Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trần:

Gió đã ngừng thổi trên "cách đồng văn"

Thứ Tư, 26/02/2014, 08:00

Điều thú vị là, khi tự "kết sổ" đời văn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng lại đi ngược. Ông không tự hào về 2 kịch bản phim đã từng đem lại Huy chương vàng và bạc trong Liên hoan phim toàn quốc năm 1980 là "Cánh đồng hoang" và "Mùa gió chướng". Ông cũng không tự hào về những truyện ngắn, tiểu thuyết đã luôn gắn với tên ông mỗi khi nhắc tới với người đọc là "Chiếc lược ngà", "Quán rượu người câm", "Mùa gió chướng"... Tác phẩm ông tự hào nhất, và coi là sự nghiệp chính, là tiểu thuyết "Đất lửa"...

Ngay sau Tết dương lịch 2014, tôi được nhà văn Nguyễn Quang Sáng hẹn làm việc tại nhà riêng, một biệt thự rất đẹp trong khu cư xá ngân hàng ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, Tp HCM. Giao mùa, sức khỏe của nhà văn sút đi trông thấy. Đôi mắt ông nhòe đục. Bàn tay cử động không còn được linh hoạt. Chỉ có khối óc vẫn rất minh mẫn, nói chuyện vẫn mạch lạc, say sưa.

Nhà văn cho biết, ông vừa hoàn thành kịch bản bộ phim truyện dài 90 phút có tên "Khoảnh khắc" nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đến giờ tôi mới biết, tôi may mắn là một trong số không nhiều những phóng viên đã được gặp và làm việc cùng ông trong những ngày cuối cùng của đời ông...

Nhà văn thích đi ngược

Nếu người ta thường bắt đầu viết văn xuôi bằng truyện ngắn, rồi sau đó mới đi vào tiểu thuyết thì nhà văn Nguyễn Quang Sáng bắt đầu gia nhập làng văn bằng cuốn tiểu thuyết "Đất lửa".

Nếu người ta thường xuất phát từ truyện ngắn, tiểu thuyết để chuyển thể thành phim thì Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản phim trước, thấy phim thành công, mới trở lại "chuyển thể" thành truyện ngắn. Đó là trường hợp của kịch bản phim "Cánh đồng hoang".

Những sự "đi ngược" đó không phải cách nhà văn miền Tây này cố tình chơi trội. Nó chỉ giản dị và quen thuộc như tính cách của người dân nơi đây, thấy cần làm gì thì làm, miễn sao thoải mái là được!

Ông sinh ra ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi khởi nguồn và phát triển rất mạnh Phật giáo Hòa Hảo. Ông không nhập đạo nhưng hầu như mọi người trong họ hàng bên nội của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đều theo tôn giáo này. Sự gắn kết với môi trường tôn giáo Hòa Hảo đã trở thành điều suy ngẫm luôn trăn trở trong ông.

Đó là cái cớ lớn nhất để sau này, ngay trong cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên "Đất lửa", nhà văn đã viết về nó. Những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Long Châu Sa, Nguyễn Quang Sáng làm ở Phòng địch vận thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Do đó, ông có điều kiện đọc, tìm hiểu tất cả tài liệu sách báo liên quan tới phía địch, trong đó có cả vấn đề tôn giáo. Và từ đây, ông viết tiểu thuyết "Đất lửa" như để kể lại cuộc đời mình theo một cách khác.

Tiểu thuyết "Đất lửa", với nhà văn Nguyễn Quang Sáng là chỗ để ông giãi bày khoảnh khắc hoang mang tuổi trẻ giữa những biến cố chưa được minh định của thời cuộc. Lựa chọn bên này hay bên kia? Những hiểu lầm cần được giải quyết ra sao? Cứ thế, chỉ trong 7 ngày liên tiếp, giữa rừng U Minh, quên ăn quên ngủ, Nguyễn Quang Sáng hoàn thành tiểu thuyết "Đất lửa".

Viết xong, ông gấp lại bản rồi thảo mang ra Bắc trong đợt tập kết năm 1954. Những vấn đề đặt ra trong cuốn sách tại thời điểm ấy chưa dễ đả thông tư tưởng. Phải mãi tới hơn 10 năm sau, tức năm 1963, "Đất lửa" mới được xuất bản. Từ đó tới nay, cuốn sách đã được tái bản bốn lần,  từng được dịch sang tiếng Đức.

Điều thú vị là, khi tự "kết sổ" đời văn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng lại đi ngược. Ông không tự hào về 2 kịch bản phim đã từng đem lại Huy chương vàng và bạc trong Liên hoan phim toàn quốc năm 1980 là "Cánh đồng hoang" và "Mùa gió chướng". Ông cũng không tự hào về những truyện ngắn, tiểu thuyết đã luôn gắn với tên ông mỗi khi nhắc tới với người đọc là "Chiếc lược ngà", "Quán rượu người câm", "Mùa gió chướng"... Tác phẩm ông tự hào nhất, và coi là sự nghiệp chính, là tiểu thuyết "Đất lửa".

Duyên nợ chữ nghĩa

Thuở nhỏ, thứ nghệ thuật mà Nguyễn Quang Sáng đam mê và thể hiện rõ rệt năng khiếu là âm nhạc chứ không phải văn học. Thời kháng chiến, bài hát ông thường ngâm nga nhiều nhất là bài "Giọt mưa thu". Đi học, trong lớp của ông có những người bạn phát lộ năng khiếu văn chương sớm hơn ông nhiều như Đoàn Vĩnh Hối, Lê Vĩnh Hòa. Khi giấc mộng âm nhạc không thành, ông chuyển qua văn chương cũng bởi bị cuốn hút với chữ nghĩa từ những người bạn đó.

Tất cả đều chỉ là tự học. Ông học viết văn qua việc đọc những tinh hoa văn chương nhân loại và trong nước rồi gắn kinh nghiệm với thực tế cuộc sống mà cho ra tác phẩm. Có lẽ Nguyễn Quang Sáng cũng là một trong số những nhà văn thuộc "phe" ủng hộ việc không ghi chép vào sổ sách khi đi thực tế. Hơn một lần, ông từng nhấn mạnh khi trò chuyện với các nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh, rằng người viết cần phải "nhập cuộc, nhập cuộc và nhập cuộc" với đời sống nhân dân. Và điều quan trọng, phải "nhập thật", tức là phải trở thành một phần của cuộc sống ấy chứ không chỉ là nhà văn đang quan sát cuộc sống đời thường.

Năm 2000, tham gia trại viết Giải Cây bút vàng của Tạp chí Văn hóa  - Văn nghệ Công an (nay là Văn nghệ Công an), cùng với các lão nhà văn: Nguyễn Khải, Trúc Chi, Phạm Đình Trọng… nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cuốc bộ trèo tuốt lên đỉnh núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Lớn tuổi nhưng ông vẫn phăm phăm khiến những người không trẻ nhưng cũng chưa già lắm như nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà thơ Phan Quế, nhà báo Vũ Cao phải bở hơi tai mới có thể theo kịp. Lên đến nơi, ông cười khà khà: "Đánh Mỹ, tao đi bộ từ Bắc vô Nam còn không mỏi, có mỗi ngọn núi này thì nhằm nhò gì!".

Chất liệu đời sống, ông không ghi vào sổ mà "ghi chép vào trong bụng". Khi viết, ông cũng không lập đề cương trước, ngay cả với tiểu thuyết. Mọi ý đồ đều được ông nghiền ngẫm, sắp xếp sẵn ở "trong bụng" thật kỹ, thật chín. Và khi đã ngồi xuống bàn là chỉ viết và viết mà thôi.

Là tác giả của nhiều bộ phim danh tiếng lẫy lừng, nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn cho rằng, mãi sau khi đã hoàn thành kịch bản phim truyện "Mùa gió chướng" (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của ông) ông mới tự tin là đã biết cách viết thế nào để "đạo diễn có thể quay được". Với ông, rất giản dị, viết văn thì phải có văn, còn viết kịch bản phải có "hình", miễn sao đọc lên người ta quay được, đóng được. Sau khi truyện ngắn "Chị Nhung" của ông được chuyển thể thành phim, ông nhận ra thêm điều nữa: Mình cũng có thể làm biên kịch!

Và sau cuộc "tập dượt" lần đầu với kịch bản "Mùa gió chướng", ông đã bớt vất vả hơn với kịch bản "Cánh đồng hoang". Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo rằng ông có hai người con song sinh nhưng… không cùng mẹ. Sáng 18/1/1978, ông đưa vợ đi sinh cậu bé Nguyễn Quang Dũng (đạo  diễn Dũng "khùng" nổi tiếng sau này). Xong, ông về nhà đóng cửa ngồi viết một mạch. Đến chiều thì "đứa con" thứ hai lộ hình hài, đó là kịch bản "Cánh đồng hoang", bộ phim sau này đã giành nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước!

Một người tốt số quy tiên

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng sống và làm việc ở Hà Nội 9 năm liền (1954-1963) và từng có nhiều năm làm biên tập viên văn nghệ ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều người ca ngợi bài tùy bút về "Phở" của nhà văn Nguyễn Tuân nhưng chắc ít người biết, bài viết đó, Nguyễn Tuân đã viết theo sự đặt hàng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, khi ấy đang phụ trách mục "Tổ quốc ta tươi đẹp vô cùng" trên sóng phát thanh. Tất cả những gì là đẹp nhất, đặc sắc nhất của dân tộc đều được ông lựa chọn đưa vào chương trình. Trong phương diện ẩm thực, "Phở" của Nguyễn Tuân đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng lựa chọn.

Sau giải phóng, nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc nổi tiếng như Văn Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… khi vào thăm miền Nam, thăm Tp HCM đều tìm đến Nguyễn Quang Sáng. Trong mắt họ, không nhà văn nào đậm đặc chất "Nam Bộ chịu chơi" hơn Nguyễn Quang Sáng. Nhà văn miền Nam gắn bó và hiểu nghệ sĩ đất Bắc, người như Nguyễn Quang Sáng cũng không nhiều. Người ta đã quá quen thuộc hình bóng thấp đậm, to ngang, nách cắp chai rượu - trước là chai đế, sau này độc mỗi nhãn Chivas của bạn bè biếu - của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong những cuộc gặp gỡ giao lưu.

Có một tình bạn vong niên rất cảm động giữ bộ ba gồm nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Lữ Giang. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX cho đến khi mất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ít khi xuất hiện ở những chốn hội hè đông đúc. Ông thường lặng lẽ ngồi bên ly rượu - từ đầu chí cuối chỉ  một ly thôi - với vài người bạn thân và tiếng dương cầm, tiếng ghi ta trong căn nhà yên tĩnh ở đường Phạm Ngọc Thạch. Hầu như không mấy khi thiếu nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở bên. Có khi nửa đêm, Trịnh Công Sơn vẫn nhấc điện thoại lên chỉ để nói một câu: "Sơn buồn"! Chỉ cần thế thôi, ít phút sau nhạc sĩ của những ca khúc buồn đã có nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Lữ Giang ngồi cạnh, nghe tiếng đàn Sơn gõ phập phừng đốt hết đêm mà hầu như không ai nói câu nào!

Sống hết mình, chơi hết mình và làm việc cật lực, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho đời những trang viết rất có thần, đậm chất thô mộc nhưng ấm áp như tình người Nam Bộ. Ông cho biết, ông luôn đi đến cùng với tác phẩm của mình, dù đó là truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch bản phim.

Đối với đông đảo bạn đọc và nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng được xem như một cây đại thụ của văn học miền Nam. 5h chiều 13/2/2014, lá cành của cây đại thụ ấy đã thôi lay trong gió. Xin thắp một nén nhang để tiễn ông, văn tài đã cháy hết mình. Hẳn ông sẽ ra đi thanh thản, bởi trong đời, ông đã sống một đời sống đẹp

Dương Kim Thoa
.
.