Giữ nguồn theo cách của người trẻ

Thứ Năm, 04/04/2019, 07:19
Họ là những người trẻ đầy nhiệt huyết và mang khát vọng sáng tạo để phục dựng kho tàng cha ông, đưa nó trở lại đời sống đương đại. Những cách tân đầy táo bạo đang khiến trào lưu cổ phong trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


Vài năm trở lại đây, trào lưu cổ phong (tìm lại, làm mới và phỏng dựng lịch sử, văn hóa lâu đời của dân tộc) phủ rộng ở mọi lĩnh vực văn hóa, giải trí: từ văn chương, truyện tranh, hội họa cho đến âm nhạc, điện ảnh, thời trang, game... Những người khởi xướng và góp công giúp trào lưu này phát triển là các gương mặt thuộc thế hệ 8X, 9X và 10X. Trào lưu này có hai trường phái: phục dựng nguyên bản hoặc ứng dụng yếu tố cổ phong vào văn hóa đại chúng.

Ở lĩnh vực văn chương, có thể nhìn thấy ngày càng nhiều cây bút trẻ ưa chuộng màu sắc dã sử, chính sử. Lâu nay, người ta vẫn mặc định những đề tài về triều đại phong kiến Việt Nam chỉ thích hợp với bậc cha chú, cây đa cây đề trong làng văn. 

Tuy nhiên, rất nhiều cây bút trẻ đã thử sức với thể loại này, thậm chí là ngay trong tác phẩm đầu tay. Ở cuộc thi "Văn học tuổi 20" lần 6, các tác phẩm dã sử, fantasy pha yếu tố văn hóa cổ truyền xuất hiện khá nhiều và lọt sâu vào vòng trong.

Tạo hình nhân vật trong phim "Phượng Khấu" được đánh giá là bám sát lịch sử.

Có thể kể đến "Trăng trong cõi" của Phạm Thúy Quỳnh, "Nhân gian nằm nghiêng" của Đặng Hằng, "Yagon - Những kẻ vô cảm" của Phạm Bá Diệp... Cách đây không lâu, tác phẩm "Sử Việt- 12 khúc tráng ca" của Dũng Phan bán chạy và gây sốt không kém gì những cuốn sách dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Kể từ bộ "Long Thần Tướng" của nhóm tác giả Nguyễn Khánh Dương, Thành Phong và Mỹ Anh ra đời dưới sự cố vấn sử học của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, dòng truyện tranh lịch sử theo phong cách kể chuyện sáng tạo được dịp nở nồi.

Mới đây, tác giả Tuyết Tuyết trình làng bộ "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều" với phiên bản webtoon. Nếu "Long Thần Tướng" lấy bối cảnh quan quân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông thì "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều" lại khai thác cuộc đời vị nữ hoàng duy nhất của lịch sử Việt Nam: Lý Chiêu Hoàng. Tuyết Tuyết mong muốn cách nhìn và lý giải mới mẻ của thế hệ hôm nay có thể giúp bạn đọc cùng lứa tuổi ham mê tìm hiểu lịch sử một cách thú vị, hấp dẫn.

Lĩnh vực hội họa, thiết kế và thời trang đã và đang có khá nhiều dự án nổi bật. Đầu tiên phải kể đến dự án "Vẽ về hát bội". Những hình vẽ về loại hình nghệ thuật truyền thống này được thể hiện bằng vô số phong cách khác nhau, tạo nên cái nhìn lạ lẫm và đầy ngạc nhiên. Đó có thể là các trích đoạn nổi tiếng, là cuộc đời người nghệ sĩ hát bội, là những chiếc mặt nạ độc đáo... 

Cũng mang ý nghĩa tương tự "Vẽ về hát bội", nhóm họa sĩ tại TP Hồ Chí Minh lại chọn tranh dân gian Đông Hồ làm cảm hứng sáng tạo. Họ về tận làng nghề để học cách vẽ tranh và từ chất liệu, tạo hình truyền thống mà biến tấu thành tác phẩm mới lạ, gần gũi với nhịp sống đương đại. Chẳng hạn bức "Mọi người tập gym" biến tấu từ bức "Đấu vật", bức "Em bé ôm gà selfie" lấy cảm hứng từ bức "Vinh hoa". Dự án "Họa sắc Việt" của nhóm S River gây ấn tượng bởi cách bảo tồn tinh hoa tranh dân gian Hàng Trống bằng cách số hóa. Những hình ảnh đặc trưng của tranh Hàng Trống cũng được đưa lên các thiết kế thời trang ứng dụng như giày dép, áo, túi xách...

Hiện tại, có rất nhiều dự án mang tham vọng tìm lại và phục dựng những họa tiết, hoa văn, trang phục... đã gần như mất dấu của các triều đại phong kiến xa xưa. Những dự án đó không phải là cuộc chơi ngẫu hứng nữa mà là một công trình nghiên cứu và phục vụ cộng đồng vô cùng nghiêm túc, có chiến lược bài bản.

Tháng 4 này, dự án "Dệt nên triều đại" tái hiện trang phục thời Lê Sơ sẽ trình làng. Còn sinh viên Tôn Thất Minh Khôi thì lập hẳn trang chuyên khảo về chuyện hậu cung Việt Nam mang tên "Thiên Nam Lịch đại Hậu phi". Khôi không chỉ tìm hiểu những câu chuyện đấu đá nơi cung cấm mà còn nghiên cứu về lễ nghi, trang phục, âm nhạc, hội họa, tôn giáo... của các phi tần.

Riêng nhóm Đại Việt Cổ Phong thì mở rộng nghiên cứu cả về văn hóa vật thể và phi vật thể kéo dài từ triều Lý đến triều Nguyễn. Nhóm bắt đầu với dự án "Hoa văn Đại Việt", trong đó họ sử dụng công nghệ vector và kỹ thuật đồ họa để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam, trong đó có nhiều hoa văn thuộc thời Lý, Trần đã gần như biến mất. Đến nay, đã có hơn 200 hoa văn được phục dựng kèm chú thích tên hoa văn, xuất xứ, chất liệu, niên đại...

Dự án tiếp theo của nhóm mang tên "Việt Nam cổ phục" nhằm tạo lập kho dữ liệu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. Họ từng giới thiệu áo Nhật Bình, áo tấc đến công chúng và ra mắt sách "Việt Nam cổ phục" để giúp cộng đồng hiểu hơn về từng loại trang phục, cách thức và tầng lớp sử dụng.

Các dự án trên đều hướng đến mục đích khôi phục chính xác và toàn diện giá trị nguyên bản trang phục người xưa. Bằng công nghệ mới, họ lưu trữ và phổ biến các di sản này rộng rãi nhằm giúp giới phục trang, điện ảnh, truyện tranh… có thể yên tâm sử dụng khi thực hiện các tác phẩm hoài cổ, dã sử, lịch sử.

Mới đây, công chúng vô cùng háo hức khi bộ phim "Phượng Khấu" hé lộ tạo hình nhân vật. Đây được xem là bộ phim lịch sử, cung đấu đầu tiên đậm đặc bản sắc Việt. Tạo hình các bà hoàng của diễn viên Vân Trang, Hồng Đào, Kiều Trinh... với bộ trang phục, kiểu trang điểm công phu được nhiều nhà sử học công nhận là đúng với thời nhà Nguyễn. "Phượng Khấu" do đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh thực hiện sẽ được chiếu dưới định dạng web drama (phim online). Phim gồm 35 tập, xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, tức bà Phạm Thị Hằng, phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị và là mẹ ruột của vua Tự Đức.

Bộ truyện tranh "Long Thần Tướng".

Mưu ma chước quỷ của phi tần trong hậu cung triều Nguyễn là điều khiến khán giả háo hức trông chờ "Phượng Khấu". Bởi khi làn sóng phim cung đấu Trung Quốc càn quét châu Á, khán giả Việt Nam tự hỏi đến bao giờ nước ta mới có nổi một bộ phim xuất sắc như xứ người. Nước ta không thiếu câu chuyện thâm cung bí sử hấp dẫn và không kém phần ly kỳ, nhưng dường như các nhà làm phim làm lơ vì bắt tay vào sẽ gặp vô vàn gian truân. Mà gian truân trước tiên là vấn đề trang phục, tạo hình nhân vật. Rất nhiều bộ phim cổ trang bị la ó trang phục lai căng, cách xưng hô bắt chước phim Tàu. Sở dĩ "Phượng Khấu" mạnh dạn ra mắt là bởi các dự án về cổ phục đã bước đầu thành công và cung cấp cho họ kho tàng quý giá.

Ngoài dựng lại nguyên bản, nhóm Đại Việt Cổ Phong còn đưa di sản này vào sản phẩm ứng dụng hiện đại như tượng, búp bê, móc khóa, áo thun... để dễ dàng tiếp cận thể hệ trẻ. Hiện fanpage của nhóm thu hút hơn 14.000 bạn trẻ trong và ngoài nước tham gia chia sẻ và ủng hộ. 

Ngay cả game online, các bạn trẻ cũng chú ý hơn yếu tố cổ phong để tạo nên những sản phẩm thuần Việt. Đó là dự án game "Nam binh thần khí" giới thiệu các loại binh khí nước Việt, game huyền sử "Sử Hộ Vương" quy tụ các nhân vật như Lý Thường Kiệt, Hồ Quý Ly, Lạc Long Quân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương.... Chương trình âm nhạc cũng chuộng tìm về nguồn cội. Rapper Đen Vâu đang ấp ủ ý định táo bạo: lồng rap với hát bội!

Các dự án trên đa phần được duy trì và vận hành nhờ hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Họ được những người đồng trang lứa lẫn bậc cha chú vô cùng ủng hộ. Dự án "Hoa văn Đại Việt" của nhóm Đại Việt Cổ Phong chỉ dự kiến kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhưng thực tế cộng đồng ủng hộ lên đến 200 triệu. Nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động: "Tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị, yêu văn hóa của những bạn trẻ. Các hoạt động này không chỉ mang tính chất bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp mà còn đóng góp về chuyên môn, kích thích mọi người suy nghĩ và chia sẻ".

Nói như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, giới trẻ không hề quay lưng với nguồn cội dân tộc. Họ chưa thích, chưa yêu chỉ bởi vì họ chưa có cơ hội tiếp cận với nó một cách dễ dàng, dễ hiểu. Trong thời đại thế giới ngày càng phẳng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lan rộng thì văn hóa dân tộc chính là khuôn mặt nhận diện một con người, một đất nước. Và sự tự tôn dân tộc thôi thúc thế hệ trẻ không cho phép mình đánh mất bản sắc giữa rừng văn hóa ngoại lai. Dù còn nhiều va vấp nhưng rõ ràng, họ đã và đang giữ bản nguyên của "Việt Nam ngàn năm văn hiến" bằng lăng kính mới của thế hệ mình.

Mai Quỳnh Nga
.
.