Giá trị những lời sám hối sau song sắt

Thứ Hai, 03/08/2015, 10:10
Tôi thấy nhiều người, trong đó có nhiều phạm nhân đã khóc khi nghe những lời tâm sự của người viết thư gửi tới người cha già nơi quê xa, tới hương hồn người mẹ vì quá đau khổ mà ra đi tức tưởi, tới đứa con trai bé bỏng thiếu tình thương của người mẹ và tới người chị đã khổ đau, một mình chăm sóc cha mẹ già, nuôi cháu nhỏ trong sự khinh khi của người đời.

1.Gần đây, Tổng cục VIII - Bộ Công an có phát động phong trào động viên phạm nhân viết thư cho gia đình hay viết những cảm nghĩ của mình về những tội lỗi đã phạm phải và suy nghĩ về con đường hoàn lương, tôi thấy đây là một việc làm rất hay, rất thiết thực.

Ngày 4/7/2015, xem chương trình Văn nghệ Công an nhân dân, phát trên VTV1 với tên gọi: Ước mơ ngày trở về, diễn ra tại Trại giam số 6, Công an tỉnh Nghệ An, tôi thật sự ấn tượng, xúc động về lá thư mà phạm nhân mang tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn, phạm tội buôn bán ma túy đang thụ án tại đây, đọc trước hàng trăm phạm nhân, Ban Giám thị và những người tham dự buổi giao lưu.

Tôi thấy nhiều người, trong đó có nhiều phạm nhân đã khóc khi nghe những lời tâm sự của người viết thư gửi tới người cha già nơi quê xa, tới hương hồn người mẹ vì quá đau khổ mà ra đi tức tưởi, tới đứa con trai bé bỏng thiếu tình thương của người mẹ và tới người chị đã khổ đau, một mình chăm sóc cha mẹ già, nuôi cháu nhỏ trong sự khinh khi của người đời.

Người đọc thư đã khóc, nhiều lúc nấc lên không đọc thành tiếng với những lời xin lỗi gửi tới người thân, với những ân hận muộn màng của bản thân và những quyết tâm hoàn lương - cải tạo tốt để có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây là những lời sám hối muộn màng sau song sắt. Trong những lời sám hối ấy, người viết thư đã nói nhiều đến tác hại của ma túy và tội lỗi của bản thân đối với gia đình và xã hội, người viết thư đã thấy nuối tiếc cho cuộc đời mình, thậm chí hận chính bản thân mình, không thể tha thứ cho lỗi lầm của mình, và qua đó không quên gửi lời khuyên, lời cảnh tỉnh tới những ai đang trên con đường phạm tội hay có nguy cơ phạm tội. Thư viết dài, rõ ràng, chứa đựng nhiều tâm tư và trăn trở. Với một người bình thường, được sống một cuộc sống tự do, tôi cũng thấy rất thấm thía những lời thư nghẹn ngào ấy.

Phạm nhân Nguyễn thị Thanh Nhàn kết thúc lá thư bằng những lời hứa sẽ học tập, cải tạo tốt để nhanh chóng được về với cuộc sống đời thường, để được làm tròn bổn phận của người con với người cha già yếu, thực hiện tốt thiên chức của người mẹ với đứa con trai thơ dại đang tuổi lớn khôn và san sẻ trách nhiệm với người chị nghĩa tình. Tôi thấy đây là ước mong, khát khao rất con người và thật ra đó là một việc làm hết sức bình thường nếu như người viết thư không rơi vào vòng lao lý, phạm tội và phải trả giá nơi chốn tù ngục. Đây là một bài học đắt giá nhưng cũng rất quý giá đối với người đã phạm tội và cả những người có thể phạm tội.

2. Tuy nhiên, để bài học được "người viết nhớ, người nghe thuộc" thì cần phải có những việc làm để hiện thực hóa giá trị của nó trong cuộc sống. Sẽ có nhiều việc làm để hiện thực hóa điều ấy, tuy nhiên theo bản thân tôi có hai việc cần làm để những lời sám hối sau song sắt thật sự là nền tảng vững chắc, đảm bảo cho con đường hoàn lương của người lầm lỗi và đảm bảo cho sự bình yên của cuộc sống.

Thứ nhất là hình thức phát động và cách thể hiện "lời tâm thư" của phạm nhân. Chúng ta phát động nhưng không ép buộc và tuyên truyền cho phạm nhân hiểu là phải nói thật những suy nghĩ của mình, nếu chưa thật sự có thay đổi trong suy nghĩ hoặc chưa thích thì chưa nên viết vì như vậy không có giá trị. Mặt khác, các phạm nhân có nhiều trình độ khác nhau và sở thích thể hiện khác nhau nên chúng ta gợi ý về đa dạng hình thức thể hiện. Có thể là thư, là lời cam kết, là câu chuyện của mình hay lấy người khác để nói về mình hoặc là những lời thơ tự sự tâm sự hay trữ tình trĩu nặng yêu thương. Hình thức thể hiện đa dạng, miễn sao phải thể hiện được sự sám hối trong lương tâm và thức tỉnh tới lương tri. Bên cạnh đó là việc chia sẻ tâm tư qua lời sám hối, đó là tất cả các phạm nhân đã được viết thì phải được đọc cho những phạm nhân khác và Ban Giám Thị nghe tại những cuộc giao lưu, giao ban hay lễ, tết. Cuối cùng là, Ban Giám thị giữ lại bản chính, gửi bản sao lại cho phạm nhân để họ nghiền ngẫm về những gì họ đã trải lòng.

Thứ hai là khi phạm nhân mãn hạn tù hoặc được ra tù trước thời hạn thì trong hồ sơ trả tự do cho người ra tù, ngoài những loại giấy tờ theo quy định, cần đính kèm bản sao những lời sám hối sau song sắt để luôn như một sự thức tỉnh lương tâm người ta khi họ không còn sống trong chốn lao tù. Cùng với đó là việc kết hợp giữa trại giam với cơ quan chính quyền địa phương trong việc quản lý người mãn hạn tù khi chưa được xóa án tích, thì trong hồ sơ theo dõi đương sự tại địa phương cũng nên có bản sao của những lời sám hối sau song sắt ấy để luôn như một lời nhắc nhở về trách nhiệm của người ta với bản thân mình và cộng đồng, xã hội.

Chúng ta không thể biết trong những lời sám hối muộn màng ấy có bao nhiêu phần trăm của những lời lẽ phát ra từ sự trăn trở đớn đau, bao nhiêu phần trăm là những lời lẽ của "đầu môi chót lưỡi" nhưng khi những lời sám hối ấy có trong "tấm giấy thông hành" của người tái hòa nhập xã hội thì chắc chắn nó sẽ là những rào cản hữu hình cho những ý nghĩ bất lương nếu nó vụt lóe lên lại.

3. Gắn trách nhiệm và lương tâm với những lời sám hối sau song sắt là một việc làm nhân văn, đảm bảo sự hòa nhập bền vững, giảm khả năng tái phạm của những người lầm lỗi hoàn lương. Công việc sẽ vất vả, tỉ mỉ và có phát sinh những tốn kém, nhưng sẽ chẳng là bao nếu so với hiệu quả mà nó mang lại cho nhà nước, cho cộng đồng và cho những người thực thi pháp luật.

Ngọc Việt
.
.