Giải mã ban nhạc rock đầu tiền của Việt Nam

Thứ Sáu, 05/02/2021, 20:04
Cuốn sách “Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, góp phần xác lập nhóm nhạc rock đầu tiên của Việt Nam với những tên tuổi như nhạc sĩ Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, danh ca Elvis Phương... Sau hơn 4 thập niên, nhiều tác phẩm của ban nhạc Phượng Hoàng vẫn còn nguyên giá trị chinh phục đối với công chúng.


Ban nhạc Phượng Hoàng xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, với album “Nhạc trẻ 1” cùng 5 thành viên Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Vinh, Lê Huy và Elvis Phương. Album “Nhạc trẻ 1” có 12 ca khúc, 6 bài của Lê Hựu Hà gồm “Yêu người và yêu đời”, “Phiên khúc mùa đông”, “Tôi muốn”, “Lời người điên”, “Hãy nhìn xuống chân”, “Huyền thoại một người con gái”, và 6 bài ca của Nguyễn Trung Cang là “Thương nhau ngày mưa”, “Biệt khúc”, “Mặt trời đen”, “Kho tàng của chúng ta”, “Sống cho qua hôm nay”, “Một giấc mơ”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ - Jason Gibbs đánh giá: “Mặc dù ban nhạc Phượng Hoàng có vị trí then chốt trong lịch sử nhạc Việt, ban nhạc này chỉ là mầm non cho nền nhạc rock Việt Nam.  Theo tôi nghĩ, ban nhạc Phượng Hoàng là ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam theo đúng nghĩa. Một ban nhạc rock phải tự lập và phải tự sản xuất các tác phẩm của mình. Chính các thành viên của ban nhạc tự khám phá một lối đi riêng. Phong cách nhạc và lời ca của ban nhạc Phượng Hoàng có những nét nhận diện rất độc đáo. Phải đợi đến những năm 1990 thì mới có những ban nhạc rock Việt kế tiếp. Nhưng ai muốn hiểu biết về nhạc rock Việt thì công nhận sự đóng góp của ban Phượng Hoàng”.

Ban nhạc Phượng Hoàng với 5 thành viên thuở ban đầu. 

Ban nhạc Phượng Hoàng từng bị hiểu lầm là chương trình Phượng Hoàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Chưa hết, sau năm 1975 hai chữ “Phượng Hoàng” lại bị hiểu lầm là một trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc trùng tên ở hải ngoại. Cuốn sách “Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn” tuy không trực tiếp đi vào việc đính chính sự hiểu lầm không đáng có kia, nhưng cung cấp các dữ liệu riêng rẽ để độc giả gián tiếp nhìn thấy sự hiểu lầm ấy quả là rất đáng tiếc.

Rất may, sau gần nửa thế kỷ, tên tuổi của ban nhạc Phượng Hoàng nói chung và hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang nói riêng đã dần được phục hồi. Càng may mắn hơn nữa khi nhiều ca khúc của họ vẫn còn được chọn hát theo những bản phối âm mới, chứng tỏ sức sống và giá trị tự thân.

Trước ban nhạc Phượng Hoàng, nhạc sĩ Lê Hựu Hà từng thành lập ban nhạc Hải Âu vào năm 1963, gây dấu ấn tại một đại nhạc hội với hai ca khúc tiếng Việt là “Mai Hương” và “Nhớ thương nhau hoài”.

Thời bấy giờ tại Sài Gòn, với nhạc trẻ nói chung mà đặt tên tiếng Việt cho một ban nhạc đã khó, hát ca khúc tiếng Việt càng khó khăn hơn. Không đủ tự tôn, sẽ không dám làm. Tinh thần này càng nhận ra rõ hơn khi Lê Hựu Hà và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang lập ban nhạc Phượng Hoàng, ra mắt chính thức vào tối 15/6/1971 tại phòng trà Đêm Màu Hồng ở Sài Gòn.

Các thành viên chính của Phượng Hoàng gồm Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, Elvis Phương. Thời gian đầu họ còn có Hoài Khanh (giọng nam) và Mai Hoa (giọng nữ), nhưng sau khi rời phòng trà Đêm Màu Hồng đến hát tại Queen Bee và Maxims, hai giọng ca kia phải rời nhóm, Elvis Phương gia nhập, rồi tạo dấu ấn dài lâu. Thỉnh thoảng vì thiếu người, Phượng Hoàng còn có vài thành viên không thường xuyên khác, như Văn Hiển - em trai của Nguyễn Trung Vinh.

Họ chính thức nghỉ hoạt động như là một ban nhạc thường xuyên, hoàn chỉnh vào giữa năm 1975, về sau này, dù có những lúc tái hợp, nhưng rất ngắn ngủi, manh mún.

Chỉ khoảng 4 năm hoạt động thường xuyên, với hơn 40 ca khúc tiếng Việt được sáng tác, phổ biến, Phượng Hoàng đã bước đầu vẽ nên tâm tư, triết lý và hành vi của một ban rock Việt thực thụ. Họ cũng đã kịp đặt vài viên gạch làm nền tảng cho nhạc trẻ Việt Nam, cùng làm cuộc cách tân sau tân nhạc/tiền chiến và nhạc vàng nói chung.

Dù về quy mô, tầm vóc và sức ảnh hưởng là rất khác nhau, không thể và không nên so sánh, nhưng về ý nghĩa với đời sống âm nhạc địa phương, nơi họ hình thành, thì ban nhạc Phượng Hoàng là The Beatles của Sài Gòn.

Cuốn sách phác thảo chân dung ban nhạc Phượng Hoàng.

Đặc biệt về ca từ - cũng giống như The Beatles (1960-1970) trong tiếng Anh - Phượng Hoàng đã có dấu ấn quan trọng trong tiếng Việt. Cả hai đều hòa trộn nhuần nhị mấy yếu tố tưởng chừng khó dung hòa: sự tự do về ý niệm sáng tác; sự thu hút công chúng; sự ảnh hưởng đến các thế hệ và trào lưu sáng tác âm nhạc kế cận.

Ban nhạc Phượng Hoàng còn dấn thêm một bước khó khăn, đó là thử hát rock bằng tiếng Việt. Mấy năm đầu của thập niên 1960, khi The Beatles bắt đầu chơi nhạc theo lối riêng tại Liverpool và Hamburg, họ cũng bị những phê phán nặng nề. Điều này cũng xảy đến với Phượng Hoàng, nhưng nặng nề hơn, vì họ “dám hát rock” bằng tiếng Việt, nhiều nơi đã tẩy chay, phản ứng ra mặt.

Mà những tranh luận rằng tiếng Việt có khả năng viết/ hát nhạc rock hay không vẫn âm ỉ hoặc ầm ĩ đến tận những năm đầu của thế kỷ XXI. Chỉ khi tinh thần toàn cầu hóa và triết lý “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” phổ biến cùng các tiện ích từ mạng Internet, thì những tranh luận, kỳ thị kia mới giảm bớt đáng kể.

Cuốn sách “Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn” dày 200 trang, được in với tinh thần bất vụ lợi. Việc bán sách, nếu có kết quả nào đó, thì phần thu về sẽ dành cho việc hỗ trợ Nguyễn Trung Vinh - tay trống năm xưa của ban nhạc Phượng Hoàng. Sau tai biến, Nguyễn Trung Vinh hiện đang gặp nhiều khó khăn và bất tiện trong đời sống. Dĩ nhiên, đây chỉ là ý nguyện của những người làm sách, chứ không phải là chủ ý của anh Nguyễn Trung Vinh.

Nhà thơ Lý Đợi, người tổ chức thực hiện cuốn sách “Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn” chia sẻ: Những thiếu sót và sai sót trong ấn phẩm này, nếu có, tôi xin chịu trách nhiệm và cúi đầu xin lỗi quý độc giả. Tôi không phải là ngòi bút có thẩm quyền về âm nhạc, lại trưởng thành khi mà tư liệu, hình ảnh về Phượng Hoàng bị tản mát, nhiễu lệch, nên việc kết tập gặp không ít khó khăn. Thôi thì, xin hãy nở một nụ cười như Lê Hựu Hà: “…Cười lên đi em ơi/ Cười để giấu những dòng lệ rơi/ Hãy ngước mặt nhìn đời/ Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười”.

Hiện nay, người duy nhất của ban nhạc Phượng Hoàng còn hoạt động nghệ thuật là ca sĩ Elvis Phương đã bước vào tuổi 76. Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang qua đời năm 1985 ở tuổi 38. Còn nhạc sĩ Lê Hựu Hà (1946-2003) ngoài những ca khúc thời gắn bó với ban nhạc Phượng Hoàng, còn viết thêm nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích như “Vào hạ”, “Vị ngọt đôi môi”, “Lời trái tim muốn nói”, “Ngỡ đâu tình đã quên mình”…

Gia Quan
.
.