Đường đi Châu Đốc xa vời

Thứ Năm, 17/09/2020, 15:46
Đoàn xe chúng tôi đi dọc sông Hậu theo con đường nhấp nhô tiến về dãy núi Thất Sơn trong cuộc hành hương đến với đền Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Từ TP HCM tới miền biên viễn này phải vượt qua chặng đường gần 300 cây số. Đây là miền cực Tây giáp biên giới Campuchia luôn luôn được nhắc tới con sông dữ dội Vàm Nao với câu ca dao: "Ngó lên Châu Đốc, Vàm Nao/ Thấy buồm em chạy như dao cắt lòng".


Bức tượng bí ẩn trên núi Sam

Trên dãy Thất Sơn có đỉnh núi Sam luôn đỏ rực màu hoa phượng mỗi khi hè về. Nhưng xưa kia, trên dãy núi đầy rắn rết, hùm beo làm thất kinh bao người. Duy chỉ có dân đi săn là bạo dạn lên núi. Tương truyền rằng, trong lần bị hổ truy đuổi, một thợ săn trai tráng vội nhảy vào một bụi cây um tùm đầy gai góc lánh nạn. Mãnh hổ lao tới. Mùi người phía trước làm nó gầm rú vì đói khát. 

Khoảng cách ngỡ trong gang tấc. Bỗng con hổ phục xuống một lát rồi quay đầu bỏ đi. Chàng thợ săn lấy làm ngạc nhiên định trườn người chui qua bụi rậm nhưng không sao ra nổi. Bất ngờ chàng đụng vào một cánh tay của ai đó cứng nhắc. Chàng cố trườn ra phía ánh sáng mặc cho gai góc cào xước mình mẩy. Nhưng rồi bàn tay kia đã vạch cành lá cho chàng ra khỏi bụi cây. 

Định thần, chàng trai đi săn quay lại mới thấy rõ nụ cười trên khuôn mặt tượng đá. Chàng lấy mác chặt cây mở đường vào phía trong. Một pho tượng đá hiện ra với phong vị ung dung của một thiền sư. Chàng trai lùi lại chắp tay vái tạ ơn Ngài đã cứu mạng. Câu chuyện pho tượng thần trên núi Sam như sấm truyền trong dân gian và cũng từ đó không mấy ai dám lên đỉnh núi.

Đền Bà Chúa Xứ ở núi Sam Thất Sơn, Châu Đốc.

Chuyện lại kể rằng, cách đây chừng hơn 200 năm, giặc Xiêm đã xâm lấn nước ta. Chúng lén lên dãy núi Thất Sơn định đào bức tượng thần đem về qua biên giới. Nhưng chúng không sao bứng lên được và đã dùng gươm kiếm chém vào bụi rậm. Bức tượng vẫn uy nghiêm vững vàng trên trụ đá. Sau đó một cô đồng dưới chân núi được thần báo mộng hãy chọn lấy chín cô gái đồng trinh lên rước tượng về. Dân làng quanh vùng thấy đó là điềm lành cho chúng sinh. Ngay lập tức, họ tìm được chín thiếu nữ xinh đẹp lên núi.

Quả nhiên, các chàng trai đã bứng tượng tách khỏi chân đế nhưng không sao dịch chuyển được. Tượng thần có sức mạnh thần bí. Vậy mà khi chín cô gái đồng trinh đã cùng đồng thanh hô vang nhắc bổng tượng lên đòn vai. Đó là lễ rước kiệu thần đầu tiên trong lễ hội Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Khi chín cô gái rước kiệu tượng xuống tới lưng núi Sam thì thấy rời rã tay chân, họ hạ kiệu xuống. Từ lúc đó không sao nhấc nổi tượng thần được nữa. 

Cô đồng bái lễ rồi được truyền rằng đây chính là nơi ngài muốn ở lại. Dân làng vội dựng miếu để thờ ngay tại nơi ngài ngự. Công việc hoàn thành vào trong ba ngày sau (từ 24 đến 26 tháng Tư âm lịch). Từ đó, dân chúng quanh vùng lấy những ngày này để tổ chức lễ hội vía Bà Chúa Xứ.

Vạn vật dường như đổi thay, mùa màng no đủ, tôm cá tràn ngập trên hai con sông Hậu Giang và Tiền Giang kể từ ngày đó. Sau này, quan tướng Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) được vua Minh Mạng cử đến Châu Đốc đào kênh Vĩnh Tế, cũng phần do Bà Chúa Xứ giúp đỡ mới hoàn thành được. Hàng chục ngàn phu phen dân chúng như có sức mạnh vô bờ, sau khi bà Vĩnh Tế (vợ Thoại Ngọc Hầu) đến cầu xin Bà Chúa Xứ. 

Mặc cho thiên tai khắc nghiệt cùng bệnh tật tai ương sức người vẫn vượt qua. Sau 5 năm, con kênh rộng 30 mét kéo dài 90 cây số, chạy dọc biên giới Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành (1824). Miếu Bà được vợ chồng Thoại Ngọc Hầu cho xây dựng lại khang trang, thu hút người hành hương đến tấp nập. Sau này nhà nước ta cho xây dựng mới Miếu Bà trên nền cũ (năm 1976) với một quần thể kiến trúc chứa hàng vạn người. 

Dâng hương Bà Chúa Xứ mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh "Thờ Mẫu" của bốn dân tộc Kinh-Chăm-Hoa-Khmer và được nhà nước công nhận Lễ hội cấp Quốc gia (2001). Trong dân gian luôn nhắc nhớ rằng: "Châu Đốc nổi tiếng nhà bè/ Núi Sam nổi tiếng hội hè quanh năm".

Ôi! Mắm Châu Đốc

Sau khi chúng tôi làm lễ dâng hương Bà Chúa Xứ, anh hướng dẫn viên nói về "Ngày hội mắm An Giang" (Mùa xuân 2020). Nhưng mắm ở Châu Đốc được nhiều khách mua nhất. Anh còn dặn mọi người chuẩn bị tiền mà khênh mắm về. Bởi vùng sông nước Châu Đốc được ví là "Vương Quốc Mắm" và có thể nói là mắm ngon nhất Nam Bộ. Người mua tha hồ lựa chọn vì có tới hàng chục loại mắm hương vị khác nhau. Nói rồi anh thả một câu hò rõ ngọt: "Muốn ăn mắm Sặc mắm Linh/ Lấy chồng Châu Đốc thì mình được ăn". Chừng nửa tiếng sau chúng tôi có mặt ở chợ Châu Đốc. 

Chợ Mắm Châu Đốc.

Khi tới chợ, được nghe những người bán hàng giãi bày công sức làm mắm,chúng tôi mới hiểu vì sao giá mắm cá Linh lại đắt đến thế. Nhưng mắm cá Lóc còn đắt hơn nữa (loại một giá 180 ngàn đồng một cân). Nó được coi là mắm "nữ hoàng". 

Theo như bà giáo Khỏe, chủ một cửa hàng nói mới thấy làm mắm cá thật công phu. Cá sau khi mổ ruột được ướp muối 30 ngày. Công đoạn thứ hai cá được rửa sạch muối rồi tẩm thính gạo rang. Cuối cùng xếp cá thứ tự trong chum hay khạp lớn rồi mới cho nước mắm (làm từ cá đồng) vào ngâm. Cá được ngâm từ hai đến ba tháng tùy loại. Sau đó mắm cá phải chao qua nước đường thốt nốt trước khi bán cho người dùng. Mắm cá đã trở thành đặc sản của Châu Đốc. Đây là vùng sông nước thượng nguồn sông Mê Công ở nước ta nối thông với Biển Hồ (Campuchia) nên có hơn 100 loại cá có thể làm mắm.

Cô Thảo bán hàng xởi lởi nói chúng tôi cứ nếm không mua thì thôi. Cô còn hướng dẫn cho chúng tôi cách ăn mắm mới chao đường xong (gọi là ăn sống) thì sẽ ngọt đậm hơn nếu làm chín (hấp hay chiên khô). Cô còn kể ra những mắm cá ngon hạng một. Ngoài mắm cá Lóc còn có mắm cá Sặc, cá Linh hoặc cá Rô, cá mè… mỗi loại có hương vị riêng. Nhưng tất cả đều chung chất lượng ngọt thơm, đậm thịt và không bị mặn. Đó là sản phẩm tinh túy của làng nghề làm mắm ở Châu Đốc đã hơn 150 năm qua. 

Nói rồi cô Thảo gắp mời mọi người nếm thử mỗi loại mắm trên một chiếc đĩa xinh xinh. Cô nở nụ cười tươi rồi nói: "Xin nếm một miếng mắm ngon/ Xa xôi chừng mấy để còn nhớ nhau". Và cô còn cho biết không dễ gặp lại khách hàng bởi vì: "Đường đi Châu Đốc xa vời. Gửi thư thì khó gửi lời thì không". Chúng tôi ai nấy bất ngờ thú vị và đều mua một ít về làm quà.

Câu hò trên sông Vàm Nao

Theo như cách chào hàng của cô Thảo, anh hướng dẫn viên giới thiệu vùng sông nước Long Xuyên và Châu Đốc tỉnh An Giang là cái nôi của những câu hò điệu lý. Mỗi người dân đều nói là thành thơ. Con sông Vàm Nao là nơi để lại nhiều câu hò hay ca dao độc đáo. Vàm Nao được gọi tên là ngã ba sông và nước xoáy dữ. Không ít tàu thuyền đã lâm nạn mỗi khi gặp xoáy dữ ở Vàm Nao. 

Những con xoáy được sinh ra từ dòng nước sông Tiền (cao hơn) đổ về sông Hậu qua sông Vàm Nao vào mùa mưa lũ. Thời điểm này là mùa đánh bắt cá lớn nhất ở Châu Đốc nên dễ gặp tai họa. Sông Vàm Nao dài 7 cây số nối ngang hai con sông Tiền và sông Hậu nên có những con sóng lớn và xoáy sâu có thể dìm bất cứ tàu thuyền nào rơi vào bẫy.

Anh hướng dẫn viên chợt nhớ đến câu hò của một người đánh cá ở ngã ba này đã từng than: "Ở Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao/ Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới/ Anh ngồi chắc lưỡi/ Không biết khi nào mới cưới đặng em". Thì ra ở nơi đâu tình yêu cũng nảy nở và mang đậm dấu ấn của miền sông nước An Giang. 

Lúc này tôi chợt nhớ tới câu thơ của nữ sĩ Lê Thanh My (HVN An Giang). Chị viết về nỗi nhớ bằng một câu hò bên sông nước: "Giấc mơ chập chờn những cánh cò trắng không nhà/ Tiếng bìm bịp than giữa mùa nước cạn/ Bạn xa rồi ta tìm đâu thấy bạn/ Nơi đỉnh nhớ mù sương" (Đỉnh nhớ).

Vương Tâm
.
.