Giữ ký ức về một Đà Lạt xưa

Thứ Bảy, 08/10/2016, 09:42
Tôi rất thú vị với nhận xét của một nhà báo về họa sĩ Vi Quốc Hiệp, rằng anh yêu những ngôi nhà xưa của Đà Lạt như một trẻ thơ luôn mơ thấy những nàng tiên hiện lên trong chuyện cổ tích. Mới đây, gặp anh trong những ngày thu tháng Tám tại phòng tranh ở Đà Lạt, tôi càng thấy nhận xét kia là đúng. Bởi anh hồn nhiên ca hát và lãng đãng, mơ màng trong từng lời nói, cho dù đã cận kề tuổi 70.


Hồn nhiên như cỏ cây

Phải nói Vi Quốc Hiệp là một họa sĩ của rừng núi, của hoa lá và thôn nữ cùng những ngôi nhà sàn ấm áp bên làn khói vấn vương. Được theo học hội họa từ năm 12 tuổi, suốt hơn mười năm trời, khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở Hà Nôi (1971), anh xung phong lên Hà Giang để vẽ. Anh muốn trở về với thiên nhiên bằng trái tim của một chàng trai vùng cao, nơi anh sinh ra bên dòng suối, ngọn nguồn của những dòng sông chảy về biển xanh.

Anh vẽ bằng những sắc màu lóe sáng trong sương mù, với tiếng đàn then hòa làn điệu của người Tày quê mình. Và, bức họa thành công đầu tiên của Vi Quốc Hiệp chính là chân dung “Nữ dân quân người Tày” (1972).

Người xem trầm trồ với nét xinh đẹp phúc hậu của cô gái người Tày và họ càng thấy cô gái rắn rỏi ẩn giấu sức sống khi khoác trên vai khẩu súng. Đó là hình ảnh trữ tình, lắng đọng nơi biên cương có những người con sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Tác phẩm này là thành công đầu tiên đã phần nào thể hiện một phong cách vẽ ban đầu của Vi Quốc Hiệp hướng tới một hiện thực lãng mạn.

Họa sỹ Vi Quốc Hiệp bên tác phẩm “Biệt thự Đà Lạt”.

Sau này số phận đưa đẩy, anh trở về Thái Nguyên đôi năm, rồi trôi dạt về phía Nam, đúng như tử vi đã viết về cái tuổi Mậu Tý (1948) của anh. Đó là cái tuổi đầy hứng khởi, tất bật với những công việc, và đầy sáng tạo bất cứ ở hoàn cảnh nào. Nhưng anh vẫn bám lấy rừng và sống chết với nó.

Đó là câu chuyện của năm 1978, khi anh cùng vợ con di cư lên Cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt. Những năm bao cấp, anh là cán bộ của Ty Văn hóa Lâm Đồng, vợ là nhân viên Thư viện Đà Lạt, đời sống khó khăn khi phải nuôi hai con nhỏ dại. Anh mưu sinh bằng những ngày đi vẽ pano, quảng cáo, vẽ truyền thần ngoài chợ. Thậm chí, anh còn đi viết nhạc cho cơ sở kiếm tiền. Nhưng hằng đêm anh vẫn âm thầm vẽ và say mê với Đà Lạt như một định mệnh trời trao.

Gặp nhau anh rối rít như đã quen tôi lâu lắm, và xởi lởi kể về chuyện vẽ, rồi làm thơ và viết nhạc. Nhìn lên các bằng khen trong phòng tranh của anh, tôi cứ hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Vì ngoài những giải nhất về tranh Tây Nguyên, về tranh thiếu nữ, Vi Quốc Hiệp còn được cả giải sáng tác ca khúc.

Đặc biệt, anh có ca khúc “Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn” được cả thảy đến 12 giải thưởng, khi các đơn vị đi dự thi trong hơn mười năm qua. Còn bài hát “Đà Lạt thành phố bốn mùa hoa” thì được  phát liên tục trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lâm Đồng.

Tôi cố hỏi dò mấy câu để lái anh trở về với chuyện vẽ ở Đà Lạt. Anh liền kéo tôi ra trước một kho giải thưởng và rút ra một bằng khen bức tranh “Mất rừng người về đâu” (giải A-2013). Sau đó là anh chỉ lên bằng xác lập kỷ lục về bức tranh chân dung bác sĩ Yersin, người tìm ra Đà Lạt năm 1893, bằng hàng vạn hạt đậu các loại ghép lại mà thành. Ngay sau đó anh dẫn cho tôi xem những bức tranh về Tây Nguyên như: “Lễ đâm trâu”, “Lời thượng nguồn”, “Tây Nguyên khát” hay “Giữ gìn bản sắc” (giải thưởng năm 2000)…

Khi vừa mở ra một bức tranh về hoa dã quỳ vàng lung linh trong sương giăng trên dốc đèo thì bất ngờ Vi Quốc Hiệp đọc luôn một bài thơ về Lêvitan. Giọng anh thu hút đến lạ lùng khi đọc những câu thơ buồn: “Những con đường mòn mỏi cô đơn. Ánh trăng vàng run rảy. Những đụn rơm trong đêm lổn nhổn. Thấp thoáng trong sương. Những đám cây nhấp nhô. Ôi sắc thu Nga-Lêvitan”.

Tôi sững người. Anh khoe luôn đó là thơ của anh. Nói rồi chẳng để tôi kịp lái chuyện, anh nhanh nhẹn đến bên tủ sách rút cho tôi xem tập thơ mới nhất mà anh vừa in. Đó là tập thơ thứ 7 của Vi Quốc Hiệp. Đúng là người tài “Cầm kỳ thi họa”. Thấy tôi ớ người, lúc này anh mới quay về hội họa mà tôi đã bật máy ghi âm để sẵn ngay từ lúc mới gặp anh. Thế là lại một hứng khởi mới bừng lên, từ cõi vô thường của sắc mầu. Vi Quốc Hiệp nói mà như đang vẽ trước mặt tôi…

Về với mái nhà xưa

Nói đến Đà Lạt là nói đến những rừng thông cao vút trập trùng trên mọi nẻo đường, trên mọi đồi cao. Phố cũng đan xen trong những cây thông xanh mướt. Kèm theo đó là những ngôi biệt thự cổ với nhiều kiểu dáng, khi thì gồ ghề mơ màng, khi lại nguy nga, hoặc có lúc lại như cô gái e lệ bên sườn đồi. Vi Quốc Hiệp đã lưu lại một Đà Lạt cổ trong những bức tranh vẽ biệt thự xưa. Một sự ám ảnh. Những sắc màu quyến rũ...

Khi bước vào thế giới sắc màu của anh trong phòng tranh tại nhà, ngỡ như tôi đang dạo trên những con đường xưa mà Vi Quốc Hiệp đã từng lang thang, trong cánh rừng thông mờ sương. Đây đó, lấp lánh, hoặc vút lên một ống khói ngôi biệt thự. Mỗi ô cửa như con mắt người níu kéo.

Họa sỹ Vi Quốc Hiệp và chân dung bác sĩ Yersin.

Mỗi viên gạch hồng phủ dấu rêu mốc là một giấc mơ gọi về. Cái cảm của Vi Quốc Hiệp với những ngôi nhà cổ như ẩn chứa nỗi niềm mong nhớ thầm kín. Bức tường hoang vắng cô đơn trong sương bay, hay những đóa hoa vàng rực như nắng sưởi cho trái tim lạnh buồn.

Người họa sĩ của núi rừng đi bên tôi với mái tóc bù xù mơ mộng. Đôi mắt anh như rơi lệ bên những thềm nhà bị khuất lấp với thời gian. Những ngôi nhà đã bị chôn vùi, đổ nát. Những kiến trúc hài hòa ấm ấp xưa nay còn đâu. Bên những sườn đồi giờ dầy đặc những khối bê tông nặng nề khuôn cứng. Vậy nên muốn gặp lại một Đà Lạt thực sự với vẻ đẹp mơ mộng phủ lên những biệt thự đây đó thì phải xem tranh của Vi Quốc Hiệp.

Chính một quan chức của tỉnh Lâm Đồng trong một cuộc triển lãm của Vi Quốc Hiệp đã nói, những mẫu nhà xưa trong tranh Vi Quốc Hiệp là những tham khảo quý giá khi muốn bảo tồn và phục dựng những kiến trúc cổ đã làm nên nét đặc trưng của Đà Lạt, mà không nơi nào có được.

Cái chất mộng mị của Đà Lạt trong tranh biệt thự cổ Đà Lạt của Vi Quốc Hiệp bao giờ cũng được hòa tan trong ánh sáng mờ ảo của những dàn hoa. Khi là vàng rực của dã quỳ, khi lại vàng nhạt nhòa trong sương bay với sắc hoa mimosa. Hoặc bừng lên với sắc ấm của hoa hồng, cùng với màu tím đỏ của hoa mãn thiên hồng…

Đó là tiếng gọi của thiên nhiên vang lên day dứt trong tâm hồn nghệ sĩ. Đôi lúc nó như tiếng nấc nghẹn tiếc nuối vì con người đã đánh mất nó. Hơn 300 tác phẩm về biệt thự cổ của Vi Quốc Hiệp như bản giao hưởng đồng hiện tâm trạng khắc khoải về sự vùi lấp trà đạp lên thiên nhiên của con người. Những nét đẹp u buồn, thổn thức qua ánh mắt của mỗi ngôi biệt thự. Đó chính là ánh mắt và tâm hồn Vi Quốc Hiệp dẫn dụ người xem suốt 38 năm qua. Trọn đời anh vẽ cho quê hương thứ hai của mình-Đà Lạt, là vì thế.

Những giấc mơ còn đó

Tình yêu với Đà Lạt đã hiện diện trong gần hai mươi cuộc triển lãm của Vi Quốc Hiệp trong 45 năm cầm cọ. Những ước muốn về Đà Lạt vẫn còn đầy ắp trong trái tim anh.  Cứ 5 năm, mỗi lần đến kỷ niệm thành phố Đà Lạt, anh lại bày tranh mới. Gần đây, trong dịp Festival Hoa Đà Lạt, các họa sĩ đã dựng một con đường hội họa, trong đó có anh góp phần về những hình ảnh biệt thự cổ được phóng to trên tường hoa. Anh mong ước chúng trở về bên sườn đồi và cánh rừng thông xanh như trong những giấc mơ.

Vương Tâm
.
.