Tản văn

"Gáo nước lạnh" và sự thận trọng hiếm hoi

Thứ Ba, 01/07/2014, 08:00
Thời còn Chế Lan Viên, Xuân Diệu… có nhiều người thuộc diện cha chú hoặc thuộc diện đàn anh, đàn chị vẫn thường quan tâm đến những người viết trẻ.

Những Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Quang Hà, Mai Phương, Nguyễn Hiếu… và nhiều người nữa, từng được quan tâm.

Chính Chế Lan Viên, vào năm 1974, đã mời (thậm chí còn đọc cho Nguyễn Xuân Thâm nội dung đơn để Nguyễn Xuân Thâm chép) vào Hội Nhà văn. Và cũng chính Chế Lan Viên, Xuân Diệu… còn viết khá nhiều thư, góp ý rất cụ thể cho những người mới cầm bút, mới có những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên và vụng về đầu tiên.

Chắc chắn, nếu không có con mắt xanh của Xuân Diệu, Nguyễn Quang Hà đã không chuyển sang làm văn xuôi và chúng ta đã không có nhà văn xuôi Nguyễn Quang Hà chững chạc như bây giờ.

Trong văn xuôi, Đỗ Chu cũng có may mắn như vậy. Ngay từ đoạn văn ngắn "Ao làng" và một vài truyện ngắn đầu tay khác, Đỗ Chu đã được các nhà văn, nhà thơ đàn anh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên, Kim Lân, Nguyên Hồng quan tâm, động viên, cổ vũ.

Trần Đăng Khoa cũng vậy. Từ những bài thơ đầu tiên, Khoa đã được nhiều nhà thơ tên tuổi đặc biệt quan tâm, nâng đỡ.

Thời xa xưa, người ta đọc của nhau nhiều lắm. Có khi chỉ được đăng một chùm thơ trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới hoặc một vài bài thơ trong các tập thơ "Sức mới", "Hoa trăm miền"… đã được coi là người nổi tiếng. Còn bây giờ, số nhà văn, nhà thơ đọc nhau càng ngày càng ít. Có khá nhiều nhà thơ thường xuyên gặp gỡ nhau, chơi với nhau, nhưng cũng không biết bạn mình đã viết gì, có tác phẩm gì.

Thời xa xưa, biên tập ở các báo, tạp chí văn, nhất là ở các nhà xuất bản, đa phần là nhà văn. Nhiều người trong số đó đã có vai trò "bà đỡ" cho những đứa con tinh thần của nhà văn. Giờ thì hầu như không còn. Đa số biên tập viên chỉ có vai trò chỉnh sửa thuần túy, gọi là, không quan tâm và đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu nữa, và có vẻ cũng không đủ năng lực và tự nâng cao năng lực để làm việc ấy.

Các phóng viên văn học của nhiều tờ báo cũng vậy. Đa phần là nói dựa. Không ít người chỉ viết bài qua sự cảm nhận và dẫn dắt của người khác. Thậm chí, có người không đọc nhưng vẫn viết bài về một tác phẩm như thể mình đã đọc rồi. Có nhiều thứ quan trọng hơn đối với những người này!

Ngày nay, những tác nhân có tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến người viết như thế ngày một ít hoặc hầu như không có nữa. Nhưng cũng có thể, với nội lực của người viết mạnh hơn, họ chẳng còn cần những sự nâng đỡ như thế!

Ấy vậy mà tôi, ngay từ thuở mới cầm bút, cặm cụi và kiên nhẫn viết những bài thơ đầu tiên, đã bị giội ngay một "gáo nước lạnh".

Chuyện xảy ra vào cuối năm 1977, đầu năm 1978.

Sau khi gom được một chùm thơ đầu tiên, với sự tin cậy ghê gớm, tôi đã đưa cho nhà thơ, nhà giáo dạy văn thuộc diện cha, chú tên là H.V thẩm định giùm.

Ngay từ khi còn chưa đọc tác phẩm của tôi, ông H.V đã hỏi: "Cậu năm nay bao nhiêu tuổi?". Tôi đáp: "Dạ, năm nay cháu 22…". Ông H.V nói ngay: "Vậy thì không nên tiếp tục nữa. Chế Lan Viên xuất bản tập "Điêu tàn" khi mới 16 - 17 tuổi. Nhiều nhà thơ khác thành danh từ khi mới 19 - 20 tuổi. Nay, tuổi cậu đã nhiều, vào nghề thế là quá chậm, chẳng nên làm thơ nữa làm gì".

May mắn là lòng yêu thơ, sự ham làm thơ trong tôi còn đủ mạnh, để không lùi bước và không ngã lòng. Nếu không, chắc chắn tôi đã không làm thơ đến ngày hôm nay.

Sau đó khoảng 2 - 3 năm, trong lúc lên Văn phòng Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi ấy), tôi bất ngờ nhận được một lá thư ngắn ngủi của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Lúc này, nhà thơ Đỗ Trung Lai đang là phóng viên, biên tập viên của Báo Quân đội nhân dân.

Trong thư, nhà thơ Đỗ Trung Lai viết: "Bài thơ của bạn sắp đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Thơ viết rất có cảm xúc và có tìm tòi nhất định. Để bài thơ chặt chẽ hơn về mặt cấu tứ, tôi đã cắt đi 4 câu đầu. Mong được thông cảm".

Tôi rất cảm động trước những dòng thư này và coi đây là sự chia sẻ, sự trọng thị cần thiết. Và ở một chừng mực nào đó, cũng có thể coi đây là sự may mắn của tôi.

Tiếc thay, cả đời viết của tôi đã gần 40 năm, đây là lần đầu tiên có một nhà thơ chu đáo đến vậy và đã quan tâm rất cụ thể đến một bài thơ của tôi ở cái thuở ban đầu đáng nhớ ấy!

Đặng Huy Giang
.
.