Giám khảo các cuộc thi ca nhạc: Làm dâu trăm họ

Thứ Năm, 15/01/2009, 14:00
Tại các cuộc thi ca nhạc hiện nay, khán giả không chỉ quan tâm tới chuyện thí sinh nào rớt, thí sinh nào trụ hạng mà những nhận xét của ban giám khảo cũng được đem ra bàn luận sôi nổi. Ba mùa giải "Sao Mai điểm hẹn" đi qua, người xem được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ tên tuổi ngồi ở hàng ghế giám khảo: Nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Nguyễn Cường, ca sĩ Mỹ Linh, NSƯT Thanh Lam, nhạc sĩ Ngọc Châu, Giáng Son...

Cuộc thi "Vietnam Idol" có bản quyền quốc tế lại chú trọng tới yếu tố ấn tượng từ phía ban giám khảo và thí sinh nên cả 2 lần tổ chức đều có sự góp mặt của những nghệ sĩ rất cá tính: nhạc sĩ Hà Dũng, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Riêng ca sĩ Siu Black được ngồi ghế ban giám khảo cả 2 lần.

Khi nghệ sĩ làm Ban giám khảo thì kèm với niềm vui là trách nhiệm nặng nề. Chỉ cần một câu nói thiếu tế nhị, một nụ cười không đúng chỗ cũng có thể trở thành chủ đề bàn tán của dư luận.

Tại cuộc thi "Vietnam Idol" năm 2008, trái với dự tính rằng nhạc sĩ trẻ Hồ Hoài Anh có vẻ "hiền" hơn so với sự khoáng đạt, hài hước của ca sĩ Siu Black và sự già dặn trong tuổi đời và tuổi nghề của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Nhưng thực tế, nhận xét của nhạc sĩ họ Hồ lại có phần "mạnh tay" hơn.

Những câu nói không nương nhẹ kiểu như: "Tôi thất vọng về em", "Em hát chẳng có sáng tạo gì, cứ như sao chép phong cách của một ca sĩ nào đó", "Nói thật, tôi chẳng có ấn tượng gì về phong cách của em"... đã khiến nhiều khán giả "sốc".

Có ý kiến cho rằng, những nhận xét đó sẽ là những lời khuyên bổ ích để các thí sinh nhìn lại mình, rút kinh nghiệm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều đó sẽ làm các thí sinh tổn thương, nhụt chí...

Diva Mỹ Linh, ngày đầu tiên ngồi ở ghế giám khảo cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" đã bị phản ứng chỉ khi cô vô tình chê một thí sinh nữ và nói rằng: "Tôi không thích giọng hát của em".

Họ cho rằng vai trò của Hội đồng giám khảo là xem xét điểm mạnh, điểm yếu của mỗi thí sinh để góp ý chứ không phải chuyện thích hay không thích giọng hát nào... Còn nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Trung Quân lại khiến khán giả nhớ mãi bởi những nhận xét "quái quái" kiểu như: "Hôm nay em rất điên nhưng tôi thích cái điên của em"...

Thế nhưng, những nhận xét "lành" quá cũng bị phản ứng. Nhiều người cho rằng, tại cuộc thi "Vietnam Idol" năm 2007, Ban khám khảo trong việc khen chê đều chừng mực, chính vì vậy không tạo nên yếu tố bất ngờ, xa với tiêu chí cuộc thi.

Trong chặng đường đầu tiên của cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" 2008, khi diva Thanh Lam ngồi ở vị trí ban giám khảo, dư luận cũng có ý kiến về những nhận xét của cô chú trọng nhiều vào phần trang phục của thí sinh.

Còn nhạc sĩ Giáng Son lại bị "nhỏ nhẹ nhắc nhau" là đi sâu vào chuyên môn nên hơi cứng nhắc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường tại "Sao Mai điểm hẹn" lần trước thì bị cho là hay để tình cảm lấn át...

Vậy nên, các nghệ sĩ ngồi ở ghế Ban giám khảo đều thừa nhận khó như "làm dâu trăm họ". Nhạc sĩ Ngọc Châu tâm sự: "Khi được mời làm thành viên Hội đồng nghệ thuật cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn", một điều mà tôi phải đối mặt là những áp lực. Chúng tôi phải suy nghĩ thật cặn kẽ trước khi đưa ra nhận xét của mình".

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là thời gian vừa qua, có một số nhận xét của Ban giám khảo dù hài hước, gây cười nhưng còn hơi "phũ" mà khán giả đã tập hợp được, kiểu như: "Cám ơn em. Giọng hát của em khiến tôi nhớ lại một xưởng cưa nơi tôi thường đi qua thời thơ ấu"; "Em đã hát xong rồi à? Sao không đánh thức chúng tôi dậy".

 "Rất tiếc khi phải thông báo với em rằng phần thi của em diễn ra vào lúc chúng tôi đang thảo luận xem ai nên ngủ cho lại sức. Em có thể hát lại lần nữa không?", hay "Em đã chuyển lửa tới người xem khiến chúng tôi phải đề nghị Ban tổ chức gọi xe cứu hỏa"...

Chúng ta thông cảm với các nghệ sĩ khi ngồi ở ghế ban giám khảo nhưng chính họ cũng cần ý thức rõ vai trò của mình để mỗi lời nhận xét đưa ra đều thuyết phục và hợp tình, hợp lý

Khánh Thảo
.
.