Đường cong và câu chuyện của Gốm

Thứ Năm, 13/06/2019, 07:59
Cách đây hai năm, năm 2017, 9 nhà điêu khắc Hà Nội đã có chung ý tưởng trưng bày các tác phẩm điêu khắc về đề tài vẻ đẹp của phụ nữ bằng chất liệu gốm, gỗ, kim loại với tiêu đề "Đường cong". Và cũng trên ý tưởng đó, "Đường cong - 2019" ra mắt công chúng với những câu chuyện độc đáo và riêng biệt được kể từ gốm.


Lấy cảm hứng từ đường cong của người phụ nữ và chất liệu gốm bao gồm gốm sành trắng, gốm sành nâu và sa mốt, 9 nhà điêu khắc trình làng một triển lãm độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ. Đó là cuộc hội tụ của Lưu Danh Thanh, Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Kim Xuân, Đỗ Bá Quang, Vũ Đại Bình, Phan Thanh Sơn, Phạm Quốc Anh, Vũ Thế Kim và một nhà điêu khắc nữ, Lưu Thị Thanh Lan. Cũng là đường cong từ chất liệu gốm, nhưng mỗi tác giả mang đến cho người xem một góc nhìn khác biệt về vẻ đẹp của phụ nữ và tôn vinh chất liệu ngàn đời của ông cha: gốm.

Đường cong, có vẻ như đề tài đã bị coi là cũ và nhàm, thế nhưng dưới góc nhìn của các nhà điêu khắc, "Đường cong" hiện lên mang vẻ đẹp mới, khỏe khoắn, mạnh mẽ và cũng đầy bí ẩn. Các nghệ sĩ không ngại ngần phô diễn vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa về những đường cong từ các tư thế, góc nhìn khác nhau.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm.

Nhưng tất cả các tác phẩm đều thoát khỏi cảm giác trần trụi của cơ thể. Nó gợi cho ta một cảm giác được giải thoát, cảm giác về sự tự do. Những "Tự tình", “Đêm hè”, "Đợi", "Hương quê" hay "Trăng thu". "Miền cảm xúc", "Suối mơ"… đều mang lại cho người xem những cảm xúc trong trẻo và bình yên. Có lẽ, đó cũng là cảm giác của người nghệ sĩ về một nửa của thế giới.

 Mỗi nhà điêu khắc trong triển lãm này đều có một công việc khác nhau để mưu sinh, nhưng họ cùng có chung một niềm đam mê với con đường mình theo đuổi. Có lẽ, khó có ai trong số họ sống được bằng nghề, như nhà điêu khắc Phạm Quốc Anh nhiều năm chọn nghề dạy học, hay nhà điêu khắc Đỗ Bá Quang làm tượng decor theo đơn đặt hàng…

Bởi chúng ta chưa có một thị trường cho nghệ thuật. Trong thời buổi xã hội tiêu dùng lên ngôi như hiện nay, thì những bức tượng, hay tranh đều được coi là thứ xa xỉ, trong khi người Việt có thể bỏ ra hàng tỷ đồng để mua túi hàng hiệu hay ôtô sang chảnh.

Thị trường tranh phổ cập hơn nhưng phần lớn người Việt chỉ dùng tranh chép. Huống gì là tượng, môn nghệ thuật vốn dĩ không dành cho số đông, đại chúng. Mỗi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đó là một thực tế của xã hội Việt Nam hiện nay. Dù khó khăn, nhưng những ai trót theo nghề đều nung nấu một khát vọng được làm nghề, được sáng tạo, bởi đó là lúc họ được nói tiếng nói của mình.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương: "Cùng với sự phát triển của điêu khắc hiện đại, chất liệu gốm được các nhà điêu khắc quan tâm trong sáng tác, đặc biệt là từ giữa thế kỷ XX đến nay, ngôn ngữ điêu khắc có nhiều thay đổi về hình khối đề tài, sử dụng hỗn hợp các chất liệu tạo nên một bản sắc mới của Điêu khắc gốm Việt Nam hiện đại".

Tôi rất ấn tượng với các tác phẩm của Phạm Quốc Anh, một người không còn trẻ nhưng mang đến một giọng điệu mới trong triển lãm lần này. Phạm Quốc Anh là giảng viên mỹ thuật, nhiều kiến trúc sư tài hoa đã ra đời từ "lò luyện" của anh. Dạy vẽ, truyền được niềm yêu thích với nghệ thuật, với cái đẹp cho các thế hệ học sinh cũng là một niềm vui của anh.

Nhưng trong sâu thẳm Phạm Quốc Anh vẫn là khát vọng sáng tạo, muốn làm gì đó cho riêng mình. Vì thế, thỉnh thoảng anh "trốn" gia đình sang các lò gốm Bát Tràng, Phù Lãng, mê mẩn với gốm, sống cùng với gốm để sáng tạo, để thỏa mãn đam mê đôi khi bị cuộc sống đời thường cuốn trôi. Phạm Quốc Anh với những đường cong được trình diễn lần này mang vẻ đẹp độc và lạ.

Cảm hứng từ những tư thế của yoga, anh đã tìm cho mình một lối đi riêng và được giới phê bình điêu khắc đánh giá cao. Các động tác yoga của phụ nữ là những dáng hình khó trong điêu khắc nhưng rất ấn tượng và mềm mại, tôn vinh vẻ đẹp của đường cong từ góc nhìn phía sâu từ bên trong, từ vẻ đẹp nội tâm.

Phạm Quốc Anh nói: "Yoga hay đường cong chỉ là cái cớ để anh chia sẻ góc nhìn của mình về đời sống, về nội lực trong chiều sâu tâm linh của mỗi con người mà thôi. Nó đem lại cho tôi một nguồn cảm hứng mới để thấy dòng chảy của sự sáng tạo không bao giờ có giới hạn mà nó luôn đổi mới và khai sáng bởi chính tâm huyết của người nghệ sĩ".

Ngoài Phạm Quốc Anh còn có nhiều tác giả tâm huyết với đề tài này. Từ góc nhìn của những người đàn ông, ta thấy vẻ đep của người phụ nữ được nâng niu, thoát khỏi mọi định kiến áp đặt. Họ tôn vinh phụ nữ trong sự tự do, trong sự giải phóng tối đa của cảm xúc. Một Phan Thanh Sơn bí ẩn, với chất liệu sành trắng men màu và sành nâu tạo nên những góc nhìn khác biệt về phụ nữ, sự tự do phóng khoáng và bí ẩn. Một Đỗ Bá Quang nhìn bề ngoài tưởng như xù xì, góc cạnh nhưng lại rất dịu dàng, sâu sắc.

Đặc biệt, trong cuộc hội ngộ lần này có sự xuất hiện của nhà điêu khắc lão thành Lưu Danh Thanh - người từng dành Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, có nhiều tác phẩm lớn như "Tượng đài Côn đảo", "Mẹ Việt Nam anh hùng". Ông có một góc nhìn khác về phụ nữ với những bức tượng gốm men ngọc mềm mại, quyến rũ trong cái nhìn rất tình và rất đời của người nghệ sĩ tài hoa.

Sinh thời, tôi nhớ nhà điêu khắc Lê Công Thành từng nói về đề tài phụ nữ rằng: "Tôi không nặn những người đàn bà tếu táo, lãng mạn, ỉ ôi, cũng không nặn những người đàn bà kiêu kỳ, giá lạnh. Tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay ra hiệu và đôi bàn tay chân thật vỗ về. Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi không phải là một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Mà vì nhờ đàn bà mà tôi trở thành một con người nghệ sĩ theo nghĩa làm: "Người"". Có lẽ đó cũng chính là quan điểm, nhân sinh quan của các nghệ sĩ điêu khác theo đuổi đề tài này. Họ nâng niu vẻ đẹp của người phụ nữ, cũng là cách họ nâng niu sự sống trên cõi đời này.

Dù triển lãm được trưng bày khá lâu, nhưng chỉ có 2 trong số các tác phẩm được bán, với mức giá rất "bình dân", dù đó là những độc bản. Xong triển lãm, các nghệ sĩ lại mang tác phẩm về nhà trưng bày, hoặc tặng bạn bè hay “xếp kho”. Bất cứ nghệ sĩ sáng tạo ở lĩnh vực nào nào, họ cũng muốn có công chúng của mình, muốn được sẻ chia và nhận được sự đồng cảm từ phía công chúng.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

Các tác phẩm trong triển lãm Đường cong - 2019 thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của các nhà điêu khắc trên chất liệu gốm có chung một đề tài là vẻ đẹp của người phụ nữ. Với hình khối khỏe khoắn, bố cục đa dạng và sáng tạo, sử dụng nhuần nhuyễn đặc trưng của các chất liệu gốm, kỹ thuật nung và phối kết hợp giữa nghệ thuật chơi với lửa trong sử dụng men màu. Tất cả đã tạo nên một không gian tượng gốm sáng tạo, ghi dấu ấn riêng của từng nghệ sĩ, làm cho người xem ấn tượng, thích thú về vẻ đẹp của chất liệu gốm trong Điêu khắc hiện đại Việt Nam.

9 tác giả trưng bày tác phẩm trong Triển lãm "Đường cong - 2019 bao gồm các nhà điêu khắc đều là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Con số 9 tác giả "Đường cong" là con số cố định cho từng triển lãm nhưng tùy từng triển lãm, có thể thay đổi tác giả cụ thể phụ thuộc vào sự hứng thú của từng cá nhân nghệ sĩ.

Vì vậy, so với triển lãm "Đường cong 1-2017", triển lãm "Đường cong II-2019" có 4 tác giả mới cùng với năm tác giả đã trưng bày ở lần thứ nhất. Đây cũng là cách linh hoạt của nhóm để luôn tạo được sự mới mẻ bởi cá tính và ngôn ngữ điêu khắc của từng tác giả cho công chúng.

Phan Chi
.
.