Giọng điệu trong thơ viết cho thiếu nhi của Huy Cận
Chỉ tính riêng thơ, so với những người bạn văn chương cùng thời, số lượng tác phẩm ông để lại tương đối lớn. Huy Cận sáng tác thơ cho mọi lứa tuổi, trong đó thơ cho thiếu nhi là một mảng đặc sắc của ông.
Tấm lòng thiết tha với tuổi trẻ, thiết tha với cuộc đời đã giúp ông hòa nhập vào thế giới mơ mộng và đầy màu sắc huyền thoại của trẻ thơ. Cái tôi trữ tình của Huy Cận hóa thân vào cô bé, cậu bé hồn nhiên, ngộ nghĩnh để khám phá thế giới và phát hiện ra bao điều kì diệu.
Trong 27 tập thơ đã xuất bản của Huy Cận có không ít tác phẩm viết cho thiếu nhi được các em đón đọc với tình cảm mến yêu. Trong đó, "Hai bàn tay em" là tập thơ được Huy Cận viết với một giọng điệu đa dạng: Hồn nhiên, dí dỏm khi viết về loài vật; tâm tình, dịu dàng khi viết cho con; ngợi ca khi viết về những thiếu niên dũng cảm…
Trước hết, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy rằng trong số 40 bài thơ của tập "Hai bàn tay em" có tới 12 bài viết về loài vật. Mặc dù có những điểm chung, song nếu đọc kỹ ta lại thấy mỗi bài thơ có một giọng điệu riêng phù hợp với những không gian khác nhau được tác giả chọn để miêu tả.
Có khi, bài thơ như một lời tâm tình của một nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp thanh khiết của thiên nhiên, vẻ đáng yêu của con chim chiền chiện. Bởi thế sắc điệu nhẹ nhàng, êm ái như lời thủ thỉ, tâm tình: Chim ơi chim nói / Chuyện chi chuyện chi (Con chim chiền chiện).
Cách sử dụng phương ngữ, hai tiếng "chi" với thanh ngang làm cho giọng thơ càng nhẹ, càng êm và lời thơ như bay lên, quanh quẩn đâu đây làm ta vui như có một người bạn hiểu và yêu ta ở cạnh bên.
Viết về con tôm, ta lại cảm nhận được giọng vui tươi, dí dỏm như chính tâm hồn trẻ thơ các em: Bạn ơi bạn đừng/ Bạn đừng bắt chước /Con tôm nó đi/ Nó đi thụt lùi (Con tôm)
Bài thơ chứa đựng một lời khuyên nhưng hết sức nhẹ nhàng, như một lời thủ thỉ, tâm tình thật gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc.
Cũng có khi giọng thơ giống như tiếng cười trong trẻo của trẻ nhỏ, vừa mang giọng kể, vừa mang giọng tả hành động của con vật: Sóc ta dậy sớm /Cái đuôi quét trời/ Bốn chân nghịch ngợm / Chẳng yên đứng ngồi (Con sóc).
Vừa kể, vừa tả lại vừa ngợi khen sự chăm chỉ, năng động, vui vẻ của con sóc. Qua đó, ta thấy được tình cảm yêu mến đặc biệt của tác giả dành cho con vật.
Câu chuyện em bé ham mê quan sát cá quên học bài cũng được tác giả kể bằng giọng kể chậm rãi như cổ tích: Cá chép đẻ mùa xuân/ Cá mè sinh mùa hạ/ Cá mè đẻ ngược dòng/ Năm một lần vất vả (Cá).
Trong giọng kể pha lẫn chút cổ tích ấy còn kèm một lời khuyên các bạn nhỏ không nên quá ham mê các loài cá đến quên cả học hành như em bé trong bài.
Cũng là giọng kể vui tươi song có sự thay đổi liên tục phù hợp với không khí háo hức, nô nức của cuộc thi nghé. Những con nghé giống như những em bé hân hoan đón chào ngày hội: Nghé hôm nay đi thi/ Cũng dậy từ gà gáy/ Người dắt trâu mẹ đi/ Nghé vừa đi vừa nhảy…(Thi nghé).
Đọc bài thơ, chắc chắn mỗi em bé đều thích thú và hình thành những tình cảm mới mẻ, lạ lẫm với những chú nghé con đáng yêu.
ở những bài tả cảnh có sự xuất hiện của loài vật thì giọng thơ lại mang những sắc thái riêng. Bài thơ "Mỗi sáng mai về" ta lại bắt gặp khá nhiều con vật quen thuộc với nhiều giọng điệu khác nhau: giọng kể, giọng tả, giọng tâm tình. Bài thơ được mở đầu bằng giọng tả hết sức tinh tế: Mỗi sớm mai về/ Gió lo dậy trước/
Không chỉ vẽ nên khung cảnh buổi sáng mà nhà thơ còn thổi vào bức tranh phong cảnh ấy một cái hồn làm cho bài thơ trở nên đầy sức sống. Sau khúc dạo đầu, câu chuyện được kể một cách hết sức tự nhiên, các con vật, sự vật lần lượt tỉnh giấc với những cách chào ngày mới khác nhau để rồi trở nên thật trìu mến khi đánh thức em nhỏ: Bé ơi! Bé dậy/ Đến trường mầm non (Mỗi sớm mai về).
Câu thơ chứa chan sự vỗ về, nựng nịu. Đó là nghệ thuật khi tiếp cận với trẻ nhỏ mà không phải ai cũng có được.
Như vậy, ở các bài thơ viết về loài vật ta có thể thấy được giọng điệu được lựa chọn rất phù hợp với đối tượng. Điều đó cũng góp phần khẳng định phong cách thơ Huy Cận.
Không nhiều giọng tả, phần lớn là lời tâm tình, thủ thỉ của tác giả khi viết về trẻ thơ: Có khi một mình/ Nhìn tay thủ thỉ:/ Em yêu em quý/ Hai bàn tay em (Hai bàn tay em).
Có những kỉ niệm về những người thân yêu ruột thịt được kể ra theo dòng hồi tưởng của tác giả thật xúc động. Ngày xưa tác giả đã nhường lại cho em mặc chiếc áo cũ của mình và giờ đây câu chuyện lại lặp lại với các con của ông. Lúc ấy, chiếc áo tuy đã cũ nhưng thấm đượm tình cảm yêu thương: Ôi chiếc áo chiếc áo! Một ruột mẹ rứt ra/ Anh em cùng máu mủ/ Chiếc áo liền thịt da (Chiếc áo cũ của bé).
Vượt lên sắc thái đều đều của giọng kể chuyện, dòng hồi tưởng được đẩy lên cao điểm bởi tình cảm vỡ òa trong lòng tác giả làm người đọc không khỏi xúc động.
Huy Cận có rất nhiều bài thơ viết tặng cho các em bằng giọng kể chuyện có xen lẫn miêu tả khiến câu chuyện trở nên sinh động. Ông mong mỏi từng ngày chào đón con ra đời, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi được ngắm bức tranh người mẹ trẻ ngồi tựa cổng cho con bú, vui hơn khi xa nhà được tin con tập đi, thấy mình trẻ lại trong ngày tựu trường của con, tự hào khi các con của mình biết chăm sóc cho nhau để cha mẹ yên tâm làm nhiệm vụ, tự hào khi các con quấn quýt bên cha, đầy yêu thương khi được quạt cho con ngủ, được tới trường mẫu giáo đón con mỗi chiều, vui phấp phới khi con vào đội. Đó cũng là cái tài để thu hút các em đọc, hiểu và yêu hơn những vần thơ ông.
Rõ ràng, có sự khác biệt khá lớn về giọng điệu khi Huy Cận làm thơ cho các em thiếu nhi. Có một sự tươi mới cuốn hút các em đến kì lạ. Bởi thế, mặc dù mang những đặc trưng lịch sử rất riêng song trải qua trên dưới nửa thế kỉ, thơ Huy Cận vẫn được trẻ em và cả những bậc làm cha làm mẹ đón nhận với những tình cảm mến yêu.
Khi còn là thiếu nhi, bản thân tôi cũng đã dành rất nhiều tình cảm mến yêu cho những bài thơ của Huy Cận viết cho lứa tuổi măng non. Xin được trải lòng với những vần thơ ông viết như một cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới một nhà thơ có cá tính sáng tạo độc đáo và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn học của dân tộc