Tản văn

Giữ nghề

Thứ Hai, 20/01/2014, 08:03

Rạp diễn như còn sót lại từ thế kỷ trước, nhỏ teo chật chội. Và khán giả thì ngồi ở hàng ghế đầu là mấy bà tuổi đã nhầng nhầng. Mấy bà bán hàng khô, hàng tươi gì đó ở chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua. Các bà mua vé tháng.

Mua vé tháng! Mua vé tháng để xem Cải lương ở rạp Chuông Vàng, do đoàn Cải lương Hà Nội diễn. Nghĩa là tháng có bao đêm diễn là có mặt đủ. Xem đi xem lại, xem nhiều lần nên thông thuộc các vở. Thân thuộc với các nghệ sĩ.

Tám giờ kém mười lăm đã thấy tinh tang các loại đàn lên dây ở dưới fauste. Tám giờ, màn kéo, lần lượt hai ca sĩ lên ca hai bản tân cổ. Khán giả lục tục đến. Và đúng tám giờ ba mươi, nhìn quanh mình, trong ánh phản quang lờ mờ từ sân khấu hắt xuống, thấy lác đác những bóng người lom khom vào nhận chỗ, tôi không khỏi chột dạ, lo âu. Thì đã chẳng có tiền lệ là đã có lần Nhà hát phải trả lại tiền vé khán giả và xin lỗi khán giả đó sao!

Không! Không có chuyện đó! Màn đã kéo. Nhạc đã tấu. Và vở diễn "Lời ru hai bà mẹ" đã khai mở. Các vai diễn đã ra sân khấu. Bà hoàng hậu hiền từ lộng lẫy trong khăn áo màu vàng tươi vương giả. O bế cẩn thận, đồ đầu làm kỹ lưỡng công phu chẳng kém, vai hoàng hậu nanh ác quý phái trong trang phục đen nhung. Nghệ sĩ Thanh Tùng trong vai cai ngục. Nghệ sĩ Xuân Biên trong vai Vua. Ngầm ngập trong ánh điện, cảnh sắc trong diễn biến của câu chuyện liên tục chuyển đổi, đây cửu trùng đài nguy nga, nọ cung diện huy hoàng tráng lệ, kia cánh rừng già nguyên thuỷ hoang vu.

Không! Không có chuyện ngừng hoãn biểu diễn. Trong khi, nhìn quanh và lẩm nhẩm đếm từ hàng ghế đầu tới hàng ghế cuối trong cái rạp hát nhỏ teo chật chội này, tôi chỉ thấy một con số thật ít ỏi: Chỉ có 70 khán giả thôi.

Chỉ có chừng 70 người xem thôi; trong đó có không ít người được vé mời và tặc lưỡi, đang rỗi rãi đi xem thử nó thế nào như tôi. Và giá vé chỉ có 15.000đ/chiếc, chứ không cả mấy chục, mấy trăm ngàn đồng như các buổi biểu diễn ca nhạc hiện đại ở Nhà hát Lớn sang trọng, ở Cung Hữu nghị Việt Xô quy mô hoành tráng, giá vé cao ngất ngưởng cả triệu đồng.

Chỉ có độ 70 khán giả trong rạp thôi. Và theo lối tính của cơ chế thị trường hôm nay, với giá vé 15.000 đồng, chắc chắn thu chẳng bù chi, trang trải cho phông màn, quần áo, ánh sáng chắc gì đã đủ, nói chi đến tiền lương tiền thưởng cho người nghệ sĩ. Chỉ có độ 70 người xem thôi mà suốt ba tiếng rưỡi đồng hồ, cả dàn diễn viên trẻ già 30 người, từ vai vua tới vai lính, trong tiếng nhạc tấu, rộn ràng từ điệu lý sang vọng cổ, đủ ba điệu nam, sáu điệu bắc, với phối cảnh trang trí, hoá trang công phu nghiêm túc, bừng bừng một cơn nhiệt hứng dào dạt sức dẫn truyền; một cơn nhiệt hứng ít nhất cũng không kém các ngôi sao ca nhạc đang ăn khách nhất trên sân khấu nhạc jaz, nhạc pop được cả vạn khán giả reo hò tung hứng hôm nay.

Tuyệt không một mảy may tắc trách qua loa, chăng chớ trong mỗi khâu đoạn biểu hiện. Tuyệt không một vẻ u oải, chiếu lệ trong mỗi động tác, trong mỗi giọng ca. Nhập cuộc là hết mình, say mê và tin tưởng, mỗi diễn viên trong vai của mình, thực hiện trọn vẹn chức trách nghệ sĩ là trực tiếp truyền đạt và cuốn hút. Họ khiến cho một tiếng hát đau đớn thì vừa là chính nỗi đau vừa là cái gì khác với nỗi đau. Như Jean Paul Sartre đã viết.

Diễn cho 70 người xem! Thì có hề gì! Diễn cho 70 người xem thôi. Thì cũng như ở thời thịnh vượng của nghệ thuật này, họ đã diễn cho cả mấy ngàn người xem ở những sân khấu ngoài trời. Họ đã hát, đã diễn, như không quan tâm tới ngoại cảnh, như một nhu cầu tự thân. Như đã vào nghề là chấp nhận, đã sinh ư nghệ thì sẵn sàng tử ư nghệ!

Thời thịnh đạt nhất đã xa rồi. Ca nhạc hiện đại đang lấn át các môn nghệ thuật dân tộc cổ truyền.

Buổi biểu diễn lèo tèo vài chục khán giả hôm nay không phải là một biệt lệ. Đã có thời, đoàn phải đi tìm khán giả bằng những cuộc lưu diễn ở vùng sâu vùng xa. Bạn tôi kể: Có lần phải diễn thêm một buổi để lấy tiền mua xăng dầu cho ôtô chở anh em về. Cùng là một thân kiếp nghệ sĩ biểu diễn mà ca sĩ ca nhạc hiện đại có cátxê lên tới chục triệu mà mình đã phải kiếm sống thêm bằng nghề thợ may, trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới.

Kiếm sống thêm bằng nghề khác, nhưng đêm đêm vẫn lên sân khấu. Vẫn nhất quyết không bỏ nghề. Đoàn trưởng Xuân Hỉ bảo tôi: Chúng tôi diễn để giữ nghề! Giữ nghề! Giữ nghề là giữ lấy cái vốn nghệ thuật quý giá của cha ông. Giữ lấy cái tinh hoa văn hóa của dân tộc mà bao lớp người, trong đó có mình đã dày công chắt chiu, trau chuốt cho con cháu mai sau. Giữ nghề như người lái tàu giữ lửa trong các đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước thời trước. Như người nguyên thủy giữ ngọn lửa của sự sống và văn minh. Như giữ gìn bảo vệ tình yêu cuộc sống này

Hoàng Tuyên
.
.