Giáo sư Vũ Khiêu: Người cha và người thầy khoa học của tôi

Chủ Nhật, 02/02/2014, 08:00
Là một trong những giáo sư đầu ngành Triết học và cũng là người đặt nền móng cho các ngành Mỹ học, Đạo đức học, Xã hội học thời kỳ mới giải phóng miền Nam năm 1975, ông phụ trách Viện Khoa học Xã hội tại Tp HCM rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nên ông làm việc rất nhiều. Ông không bao giờ ngủ trước 12h đêm. Lối làm việc này đã ảnh hưởng tới cả ba thế hệ con, cháu của ông...

Năm 1965, khi còn là một cô học sinh lớp 9, tình cờ tôi thấy trên bàn của chị gái tôi một cuốn sách nhỏ có cái tên rất hấp dẫn là "Đẹp" của tác giả Vũ Khiêu. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ đây là một cuốn tiểu thuyết nhưng càng đọc thì càng thấy không phải như vậy. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của cuốn sách thật là kỳ lạ. Nó khiến tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối. Lúc đó, tôi không hiểu nhiều lắm về triết học, chỉ nghĩ rằng, nếu quả triết học như là cuốn "Đẹp" thì nó cũng đâu có quá phức tạp, mà trái lại, thật dễ đi vào lòng người.

Sau này, khi đã là sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Quốc gia ngày nay) thì chính những cảm xúc từ quyển "Đẹp" là một trong những động lực thúc đẩy niềm đam mê môn triết học (khoa học của các khoa học) của tôi. Về tác giả cuốn sách, tôi hình dung ông còn rất trẻ, hóm hỉnh và chắc là hơn tôi khoảng 10 tuổi vì văn phong của ông rất trẻ trung, tươi mới.

Thời gian trôi qua, năm 1972, tôi trở thành phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Tôi đã gặp một đồng nghiệp nam là Đặng Vũ Cảnh Khanh. Người ta giới thiệu với tôi anh là con trai trưởng của Giáo sư, nhà triết học, mỹ học Vũ Khiêu. Khi đó, tôi đã hết sức ngạc nhiên. Hóa ra, tác giả cuốn "Đẹp" mà tôi hằng ngưỡng mộ đã gần 60 tuổi.

Thời gian này, do thân với anh Cảnh Khanh, tôi cũng được dịp tiếp cận nhiều hơn với các tác phẩm của Giáo sư Vũ Khiêu như "Anh hùng và nghệ sĩ" và các tác phẩm về Nho giáo, Đạo đức… Bạn bè tôi, những người đã may mắn được nghe Giáo sư  Vũ Khiêu nói chuyện về triết học, mỹ học đều tấm tắc nói với tôi về nội dung và phong cách nói chuyện truyền cảm đặc biệt của ông. Cùng với lòng kính trọng đối với người cha, tôi cũng dần thân hơn với người con của ông. Chúng tôi kết hôn năm 1974 và bắt đầu từ đây, tôi thực sự sống trong bầu không khí học thuật và nghệ thuật của gia đình ông.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng hoa, chúc tết Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu và gia đình.

Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà khoa học nghiêm túc nhưng lại có phong thái rất nghệ sĩ. Có lẽ bạn bè thân thiết trong giới nghệ sĩ của ông còn nhiều hơn cả trong giới khoa học. Ông kết giao với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà đạo diễn sân khấu, các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng của đất nước. Sau đám cưới của chúng tôi, ông còn mời riêng một "tiệc cưới nhỏ" rất đạm bạc tại nhà.

Thật ra đây chỉ là một căn phòng nhỏ hơn 30 mét vuông, vừa là nơi làm việc, vừa là khu bếp ăn và cũng là nơi sinh hoạt cho một đại gia đình gồm ba thế hệ với ngổn ngang sách vở, tài liệu, tranh ảnh, đĩa nhạc, máy chữ, các mộc bản chữ Hán cổ… Đến giờ, tôi vẫn không thể tưởng tượng được vì sao cái "căn nhà Thạch Sanh" này lúc đó lại bỗng như rộng rãi hẳn ra, chứa được cả đến hơn 20 nghệ sĩ danh tiếng là bạn bè của ông. Họ gồm Giám đốc nhà hát cải lương Nam Bộ, đạo diễn, nghệ sĩ Lưu Chi Lăng, nghệ sĩ, soạn giả Sỹ Tiến, vợ chồng nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhà thơ Hoàng Trung Thông, họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Mai Long, họa sĩ Trọng Kiệm, nghệ sĩ Anh Đệ… Trong không khí đầy ấm cúng và ồn ào của tiếng cười, tiếng nhạc, tiếng ca, cả rượu và cả thơ, các ông đã ngẫu hứng mở cho chúng tôi một băng vọng cổ mừng chúng tôi, trong đó có câu: "Đã bao lần xuân qua rồi xuân đến/ Giây phút này mới thật là xuân…".

Lúc đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối cùng đầy khốc liệt. Những phút giây lãng mạn cực kỳ quý hiếm mà các bạn bè nghệ sĩ của bố chồng tôi mang đến đã khiến chúng tôi cứ như sống ở trên mây cao vậy. Chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn thế nào là sự đắm mình, vượt bỏ các quy cách, cảm nhận và sáng tạo không chỉ bằng tác phẩm mà bằng chính sự trải nghiệm đời thường của các nghệ sĩ lớn. Sau này, tôi vô cùng biết ơn cha tôi và các nghệ sĩ lớn. Bạn bè ông đã không chỉ tặng chúng tôi món quà cưới vô giá và độc đáo, mà còn dạy cho chúng tôi về sự trân trọng cái đẹp, cái cao quý, cái không chỉ ở lý thuyết sách vở mà ở những gì thật bình dị, thật thanh đạm  ngay bên cạnh chúng ta, trong cuộc sống đời thường. Tôi cũng đã thấu hiểu hơn tại sao bố chồng tôi lại là nhà cách mạng kiên cường, đấu tranh không mệt mỏi cho cái đẹp và chân lý, đồng thời cũng là nhà văn hóa có trái tim và tâm hồn rộng mở, quảng đại và vị tha. Tôi cũng hiểu hơn vì sao văn phong của ông lại trẻ trung, sôi nổi đến thế và vì sao nó lại vừa khúc triết, sâu sắc, lại vừa lãng mạn, dễ làm lay động lòng người đến thế.

Giáo sư Vũ Khiêu cùng con cháu.

Là một trong những giáo sư đầu ngành Triết học và cũng là người đặt nền móng cho các ngành Mỹ học, Đạo đức học, Xã hội học thời kỳ mới giải phóng miền Nam năm 1975, ông phụ trách Viện Khoa học Xã hội tại Tp HCM rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nên ông làm việc rất nhiều. Ông không bao giờ ngủ trước 12h đêm. Lối làm việc này đã ảnh hưởng tới cả ba thế hệ con, cháu của ông. Ban ngày ông phải làm công tác quản lý, còn ban đêm mới là lúc ông viết. Trong không khí tĩnh lặng ban đêm ở một góc phòng của hai ông bà, ông đọc, bà ghi. Bên ngoài song cửa, những cơn gió lạnh đầu đông hay tiếng ve kêu râm ran mùa hạ đã giúp ông tư duy sâu hơn các vấn đề nghiên cứu.

Viết đến đây, tôi lại nhớ tới những câu thơ rất hay của Lưu Quang Vũ trong bài "Bầy ong trong đêm sâu". Vâng, các nhà khoa học, các nhà văn, các nghệ sĩ vẫn luôn là bầy ong lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến trong những đêm sâu để tạo ra các sản phẩm tỏa sáng vào ngày mai.

Ở Giáo sư Vũ Khiêu, chúng ta bắt gặp phong thái của một nhà hiền triết phương Đông nhưng cũng có khí chất của một học giả Tây phương. Sự hòa trộn tự nhiên ấy khiến những người tiếp chuyện ông rất thoải mái, dễ chịu khi đàm đạo về bất cứ vấn đề gì. Giống như cuốn sách mà ông viết về anh hùng và nghệ sĩ, ông vừa là anh hùng lao động vừa là nghệ sĩ, nhà khoa học nghiên cứu về cái đẹp. Ông lao động cật lực không khác gì người nông dân cày ruộng bởi lẽ ông hiểu tư tưởng khoa học, sự sáng tạo phải là của riêng mình, không thể là một lối vay mượn, " ăn theo" người khác.

Tác phẩm của Giáo sư Vũ Khiêu thật đồ sộ cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, tuy đã gần 100 tuổi nhưng ông vẫn viết và dự định cho ra mắt độc giả cả nước nhiều tác phẩm mới. Ông cho rằng ông đang là một kẻ nghèo khổ về thời gian nên ông càng phải tận dụng thời gian quý báu để viết. Điều đặc biệt là ông không mắc bệnh "lẫn" của tuổi già. Cách nói năng khúc triết và cách ví von hóm hỉnh của ông luôn làm cả nhà vui cười nhưng lại lắng đọng những suy nghĩ sâu xa.

Trong gia đình, ông có cách dạy con thật đặc biệt, vừa để cho chúng tự do, tự lập nhưng cũng hướng cho chúng những định hướng rõ ràng và đặc biệt, không bao giờ "bao cấp" cho các con. Theo ông, con cháu cần phải tự lập, cần phải sống bằng trí óc và đôi tay của chính mình. Ông dạy con bằng những lời khuyên và để cho các con tự lựa chọn con đường của mình, ông làm cho chúng tôi luôn cảm thấy mình được tự do phát triển. Trái ngược với sự mạnh mẽ, quyết đoán của ông, mẹ chồng tôi lại là người luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ. Bà là mẫu người phụ nữ xưa, gia giáo, sống vì chồng, con. Những nguyên tắc và lối sống của bà là sự bổ sung kỳ diệu cho ông và chính điều đó đã khiến hai ông bà sống rất hạnh phúc cho đến ngày bà ra đi.

Nhìn ông tuổi tác đã cao mà hăng say làm việc mới thấy ông yêu đời, yêu người đến thế nào. Ngay cả lúc phải đi bệnh viện chữa bệnh, đầu giường ông lúc nào cũng đầy sách, báo khiến con cái và những người đến thăm lo lắng. Nhưng tôi biết sách cũng là một loại thuốc của ông, nó giúp ông không chỉ sáng suốt mà còn tăng tuổi thọ. Ông đã được trời cho sống bằng hai cuộc đời và ông cũng cống hiến cho đời toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình. Tôi gọi ông là nhà khoa học minh triết, người cha, người thầy khoa học của chúng tôi

L.T.Q. (Xuân 2014)
.
.