Gặp lại "phù thuỷ" Lê Hoàng Hoa

Thứ Hai, 18/06/2012, 08:00

Sống tình cảm, dễ gần, với Lê Hoàng Hoa dường như không có khoảng cách nào giữa đạo diễn và diễn viên. Họ cư xử với nhau như anh em một nhà. Ông nhẹ nhàng, ôn hòa, nhưng rất quyết đoán và coi trọng kỷ luật trường quay. Với nghệ thuật, ông nghiêm khắc và khó tính. Bao giờ ông cũng đòi hỏi phải đạt đến mức hoàn chỉnh nhất có thể. Ông luôn là người có mặt tại trường quay sớm nhất, và là người ra về sau cùng. Bộ phim cuối cùng mà Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn là "Tình nhỏ làm sao quên" của nhà văn Đoàn Thạch Biền, trước khi ông sang châu Âu định cư.

Lâu lắm tôi mới có dịp ngồi cùng ông nhâm nhi ly cà phê trong quán nhỏ ở Sài Gòn. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa sang Ba Lan định cư đã gần 20 năm. Lần này, ông về thăm quê, tình cờ lại đúng vào dịp kênh HTV7 phát sóng lại bộ phim "Ván bài lật ngửa" rất ăn khách một thời. Ba thập niên đã trôi qua, bộ phim vẫn còn thu hút người xem nhờ những tình tiết được tái hiện hấp dẫn trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Trường Thiên Lý (Trần Bạch Đằng); nhờ vào tài năng của một dàn diễn viên xuất sắc; được nâng lên bởi những góc máy của nhà quay phim kỳ cựu Nguyễn Hòe. Và đặc biệt là sự dàn dựng của một đạo diễn tài hoa: Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên).

Diễn viên Nguyễn Chánh Tín, người nhập vai rất thành công nhân vật Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa" nhận xét: "Lê Hoàng Hoa là một phù thủy của điện ảnh Việt Nam. Trong bộ phim này, bên cạnh vai chính còn có hàng chục vai thứ chính, đều rất quan trọng. Ngoài số diễn viên có nghề, đã thành danh như: Trần Quang, Thương Tín, Thanh Lan, Thúy An ra, còn lại các vai: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Lại Văn Sang… đều được thể hiện bởi những khuôn mặt hết sức xa lạ, lần đầu tiên xụất hiện trước ống kính. Vậy mà, Lê Hoàng Hoa đã nhào nắn họ trở thành những diễn viên còn hơn cả chuyên nghiệp. Nhân vật Ngô Đình Nhu, gai góc đến thế, lại được giao cho một người hành nghề bán quần áo rất bình thường. Tôi đã tham gia trên dưới 100 phim. Nhưng "Ván bài lật ngửa" là bộ phim đã để lại trong ký ức những ấn tượng sâu sắc nhất. Không thể nói gì khác hơn: Lê Hoàng Hoa thật sự là một đạo diễn tài năng".

Tên thật của ông là Đoàn Lê Hoa. Ông sinh ở Nha Trang nhưng lại gắn bó với mảnh đất cố đô Huế, rất say mê điện ảnh. Hồi nhỏ, ông thường dùng kéo cắt những mảnh giấy thành những hình thù theo trí tưởng tượng rồi dán lại thành một đoạn dài. Kế đó, dùng tay kéo ngang một lon sữa bò đã đục rỗng cả hai đầu, lấy đèn pin chiếu lên tường như một khúc phim. Chán trò chơi này, ông lại nhặt bóng điện tròn, nạo hết phần "đui", đổ đầy nước vào, biến nó thành một chiếc kính lúp. Xong, lang thang ra các rạp xi-nê tìm cho bằng được những khúc phim hỏng người ta vứt đi đem về, kéo qua kính lúp, trước ánh đèn, ngồi xem một mình hết sức thích thú.

Năm 19 tuổi, ông sang Hoa Kỳ du học ngành đạo diễn tại Đại học USC, tốt nghiệp vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Về nước, ông dàn dựng ngay phim "11 giờ 30" với một dàn tài tử (cách gọi của thời đó) gạo cội: Lê Quỳnh (chồng của ca sĩ Thái Thanh), Mộng Tuyền, Đoàn Châu Mậu, Minh Đăng Khánh… Đó là cuốn phim đầu tay của ông trong vai trò đạo diễn. Ông tiếp tục thành công và nổi tiếng với hàng loạt phim như "Điệu ru nước mắt", "Chân trời tím", "Vết thù trên lưng ngựa hoang"…; trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu của miền Nam.

Sau năm 1975, Lê Hoàng Hoa tiếp tục gây được tiếng vang lớn với "Ván bài lật ngửa", phim nhựa dài tập đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam. Đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của bộ phim này cũng cần phải nhắc đến tên nhà quay phim kỳ cựu Nguyễn Hòe. Nhờ vào kinh nghiệm, ông đã làm cho hình ảnh xuyên suốt bộ phim thêm phần sinh động bởi những góc máy tinh tế. Có một chi tiết ít người biết đến. Tập 1 của bộ phim này có tựa đề "Đứa con nuôi vị giám mục", vai chính Nguyễn Thành Luân do nhà báo Huỳnh Bá Thành (Họa sĩ Ớt) đảm trách. Xem ra, Huỳnh Bá Thành giỏi làm báo nhưng không có duyên với điện ảnh. Anh lúng túng và khô cứng trước ống kính nên diễn xuất rất gượng gạo. Sợ làm hỏng bộ phim, dù đã quay gần xong tập phim dài 90 phút, Lê Hoàng Hoa vẫn phải cho ngừng lại để Nguyễn Chánh Tín thay vai, quay lại từ đầu. Việc thay đổi này là hoàn toàn chính xác. Nguyễn Chánh Tín đã rất xuất sắc khi hóa thân thành Nguyễn Thành Luân thông minh, mưu lược. "Ván bài lật ngửa" trở thành tác phẩm kinh điển, các tuyến nhân vật đều tròn vai và xuất sắc.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (bên phải) và nhà quay phim Nguyễn Hòe chuẩn bị một cảnh quay cho phim "Ván bài lật ngửa".

Sống tình cảm, dễ gần, với Lê Hoàng Hoa dường như không có khoảng cách nào giữa đạo diễn và diễn viên. Họ cư xử với nhau như anh em một nhà. Ông nhẹ nhàng, ôn hòa, nhưng rất quyết đoán và coi trọng kỷ luật trường quay. Với nghệ thuật, ông nghiêm khắc và khó tính. Bao giờ ông cũng đòi hỏi phải đạt đến mức hoàn chỉnh nhất có thể. Ông luôn là người có mặt tại trường quay sớm nhất, và là người ra về sau cùng. Bộ phim cuối cùng mà Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn là "Tình nhỏ làm sao quên" của nhà văn Đoàn Thạch Biền, trước khi ông sang châu Âu định cư.

Những năm tháng quê người, Lê Hoàng Hoa vẫn canh cánh trong lòng một nỗi hoài hương đến thắt ruột. Vì thế năm nào ông cũng tìm về. Thảnh thơi thì vài ba tháng. Gấp gáp lắm cũng ráng cho được vài ba tuần. Về Việt Nam, ông sống một mình trong căn phòng nhỏ, đầy đủ tiện nghi trên đường Lê Văn Sỹ. Vẫn cảnh cơm hàng, cháo chợ.  Mỗi sáng, ơi ới gọi anh em ra một quán cà phê nào đó, ngồi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Chung quy cũng chuyện điện ảnh. Rồi nhắc tên ai còn ai mất. Ông hay bảo "nơi quê nhà là đẹp hơn cả" theo tinh thần Quốc văn giáo khoa thư.

Lần gặp gần đây, ông nhận xét: "Nhìn vào điện ảnh nước nhà hiện nay có cái đáng mừng, mà cũng có cái đáng lo. Mừng là hầu hết diễn viên trẻ, nam cũng như nữ đều có ngoại hình đẹp hơn trước rất nhiều. Khâu kỹ thuật, máy móc cũng được cải thiện đáng kể. Còn lo là một số các em không chịu học hỏi để phát huy khả năng nghề nghiệp mà chỉ lo tìm mọi cách chạy theo danh lợi trước mắt".

Một đời đạo diễn, Lê Hoàng Hoa đã có hơn 100 phim - một gia tài đồ sộ. Nói về nghề, ông bảo buồn nhiều hơn vui. Tôi đề nghị: "Kể chuyện vui trước, chuyện buồn sau". Lê Hoàng Hoa thủ thỉ: "Hồi đó, có lần cô Kim Vui nhận được giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất của điện ảnh Sài Gòn. Khi lên nhận cúp, cô xúc động tuyên bố, người tạo dựng nên tôi là đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Vì thế, tôi xin dâng tặng giải thưởng này lại cho ông bằng tất cả sự tri ân".

Dĩ nhiên, Lê Hoàng Hoa không nhận, nhưng lòng rất vui vì cách cư xử tình nghĩa, có trước có sau của cô diễn viên tài năng. Nhưng đó chỉ là chuyện hiếm hoi. Còn buồn thì nhiều lắm! Ông thở dài: "Cuộc đời bạc bẽo lắm, mà nghề đạo diễn, nhất là với những đạo diễn có lương tâm, lại càng bạc bẽo hơn nữa. Một đời làm phim không đong đầy ly cà phê đắng!". Tôi hỏi: "Bạc bẽo, thế thì anh còn yêu điện ảnh, còn muốn làm phim nữa không?". Ông cười: "Yêu. Mãi yêu cho hết kiếp này. Nếu được, tôi sẽ làm phim cho đến ngày nhắm mắt. Dù sao, tôi vẫn bám vào niềm tin ở con người. Bởi nếu không tin vào con người thì biết sống với ai!"

Tôi nghĩ, Lê Hoàng Hoa buồn mà nói thế thôi, chứ giữa cuộc đời dâu biển này, còn thiếu gì người luôn nhớ đến ông bằng sự quý mến, có trước, có sau. Ví như diễn viên Trần Quang, một thời vang bóng. Khi gặp Lê Hoàng Hoa, Trần Quang vẫn còn là một chàng trai trẻ, mới tập tễnh vào nghề và có chút tiếng tăm với bộ phim "Xin nhận nơi này làm quê hương". Trần Quang bảo: "Gặp Lê Hoàng Hoa, chúng tôi quý mến nhau vì sự chân tình. Lê Hoàng Hoa mời tôi tham gia vào hai bộ phim của anh là "Điệu ru nước mắt" và "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Chính nhờ vào hai bộ phim này mà công chúng yêu thích điện ảnh biết đến tôi nhiều hơn. Không thể không nói lời cám ơn anh Lê Hoàng Hoa đã tạo điều kiện cho tôi có đất dụng võ. Vậy mà với Lê Hoàng Hoa, đó chỉ là công việc. Vấn đề là phải tìm cho được người xứng đáng để trao trách nhiệm. Và anh chưa bao giờ chọn sai người". Đến "Ván bài lật ngửa", đạo diễn Lê Hoàng Hoa lại tiếp tục mời Trần Quang nhận vai. Và đó đều là những vai diễn mà đời diễn viên của Trần Quang để lại được nhiều dấu ấn.

Đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc cũng hay nhắc tới Lê Hoàng Hoa với sự ngưỡng mộ và quý trọng. Trong cái nhìn của Lê Cung Bắc thì Lê Hoàng Hoa đích thị là một trong những đạo diễn lớn của Điện ảnh Việt Nam. Ông có lối sống như một nhà quý tộc phương Tây, nhưng tâm hồn lại là của một người Việt Nam. Cả trong nghề lẫn trong đời, anh ấy đều là một con người đáng trọng".

Còn biết bao nhiêu người khác nữa vẫn giành cho Lê Hoàng Hoa những tình cảm chân thành bởi những gì ông đã hiến tặng cho đời, cho nghệ thuật. Sẽ chẳng bao giờ Lê Hoàng Hoa biết hết. Gặp lại ông, tôi lại chợt nhớ hai câu thơ của người xưa:

Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ hà nhân bất thức quân

(Tạm dịch: Đừng buồn phía trước không có tri kỷ. Trong thiên hạ ai là người không biết anh)

Đoàn Thạch Hãn
.
.