Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ thoái vị: Chuyện chưa có tiền lệ trong thời hiện đại

Thứ Sáu, 08/03/2013, 08:00
Trong khi tại Việt Nam và một số nước khu vực châu Á, người dân đang đắm mình trong không khí vui say của ngày Tết cổ truyền thì cũng thời gian ấy, vào ngày 11/2 dương lịch, phát biểu trong một cuộc họp tại Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI đã bất ngờ ra tuyên bố từ chức. Đây là một quyết định vô cùng gây sốc đối với hơn 1 tỉ tín đồ Thiên Chúa giáo trên khắp thế giới và là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Giáo hội Công giáo thời hiện đại.

Theo nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo cho biết, việc từ chức chính trị là một việc bình thường song từ chức tín ngưỡng thì hết sức kỳ lạ và thực tế, đây là lần đầu tiên sau gần 600 năm kể từ việc Giáo hoàng Gregory XII thoái vị vào năm 1415, Giáo hội Công giáo mới lại có một vị Giáo hoàng bất ngờ đi đến một quyết định như vậy.

Chúng ta đều biết, Giáo hoàng là người đứng đầu Vatican, quốc gia nhỏ bé nhất thế giới nằm trong thành phố Rome của Italy, đồng thời cũng là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo Rome. Chức vụ Giáo hoàng là một chức vụ trọn đời, nghĩa là người được bầu chọn giữ cương vị này chỉ thôi giữ chức trách của mình khi từ giã cõi đời.

Vậy mà…

Theo một quy định trong luật Hội thánh thì việc thoái vị của Giáo hoàng chỉ hợp lệ nếu đó là quyết định hoàn toàn xuất phát từ ý nguyện cá nhân. Giáo hoàng Benedict XVI năm nay đã 85 tuổi. Giáo hoàng cho biết ngài tự nguyện từ nhiệm và đã cân nhắc rất kỹ những ảnh hưởng từ quyết định của mình. Trong bức thư từ nhiệm được thảo bằng tiếng Latinh đọc trước các hồng y giáo chủ tại tòa thánh Vatican hôm 11/2/2013, Giáo hoàng Benedict XVI khẳng định: "Sức mạnh tinh thần và sức mạnh thể chất đều rất cần thiết để có thể thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, sức khỏe của tôi bắt đầu suy yếu. Tôi hiểu rất rõ rằng mình không còn đủ khả năng để điều hành công việc. Vì lý do này, sau khi nhận thức rõ sự nghiêm túc của quyết định mình đưa ra, tôi tuyên bố từ chức Giáo hoàng".

Ngay sau khi Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức, bên cạnh rất nhiều luyến tiếc cũng rộ lên tin đồn Giáo hoàng Benedict XVI quyết định từ chức vì một căn bệnh mà ngài không muốn phải đau đớn chống chọi với nó lúc cuối đời như người tiền nhiệm đã quá cố - Giáo hoàng John Paul II. Tờ Il Sole 24 của Italy thậm chí còn đưa tin: Giáo hoàng Benedict XVI đã trải qua một cuộc phẫu thuật thay thế máy trợ tim cách đây ba tháng.

Hồng y Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican đã xác nhận thông tin trên trong một buổi họp báo. Nhưng ông cho rằng đây chỉ là một ca phẫu thuật thông thường để thay pin trong máy trợ tim đặt trong tim của Giáo hoàng Benedict XVI và "Cuộc phẫu thuật này không hề ảnh hưởng đến quyết định từ chức của Giáo hoàng. Ngài chỉ đơn giản từ chức do cảm thấy tuổi già sức yếu".

Giáo hoàng Benedict XVI là Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Vatican. Ngài tên thật là Joseph Ratzinger, sinh ra tại vùng Bavaria, cái nôi Công giáo tại Đức. Năm 2005, ở tuổi 78, Hồng y Joseph Ratzinger được bầu giữ chức Giáo hoàng sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, trở thành người cao tuổi nhất khi nhậm chức Giáo hoàng trong lịch sử Tòa thánh. Hồng y Joseph Ratzinger đã chọn tông hiệu là Benedictus, tiếng Latinh có nghĩa là "sự may mắn". Cao hơn thế, đó là tông hiệu được làm bằng danh dự của Giáo hoàng Benedictus XV, một người Italy đã giữ ngôi vị Giáo hoàng trong thời đệ nhất thế chiến. Sau này, chính Giáo hoàng Benedict XVI đã giải thích sự lựa chọn tông hiệu của mình: "Trong tâm tình kính nhớ và biết ơn, tôi muốn kể lý do tại sao tôi chọn tông hiệu Benedict. Trước hết, tôi nhớ đến Đức Giáo hoàng Benedict XV, người đã dẫn đắt Giáo hội qua các thời kỳ hỗn loạn của chiến tranh. Trong bước chân của Ngài, tôi đặt sứ vụ của tôi để phục vụ sự hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc…".

Ngày 11/2/2013, Giáo hoàng Benedict XVI đọc diễn văn, bất ngờ tuyên bố Ngài sẽ từ chức vào ngày 28 tháng 2 tới.

Khi còn làm Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin của Tòa Thánh - một trong những cơ quan quan trọng nhất của Giáo triều Rome, Hồng y Ratzinger đã nhiều lần tuyên bố ngài muốn nghỉ hưu để về quê nhà ở làng Bavarian viết sách. Hồng y Ratzinger kể rằng, trong ngày thứ hai của Mật nghị Hồng y (bầu người kế vị Giáo hoàng John Paul II) ngài đã "cầu nguyện với Thiên Chúa rằng: Xin Người đừng làm điều này với con… Rõ ràng, Người đã không lắng nghe tôi". Trong lịch sử các cuộc bầu chọn Giáo hoàng, không mấy khi kết quả về người kế nhiệm cương vị này "chiều lòng" số đông người tham gia dự đoán, song lạ thay năm ấy - 2005 - với trường hợp của Hồng y Ratzinger, các dự đoán của tuyệt đại đa số các nhà phân tích đã trở nên… chính xác.

Giáo hoàng Benedict XVI là một nhân vật có vốn văn hóa sâu rộng. Ngài chơi dương cầm xuất sắc và nói thông thạo 10 thứ tiếng. Tương truyền, lần đầu tiên xuất hiện trên cương vị Giáo hoàng tại ban công Nhà thờ Thánh Phêrô, ngài đã lên tiếng gọi đám đông giáo dân đứng chật quảng trường trước mặt là "Anh chị em thân mến" bằng các thứ tiếng Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh trước khi cất lên tiếng gọi truyền thống bằng tiếng Latinh.

Hồi trẻ, đường đời của Joseph Ratzinger cũng gặp nhiều trắc trở. Năm 14 tuổi, Ratzinger bị cưỡng bức gia nhập tổ chức Hitler Youth của Đức Quốc xã. Tiếp đó, Ratzinger bị đưa vào lực lượng dự bị của không lực Đức quốc xã vào những ngày tháng sau cùng của Thế chiến thứ hai. Năm 1945, Ratzinger chủ động từ bỏ hàng ngũ Đức quốc xã trở về gia đình song đã bị quân đội Đồng Minh bắt giữ làm tù binh chiến tranh trong một thời gian ngắn.

Trở lại với việc Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức. Trong khi người phát ngôn của Vatican cho hay sự kiện này khiến họ "vô cùng bất ngờ" vì Giáo hoàng chưa hề tiết lộ thông tin này với ngay cả những người thân tín nhất của mình thì ông Georg Ratzinger (năm nay 89 tuổi) - anh trai của Giáo hoàng Benedict XVI lại cho biết, từ trước đó, Giáo hoàng đã được các bác sĩ khuyên không nên công du nước ngoài và đó chính là lúc ngài cân nhắc nhiều về việc từ chức. Theo ông Georg Ratzinger, việc từ chức của em trai mình là việc hoàn toàn hợp qui luật tự nhiên: "Ở tuổi này, em trai tôi cần được nghỉ ngơi".

Được biết, sau khi từ nhiệm (vào ngày 28/2 tới đây), Giáo hoàng Benedict XVI sẽ không giữ bất kỳ vai trò nào ở Vatican. Ngài cũng sẽ không tham gia vào quá trình bầu chọn người kế nhiệm. Phần đời còn lại, ngài sẽ sống trong tu viện và dành thời gian để suy ngẫm và cầu nguyện.

Ngày 13/2, hai ngày sau sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức, xuất hiện trong thánh lễ cuối cùng trước công chúng trên cương vị Giáo hoàng tại Đại thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Benedict XVI đã được hàng ngàn người dự lễ đứng dậy hoan hô vang dội. Nhiều người đã bật khóc khi chứng kiến cảnh các hồng y gỡ bỏ mũ - một cử chỉ tôn kính cuối cùng dành cho Giáo hoàng trong buổi lễ ngày thứ tư lễ Tro.

Trong bài giảng của mình, Giáo hoàng đã lên án thói "đạo đức giả tôn giáo" và kêu gọi mọi người hãy chấm dứt "chủ nghĩa cá nhân và sự kèn cựa".

Vào cuối thánh lễ, Quốc vụ khanh Tòa thánh - Hồng y Tarcisio Bertone - đã có lời phát biểu đầy xúc động trước tin Giáo hoàng từ nhiệm: "Sẽ không thành thật, thưa Đức thánh cha, nếu chúng con không nói với ngài rằng sự buồn bã đang bao trùm trái tim chúng con trong buổi tối hôm nay".

"Hãy cầu nguyện cho tôi, cho Giáo hội và cho Giáo hoàng tương lai" - Giáo hoàng không giấu được sự xúc động.

Theo kế hoạch, trong vòng 15 ngày sau khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI chính thức từ chức, các vị Hồng y sẽ tập trung tại Tòa thánh Vatican và tuyên thệ giữ bí mật trước khi bước vào các cuộc họp kín bầu Giáo hoàng. Họ sẽ được hoàn toàn cách ly với bên ngoài cho đến khi một Giáo hoàng mới được bầu chọn.

Ngôi vị Giáo hoàng mới sẽ được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín và vị Hồng y được bầu chọn làm Giáo hoàng phải nhận được tối thiểu 2/3 số phiếu.

Hãng Reuters nhận định: Hiện Tổng giám mục Scherer - một trong năm vị Hồng y của Brazil - đang là ứng cử viên sáng giá nhất của Châu Mỹ Latinh cho vị trí người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI. Vị Tổng giám mục 63 tuổi này đã có học vị tiến sĩ về thần học. Năm 2007, ông tiếp quản đại hạt São Paulo - địa hạt lớn nhất ở Brazil với 6 triệu giáo dân.

Vatican cho biết vị trí Giáo hoàng được bỏ khuyết cho đến khi bầu ra Giáo hoàng mới. Hồng y Lombardi cũng khẳng định Hội đồng Hồng y sẽ chọn ra Giáo hoàng kế vị trước tháng 4/2013: "Chúng ta sẽ có Giáo hoàng mới trước Lễ Phục Sinh"

Hoàng Mạnh Thắng
.
.