Giáo sư - NSND Trần Bảng: Người cha tinh thần của tôi
NSND Trần Bảng vốn sinh ra trong một gia đình quan lại, khoa bảng ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ thân sinh ra ông là nhà văn Trần Tiêu với tiểu thuyết "Con trâu", "Chồng con"… nổi tiếng. Chú ông, nhà văn Khái Hưng của thời Tự Lực văn đoàn với truyện "Gánh hàng hoa", "Nửa chừng xuân" và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.. Em ông, đạo diễn - NSND Trần Đắc nổi danh trong lĩnh vực điện ảnh với bộ phim "Bài ca ra trận", "Sao tháng 8"…Con trai ông, diễn viên, đạo diễn Trần Lực cũng nổi tiếng không kém. Con gái ông - họa sĩ thiết kế Trần Thị Mây...
Năm vừa rồi, thầy tôi - Giáo sư, NSND Trần Bảng vào viện hơi bị nhiều. Vào rồi lại ra, ra rồi lại vào. Thật ra bệnh cũng không có gì trầm trọng ngoài cái bệnh thường gặp ở người già. Ít ăn, ít ngủ, hay là lúc thấy đau chỗ này, lúc chỗ kia. Năm nay ông ở tuổi 87 theo lịch âm. Ông sinh năm 1926, tuổi Canh Dần. Tôi ẩn tuổi thầy, kém thầy 2 con giáp. Người ta bảo đàn ông tuổi Dần có tài, có chí hay làm nên việc lớn. Điều này thật đúng với thầy. Còn đàn bà tuổi Dần thì vất vả, lận đận long đong. Cũng chính chữ Canh vận vào mình như thế mà trong vô vàn học trò của ông từng làm diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam (lứa chúng tôi học ông từ năm 1965), cho đến nay - tôi vẫn là một trong số không nhiều những học trò được ông ưu ái, quan tâm, thương yêu và gần gũi nhất. Vì thế, với tôi - Giáo sư, NSND Trần Bảng không chỉ là người thầy mà ông còn như một người cha tinh thần mà số phận đã cho tôi may mắn có được.
Điều này cả ông và bà Trần Thị Xuân, phu nhân của ông - người cũng từng là diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam, từng nổi tiếng xinh đẹp một thời trong vai Thị Kính - biết rõ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, hễ bận thì thôi, nếu rảnh hay là vào ngày lễ ngày Tết tôi ghé thăm thầy là y như rằng hôm đó tôi lại được ngồi cùng ông bà trò chuyện trên trời dưới bể, cười vui như tết. Cả ba người thỉnh thoảng lại chêm giọng hề chèo mà chỉ những người từng hoạt động trong lĩnh vực này mới quen thuộc và thẩm thấu. Lại cười vang nhà. Lúc ấy cả ông bà và tôi đều thấy khoảnh khắc đó sao mà quí thế. Trong đời mình, tôi ít có được một tình cảm gia đình thân thương và gần gũi như vậy. Với ông bà, tôi chả bao giờ phải né tránh hay cần phải giữ gìn ý tứ gì trong câu chuyện. Tôi có thể cởi mở ruột gan và ý nghĩ trước mọi việc xã hội hay cuộc sống mà chẳng sợ bị hiểu lầm. Ông luôn mở to mắt sau cặp kính lão, ngạc nhiên nghe tôi kể chuyện. Mỗi câu chuyện tôi kể chả có gì mới nhưng ông bà vẫn luôn chăm chú lắng nghe. Kể cả những năm tháng ngày còn trẻ, tôi gặp chuyện gia đình buồn bã cũng vậy. Cũng chính ông bà luôn ở cạnh, động viên an ủi, tiếp cho tôi niềm tin yêu cuộc sống để bước tiếp, sống tiếp cho đến ngày nay. Mọi thăng trầm cuộc sống, mọi bước đi dù khó khăn trắc trở hay hanh thông thành đạt của tôi, ông bà lúc nào cũng dõi theo.
Dù ra vào viện hơi nhiều nhưng lần nào cũng chỉ đến khi ông sắp về nhà, đám học trò của ông mới được thông báo. Trách thì ông cười bảo: "Chú ngại mọi người mất việc, hơn nữa ngại ánh mắt người vào thăm cứ có cảm giác như mình sắp… "đi" đến nơi!".
Ông vốn lạc quan, yêu đời. Điều này với tôi không có gì lạ. Nhưng lần ấy thì tôi ngạc nhiên khi nghe ông gọi từ bệnh viện vào dịp cuối năm ngoái. Tôi hớt hải vào. Nhìn thấy tôi ông cười. Vẫn nụ cười sảng khoái, yêu đời dù ông đang nằm truyền dịch. Bà ngồi cạnh chăm ông cũng cười, tuy nét mặt không giấu vẻ âu lo.
Tôi băn khoăn chưa hiểu chuyện gì thì ông bảo: "Chú nằm đây một tuần rồi, thứ ba tới bác sĩ sẽ mổ cắt bỏ túi mật cho chú vì nó sưng tấy, ảnh hưởng sức khỏe". "Ở tuổi của chú mổ có an toàn không?" - Tôi lo lắng. Ông bảo: "Họ làm xét nghiệm cả rồi. Hy vọng là an toàn. Mình phải tin ở bác sĩ chứ". Nhưng rồi ông trầm giọng: "Tuy vậy, cũng đề phòng 1% xác xuất xấu…nên chú cho gọi cháu và một vài học trò thân thiết tới".
Tôi ngồi xuống cạnh ông, nói: "Cháu tin mọi việc sẽ tốt đẹp. Ngày lễ, ngày Tết chúng cháu sẽ lại đến thăm cô chú như mọi lần". Ông cười bảo: "Hôm họ chụp cộng hưởng từ, nằm giữa đống máy móc tối om, lúc ấy mới thấm thía sự cô đơn như thế nào. Thấy phục các anh phi công vũ trụ". Ông là thế. Rất nghệ sĩ. Những bệnh nhân - cán bộ cao cấp nằm cùng phòng với ông họ đơn giản hơn nhiều. Khám xong là xong, chẳng mấy ai có những liên tưởng thú vị như ông cả. Ông bảo mình làm nghệ sĩ nên luôn biết quan sát và liên tưởng, như thế là mình lãi. Cuộc đời mình nhờ thế mà phong phú lên nhiều.
Điều này tôi cũng không lạ ở ông. Với cuộc sống, với công việc, lúc nào ông cũng say mê, cũng hết lòng và luôn trân trọng cái đẹp. Ông bảo ông dựng rất nhiều vở chèo cổ như "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân", "Lọ nước thần"…vì say, vì mê mà làm chứ không nhằm giải thưởng gì (phải chăng cũng nhờ thế mà tất cả các vở của ông cho đến giờ đều là vở mẫu, thuộc hàng kinh điển của nghệ thuật chèo truyền thống). Với các vở chèo hiện đại như "Tình rừng", "Cô gái và anh đô vật" hay "Chuyện tình năm 80"…có vở thành công, có vở thể nghiệm. Với vở "Chuyện tình năm 80", ông tiết lộ: "Mẫu của nhân vật Thơm Thảo là chú lấy từ cháu - một cô gái sinh ra ở nông thôn chất phác, thuần hậu, có tâm hồn trong trẻo (tôi hơi ngượng vì biết mình khó còn giữ được như vậy, có thể đây chỉ là ấn tượng của thầy về tôi từ cái ngày xửa ngày xưa hồi tôi còn trẻ dại, 15-16 tuổi ngơ ngác lên học thầy những bài học đầu tiên, những khái niệm cơ bản của bộ môn nghệ thuật sân khấu - NTHN). Đương nhiên nhân vật đó chú cũng phải bổ sung thêm những chất liệu của cuộc sống vào…". Ôi, giờ tôi mới được nghe ông "bật mí" điều này. Thảo nào hồi ông sang Nga họp về sân khấu cùng đạo diễn Dương Ngọc Đức, ông có cầm sang cho tôi bản thảo vở kịch này. Bận rộn học hành và hàng bao nhiêu thứ chuyện trên đời nên hồi đó tôi chỉ đọc lướt. Chắc rồi sẽ phải đọc lại kịch bản "Chuyện tình năm 80" một cách kỹ lưỡng hơn.
NSND Trần Bảng vốn sinh ra trong một gia đình quan lại, khoa bảng ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ thân sinh ra ông là nhà văn Trần Tiêu với tiểu thuyết "Con trâu", "Chồng con"… nổi tiếng. Chú ông, nhà văn Khái Hưng của thời Tự Lực văn đoàn với truyện "Gánh hàng hoa", "Nửa chừng xuân" và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.. Em ông, đạo diễn - NSND Trần Đắc nổi danh trong lĩnh vực điện ảnh với bộ phim "Bài ca ra trận", "Sao tháng 8"…Con trai ông, diễn viên, đạo diễn Trần Lực cũng nổi tiếng không kém. Con gái ông - họa sĩ thiết kế Trần Thị Mây.
Vốn là người Tây học nhưng một thời, NSND Trần Bảng lại được phân công khôi phục nghệ thuật Chèo - một lĩnh vực sân khấu dân giã nhưng không kém phần thâm thúy và hài hước. Nhận nhiệm vụ rồi say mê loại hình sân khấu này từ lúc nào không biết. Ông bảo, cả cuộc đời ông gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam, từ khi nó còn trứng nước cho tới nay. Mặc dù ông đã kinh qua nhiều chức vụ: Vụ trưởng Vụ Sấn khấu, Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…nhưng nơi ông gắn bó nhất, thân thiết máu thịt nhất vẫn là Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông bảo, cả cuộc đời làm đạo diễn, bao giờ ông thương nhất vẫn là diễn viên, các thế hệ diễn viên. Phải, dưới bàn tay đạo diễn tài hoa của ông, những diễn viên tài sắc một thời tên tuổi nổi lên lừng lẫy như Diễm Lộc, Bạch Tuyết, Thúy Lan, Chu Văn Thức, Bùi Trọng Đang… Nhờ sự phát hiện và dàn dựng của ông, các diễn viên đã thành danh. Nhưng cũng có thể nói ngược lại, nhờ tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn này mà các vở do ông dựng đã đứng vững và trở thành kinh điển. Bởi họ - những diễn viên tài năng mới là trung tâm của sân khấu, làm "nổi sóng" cho sân khấu.
Mổi quan hệ khăng khít hỗ trợ lẫn nhau giữa đạo diễn và diễn viên từ khởi thủy đến nay trong lịch sử sân khấu thế giới cũng như ở Việt Nam vốn là như vậy. Tất nhiên cũng có những đạo diễn sử dụng diễn viên như công cụ của mình, xong vở hết tình. Nhưng thầy tôi - NSND Trần Bảng không như vậy. Ông không chỉ thương họ mà còn luôn biết ơn họ. Tôi rất xúc động khi trên giường bệnh, ông đã nói ra điều này.
Dù về hưu đã lâu, nhưng từng đổi thay của Nhà hát, lúc thái lai hay bĩ cực ông đều vui buồn lo lắng theo.
Chính vì thế mà mong muốn của ông là nếu có 1% xác xuất xấu xảy đến với ông thì Nhà hát cùng gia đình sẽ đứng lên lo liệu cho ông. Phượng (cháu ngoại nhà viết kịch Trúc Đường) hiện làm việc ở phòng Nghệ thuật và anh Vũ Quân - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cả hai đều là học trò ông cũng vừa đến thăm ông. Nghe thấy thế, cả ba chúng tôi đều kêu lên rầm rĩ: "Ông không phải lo, thứ ba mổ xong ông sẽ khỏe, sẽ ra viện và sẽ chẳng bao giờ bị đau nữa". Nói dại, nếu 1% xác xuất xấu ấy mà xảy ra - ở cương vị của ông, với những đóng góp to lớn của ông cho nền nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch hát dân tộc nói riêng thì không chỉ Nhà hát Chèo Việt Nam, mà còn Cục Nghệ thuật Sân khấu, còn Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu nữa…đều sẽ phải đứng ra chung tay lo liệu. Tuy nghĩ vậy nhưng chúng tôi đều cầu mong điều diệu kỳ xảy ra và điều kỳ diệu đó xảy ra thật. Giáo sư - NSND Trần Bảng hiện đã hồi phục và khỏe khoắn trở lại, tuy có hơi gầy. Ông đã về nhà đón tết cùng các con, cháu và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ghé lại thăm thầy. Mỗi lần đến, tôi vẫn lại được cởi lòng cởi ruột nói tất tần tật mọi chuyện của cuộc đời này (tất nhiên đa phần là chuyện vui, hài hước) với ông bà, đặc biệt là với thầy tôi - NSND Trần Bảng. Để rồi tôi lại được cùng thầy tôi, cùng phu nhân của thầy cười vang nhà đầy sảng khoái.
Tôi thầm nghĩ, cuộc đời con người ta có số cả. Số tôi may mắn là đã được làm học trò của thầy - Giáo sư - NSND Trần Bảng