nhanh chóng, và khủng khiếp. Và chúng ta bi quan khi cho rằng bên ngoài kia, những con người chân chính quá ít mà số đông áp đảo đang là những kẻ tồn tại không còn nhân văn, luân lý và tính người.

Bé Đỗ Tuấn Dũng (bệnh nhân ung thư máu) đã thỏa nguyện ước mơ được làm Cảnh sát Giao thông một ngày trong lễ sinh nhật tròn 10 tuổi của mình.

Tất cả những so sánh, đổ tại và bi quan kể trên đều có căn nguyên của nó, chứ không phải là những gì mơ hồ, thái quá hay phi thực tế. Nhưng thực sự không mấy ai nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng mình cũng nên góp một phần để vực dậy tính người trong cộng đồng, bằng từng hành động nhỏ hoặc thậm chí, chỉ cần bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào sự cải thiện sẽ phải xảy ra.

Dường như ai cũng biết, thậm chí thuộc nằm lòng, ý nghĩa của câu chuyện "chiếc ly đầy một nửa hay chiếc ly vơi một nửa". Nhưng không mấy ai quan tâm đến chuyện áp dụng suy nghĩ tích cực ấy vào đời sống hàng ngày, để ta tham gia vào cuộc sống nhiều hơn, với trách nhiệm đúng nghĩa của một phần tử của xã hội. Vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục nói lên khát vọng về một xã hội dân sự văn minh, trong khi phần nghĩa vụ tham gia vào xã hội ấy, chúng ta chưa đáp ứng một cách đủ đầy.

Có một câu chuyện gần đây, ít người biết tới, nhưng chắc chắn khi đã biết tới tất cả sẽ cảm thấy rung động phần người trong chính mình. Đó là chuyện của cậu bé Dũng, 9 tuổi, sống ở Hoà Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Dũng bị ung thư máu đã một năm nay rồi, và đang được điều trị hoá trị tại bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Dũng yếu lắm. Dũng xanh xao, rụng hết tóc rồi và nhìn em, không ai không khỏi xót xa. Các bác sỹ điều trị cho em đều cố gắng mọi cách cứu cho em khỏi căn bệnh hiểm ác, vì họ mong mỏi em phải được sống như những bạn bè bình thường khác. Và trong quá trình cứu chữa, các bác sỹ hiểu rằng liệu pháp tinh thần là rất quý giá. Để rồi bác sỹ Phạm Lê Na, người trực tiếp phụ trách trường hợp của Dũng, nhận ra rằng em mơ ước trở thành Cảnh sát Giao thông và lập tức bác sỹ Na đã gửi một lá thư cho Giám đốc Công an Đà Nẵng, Đại tá Lê Văn Tam, đề xuất rằng nếu được, hãy cho em làm cảnh sát giao thông một ngày, đúng vào ngày sinh nhật em.

Bác sỹ Na không hy vọng nhiều, rằng mình sẽ nhận được phản hồi cho một đề nghị chưa từng có như thế. Chính vì vậy, ông đã hết sức bất ngờ khi Đại tá Tam trả lời đồng ý. Vậy là trong ngày sinh nhật tròn 9 tuổi, Dũng được mặc quân phục cảnh sát giao thông, tham gia tuần tra cùng với các chú, các bác như một chiến sỹ thực sự.

Câu chuyện đó để lại những dư vị rất đẹp trong lòng người, vì tính nhân bản của nó. Nhưng vượt trên hết, câu chuyện ấy mang lại một thứ còn qúy giá hơn cả. Đó là niềm tin vào một xã hội vẫn còn rất nhiều những cá nhân sống đầy tình người, với sự tử tế, với ý thức trách nhiệm ngoài nghĩa vụ công việc đơn thuần đối với xã hội. Ý thức trách nhiệm ấy chính là một dạng quy tắc đạo đức chung (code of ethics) mà một xã hội văn minh cần phải có, mà mỗi con người trong xã hội cần phải thực hiện, để biến xã hội mình đang sống thành một xã hội dân sự đi từ cái gốc nhân bản của con người.

Từ câu chuyện của Dũng, chúng ta chợt nhận ra rằng, đã từ lâu rồi, chúng ta sống trong một thái độ hoài nghi tất cả, và chúng ta đã để cho mình chìm vào chủ nghĩa bi quan mà không thực hiện bất kỳ hành động nào để cải thiện xã hội. Rồi chúng ta lại bị tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa báo chí tiêu dùng, với mục đích câu khách, sẵn sàng dùng tất cả những câu chuyện có lợi cho một nhóm cá nhân nào đó mà quên mất rằng chúng có thể gây nguy hại cho tinh thần chung của cả cộng đồng. Thế là tất cả bỗng nhìn vào đời sống như chiếc ly vơi một nửa, một cái nhìn tiêu cực và bi quan.

Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ rằng, vẫn còn đó rất nhiều con người ngoài kia, đang chờ được đánh thức nhân tính của họ, từ những gì chúng ta nói, chúng ta viết, chúng ta làm. Xã hội đã quá thừa những trách móc, chửi bới, miệt thị rồi. Xã hội đang cần hơn những tiếng gọi lương tri đánh thức lương tri. Đó mới chính là hành vi mà mỗi người cần phải làm, cần phải có.

Và chúng ta vẫn tin, những người đang sống quanh ta, họ vẫn còn lương tri như mình, chỉ chờ đợi một hành động thôi để đánh thức.

Hà Quang Minh
.
.