Giải mã tấm bia ký sau lưng pho tượng cổ ở Bình Định

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:03
Chùa Linh Sơn được xây dựng vào năm 1913 tại thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) nổi tiếng với pho tượng Phật Lồi có in 12 dòng chữ Chămpa cổ. Gần đây, những kết quả nghiên cứu cho biết, đây là tượng thần Shiva, có niên đại thế kỷ XV, là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Mới đây, ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này được di dời về khu tái định cư Nhơn Phước (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) để thuận tiện cho Phật tử và người dân có nơi tụ tập, sinh hoạt.


Pho tượng cổ bí hiểm

Theo ông Trương Long (84 tuổi, ở thôn Hải Giang), người trước đây được giao giữ chìa khóa trông coi chùa Linh Sơn, vào năm 1913, tượng Phật Lồi lộ ra từ lòng đất khi một người dân Hải Giang cày ruộng canh tác. Sau đó, cả làng lập một ngôi chùa nhỏ để thờ pho tượng, lấy tên là chùa Linh Sơn.

Trong cuốn "Nước non Bình Định", nhà thơ Quách Tấn viết: "Dưới chân Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Phía sau lưng tượng có một hàng chữ bùa. 

Tượng này người địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài Lao Xanh. Một hôm tự nhiên biến mất. Nhân dân tìm mãi không thấy. Sau nghe người Phương Mai được tượng Phật, bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình, mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà giở lên không nổi, đành phải cúng lại cho người Phương Mai".

Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết, pho tượng Phật Lồi ở chùa Linh Sơn là một bức tượng Chămpa cổ xưa được tạc bằng đá núi. Tượng có chiều cao 0,82m, rộng 0,46m. Nghệ nhân Chămpa thể hiện dưới dạng tượng thần Shiva ngồi trong tư thế thiền, khuôn mặt trầm tư, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, mình trần, thân đeo một mảnh vải vắt chéo qua vai trái. Trên lưng tượng có một sợi dây thắt lưng bằng kim loại. Thần Shiva ngồi trong tư thế nhìn thẳng, khuôn mặt trái xoan, cằm nhọn và bộ ria mép rất dày.

Trên đầu tượng Phật Lồi đội một chiếc mũ trụ cao, phía trước mũ có ghi một câu thần chú bằng tiếng Chămpa cổ xưa, ở chính giữa trán tượng có 3 vạch ngang nằm song song. Tay thần Shiva đeo một chiếc vòng hình tròn. Tượng được gắn chặt với một tấm bia đá ở phía sau lưng, trên tấm bia này có khắc một bài ký với 12 dòng chữ bằng tiếng Chămpa cổ.

Giải mã tấm bia ký

Đại đức Thích Thị Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn cho biết hiện ngôi chùa đang được khởi công xây dựng tại khu tái định cư Nhơn Phước. Pho tượng Phật Lồi đang được thờ trong một mái che tạm thuộc khuôn viên chùa. Nội dung 12 dòng chữ Chămpa cổ ở tấm bia chỉ bắt đầu hiển lộ ý nghĩa khi Giáo sư Arlo Griffiths, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tiếp cận.

Nội dung tấm bia ký cho biết pho tượng Phật Lồi có niên đại thế kỷ XV. Bia ký mang ký hiệu C.214 (tức bia ký thứ 214 của Chămpa đã được các nhà khoa học đưa vào danh mục quốc tế). "Bia ký của tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn là một bia ký dài, có nội dung và có niên đại cụ thể, được viết bằng chữ Chămpa cổ. 

Nội dung bia ký nói về vị vua Nauk Glaun Vijaya, vị vua này được nhắc tới là đã đánh thắng người Việt và chiếm được vương quốc Brah Kanda. Sau khi giành được nhiều chiến thắng, trở về Chămpa vào năm Saka 1343", Đại đức Thích Thị Hòa cho biết.

Tấm bia ký khắc sau lưng tượng thần Shiva.

Nauk Glaun Vijaya kế vị ngôi vua của cha mình là Jaya Simhavarman vào năm 1400 với tên tấn phong là Virabhadravarman. Năm 1432, Nauk Glaun Vijaya làm lễ đăng quang với vương hiệu là Indravarman (sử liệu Việt Nam gọi là Ba Đích Lai). 

Thời kỳ trị vì khá dài của vua Nauk Glaun Vijaya (1400 - 1441) trôi trong thanh bình. "Trong mấy năm đầu trị vì, Ba Đích Lai phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (khu vực hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) cho nhà Hồ. Sau đó, nhân cơ hội nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, Ba Đích Lai đã chiếm lại hai vùng đất đã dâng. 

Khi đã lấy lại được phần đất phía Bắc và được nhà Minh ủng hộ, vua Chămpa đã trả thù người láng giềng Chân Lạp bằng cuộc tấn công vào nơi mà vị vua AngKor cuối cùng đến định đô (nay là Phnôm Pênh). Cả hai chiến tích trên vào năm 1421 (năm Saka 1343), Ba Đích Lai đã cho ghi lên bia ký phía sau pho tượng", ông Ngọc cho biết.

Về pho tượng thần Shiva, các nhà nghiên cứu điêu khắc Chămpa cho rằng, tác phẩm này thuộc phong cách lớn cuối cùng của nghệ thuật điêu khắc Chămpa: phong cách tiếp nối giữa phong cách tháp Mắm Bình Định với giai đoạn hình thành phong cách YangMun từ năm 1307 - 1471, nghĩa là cũng vào khoảng thời gian vua Nauk Glaun Vijaya khắc trong bia ký.

Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có những biểu hiện rất đặc biệt như chữ om trên mũ, chữ số ba ở giữa trán, bộ râu dài nhọn đầu, tay cầm tràng hạt… được thể hiện dưới dạng tạc thành pho tượng thờ và phía sau lưng có tấm bia ký. Đây là một tác phẩm điêu khắc Chămpa có hình thức khác biệt so với các hình thần Shiva khác phát hiện ở Bình Định, độc bản và đặc sắc.

"Các vị thần hay thần vua của các phong cách muộn này thường được tạc tựa vào tấm bia sau lưng, thường đội mũ hình trụ, thường có bộ râu nhọn, và phần bên dưới cơ thể được tạc sơ sài hoặc không được thể hiện. Như vậy, có thể tạm xác định tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần, vua sau đấy của nghệ thuật điêu khắc Chămpa giai đoạn thế kỷ XIV - XV", ông Ngọc cho biết.

Ngôi làng của người Chămpa cổ

Ở phía bắc thôn Hải Giang, trên một khối đá nhô ra biển gần hang Bà Dăng có hòn đá chữ giống hệt một tấm bia đá lớn. Hòn đá chữ được ngăn thành hai phần riêng biệt, một bên khắc 3 hàng chữ Chămpa, bên còn lại khắc 4 hàng chữ Chămpa. Những dòng chữ này đã bị đục xóa hoặc bị xi măng trám lên nên rất mờ, càng khó nhận diện.

Thôn Hải Giang xa xưa là khu vực lưu trú của người Chămpa. Gần mép biển và trên ngọn núi xung quanh làng Hải Giang có dấu tích của một tường thành cổ được cho là của người Chămpa xây dựng nên. Tại các khu vực như Gò Thịnh, Gò Luôn, Ụ Đầm Bé, Gò Giếng Hời mỗi khi đào đất lên canh tác có rất nhiều gạch Chămpa, bình hũ sành... Những khu vực này mùa mưa thì giữ nước dẫn đến sình lầy, mùa nắng thì khô cằn không thể canh tác được do lớp đất canh tác rất mỏng, phía bên dưới là lớp gạch Chămpa cổ.

Đất võ Bình Định ngàn năm trước từng là kinh đô của vương quốc Chămpa, hiện ở đây vẫn còn lưu lại dấu tích của một nền văn minh cổ đã bị mai một. Những cuộc khai quật tự phát của cư dân địa phương và của các cơ quan văn hóa, bảo tàng trong hàng chục năm nay đã phát hiện nhiều di vật Chămpa cổ. 

Cư dân địa phương trong lúc canh tác đã tình cờ tìm thấy những buồng cau, lá trầu và những vật dụng thờ cúng bằng vàng. "Nhiều tượng Chămpa cổ có hình voi, bò, rắn, thủy quái… nằm dưới lòng đất từ hàng nghìn năm đã được phát hiện, khai quật. 

Các công trình nghiên cứu sử học và khảo cổ học cho thấy, tỉnh Bình Định trước đây là một trong những địa phương thuộc cư dân tiền sử Sa Huỳnh và sau này là một trong những tiểu vùng của vương quốc Chămpa. TP Quy Nhơn cũng thuộc vùng đất Vijava từ thế kỷ XI - XV, từng là kinh đô của vương quốc Chămpa từ 1000 - 1471", ông Ngọc cho biết.

Nội dung tấm bia ký trên tượng thần Shiva

Kính chào! Đức ngài S'ri Vrsu uy nghi.

Visnujati Vira Bhadravarmadeva, tên của ngài bắt đầu bằng Vrsuvamsa, người tới từ đô thành Nauk Glaun Vijaya, người đã tiến hành lễ cúng tế đầu tiên của hoàng gia vào năm Saka 1343. Thời gian trôi đi, đến năm 1353 Saka, một người quyền quý tiến hành một nghi lễ bằng cờ câu chú (mantra) ngũ âm không có ngũ quan, không có năm ăn năn hối lỗi. Và, ông ta cũng đã làm lễ dâng năm mũ miện thật to lớn. Sau đấy, nhìn thấy và nhận thấy sự chỉ dẫn của đức tôn nghiêm Sri Jayasimhavarmadeva của mình đã đem đến sự che chở cho các vị vua tương lai, ông đã phục hồi lại nơi thờ phụng pavvakananvak và dâng cúng cho vị thần đó.

Phan Nhuận Phin
.
.