Từ hiện tượng cháy vé xem kịch "Hamlet":

Giấc mơ nào cho sân khấu kịch Hà Nội?

Thứ Sáu, 06/11/2015, 07:43
Tối 3/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam đã công diễn vở bi kịch "Hamlet" - một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Đại văn hào AnhWilliam Shakespeare. 
Đưa ra mức giá vé cao nhất là 1 triệu đồng/vé, còn lại là từ 5-700 ngàn đồng/vé, đã có nhiều lời đồn đoán đây là chiêu "gây sốc" của Nhà hát Kịch Việt Nam cho một đêm diễn duy nhất của mình tại Nhà hát Lớn, nhưng thật bất ngờ, loại vé 1 triệu đã được bán hết trước đêm diễn cả tuần lễ. Đã có nhiều lời trầm trồ, ngạc nhiên dành cho "Hamlet". Nhiều người yêu sân khấu Hà Nội đang có một "giấc mơ" về sự hồi sinh của sân khấu Hà Nội.

Có lẽ đã lâu lắm sân khấu Hà Nội mới có một vở kịch được báo chí nhắc nhiều đến thế. Theo thống kế của đại diện Nhà hát kịch Việt Nam, sau buổi họp báo về "Hamlet", đến nay đã có gần 50 bài báo viết về các vở diễn, nghệ sĩ và các hoạt động liên quan đến vở diễn. Đây không chỉ là sự thành công hơn cả mong đợi của ekip "Hamlet" và Nhà hát kịch Việt Nam mà còn là một tín hiệu vui cho sân khấu kịch Thủ đô.

Vé xem kịch "Hamlet"được thiết kế trên chất liệu da độc đáo.

Chưa tới biểu diễn chính thức, các đêm diễn sơ duyệt, tổng duyệt của "Hamlet" tại khán phòng nhỏ của Nhà hát kịch Việt Nam đều đông kín khán giả khiến "người nhà" của Nhà hát kịch Việt Nam đều phải đứng. Có lẽ, cũng nhờ hiệu ứng đặc biệt của truyền thông mà đông đảo khán giả đã tìm đến mua vé cho đêm diễn 3/11, mặc dù giá vé không hề rẻ: 1 triệu đồng/vé - mức giá khiến nhiều người mắt tròn, mắt dẹt.

Ngạc nhiên hơn, đại diện Nhà hát kịch Việt Nam cho biết, loại vé 1 triệu cho đêm duy nhất diễn 3/11 đã được bán hết cách đây 1 tuần. Khán giả lập kỷ lục mua nhiều vé nhất là ông Kim Diệu Quang (Chủ tịch Công đoàn Công ty Newtech) đã mua 12 vé để dành tặng đối tác và bạn bè thân thiết.

Ông Quang cho biết, ông là người yêu thích các tác phẩm của đại văn hào William Shakespeare, qua báo chí biết được các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để đưa tác phẩm "Hamlet" lên sân khấu ông đã rất cảm động và quyết định bỏ một số tiền không nhỏ ra để mua vé như một cách ủng hộ cho các nghệ sĩ và mong muốn sẽ có nhiều khán giả cùng có cảm nhận như mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những hạn chế lớn nhất của sân khấu Hà Nội đó là trong khi chúng ta đang sống trong một "thế giới phẳng", mọi ranh giới về địa lý đang bị rút ngắn, thậm chí xóa nhòa thì một số nhà hát ở Hà Nội vẫn giữ cách làm việc như những năm 80 của... thế kỷ trước. Đó là, trên cơ sở kinh phí thường niên được cấp rót từ trên xuống, mỗi năm nhà hát sẽ lựa chọn 1-2 vở diễn để dàn dựng. Khi vở diễn hoàn thành, nhà hát sẽ mời lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, Hội nghệ sĩ đến dự tổng duyệt, diễn báo cáo.

Cũng cờ hoa phấp phới, diễn văn chào mừng, nghệ sĩ và khán giả (chủ yếu là khách mời) xênh xang áo váy, mặt mũi nở hoa... nhưng sau đó vở diễn gần như sẽ bị "đắp chiếu" và chìm dần vào quên lãng. Đáng buồn là, từ việc chọn vở diễn, đến khi khởi công vở, quá trình luyện tập và công diễn của nhiều nhà hát đã diễn ra trong... lặng thầm, không có sự tương tác một cách chủ động với báo chí, truyền thông hay những kênh thông tin để khán giả có thể nắm bắt được.

Không ai biết nhà hát ấy đang làm gì, trừ những người có liên quan và những thành viên trong nhà hát hoặc nếu báo chí có nhu cầu thì tự tìm hiểu. Vì thế, mặc dù trên địa bàn Hà Nội có tớ hơn chục nhà hát quy mô lớn có, nhỏ có, vừa có như nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Hồng Hà, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ... nhưng các nhà hát này gần như rơi vào tình trạng "tối lửa tắt đèn" quanh năm, chỉ sáng đèn vào những dịp "cúng cụ", "đến hẹn lại lên" như đã nói ở trên.

Có những nhà hát có lực lượng khán giả "chuyên ngành" đông như Đoàn kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát kịch nói Quân đội, Nhà hát chèo Quân đội... hàng năm còn có nhiều suất diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ trong lực lượng, nhiều nhà hát có số buổi lưu diễn đếm được trên đầu ngón tay nhưng vẫn luôn là các đơn vị "hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho" thì thực sự là một điều khó hiểu trong thời buổi hiện nay.

Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sân khấu Thủ đô hiu hắt và nhiều luận điểm khiến sân khấu tư nhân ở Sài Gòn vẫn đỏ đèn hằng đêm, cho dù cơ sở vật chất và các rạp rất nghèo nàn, nhỏ hẹp và có suất diễn chỉ diễn cho trên 10 khán giả. Nhưng những người am tường về sân khấu đều biết rằng, chỉ có một lý do duy nhất khiến sân khấu tư nhân miền Nam phải sáng đèn hằng đêm là vì nghệ sĩ phải bỏ tiền túi ra để dàn dựng vở, vì thế họ phải "nhặt nhạnh" từng tấm vé. Đã là kinh doanh thì phải có lãi. Nếu không bán được vé sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, sẽ bị đói, không trả được cát xê cho diễn viên thì họ sẽ bỏ mình ra đi tìm bến đỗ mới.

Trong các lần trò chuyện cùng "bà bầu" NSND Hồng Vân hay NSƯT Mỹ Uyên - hai gương mặt tài danh của làng kịch nghệ Sài Gòn - các chị đều cho hay: "Chúng tôi phải đi nhặt nhạnh, nâng niu từng tấm vé. Bởi vì đó không chỉ là cuộc sống của chính chúng tôi mà còn là của anh chị em nghệ sĩ đã đổ tiền của, tâm huyết vào. Và gia đình của họ nữa... Vì thế phải PR, phải quảng cáo, phải gửi thông cáo báo chí thường xuyên đến các phóng viên, mời báo chí đến xem để họ đưa tin, viết bài... Tóm lại phải tìm mọi cách để lôi khán giả đến rạp, kể cả mùa mưa...".

Vở kịch hình sự “Kẻ máu lạnh” của sân khấu kịch Sao Minh Béo hút khách nhờ làm tốt công tác RR, quảng cáo.

Sở dĩ sân khấu phía Bắc còn hững hờ, còn "mơ mộng" được là bởi họ vẫn có "bình sữa nhà nước" hàng năm vẫn rót kinh phí về mỗi năm lên tới vài tỉ đồng - con số mà bất kỳ một nhà hát xã hội hóa nào ở Sài Gòn cũng phải ao ước, dù chỉ là một phần nhỏ.

Ở Hà Nội - nơi có nhiều nhà hát Trung ương nhất, nơi có nhiều cơ quan báo chí lớn nhất nước, nhưng hàng chục năm qua chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ là có công tác làm truyền thông, quảng cáo và nâng cao tính tương tác với báo chí cho vở diễn tốt nhất. Vì thế Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một địa chỉ đỏ cho những người yêu sân khấu Thủ đô và có số lượng khán giả thực sự bỏ tiền ra mua vé đi xem kịch nhiều nhất. Sau này có Nhà hát Chèo Hà Nội do NSƯT Thúy Mùi làm Giám đốc cũng chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá vở diễn trên các kênh thông tin đại chúng nhưng vẫn làm theo tính chất "mùa vụ".

Có nghĩa là cứ khi nào sắp có vở diễn ra mắt thì mới rộn ràng lên một chút, sau đó lại rơi vào yên ắng. Còn lại các nhà hát khác, đặc biệt là với các nhà hát của các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo, cải lương công tác truyền thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế mới dẫn đến tình trạng nhà hát cứ âm thầm dựng vở và lặng lẽ diễn cho nhau xem còn khán giả bị biến thành người ngoài cuộc nhưng lại ý luận  rằng "khán giả Thủ đô đã quay lưng với sân khấu".

Trở lại với câu chuyện cháy vé của "Hamlet", Nhà hát kịch Việt Nam đã đầu tư cho vở diễn tương đối kỹ lưỡng. Vở diễn có chi phí dàn dựng "Hamlet" lên tới trên 1 tỉ đồng cùng với sự tham gia của một ê kíp chuyên nghiệp như: Đạo diễn NSƯTAnh Tú; Họa sĩ: NSND  Doãn Châu; Thiết kế phục trang: Đoàn Thị Tình; Tư vấn văn học kịch: PGS. TS  Nguyễn Thị Minh Thái cùng dàn diễn viên trẻ trung, tài năng như Tạ Tuấn Minh, Phương Nga, Quỳnh Hoa, Lâm Tùng... Nhưng điều làm nên sự thành công đặc biệt cho vở diễn lại chính là ngay từ đầu Nhà hát kịch Việt Nam đã đầu tư công phu, bài bản cho công tác truyền thông.

Ngay từ khi vở diễn được khởi dựng, trên trang web chính thức của Nhà hát liên tục cập nhật tiến độ vở diễn, hình ảnh và hoạt động của các nghệ sĩ liên quan đến vở diễn. Không những thế, Phòng đối ngoại của Nhà hát đã cử hẳn một cán bộ phụ trách việc đăng bài viết, hình ảnh trên facebook - vốn đã trở thành một "cửa sổ thông tin" với nhiều người. Vì thế thông tin về vở diễn đã đến được với các nhà báo theo dõi mảng văn hóa một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Thậm chí, ngay cả tấm vé xem biểu diễn loại 1 triệu đồng/ vé đã được  nhà hát đi thuê thiết kế riêng, được in trên chất liệu thuộc da rất sang trọng, tinh tế mà độc đáo, lạ mắt khiến nhiều khán giả tò mò.

Khi Nhà hát kịch Việt Nam đã quyết định công bố mức giá cao nhất cho 1 vé xem "Hamlet" tại Nhà hát Lớn Hà Nội ban đầu là một sự lạ với nhiều người, nhưng dần dà đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân.

Cá nhân tôi cho rằng, 1 triệu đồng/ vé xem kịch cũng không hề đắt bởi vì đó vở diễn đầy kịch tính, hấp dẫn, xúc động và ít nhiều đã chạm được đến trái tim khán giả. Hơn nữa, nếu đem so sánh với giá xem các live show ca nhạc của các ca sĩ đang nổi trong nước và cả hải ngoại như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Chế Linh, Khánh Ly... có mức giá từ 1-2,5 triệu đồng/cặp mà khán giả Thủ đô vẫn xuất tiền mua, thì sân khấu kịch không phải là không có cơ hội lấy được tiền từ túi khán giả.

Nguyệt Hà
.
.