"Gã khùng" đi nhặt "kho báu"

Thứ Hai, 20/10/2014, 08:00
Gã đi khắp nơi, gọi là nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi, nhưng thứ nào cũng phải bỏ tiền ra mua. Một cái chén cho chó ăn, đã sứt mẻ, bẩn thỉu, gã dám bỏ ra 25 triệu đồng để rinh nó về... Lần mò suốt gần một phần tư thế kỷ, gã đã có một "kho báu" độc nhất vô nhị.

Nhiều người gọi Đinh Công Tường (ngụ đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận12, TP HCM) là gã khùng. Gã học hành ít, nhưng vốn kiến thức về văn hóa cổ vật thì không mấy người bằng cấp cao có thể sánh kịp. Năm nay 47 tuổi, gã đã có 24 năm mải miết đi tìm và đổ hết gia tài cho thú chơi "ngông" chẳng giống ai. Gã tinh lắm, hễ nhà nào có "mùi" đồ cổ là gã biết ngay, lân la hỏi mua cho bằng được. Gã như con kiến, chăm chỉ, cần mẫn đi và lượm những thứ người ta vứt đi, hoặc không dùng đến. Bây giờ, nói không ngoa, gã đã trở thành "ông vua" của hàng nghìn hiện vật văn hóa trải từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX.

Hành trình đi tìm lại giá trị văn hóa cổ xưa, gian nan và nhọc nhằn lắm. Gã nghĩ mình mắc nợ với thiên nhiên, với đất, có lẽ sinh ra từ đất nên phải sống cùng với đất và nuôi dưỡng nó. Cổ vật theo từng niên đại, cứ lầm lũi, đau đáu nằm đâu đó. Bị lãng quên, vùi lấp nhưng chúng còn đó, chứ chưa tàn lụi cùng cát bụi. Hạnh phúc của gã là tìm ra, đưa chúng về, nâng niu. Trong nhà gã, hàng nghìn cổ vật nằm xếp lớp, phủ những tầng tro của gió và rêu.

Không phải là người có học thức uyên bác, cũng không thuộc hàng nhà khảo cổ tầm cỡ, nhưng gã hiểu được khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trước kia giao thương buôn bán rất nhộn nhịp, vật phẩm phong phú. Ở đó, gã đã "lượm lặt" được vô số hiện vật gốm sứ cổ:  Tô một trăm chữ bùa, được các vua chúa ngày xưa dùng để biểu thị sự may mắn; bình vuông; bình Bát Huệ tôn (chỉ còn hai cái); dĩa Mai Hạc từng xuất hiện trong thơ của thi hào Nguyễn Du: "Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen…".

Toàn bộ diện tích căn nhà rộng khoảng 600m2 đầy ứ, chật cứng đổ cổ. Có những thứ không chịu nổi sự chật chội phải "bung" ra ngoài, nằm la liệt trên hành lang. Hỏi gã thế chỗ ăn ngủ ở đâu? Gã cười tít mắt, dẫn chúng tôi đi ra phía sau nhà có một chái riêng. Gã mở cửa ra, bên ngoài lại toàn cổ vật, có cả gốc cây, bức trướng, pho tượng Phật… Tít hút bên trong có căn buồng nhỏ vừa đủ kê một chiếc giường đôi. Đây chính là nơi nghỉ ngơi của gã, đơn sơ, mộc mạc và cô độc.

Gã bảo, không thể đếm được vì khối lượng không ngừng tăng lên qua các năm, ước chừng khoảng hơn 8 nghìn cổ vật gì đó.

Gã cũng không thể lý giải vì sao mình lại yêu cổ vật đến thế. Niềm đam mê cổ vật ngấm vào máu của gã từ thời trai trẻ. Ngày đó, nhà gã nghèo lắm. Gã sớm phải nghỉ học khi vừa bập bẹ con chữ. Gã phải bươn ra đời bán báo dạo kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Đi khắp Sài Gòn, miền Tây, gã để ý tỉ mỉ từ cái ly, cái chén đến cái nồi đất đen xì than củi. Không hiểu lắm, nhưng gã "thấy" được giá trị vô cùng của những thứ đơn sơ, tầm thường ấy.

Một trong hàng chục phòng chứa gốm sứ cổ của ông Đinh Công Tường.

Một lần về Tiền Giang, gã thấy một người đàn bà đang cho chó ăn. Bất chợt chạm mắt cái chén, gã bị thôi thúc, hỏi mua ngay. Người đàn bà nhìn gã ngạc nhiên, rồi lưỡng lự không bán. Hôm sau gã lại đến nài nỉ, khi bà chủ chuẩn bị gật đầu thì ông chồng say xỉn về tới nhà, quát: "Không mua bán gì hết, để đó". Không nản, gã bỗng nổi máu điên rồ: "Chỉ là cái chén cho chó ăn thôi mà. 25 triệu, bán không?". Gia chủ mắt tròn mắt dẹt nhìn gã, ông chồng tỉnh hẳn rượu và… bán ngay. Gã sướng lắm, vì cái chén quá đẹp, cái giá phải trả coi như quá… rẻ. Cái chén đó là cổ vật trong cung đình Huế, chỉ dành cho vua chúa dùng, không hiểu sao lưu lạc tới tận miền Tây sông nước, thành bát đựng khẩu phần của chó!

Hỏi sao dành hết tiền mua đồ cổ? Gã tròn mắt, khuôn mặt nở ra: "Vì yêu quá nên bỏ công tìm hiểu, thấy được nhiều giá trị văn hóa quý và bí ẩn của con người thời xưa. Từ yêu hóa thành say mê". Cười vì gốm mà cũng khóc vì gốm, gã vẫn trăn trở và nuối tiếc vì còn nhiều cổ vật đang nằm sâu dưới lòng đất, bao nhiêu câu chuyện văn hóa cổ bí ẩn vẫn chưa được tìm ra.

"Kho báu" không tên

Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, gã ra quân, chuyển sang nghề chơi sinh vật cảnh. Dù chưa học qua bất cứ trường lớp nào, nhưng tạo hóa đã ban cho gã một đôi bàn tay khéo léo. Gã đi mua những gốc cây về tự tạo vẽ, uốn nắn, kiến thiết ý tưởng thành một tác phẩm mang hồn cốt chứa trong đó những ý nghĩa đời sống. Thời cây cảnh lên ngôi, gã phất lên như diều gặp gió, trở nên giàu có, uy tín nổi như cồn trong giới sinh vật cảnh. Có tiền, những chuyến lùng sinh vật cảnh, gã kết hợp với săn đồ cổ. Vào nhà dân, sau khi hỏi mua cây cảnh, gã láo liếc ngó trước dòm sau từ trong nhà xuống bếp, từ gầm bàn gầm giường nhà người ta, trông như một kẻ ăn trộm. Vật dụng nào cổ là gã biết liền. Người dân quý gã, chẳng tiếc gì mấy thứ cũ kỹ dùng trong sinh hoạt, thường bán ngay khi thấy gã trả cho họ cả một đống tiền.

Năm 2011, trong những ngày lang thang ở Hồng Kông, gã để ý thấy nhà một người dân có cái bình cắm hoa cũ kỹ. Mê mẩn với vẻ đẹp của chiếc bình cổ, gã liều mình xông vào hỏi mua. Người chủ dùng dằng. Gã rủ rê ông chủ đi nhậu, rồi cũng mua được với giá 5.000 USD. Tiền mang theo mua linh kiện làm ăn đổ hết vào mỗi cái bình hoa. Nhưng gã vui lắm, lâng lâng mất mấy ngày.

Năm 2012, gã đi Singapore thăm bạn. Vừa sang, chưa kịp đi thưởng ngoạn danh thắng thì gã để ý thấy nhà hàng xóm có một cái dĩa cổ tuyệt đẹp, lại lao vào hỏi mua liền. Bị từ chối, gã buồn quá, hết cảm hứng đi du lịch. Gã "mai phục" đúng 5 ngày để gặp bằng được chủ nhà lần nữa, nhưng họ đóng cửa kín mít. Tận ngày phải lên máy bay về nước gã mới gặp lại được chủ ở nhà. Ông ta đội giá lên rất cao để đuổi khéo gã khùng Việt Nam. Giờ bay đã cận kề, gã gật đầu luôn, dốc sạch hầu bao để mua được chiếc dĩa. Hỏi gã mua bao nhiêu tiền cái dĩa đó, gã cười bảo: "Thôi, nói ra sẽ không ai tin đâu, cứ để nó là vô giá đi".

Sau đồ gốm, gã đèo bòng thêm đam mê gỗ cổ. Nhiều loại gỗ quý hiếm ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, có những loài thuộc hàng cực hiếm, độc nhất vô nhị như gỗ bảy màu đã hiện diện trong nhà gã. Gã kể: "Đồng bào Tây Nguyên sở hữu nhiều gỗ quý lắm nhưng họ không nhận ra, có khi mang ra làm củi đun. Một lần đi từ thiện ở Kon Tum, tôi vô tình phát hiện ở dưới gầm giường của một hộ đồng bào để miếng gỗ bị bụi phủ kín hết. Hỏi miếng gỗ ấy để làm gì, chủ nhà bảo, để chơi thôi chứ có làm gì đâu. Nhưng hỏi mua thì họ không bán. Cuối ngày, họ thấy tôi đi phát quà, đi cho gạo đồng bào thì cảm động, quý cái bụng, lại gọi vào bán cho khúc gỗ đó. Tôi mang về thuê người đẽo thành pho tượng Phật cất kỹ trong tủ kính".

Theo gã, chỉ những người nào có tâm hồn, có bộ óc tinh tế, có con mắt quan sát tinh tường mới phát hiện ra đâu là cổ vật quý giá. Niềm đam mê và máu sáng tạo đã giúp gã quy tụ được cả một "kho báu" gốm sứ và gỗ quý.

Gã cho chúng tôi xem bộ tượng Phật Di Lặc bằng thủy tùng nặng hơn một tấn, nét chạm trổ tài hoa và công phu. Gã nói, ban đầu chỉ là một khúc gỗ thô, giờ vô giá, có hồn nhờ bàn tay con người. Gã làm được bao nhiều tiền đều dồn vào đó, mồ hôi và máu của gã đã đổ vào đó. Đó là tinh hoa của cả một thời đại, là hiện thân của những giá trị cũ xưa mà nếu không nhanh chóng giữ lại và bảo tồn nó sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi dưới lòng đất.

"Kho báu" của gã đã trở nên vô cùng phong phú về chủng loại nhưng vẫn chưa được gọi tên và xác định niên đại cụ thể từng món. Vì gã không mang đi trưng bày, triển lãm, cũng chẳng định bán dù chỉ là một mảnh gốm vỡ. Người sưu tầm cổ vật hầu hết là khát khao có một bảo tàng để trưng bày, còn gã thì không. Gã ước, vài năm nữa con đường lỗ chỗ, nham nhở sỏi đá hai bên hông nhà gã sẽ mở mang, sẽ rải nhựa phẳng lì, khi ấy gã sẽ mở một quán cà phê sân vườn. Chỉ là để cho mọi người vào uống cà phê có dịp tham quan miễn phí. Vậy thôi. Văn hóa, với gã, vốn là của chung, của tất cả, chứ nào có của riêng ai…

Ngọc Thiện
.
.