Gã thợ hàn viết văn trên laptop

Thứ Năm, 22/05/2008, 14:45
Tại trại viết do Bộ Công an tổ chức tại Sầm Sơn, dù sáng hay chiều, dù ngày hay đêm, ai đó vô tình đi qua ngó vào phòng Nguyễn Nhuận Hồng Phương sẽ bắt gặp hình ảnh một thân hình phốp pháp đầy vẻ thợ thuyền với những ngón tay chắc nịch, gân guốc, xù xì đang đánh vật với chiếc laptop bé bỏng trên bàn viết. Từ hai bàn tay người thợ đang gõ phím, dường như có những ánh lửa bay lên..

Ở trại sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống" năm 2007 - 2010 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một nhà văn đặc biệt. Dáng người to lớn, giọng nói oang oang, cử chỉ hào sảng, trái ngược hẳn với bút danh mềm mại: Nguyễn Nhuận Hồng Phương.

Hình dáng và cử chỉ của ông khiến người mới tiếp xúc sẽ đoán mười mươi đây là một công nhân bốc vác đã vãn chiều hay cánh thợ thuyền quen "nặng tay mạnh chân" nào đó. Đúng thế, Nguyễn Nhuận Hồng Phương chính là một người thợ... đã chuyển nghề.

Khởi đầu từ "Trong rác không có rác"

Cụm từ "hiện tượng văn học" đã trở nên quen thuộc với giới văn nghệ Vĩnh Phúc và những người quan tâm đến lĩnh vực văn học nghệ thuật vùng đất này. Cụm từ ấy mọi người dành để nói về nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Nhuận. Trong cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, Nguyễn Văn Nhuận đã trải qua nhiều nghề, từ nấu ăn, lái xe tải, xe khách, lái tàu thủy cho đến thợ cơ khí. Cuối cùng, nghề mà ông gắn bó lâu nhất vẫn là thợ cơ khí.

Một thời gian dài, người dân thị xã Phúc Yên đã quen đến xưởng cơ khí của ông để đặt những bộ cửa xếp cũng như các sản phẩm hàn, tiện phục vụ dân sinh. Người ta đã quen với hình ảnh một bác thợ hàn giỏi nghề khoáng đạt, phổi bò, ăn sóng nói gió của khu phố với những cửa hàng dịch vụ và các tiệm buôn bán nhỏ.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, người thợ ấy vẫn cần mẫn với những mối hàn khi tuổi năm mươi vừa cập bến. Không ai biết rằng, những đốm lửa từ que hàn, máy tiện chợt loé, chợt tắt kia như một sự dự báo cho số phận người thợ đa đoan với khoảng đời phía trước.

Năm 1999, Nguyễn Văn Nhuận gặp một biến cố lớn: Người vợ mà ông rất mực yêu thương đã ra đi bởi một tai nạn giao thông khi ngồi sau lưng chồng trên xe máy trong một lần ông chở bà về quê.

Sự ra đi đột ngột của người vợ để lại ông và ba con trai khiến ông suy sụp. Người đàn ông ở tuổi 52 vốn gồ ghề, mạnh mẽ và ít suy tư ấy bỗng trở nên bơ vơ. Tay hàn không còn chắc, quai búa không còn hứng khởi… Ông quyết định đóng cửa tiệm hàn. Những lúc rảnh rỗi, ông thường tập hợp bạn bè làm đôi câu thơ đọc chơi, những mong tháng ngày trôi qua đỡ cô đơn, buồn tẻ.

Bài thơ đầu tiên ông làm là bài thơ khóc vợ, rồi thì thơ về tình yêu và nhiều đề tài khác… Những bài thơ gửi đến báo địa phương chẳng có hồi âm, nhưng tình yêu với thơ không vì thế mà vơi đi, ông vẫn làm thơ, thậm chí là… viết trường ca.

Năm 2002, ông viết xong trường ca "Khúc hát Mê Linh" và dò hỏi địa chỉ, tìm gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (một nhà thơ quen thuộc với vùng quê Vĩnh Phúc) để nhờ "thẩm". Câu đầu tiên ông hỏi sau khi Nguyễn Bùi Vợi đọc xong bản thảo là: "Thầy ơi, đó có phải thơ không?".

Tập trường ca được Nhà xuất bản Thanh niên in như một câu trả lời, cho dù nhiều người vẫn cho rằng, thời nay, để xuất bản một tập thơ là điều không khó. Trong giới sáng tác Vĩnh Phúc, có người còn nghi ngại về khả năng văn chương của người hội viên mới có bút danh "bay bướm".

Tưởng như sau "cú hích trường ca" đó, cây bút “thơ trẻ” này sẽ chung tình với "nàng thơ", nhưng không, một cơ duyên đã dẫn ông đến với văn xuôi. Trong một lần tình cờ có cuốn "Văn nghệ Công nhân" trên tay (năm 2004), đọc những truyện ngắn trong đó, ông thấy hợp với mình quá, nghĩ rằng đúng tạng của mình.

Nhìn dòng địa chỉ tòa soạn, ông ghi lại và… viết. Kết quả là sự ra đời của truyện ngắn "Chiếc xe tang" mà nhân vật chính và cốt truyện mang hơi thở đời sống của chính tác giả được đăng tải ngay sau đó.

Như khơi trúng mạch nguồn, ông viết một loạt các truyện ngắn khác và gửi tới tấp về "Văn nghệ Công nhân". Số lượng truyện nhiều đến "chóng mặt", nhiều đến nỗi, dù đã rất ưu ái, Ban biên tập cũng chỉ cho in được… 5 cái trong xấp xỉ hai chục truyện ngắn ông gửi tới.

Còn lại, người biên tập đành gọi ông về bàn bạc và khuyên nên tập hợp chúng để ra một tập riêng. Thế là, cũng vào năm đó, tập truyện ngắn đầu tay của ông ra đời với một cái tên khá lạ "Trong rác không có rác".

Khi vừa hoàn thành tập truyện ngắn đầu tiên, trong đầu người thợ hàn bắt đầu manh nha ý tưởng cho một thể loại mới: tiểu thuyết. Nghĩ là làm, ông xắn tay lội ngay vào địa hạt mênh mông như rừng rậm này.

4 năm "đẻ"… 6 tác phẩm

Sau một thời gian cầm bút, nhận thấy sức viết của mình mạnh mẽ như vậy, nếu viết tay thì quá vất vả, thế là ông quyết tâm học đánh máy tính. Ông đến trung tâm xin học, khi biết mức học phí là hai trăm ngàn đồng, ông đã nói với người dạy rằng sẽ trả hẳn bốn trăm với điều kiện ông hỏi gì nói nấy, kiểu học nhanh "đốt cháy giai đoạn". Kết quả là, sau một tuần ông đã bước đầu biết sử dụng máy tính.

Ngay lập tức "cây viết trẻ" dồi dào bút lực vác tiền đi mua… laptop về phục vụ nghiệp viết như một thứ thuốc gây nghiện đang choán hết tâm trí và cuộc sống của ông. Có laptop, công việc sáng tác đỡ vất vả hơn rất nhiều, và vì thế, ông viết càng… nhanh hơn, khỏe hơn.

Đến nay thì không ai còn nghi ngờ gì về nghiệp viết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Năm 2004, từ truyện ngắn đầu tiên, ông đã viết liên tiếp các truyện ngắn khác, rồi viết tiểu thuyết, rồi cả kịch bản phim...

Các lĩnh vực văn chương khác nhau đã được Nguyễn Nhuận Hồng Phương tiếp cận, khai thác và ít nhiều thu được những kết quả. Năm 2005, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn xuôi Nguyễn Nhuận Hồng Phương".

Tiểu thuyết đầu tay của ông với tên gọi "Đồng vọng ngược chiều" cũng là tiểu thuyết đầu tiên của đội ngũ những người cầm bút Vĩnh Phúc sau mười năm, từ khi tái lập tỉnh và tách Hội Văn học Nghệ thuật. Và tác phẩm của ông được nhận giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng văn xuôi 5 năm của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiếp theo đó, bút lực của người thợ hàn liên tục bứt phá với các tiểu thuyết "Vận may", "Phá sản" cùng xuất bản năm 2006, rồi tập truyện ngắn "Khi người ta ngủ" xuất bản năm 2007.

Với lĩnh vực kịch bản phim, Nguyễn Nhuận Hồng Phương nhớ lại: Một hôm ông nhận được điện thoại của đạo diễn - NSƯT Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng Phim Giải phóng (hiện là Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam) - lúc đó đang ở TP Hồ Chí Minh Đức Tiến nói đã đọc tiểu thuyết "Vận may" của ông và muốn được chuyển thể thành kịch bản phim.

Sau đó, Lê Đức Tiến từ TP Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội rồi cùng với nhà văn Lê Phương, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lên Vĩnh Phúc tìm gặp Nguyễn Nhuận Hồng Phương bàn bạc.

Dù chưa viết kịch bản bao giờ, nhưng ông cũng nhận lời rồi lên đề cương, viết thử một tập. Viết xong gửi vào TP Hồ Chí Minh để Lê Đức Tiến đọc. Sau khi đọc xong, Lê Đức Tiến "OK", thế là ông viết những tập tiếp theo cho đến khi hoàn thiện.

Đến nay thì 20 tập phim truyền hình với tên gọi "Vận may" do Nguyễn Nhuận Hồng Phương chuyển thể từ tiểu thuyết của mình đã đi vào kế hoạch sản xuất của Hãng Phim truyện Việt Nam như một sự khởi đầu đầy hứa hẹn.

Trong 5 năm, từ 2003 đến 2008, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã xuất bản 6 tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Một con số phản ánh sức làm việc phi thường. Ông cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006.

Những người dân trong khu phố của "ông Nhuận thợ hàn" đã bắt đầu làm quen với một hình ảnh mới, vẫn là người thợ sắt vồn vã, gần gũi nhưng giờ đây đã trở thành một trong những nhà văn đầu tỉnh. Bà con lao động nơi đây vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân mật là "ông trong rác không có rác" một cách trìu mến. Rất nhiều tác phẩm của ông họ đã biết nhưng nhớ nhất vẫn là cái tên đầy "tính giai cấp" ấy. Và ông thấy hạnh phúc vì điều đó.

Tưởng rằng vốn sống từ những năm tháng bôn ba của ông sẽ tha hồ sử dụng vào tác phẩm, nhưng dường như chừng ấy vẫn chưa đủ, thế nên ông vẫn phải cày cuốc, bồi bổ thêm. Năm 2007, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã dành một tháng lưu trú lại một trại nuôi nấm linh chi ở Đồ Sơn để thâm nhập, xây dựng đề cương cho tác phẩm mới. Chuyến đi đó đã khiến chiếc laptop của ông gặp mưa và "trở bệnh", nhưng người chủ của nó thì bình an vô sự và vẫn vui phơi phới.

Hiện tại, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đang viết cùng lúc 2 tiểu thuyết: "Ngoài vòng tay của Chúa" về đề tài chiến tranh và chất độc da cam; "Phố thị" - hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về tài "Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống".

Tại trại viết do Bộ Công an mà trực tiếp là NXB Công an nhân dân tổ chức lần này, trong cái rét se se của những ngày tháng tư, khi mà những nhà văn có tuổi đôi lúc phải co ro trong những tấm áo khoác mỏng thì Nguyễn Nhuận Hồng Phương vẫn cởi trần, bật điều hòa ro ro làm việc.

May mà trại viết bố trí mỗi người một phòng riêng chứ nếu không, thế nào người ở chung phòng với ông cũng tha hồ chịu rét bởi "hệ thống làm mát" phục vụ cho thân hình gã đàn ông hơn tám chục cân đang vật vã… lao động nghệ thuật.

Dù sáng hay chiều, dù ngày hay đêm, ai đó vô tình đi qua ngó vào phòng ông sẽ bắt gặp hình ảnh một thân hình phốp pháp đầy vẻ thợ thuyền với những ngón tay chắc nịch, gân guốc, xù xì đang đánh vật với chiếc laptop bé bỏng trên bàn viết. Từ hai bàn tay người thợ đang gõ phím, dường như có những ánh lửa bay lên..

Trại viết Sầm Sơn tháng 4 năm 2008

Nguyễn Xuân Thủy
.
.