Giải cánh diều 2012: Cuộc đua của các đạo diễn Việt kiều?

Thứ Ba, 19/03/2013, 08:00

Đến hẹn lại lên, Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2012 sẽ diễn ra vào ngày 9 - 3 tại trường quay Đài Truyền hình Tp HCM. Trái ngược với hơn 20 phim ra mắt trong năm, số phim tham gia tranh giải Cánh diều năm nay lại khá khiêm tốn (chỉ có 10 phim). Số lượng ít, chất lượng các phim năm nay cũng không thật sự nổi bật.

Mười phim truyện nhựa dự tranh giải Cánh diều 2012 gồm có "Đam mê" (đạo diễn Phi Tiến Sơn), "Cát nóng" (Đạo diễn Lê Hoàng), "Cưới ngay kẻo lỡ" (Đạo diễn Charlie Nguyễn), "Lạc lối" (Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang), "Dành cho tháng 6" (Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn), "Gia sư nữ quái" (Đạo diễn Lê Bảo Trung), "Scandal - Bí mật thảm đỏ (Đạo diễn Charlie Nguyễn), "Thiên mệnh anh hùng" (Đạo diễn Victor Vũ), "Lấy chồng người ta" (Đạo diễn Lưu Huỳnh) và "Nhà có 5 nàng tiên" (Đạo diễn Trần Ngọc Giàu). So với các năm trước và so với số lượng phim ra rạp trong năm 2012 thì con số 10 phim tranh giải là quá ít. Một số phim tiếng tăm như "Mỹ nhân kế", "Mùa hè lạnh", "Chạm" đều nói "không" với giải thưởng năm nay.

Một trong những lý do khiến một số nhà sản xuất không mặn mà với Cánh diều vì cho đến khi giải thưởng được trao, nhiều phim vẫn đang trong giai đoạn chiếu ở rạp để thu hồi vốn. Tham gia giải thưởng có nghĩa là các nhà sản xuất phải chấp nhận chiếu miễn phí trong một số ngày. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, ít có nhà sản xuất nào muốn tặng không cho khán giả như vậy. Nhưng điều quan trọng hơn, hầu hết các phim không tham gia là những phim hài, thiên về giá trị giải trí là chính. Các nhà sản xuất cũng hiểu có tham gia cũng về "tay trắng". Giải thưởng Cánh diều năm nay thay vì tổ chức rầm rộ, hoành tráng như mọi năm, sẽ được tổ chức ấm cúng, gọn ghẽ và chỉ phát sóng trực tiếp trên kênh HTV.

Mặc dù có 10 phim tranh giải nhưng chất lượng các phim năm nay chỉ được đánh giá ở mức "tàm tạm". Trong đó có 2 bộ phim ra mắt tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2012 nhưng đã được dư luận xếp vào hàng "thảm họa màn ảnh", đó là "Cát nóng" và "Đam mê". Với "Cát nóng", là bộ phim được quay thô sơ bằng máy quay truyền hình nhưng lại gọi là phim điện ảnh. "Đam mê" của đạo diễn Phi Tiến Sơn có nội dung vô lý, kém thuyết phục. Chưa kể dàn diễn viên diễn xuất cứng, không truyền tải được ý đồ kịch bản. Một phim khác cũng bị xếp vào hàng hài nhảm nhí là "Gia sư nữ quái". Mặc dù phim quy tụ dàn diễn viên là các danh hài, ca sĩ đắt sô hàng đầu hiện nay như Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn, Bảo Thi… nhưng cách làm phim lại cũ, nhân vật mang màu sắc "cải lương"… Và có lẽ, chỉ có ở giải thưởng điện ảnh Việt Nam mới tồn tại trường hợp "đặc cách" như phim "Lạc lối" - chỉ mới vừa hoàn thành, chưa phát hành, cả khán giả lẫn truyền thông đều chưa biết phim ra sao. Theo cách lý giải từ Ban tổ chức thì việc nới lỏng quy chế là để có nhiều phim có cơ hội tranh tài.

Không khó để nhận thấy trong số những phim được liệt vào hàng đối thủ nặng ký đều thuộc về những đạo diễn Việt kiều. Trong đó, "Thiên mệnh anh hùng", "Scandal - Bí mật thảm đỏ" được đánh giá là thành công cả về chất lượng điện ảnh lẫn hiệu ứng khán giả. "Lấy chồng người ta" tuy ít người xem hơn nhưng lại được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật với cách làm phim cẩn thận, tỉ mỉ. Với những khán giả yêu điện ảnh thì những đạo diễn Việt kiều này đều là những đạo diễn quen thuộc. Lưu Huỳnh đã từng được biết tới với "Áo lụa Hà Đông", "Huyền thoại bất tử"; Charlie Nguyễn từng làm mưa làm gió với "Dòng máu anh hùng", "Để Mai tính", "Long ruồi" hay Victor Vũ với "Chuyện tình xa xứ", "Giao lộ định mệnh", "Cô dâu đại chiến"…

Nếu như các đạo diễn Việt kiều ban đầu thường chọn những đề tài lạ, khó như Nguyễn Võ Nghiêm Minh với "Mùa len trâu", Trần Anh Hùng với "Mùa hè chiều thẳng đứng"… thì những đạo diễn thế hệ sau thường chọn những đề tài gần gũi với đời sống, chính vì thế thu hút được đông đảo khán giả tới rạp. Các đạo diễn Việt kiều với lợi thế là được đào tạo bài bản, sử dụng công nghệ làm phim hiện đại trên thế giới. Công việc tuyển diễn viên, hậu kỳ cũng được làm khá kỹ lưỡng. Không chỉ có vậy, các đạo diễn này còn rất coi trọng việc hợp tác với các nhà phát hành phim nên những phim xuất xưởng đều có chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Không thể phủ nhận, các đạo diễn Việt kiều đã giúp cho khán giả Việt quên đi khái niệm phim phải có mùa mà nếu phim hay, ra rạp bất cứ lúc nào đều có khán giả. Đặc biệt, phim của các đạo diễn Việt kiều khá đa dạng, từ tâm lý tình cảm, hành động kinh dị đến hài hước, cổ trang. Như vậy, xét trên mặt bằng các phim tham dự, các đạo diễn Việt kiều hoàn toàn có thể làm nên chuyện tại Cánh diều năm nay

Khánh Thảo
.
.