Giữa muôn trùng sóng nước ba đào

Thứ Hai, 29/04/2019, 16:03
Xã đảo Tam Hải ghi dấu ấn ba mặt giáp biển, gắn triền san hô muôn hình vạn tía. Kèm theo đó, nổi lên một núi đá đen rất quái dị, với đỉnh núi phẳng lì. Đó là chiếc bàn thiên nhiên tạo nên cảm giác óng ả, nơi trong những đêm trăng xưa, các nàng tiên trên trời hạ giới múa ca...


Tôi giật mình, không ngờ chuyến phà vào xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam sáng nay lại đông đến thế. Gió biển cuộn sóng nước dòng sông Trường Giang ào ạt. Con phà lừ lừ tiến vào bến đỗ ngay cổng xã. Nào ôtô. Nào xe bò. Rồi cả xe máy đèo sọt hai bên. Phà chưa dừng, có người nhấn ga cho xe máy nhảy vọt qua, phi thẳng lên đường lớn. Đó là cánh buôn dừa. Chả thế Tam Hải còn gọi là làng dừa. 

Chuyện cồ tích Bàn Than

Xã đảo Tam Hải ghi dấu ấn ba mặt giáp biển, gắn triền san hô muôn hình vạn tía. Kèm theo đó, nổi lên một núi đá đen rất quái dị, với đỉnh núi phẳng lì. Đó là chiếc bàn thiên nhiên tạo nên cảm giác óng ả, nơi trong những đêm trăng xưa, các nàng tiên trên trời hạ giới múa ca. Lưng núi có những hốc đá đen tựa quán nghỉ giữa đường. Lại có những gương mặt quỷ hiện lên xù xì với cái mũi khoằm như muốn vồ lấy người đi qua.

Hoàng hôn và tượng đá ông Đụn bà Che.

Ngay dưới chân núi, những vỉa đá đen càng biến ảo, dưới những ngọn sóng biển vỗ ào ạt. Thêm nữa, những hình bàn chân than rộng tựa giường nằm. Hàng trăm vỉa đá đen có hình dạng rất lạ mắt. Những ghềnh đá đen kéo dài tới vài cây số. Có chỗ còn chạy ra biển hàng trăm mét. Đá dựng bồng bềnh như những lá buồm lấp lánh trong nắng vàng. Những lớp đá đen như than nhấp nhô dưới sóng nước biển trong xanh. Đi dọc triền đá quanh chân núi cũng hết cả ngày.

Gập ghềnh. Sắc nhọn. Nhưng mỗi bước ta lại có thể ngắm nhìn. Nếu ai ngờ nghệch như tôi ắt sẽ luôn phải dừng lại "vái chào" từng phiến đá. Bởi mỗi lúc một hình thù đầy ám ảnh. Có khi phát khiếp vì mặt người dị dạng. Lại có lúc trầm trồ vì những đóa hoa đá nở xòe dưới ngọn sóng trắng xóa. Những búp lửa than hồng lên dưới ánh nắng chói chang.

Và, tất nhiên ai cũng phải thẫn thờ trước một tượng đá hình người mang tên ông Đụn, bà Che. Hiếm có con mắt đá nào lạ lùng đến thế. Tượng đá cao hàng chục mét lừng lững giữa biển xanh. Một cửa trời hiện ra giữa phiến đá cao vọi. Khung cửa được tạo nên giữa hai phiến đá. Hình người đang gục đầu vào lưng người phía trước. Đó là sự ẩn giấu nỗi niềm đất trời linh thiêng. Làng truyền khẩu rằng: "Bàn Than non nước thần tiên. Bà Che, ông Đụn kết duyên biển trời".

Chuyện kể rằng, đất Tam Hải xưa có đôi vợ chồng rất yêu thương nhau, trong một khu vườn dừa yên tĩnh. Chung quanh đảo sóng gió biển khơi cuồn cuộn suốt ngày đêm. Cuộc sống của hai người bộn bề gian khó. Nhưng họ rất hạnh phúc và sinh được hai con trai.

Về già, họ lại được những người con ra khơi đánh cá kiếm tiền nuôi dưỡng. Cả nhà yên vui hạnh phúc. Ông Đụn, bà Che chỉ còn việc lo cho hai con đến tuổi dựng vợ gả chồng mà thôi. Vậy là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng rồi một ngày kia cả hai con trai đi biển lâu ngày mất hút. Ông Đụn lo lắng tìm ra bờ biển ngóng chờ. Bà Che chỉ ngồi bậc cửa mong đợi.

Ngày lại ngày. Đêm qua đêm. Mãi các con không về. Chồng cũng không quay lại. Bà Che âu sầu lo lắng. Một hôm bà bồn chồn tìm ra bến đợi. Ông Đụn hóa đá từ lúc nào. Những giọt nước mắt đọng trên mắt cũng khô khốc. Bà Che vật vã khóc than. Thương ông lạnh lẽo, bà sáp tới ngồi gần để sưởi ấm thân ông, rồi cũng hóa đá bên chồng. Những giọt nước mắt của bà Che cùng ông Đụn thành những hòn đá đen rơi đầy xung quanh.

Đó là câu chuyện cổ tích của đá. Người làng đảo Tam Hải là thế. Mặn nồng thủy chung, tình nghĩa sắt son như đá giữa muôn trùng sóng nước. Người dân còn mô tả hóm hỉnh câu chuyện nhân ái này, thêm đậm đà dư vị dân gian rằng: "Ấy bà Che có nước khe chảy. Ấy ông Đụn có vẩy có vi".

Hoặc vào một đêm sấm chớp bắn phá hòn đá này làm vỡ tảng đá trên đỉnh bắn sang hai bên. Trong đó có hai tảng đá lớn. Người làng cho rằng đó là hai con trai của họ đã về. Cả nhà đoàn tụ bên núi Bàn Than. Trong lời hò của người làng Tam Hải vẫn còn lưu dấu hình ảnh: "Thương con, chín đợi ơ ớ ơ…mười chờ. Đêm đêm mẹ ngóng ơ ớ ơ…Cha mơ con về. Mênh mang biển lạnh tái tê. Ơ ớ ơ ờ Gió ơi! Gió biết con về khi mô? Ơ ờ…".

Khu "Vạn niên" nghĩa địa cá Voi 

Những tai nạn do thiên tai biển cả còn gắn bó với lễ Cầu Ngư của dân làng xã đảo Tam Hải. Nhất là vùng đất này có nhiều cá Ông voi (cá Ông) trôi dạt vào bờ vì đuối sức hay bệnh tật. Nhưng từ xa xưa cho đến nay, cá Ông thường luôn cứu người gặp hoạn nạn trên biển khơi mỗi lần sóng to gió lớn. Cá Ông thường ghé thân mình sát mạn thuyền, đưa mọi người vượt qua sóng gió, bão táp vào tới bờ rồi mới bỏ đi. Hoặc mỗi khi có xoáy lốc, hoặc giông gió bất thường, người làng chài chỉ còn biết chắp tay cầu mong cá Ông đến cứu mạng.

Vì chỉ có cá Ông mới có khả năng che chở cho con người cùng những con thuyền thoát nạn. Nó thường lấy thân chắn sóng gió ào ạt ngoài biển khơi. Nhiều khi vào đến bờ, cá Ông cũng kiệt sức nằm gục trên trảng cát bãi Bấc. Đợi hồi sức những ngư dân lại khéo léo trả Ông về với biển cả. Dân trong làng vẫn còn thuộc những câu hò trên biển về đức Ông: "Thuyền nan gặp sóng ba đào. Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con".

Hoặc cá Ông còn biết cách lùa những đàn cá vào khu đánh bắt của người trong làng. Chính vì thế người xã Tam Hải luôn biết ơn sự tốt bụng, như thấu hiểu con người của cá Ông. Họ ghi dấu: "Ông đem mồi dẫn cá sớm trưa. Giúp người chài lưới dư thừa ấm no".

Bao đời nay, ngư dân xã Tam Hải cũng như nhiều xã đảo khác ở miền Trung Nam Bộ đều biết ơn cá Ông. Họ thể hiện sự ứng xử rất có nghĩa với cá Ông, mỗi khi "lụy" (chết) hoặc mắc nạn trôi dạt vào bờ biển. Họ chôn cất và làm lễ cầu siêu như con người trong làng vậy. Có điều đặc biệt, bãi Bấc phía đầu làng cá Ông thường trôi về, mỗi khi "lụy".

Phà chở người và xe vào xã đảo Tam Hải.

Đó là hiện tượng tâm linh. Người trong làng đón những cá Ông bị "lụy", tựa như nghĩa vụ rất thiêng liêng. Họ coi cá Ông là ân nhân. Trong những tang lễ cho cá Ông, chủ lễ thường thay mặt người làng hát: "Lúc sinh tiền Ngài trú ngụ đại dương. Khi tử hận ký thân nơi lục địa. Người ngư nghiệp đền ơn đáp nghĩa.

Lúc hành thuyền, Ngài cải tử hoàn sinh". Thậm chí, ai là người đầu tiên phát hiện ra cá Ông "lụy", trôi dạt vào làng, sẽ được trao quyền chăm lo mộ táng và được thưởng. Những người như vậy rất hạnh phúc được lo mọi chuyện trong lễ cầu nguyện. Họ còn ví von: "Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ". Lối ví von hài hước thể hiện tâm hồn người tràn ngập niềm vui. Họ hy vọng cho dân làng sẽ được "Ngài" phù hộ cuộc sống yên bình, thịnh vượng.

Chính vì thế ở xã Tam Hải có một nghĩa trang cá Ông lớn nhất nước ta. Đó là khu "Vạn niên", có tới 502 nấm mộ cá Ông được lưu giữ, thờ bái hằng năm.   Trong lễ hội, dân làng bao giờ cũng tổ chức hát điệu Bả Trạo, nhằm ca ngợi công ơn của Đức Ông.

Đó là một tín ngưỡng thờ cá Ông, được diễn xướng khích lệ tình yêu biển cả của những người con trong xã đảo Tam Hải. Màu sắc văn hóa biển lâu đời của bà con ngư dân hàng trăm năm qua. Dân làng luôn ước vọng những vụ mùa no ấm, thoát mọi hiểm nguy. Họ cất tiếng ca: "Đố ai qua biển làm bè. Thuyền Rồng rước Thánh đưa về cõi Tiên".

Những bức tranh hát

Tình cờ, khi chúng tôi đến xã đảo Tam Hải được gặp một số họa sĩ. Họ đang thực hiện những bức tranh trên tường của một ngôi nhà. Đó là những sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Các bức tranh thể hiện cuộc sống của những con người của chính xã đảo. Cả làng có đến hàng chục bức tranh tường lớn, mô tả đời sống sinh hoạt làng biển thật sự hồn nhiên.

Đó là những chú bé đang chơi đùa trên sóng nước bên rặng dừa soi bóng. Hoặc những mẻ cá đầy lưới cùng những phong cảnh quê hương. Nơi nào cũng thấy những cánh hoa mọc lên ngập tràn màu sắc. Có những bức tranh, kể những câu chuyện cổ trên núi Bàn Than hay lễ hội Cầu Ngư.

Nhất là bức tranh rước đức Ông từ biển vào. Những chàng trai nắm vững tay chèo, múa theo những làn điệu dân ca, trong diễn xướng Bả Trạo. Tôi nghe như những điệu lý Quảng Nam vọng lên đâu đó. Âm thanh tựa như ngân vang từ những chàng trai cô gái trong bức tranh. Hình ảnh con thuyền trôi trong đêm biển trăng mơ màng. Lời ru cất lên ngọt ngào: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Chứ rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say. Mà ai vừa đến cầm tay.  Vừa nghe em nói (đã) yêu ngày nhớ đêm".

Vương Tâm
.
.