Nhà văn Đức Ban:

Giọt nước mắt màu đất rỏ xuống phận người

Thứ Hai, 20/07/2015, 08:00
Cái tên Đức Ban quen thuộc trong làng văn Việt Nam dù ông là một người viết lặng lẽ ở tỉnh. Văn Chương của Đức Ban nặng chữ, nặng đời, nặng tình, giàu tính triết lý và đầy ám ảnh. Một hành trình dài của đời văn, đời người, Đức Ban chưa bao giờ ngơi nghỉ trên cánh đồng chữ.

Khi tập truyện ngắn "Giọt nước mắt màu đất" của Đức Ban xuất hiện, anh em viết văn xuôi Hà Tĩnh, trong đó có tôi, rất cảm phục. Cứ tưởng sau mấy năm làm ông quản lý đầu ngành Văn hoá của tỉnh, sau gần hai chục đầu sách đủ thể loại, giải thưởng từ Trung ương đến địa phương, đủ cả danh, phận như thế ở cái tỉnh lẻ như Hà Tĩnh, thì nghỉ hưu anh có thể an nhàn mà làm tuyển, rỗi thì gõ vài chân dung bạn bè, hoặc ngao du đây đó. Nhưng hóa ra, anh vẫn đang kiên tâm viết. Không chỉ vậy, anh còn tìm tòi cách viết tươi mới hơn.

Một điều cảm phục nữa là đọc ra trách nhiệm công dân rất cao của nhà văn Đức Ban khi cầm bút. Đức Ban đã chọn bối cảnh quê nhà, trực diện với những sự tha hóa, xuống cấp, đánh mất bản thể, đánh mất quá khứ. Những nhân vật anh hư cấu, những địa danh không có thật, người đọc có thể tìm ra nguyên mẫu bên mình, sát sạt, để làm cái việc phi văn chương là so sánh, tọc mạch tìm biết, đối chiếu, thậm chí dè bỉu. Điều mà nhiều nhà văn tránh né.

"Giọt nước mắt màu đất" rỏ xuống số phận ông lão và đội người trồng rừng lấn biển. Cả đời giữ đất thì nay đã mất đất cho một dự án nào đó. Không chỉ mất đất, ông lão còn mất luôn cả người con gái. Cô gái ra đi theo mộng đổi đời mà anh Phó tổng ngoại quốc vẽ ra. Rồi cô về với thân hình mảnh khảnh, khác xa cô gái xinh đẹp hát thờ khi xưa, có thể cô đã bị bạc tình khi gã Phó tổng có vợ con nên cô chỉ là phận tôi tớ. Ông lão biết vậy chăng, mà khi cô gục xuống ngực cha, người ta thấy từ mắt ông nhỏ ra hai giọt nước mắt màu nâu đất. Lão khóc hay đất khóc?

Nhà văn Đức Ban và bạn bè, đồng nghiệp trong buổi tọa đàm về tác phẩm của ông.

"Từng tuôn giọt lệ mấy muôn năm/ lấp cả con ngươi bởi bụi lầm" (Xuân Diệu), giọt nước mắt lầm bụi đất ấy cũng có thể rỏ xuống thân phận cô Rơi sống dưới gầm cầu. Cái thằng người con một ông to nào đấy, đã từng được bà dìu về, không, lúc ấy hãy còn là chị Rơi 25 tuổi, dáng đậm, da trắng, ngực nở nhặt lên sau một cơn say xỉn, dặt dẹo trên cầu. Chị đã cho hắn nằm trên giường đang ấm hơi thân thể trinh nguyên của mình mà cởi áo, mở khóa thắt lưng mà tắm, mà làm những động tác như khi xưa cha chị cứu người chết đuối từng làm. Chị đã xúc động thánh thiện bao nhiêu thì khi tỉnh lại hắn lại thanh minh với cái giọng nhẹ tênh tênh bấy nhiêu. Thế rồi hắn lại mò xuống gầm cầu trong một đêm mưa rét khác. Lần này hắn không say mà xuống chiếm đoạt chị. Chị buông mình dâng hiến. Rồi chị lên gặp hắn, giờ là ông to. Ông  to đã bằng giọng nhẹ tênh mà hứa sẽ về thăm, khi biết chị đã sẩy thai.

Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, chị Rơi đã thành bà lão lẩn thẩn, ăn xin ăn nhặt. Bao nhiêu việc trên đời bà lão có thể quên, nhưng cái giọng nhẹ tênh của cái ông to trong ngày về khánh thành cầu mới và cho nổ phá cầu Giằng của bà thì bà nhớ. Bà đã nằm dán mình lên mặt cầu mà giữ. Bà làm sao giữ ! Rồi bà chết. Bà chết chỉ có gió mưa khóc bà (Người đàn bà bên cầu Giằng).

Trong "Giọt nước mắt màu đất" gồm 9 truyện, thì đã có 4 nhân vật chính trong 4 câu chuyện đã chết, phải chết. Tác giả đã để ông lão mất đất thiêng trên khu đất dự án có đền thờ Mẫu và bà lão giữ tình trên cái cầu xưa, chết là đúng rồi. Khóc cho họ, rỏ giọt nước mắt màu đất cho họ là cách xử lý đúng, không khác được. Nhưng đến cái chết của anh chàng Hân (Thăm thẳm rừng xanh), từ một anh cán bộ văn hóa, ham chơi, thích hưởng thụ, bằng mọi cách lấy được người đẹp con ông chủ, rành rẽ trong thăm thẳm rừng xanh. Giàu có nhờ lách rừng, trốn biên phòng, chẳng may sa hẻm, thân tàn ma dại. Rồi Hân chết trong phòng ngủ trong khi vợ đang đãi tiệc tối, có tắm táp hút xách, có khách ngủ quen vài ba hiệp mỗi đêm.

Hân chết là đúng rồi, nhưng tôi thấy thảm cho cái cô vợ là người mẫu, từng bỏ chồng đi hàng tháng làm ăn, rủ trai đến nhà còn cho "3 phút thì rũ ra thành bún", rồi coi chồng "không còn sức chiến đấu mà ghen tuông thì khiếp". Cô vợ này đang hừng hực thế, khi cầm ly bia vào phòng ngủ của chồng thấy cảnh Hân "bặn người đầu chúc xuống nền nhà" thì: "lạnh người, đưa tay ôm mặt, người đàn bà cắn răng để khỏi rú lên".

Đến cái chết của ông to làng Yên (Sóng bến Duyềnh) thì lại là chuyện khác nữa. Ông này cơ hội, từ làm bèo hoa dâu, đến kêu gọi cả làng phá đình, phá chùa, phá cả thượng điện nhà thờ cụ tổ Đào Thinh của mình. Rồi ông lên làm to. Làm to thì ông chỉ thị làm lại di tích cho cụ tổ. Ông mở tiệc khoản đãi, rượu bia như suối, tay sáu ngón nhoáy điện thoại tanh tách. Bao nhiêu là quan khách tay chân, cô áo đỏ, cô áo trắng đẹp như tranh vẽ tận tình phục vụ từ A đến Z. Nhưng nghiệp chướng đã đến với ông từ cái cô áo đỏ có miệng và đường lông mày giống hệt ông. Cô ấy chụp hình ghi âm sao đó rồi tung ra.

Thế là ông, một ông to đã bị "hội săn bắt sếp" bắn hạ. Thân bại danh liệt ông về quê. Ông ôm quần áo ra nhà thờ tổ Đào Thinh sống những ngày mù lòa sám hối. Ông ngã vập đầu xuống đá bến đò Duyềnh, nơi khi xưa ông từng ân ái với chị chèo đò mà sinh ra cô áo đỏ. Ông có chết được không? Nếu chết được là may cho ông!

Trong "Giọt nước mắt màu đất", có một vấn đề mà nhà văn đau xót không thể rỏ được nước mắt ấy là tình trạng, sa đọa của đời sống văn hóa. Từng nhiều năm làm quản lý đầu ngành, Đức Ban thông thuộc các mặt phải trái của đời sống văn hóa hôm nay. Nhưng nhìn vào thực trạng thì thật nản. Có di tích thì không được bảo vệ, có di tích thì "có cái tên với lời truyền khẩu, còn ruột rỗng, sử sách thì thời thế này, thời thế khác, chân dung đức vua thì họ tộc thuê người khác vẽ, đức tin chỉ là thứ sương lờ mờ váng vất trong tiềm thức", cả đến bậc giáo sư thì xem cổ vật cũng chỉ xem cho biết, hời hợt (Lối trong rừng). Anh nhà văn thì làm cảnh, tán tụng lãnh đạo (Sóng bến Duyềnh). Anh họa sỹ vắt sức ra vẽ, tô đẹp cho đời thì nghèo khổ, vợ bỏ, sống mà không biết ngày mai, chẳng biết rồi sẽ đi đâu (Trong mưa). Người thì bỏ nghề mong đổi đời để chơi, để hưởng thụ như Hân, người thì như Trần Giảng (Thăm thẳm rừng xanh), hôm trước còn chửi bới lão Thọ buôn lậu, sau lại phải nghỉ hưu trước tuổi vì dính vào buôn xương hổ cho lão. Rồi thành anh gác chợ cho lão.

Từ cái xuống cấp thảm hại ấy nên mới xảy ra những tệ nạn quan tham, đương chức đã tính đến cất giữ chiếm đoạt cả lô đất 13 trên cái khu Kẻ Xá xa xôi (Chốn xưa) hay tìm chức cho con sau những ngày dặt dẹo của bố ông to sau phá cầu Giằng (Người đàn bà bên cầu Giằng). Từ những bữa tiệc sa đọa của người đẹp Ngọc Diệu (Thăm thẳm rừng xanh) tới tiệc rượu hành lạc của ông nạn nhân “săn bắt sếp”... (Sóng bến Duyềnh). Ngòi bút Đức Ban đã bật tung những thói tật phi văn hóa này. Và cho đến cảnh cô chủ giàu có biết đi tìm người giỏi chăm chồng ốm, người tiêu biểu mà báo đài đưa tin, để chăm con chó ốm -chàng Pin của cô (Nước chảy) thì hết nói. Chi tiết này đắt hơn bao lời bàn luận về sự suy đồi, xuống cấp của đạo đức, lối sống kệch cỡm, trưởng giả hôm nay !

Và có một điều nữa tôi đọc được ở "Giọt nước mắt màu đất" của Đức Ban mà anh thâm trầm lên án. Đó là thói vô cảm. Ở truyện ngắn "Trong mưa" anh đặt đầu sách, ngoài cái việc lên án sự bội nghĩa, truyện còn đẩy cao trào của sự vô cảm thành bản năng. Bản năng ấy đã nuôi cái mầm vô cảm thúc tội ác mọc lên. Không chịu được mà không nói nữa, không phản biện, là căn bệnh trầm kha.

Trong lời bình của "Nhà văn và tác phẩm" sau phần biểu dương "những đóng góp đáng kể của Đức Ban về mặt thể tài còn ở chỗ dù kể về báu vật vu vơ đã mất, về văn hóa khi bị kinh tế xâm lăng... còn thoáng nỗi buồn tỉnh lẻ như một dư vị không hết". Tôi nghĩ thêm, nếu sống cùng các nhân vật của Đức Ban thì nỗi buồn không chỉ "thoáng" mà nó xộc lên, khía vào trái tim ta. Nó mạnh và sắc. Nó làm nên giá trị những trang văn của anh, khi rỏ những giọt nước mắt màu đất xuống những phận người.

Trần Đắc Túc
.
.