Được tôn vinh vẫn phiền lòng

Thứ Sáu, 08/04/2011, 09:11
Những người tài danh, có đóng góp lớn cho xã hội thuộc mọi lĩnh vực được ghi nhận, tôn vinh là việc cần thiết. Đó vừa là sự trân trọng của cộng đồng, vừa là để khích lệ họ tiếp tục có nhiều cống hiến hơn nữa.

Sẽ rất tốt đẹp và có ý nghĩa nếu việc tôn vinh được làm chu đáo, cẩn trọng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi lại nghe được những lời phàn nàn từ phía những người được tôn vinh (nếu họ đang còn sống), hoặc người nhà của họ (nếu họ đã qua đời). Một nhạc sĩ gạo cội, nổi tiếng từ kháng chiến chống Pháp, là tác giả của  nhiều bài hát quen thuộc cho tôi biết: Thỉnh thoảng, nhất là những dịp có ngày kỷ niệm lớn, ông thường được phóng viên báo chí đến phỏng vấn hoặc đề nghị được viết bài giới thiệu. Hơn nửa thế kỷ hoạt động, lên báo, lên đài tới cả trăm lần nên dễ hiểu là nhạc sĩ này không mặn mà với ý định của nhà báo, nhất là nay tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm nhiều. Tuy nhiên, do nể và trân trọng tờ báo, ông đã nhận lời.

Đã nhận, ông nhiệt tình trò chuyện để giúp phóng viên hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ông đã bị "dội một gáo nước lạnh" khi ngay vào chuyện, bạn phóng viên hỏi: "Xin nhạc sĩ kể tên một số bài hát tiêu biểu của ông?". Phải kiềm chế lắm, ông mới không đuổi khéo khách về. Ông cố gắng nhã nhặn nói: "Bạn không biết bài nào là tiêu biểu của tôi, có nghĩa tôi không được công chúng biết đến, vậy chẳng có lý do gì để bạn nhắc đến tôi trong một số báo kỷ niệm ngày lễ trọng đại này. Có lẽ bạn nên tìm đến các nhạc sĩ nổi tiếng, người nào mà bạn biết rõ họ có những bài hát gì tiêu biểu". Biết mình nói hớ, bạn phóng viên phải xin lỗi, thanh minh, phân trần mãi, vị nhạc sĩ mới đưa ra một lô tài liệu gồm những bài báo đã viết về ông cho nhà báo tham khảo, rồi khéo léo cáo lui, không muốn tiếp thêm. Khi bài báo ra, ông chẳng hề nhận được báo biếu mà tình cờ đọc được, thấy bài viết về mình nhạt nhẽo, điều đáng nói thì không nói, chỉ lặp lại những ý dông dài ở những bài trước đó. Ông than thở với tôi: "Được tôn vinh mà bực mình vậy đấy cậu ạ".

Một nhạc sĩ lớn khác đã qua đời, khi còn sống cũng phàn nàn với tôi: "Họ đặt vấn đề làm chương trình về mình. Mình yêu cầu một nhạc sĩ vừa là nhà lý luận, vừa có khoa nói rất hay, lại rất hiểu mình làm MC (dẫn chương trình). Người này từng xuất hiện nhiều lần trên truyền hình, được người xem tán thưởng. Vậy mà cuối cùng họ không đáp ứng, lại để một MC của nhà đài làm việc này, hạn chế rất nhiều hiệu quả".

Một nhạc sĩ đã qua đời 9 năm, vừa rồi được giới thiệu một chương trình trọn vẹn. Gặp phu nhân của ông, tôi những tưởng bà phải vui lắm. Không ngờ bà cũng lại phàn nàn: "Tôi chỉ có hai đề nghị thôi mà cũng không được họ đáp ứng. Thứ nhất là có một vài bài trong chương trình người nghe đã quen với giọng ca trên đài vì ca sĩ này hát rất hay, ai cũng công nhận. Nay vẫn đang còn hát trên các sân khấu, vẫn sung sức và tôi biết, ca sĩ ấy sẵn sàng trình diễn lại. Vậy mà người làm chương trình cứ nhất định để một bạn trẻ khác hát, đã không diễn tả được đúng tinh thần bài hát, vì cứ nức nở, uốn éo, nghe rất phản cảm. Thứ hai là nếu có phần người khác phát biểu về tác phẩm, tôi đề nghị mời một nhạc sĩ vừa thân với ông nhà tôi, vừa từng có bài viết rất sâu sắc, đầy đủ về ông ấy đăng trên báo. Tôi đã đưa bài báo ấy cho họ xem nhưng cuối cùng họ đã bỏ qua, thay vào là một số người nào đó phát biểu rất chung chung, hời hợt…".

Cũng phu nhân một nhạc sĩ lớn khác, sau khi đọc một vài bài báo của một người đã nói: "Người ta hết lời ca ngợi người nhà mình thì cảm ơn thôi, nhưng nhiều chi tiết không chính xác. Trước hết là ông nhà tôi không thân thiết với cái anh viết bài ấy đến mức có thể kể những chuyện đại loại như vậy. Và những điều đó cũng không đúng sự thực…".

Người qua đời rồi thì nói về họ như thế nào chẳng được, nhất là tán dương, đề cao. Nhưng vì tự trọng, tôn trọng sự thật mà người nhà của họ đã không hài lòng với những gì người khác bịa đặt, dẫu có theo chiều hướng tôn vinh.

Mong rằng tình trạng trên sớm được khắc phục để việc tôn vinh đạt được hiệu quả như mong muốn

Nguyễn Đình San
.
.