Tản văn

Giao thừa năm pháo!

Thứ Bảy, 05/02/2011, 08:11

Theo tin từ các báo thì chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển và tàng trữ pháo lậu. Gần nhất là vụ Công an huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bắt giữ một đối tượng tàng trữ tới 1.900 hộp pháo diêm và 284 quả pháo hoa hôm 6 tháng giêng vừa qua…

Có cung ắt phải có cầu. Bởi đây đó vẫn có người còn tỏ ra "lưu luyến" với tiếng pháo đêm giao thừa, cũng như một số bạn trẻ vì chỉ nghe tiếng pháo nổ đơn lẻ nên chưa hình dung ra nỗi kinh hoàng của người dân thành phố trước nạn đốt pháo thời chính phủ chưa cấm, tôi xin kể lại câu chuyện sau đây:

Con gái tôi sinh ngày 19 tháng chạp năm Tân Mùi (23/1/1992). Chỉ còn 11 ngày nữa thì vừa đúng Tết.

Là người có căn hộ chằn chặn mười mét vuông nằm lọt thỏm giữa khu tập thể cao tầng (ở một khu phố Hà Nội), đã từng chứng kiến những giây phút giao thừa sặc sụa khói pháo, tôi thực sự lo sợ cho sự an toàn sức khỏe của cô con gái nhỏ xíu khi giao thừa tới. Đến như người lớn trong nhà mà còn nháo nhác cả lên, kẻ chạy đầu này, người bổ đầu kia, lúc ở cửa trước, lúc ngấp nghé cửa sau, vậy mà vẫn không thoát nổi cơn ho kinh sợ, cuống họng lờm lợm vị "ngọt" thuốc pháo. Thật cứ như con dế cả hai đầu đều bị đổ nước chặn họng. Kinh nghiệm cho thấy, cần phải cho con bé đi "sơ tán". Mọi người ngay từ đầu cũng đã khuyên can tôi như vậy. Nhưng dở một nỗi, ngày Tết…biết đi đâu. Lang thang nhà nọ nhà kia nhỡ đâu…"rông" cả năm (vừa rông cho mình, vừa rông cho cả người ta). Tôi đang băn khoăn bàn định phương kế với bố mẹ tôi, nhà cách căn phòng nhỏ của tôi có một mặt đường, thì chợt nghe tiếng pháo nổ thành dây. Mẹ tôi hoảng quá giục tôi:

- Kìa, chạy về nhanh đi, không tí nữa pháo nổ nhiều, không qua đường được đâu!

Tôi bế con te tái chạy về, đóng vội cánh cửa cho mảnh pháo của nhà trên tầng gác khỏi văng xuống. Vừa hay, đúng lúc thiên hạ nhất loạt châm lửa, tiếng pháo dội vang rền, từ tường bê tông này âm sang tường bê tông kia, nghe như trời long đất lở. Cháu bé nhà tôi, mặc dù được quấn bông, bịt tai khá kĩ, vẫn kinh hoàng vùng vẫy mà khóc thét. Cuống quít không biết làm thế nào, tôi bồng con qua tay vợ, rồi xông ra chỗ ổ phích, cắm đài, mở loa thật to, mong sao cho tiếng nhạc át đi tiếng pháo. Quả tình cảnh có đỡ hơn thật. Tiếng nhạc dậm giật hòa với tiếng pháo thành một thứ tiếng nhiễu loạn, loảng xoảng, nghe ra còn đỡ sợ hơn thứ tiếng "giật cục" kia. Nhưng đỡ được mặt này, thì liền đó, lại gay mặt khác, ấy là màn khói qua lỗ hoa là ngà tràn vào nhà, và chỉ trong chốc lát, cả căn nhà như chìm trong màn sương sớm. Tôi thét giục vợ tôi bế con ngồi ra giữa giường tùm lum trùm chăn bông lên để che cho con. Còn tôi thì cuống cuồng lao ra bật… quạt trần.

Thời tiết đang giá lạnh mà lại bật quạt, quả là…điên thật. Nhưng không bật thế không được, con người sặc sụa vì pháo mất. Quạt chạy, còn tôi thì như con choi choi ở bên dưới, chẳng khác gì  Đông Ki Sốt trước cối xay gió vậy. Dĩ nhiên nhờ "phương kế" ấy mà "sự cố" kia cũng có giảm đi phần nào. Cuối cùng thì khói pháo cũng tản dần, tiếng pháo đã vãn hẳn.

Tôi mở vội cửa ra cho không khí bên ngoài ùa vào. Bên kia đường trước cửa nhà bố mẹ tôi, mâm cỗ đã được bày ra, nhưng sao bà ngoại tôi vẫn cứ thập thò mãi vẫn chưa ra thắp hương thế kia. Thì ra, chỉ tại mấy thằng ôn con đang nghịch. Chúng dùng pháo ném chơi như ném… lựu đạn khiến cụ ngoại nhà tôi chân toan bước ra mà lòng dạ không yên.

Chính bởi chứng kiến những giây phút giao thừa như thế nên khi nghe tin có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm đốt và sản xuất pháo nổ, cá nhân tôi hết sức hoan nghênh. Và giá như có bảo tôi đón giao thừa bằng cách vỗ tay…thay pháo, tôi cũng sẵn sàng

Tường Duy - VNCA Xuân 2011
.
.