Giang Mỗ đường xuân

Thứ Hai, 05/03/2018, 08:51
Chúng tôi có ý định "phượt" xe máy từ thành phố Hòa Bình đi Thung Nai, Đà Bắc, nhưng không ngờ bị lạc vào bản Giang Mỗ, trên con đường Tây Tiến. Thấy có mấy bà mế ngồi thêu, chúng tôi cứ thế vượt cầu băng qua con suối, nước trong vắt chảy từ chân núi. Con đường Tây Tiến khúc khuỷu trong sương mù. Những câu thơ Quang Dũng bỗng vang lên trong tôi: "Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi...".


Người mẹ hát

Giang Mỗ là bản người Mường thuần khiết, vẫn còn giữ được những nếp sinh hoạt cổ xưa, nghe nói chỉ có cái kẻng làm bằng vỏ quả bom là khác biệt. Tưởng chúng tôi là khách đến xem ca múa, một bà mế chỉ cho chúng tôi đường tìm đến gia đình anh đội trưởng văn nghệ. Con đường bê tông nhỏ mờ mịt trong sương bảng lảng lạnh buốt.

Trước căn nhà anh Đinh Thế Khương có chiếc biển nhỏ viết chữ bằng tiếng Anh và tiếng Hoa quảng bá đây là nơi nhận hợp đồng biểu diễn của đội văn nghệ bản Giang Mỗ. Khi chúng tôi vào đã thấy có tới hơn chục người ngồi xúm xít bên bếp lửa. Họ là sinh viên trường sư phạm họa nhạc của tỉnh đang tá túc tại gia đình, như một chuyến thực tập ngắn hạn.

Đa số họ là người Mường đi sưu tầm và khảo sát dân ca. Một số bạn trẻ đang sửa lại những bức họa mới sáng tác. Chị Yến, vợ anh Khương đon đả dẫn chúng tôi đến bên bếp lửa, rồi kể tiếp câu chuyện cho các sinh viên nghe về bản làng.

Vợ chồng anh Khương và chị Yến ở Giang Mỗ.

Có tiếng sáo vang lên đâu đó từ xóm trên. Lãng đãng mơ màng, những cánh lá bỗng lặng đi trong tiếng sáo cao vút. Một sinh viên yêu cầu chị Yến hát một bài dân ca Mường cổ. Lúc này, anh Đinh Thế Khương lên dây đàn nói với vợ: "Cứ hát bài mà mẹ đã từng ru em ngày nào".

Giọng hát của người mẹ trẻ ngưng ngắt từng lời như thấm vào con tim từng người. Những lời ru bâng khuâng: "Bồng bồng con nín con ơi/ Dưới  sông cá lội, ở trên trời chim bay/ Ước gì mẹ có mười tay/ Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim…". Chúng tôi ai nấy đều ngồi gần lại nghe cho rõ hơn. Bởi mỗi lời là một tiếng nghẹn ngào chậm rãi.

Chị hát tiếp: "Một tay chuốt chỉ luồn kim/ Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau…". Đến đây, chị thở dài, rồi lấy hơi hát tiếp. Đó là hình ảnh về thân phận của người phụ nữ Mường vất vả, chịu thương chịu khó. Từng lời như nhỏ lệ: "Một tay đi củi muối dưa/ Còn tay van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn/ Tay nào để giữ lấy con/ Tay nào lau nước mắt, mẹ còn thiếu tay…".

Tiếng đàn nỉ non nghẹn lại nửa chừng. Chị Yến cúi đầu giấu những giọt nước mắt rơi vì nhớ người mẹ đã khuất núi. Giọng hát thấm đẫm ký ức về một thời xa vắng. Một cô sinh viên nấc lên trong tiếng khóc có lẽ cũng nhớ về mẹ mình. Tất cả ngồi lặng đi. Không ngờ lời ru mộc mạc ấy lại đánh động tới những tâm hồn tươi trẻ, nhắc nhở với nhau rằng, hãy thương yêu mẹ mình bởi mẹ đã có một thời: "Tay nào lau nước mắt, mẹ còn thiếu tay".

Ngọn lửa ấm trên bếp cũng chập chờn trong tiếng đàn nhấn nhá, day dứt về quá khứ về thân phận phụ nữ Mường một thời khổ đau… Chúng tôi đành phải chia tay Giang Mỗ nửa chừng, trong những lời ru bịn rịn lòng người. 

Người anh hùng chẳng tiếc đời xanh

Đường lên dốc, nắng chợt hửng lên khi mặt trời vượt lên đỉnh núi, chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy một cụm tượng lớn bên đường Tây Tiến. Đó là hình tượng anh hùng Cù Chính Lan trong chiến dịch Hòa Bình, hồi 1951, tại dốc Giang Mỗ. Người trông coi khu vườn kỷ niệm này dẫn chúng tôi đến thắp hương rồi sôi nổi kể lại những diễn biến khốc liệt ngày nào. Nơi đây đã diễn ra hai cuộc đánh chặn xe tăng của giặc Pháp.

Đây là chiến dịch lớn, quân và dân Hòa Bình đã tấn công giặc Pháp để bảo vệ con đường tiếp tế của quân và dân ta lên chiến khu Việt Bắc. Đây là trận địa phục kích của quân đội ta. Khi đoàn xe tăng của Pháp lọt vào trận địa, chúng đã bị đánh tơi bời. Nhất là khi chúng có hiệu lệnh bỏ chạy vì biết là bị lọt vào trận địa phục kích của quân đội ta.

Một số xe tăng Pháp tiếp viện để hỗ trợ cho bộ binh tháo chạy. Chúng hùng hổ tiến tới bắn súng máy xối xả. Chúng không ngờ tiểu đội trưởng Cù Chính Lan đã tiếp cận được chiếc xe tăng đầu tiên. Anh nhảy lên mở nắp xe rồi ném lựu đạn vào trong. Tuy quả lựu đạn không kịp nổ cũng làm kẻ địch hốt hoảng quay đầu xe bỏ chạy. Nhưng tiểu đội trưởng Cù Chính Lan không để cho chúng nó thoát. Anh chạy tắt qua đường bản Giang Mỗ đón chặn chiếc xe tăng.

Lần này anh rút chốt nổ trước, chờ cho khói xì ra, rồi mới nhảy lên mở nắp xe ném vào. Lựu đạn nổ tung tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trong xe tăng. Chính Cù Chính Lan cũng bị hất văng xuống đường, nhưng anh kịp vùng dậy reo lên khi chiếc xe tăng bị phá vỡ nằm đổ gục dưới dốc Giang Mỗ. Từ đó nổi lên phong trào đánh xe tăng theo cách rút kíp nổ như Cù Chính Lan trong các đơn vị khác, tiêu diệt hàng chục xe tăng địch.

Tiếc thay chỉ mấy tháng sau, vào năm 1952, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan đã bị thương ba lần trong trận tấn công đồn Pháp, tại cứ điểm 148 trên con đường số 6. Anh cùng đồng đội vượt qua 5 hàng rào dây thép gai, tấn công vào đồn địch, hạ quyết tâm chiến đấu cho đến khi giành thắng lợi. Nhưng vết thương quá nặng.

Máu chảy nhiều làm anh kiệt sức. Cù Chính Lan trút hơi thở cuối cùng đúng lúc lá cờ chiến thắng tung bay trên đồn giặc. Khi ấy anh vừa tròn 21 tuổi. Đúng như lời thơ Quang Dũng ngày nào đã viết trước đó: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Bức tượng cao lồng lộng giữa đỉnh đèo. Bầu trời mênh mông với hai cánh tay của người anh hùng giơ cao với khí thế chiến thắng như bản tráng ca bất tận mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động toàn cầu. Hình ảnh người anh hùng vẫn còn phủ bóng trên đường và tôi bỗng nhớ: "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".

Tượng đài anh hùng Cù Chính Lan ở Giang Mỗ - Hòa Bình.

Cành đào và rừng trúc

Thung Nai đã ở phía trước. Một con suối cắt ngang đường. Mùi hương hoa đâu đây trong nắng màu mật ong, ấm và ngào ngạt. Mây đã tan nhưng vẫn để lại những sợi nõn vắt lên sườn núi. Một đàn bướm bay ào ra từ vòm cây, vách đá như một tấm voan trắng muốt, làm chúng tôi sững sờ. Tất cả dừng lại bởi có tiếng chân lội dưới suối.

Một cô bé Mường ló mặt từ một thân cây đào rừng rồi bỗng chạy đi như chú chim chích vậy. Hai bàn chân nhảy nhót về con dốc nhỏ cuối bản Thung. Không hiểu sao lúc đó chúng tôi mới nhìn thấy những bông hoa đào đang lấp lánh trong nắng. Những cành hoa xà bên suối cùng với đàn bướm trắng bay nhởn nhơ. Chúng đậu lên tảng đá rồi vụt bay lên những cành đào.

Chúng tôi mê mẩn ngắm những cánh hoa mầu hồng phơn phớt sắc tím nhạt. Cảnh sắc tựa thần tiên gọi về cõi mộng mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong bài ca "Thiên Thai" đây chăng.

Đúng lúc đó có giọng hát văn từ một quán hàng bên đường đi xuống Thung Nai vang lên. Phải chăng đó là những lời chào mới chúng tôi đến tới chốn linh thiêng này. Quả nhiên, chúng tôi như hòa vào nhịp ma điệu của Mường Thung, rằng: "Ai lên tới Thung Nai, Đà Bắc Dọc sông Đà, bên ngọc long lanh/ Thăm đền chúa thác Hòa Bình/ Chợ Bờ, hang Miếng thác gềnh cheo leo".

Có tiếng gọi xuống đò ra đền. Chúng tôi vẫn không rời được giọng hát ngọt đến ma mị ấy. Con đò chòng chành vậy mà cô lái đò còn hát theo rộn rã theo tiếng nhạc: "Môi son nở đóa hoa cười/ Thanh tân lịch sự nét ngời thu ba/ Tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng/ Nét cong cong uốn lượn đường tơ/ Xinh xinh để liễu thẫn thờ/ Người xinh thời cảnh Thác Bờ thêm tươi".

Tiếng hát đằm thắm làm say lịm lòng người. Khi thuyền đi khá xa, ông già kể chuyện mới xuất hiện từ bên mạn thuyền. Chúng tôi ngồi lặng đi về câu chuyện của ông già gầy gò có mái tóc trắng như cước. Ông kể câu chuyện tình bi ai qua "Sự tích cây sáo Ôi". Kết thúc, hai người tình trẻ nguyện tìm đến cái chết cùng nhau, thề nguyền tình yêu không bao giờ lìa xa. Trước mắt chúng tôi là một rừng trúc sáo vàng óng bên những cành đào đằm thắm như tình yêu của đôi bạn trẻ. Nắng xuân bừng lên phía trước. Thung Nai là thế đó mộng mị và đắm say.

Vương Tâm
.
.