Dân ca quan họ ở miệt vườn Nam Bộ:

Dùng dằng... tình Bắc duyên Nam!

Thứ Năm, 11/04/2013, 08:00

Bây giờ, dân ca quan họ đâu chỉ cất lên bên dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ. Câu ca vương vấn trên vành môi những liền anh, liền chị Kinh Bắc theo về đất phương Nam ngọt lành, ngân nga bên dòng Cửu Long dào dạt con nước. Để rồi, nghe câu hát mượt mà thắm tình ấy, người phương Nam say lòng mà í a duyên đưa giữa miệt vườn cây trái...

1. "Một em nhớ đôi bạn chung tình/ Hai em nhớ yểu điệu/ Ba em nhớ tiếng nói/ Bốn em nhớ tới người đồng tâm/ Ha hội hà là hư hội hừ…".

Bài hát dứt. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên. "Dạ, xinh chân thành cảm ơn quý dị" - Chất giọng miền Tây ngọt lịm của cô gái vừa thể hiện điệu "Mười nhớ" nhỏ nhẹ cất lên khiến khán giả ồ lên ngạc nhiên. Tràng pháo tay lại giòn giã. Người con gái miền Tây ấy vận áo mớ ba, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao. Những liền anh Nam Bộ ở đây cũng khăn đóng, áo the, che ô. Nếu họ không cất tiếng, nhiều khán giả lầm họ với những liền anh, liền chị Bắc Ninh thứ thiệt. Canh hát dưới chòi lá trên cù lao Thới Sơn, Tiền Giang như níu bước chân người phương xa, rằng "người ơi, người ở đừng về"…

Quan họ miệt vườn vẫn là một hình thức mới mẻ ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây. Hình thức này xuất hiện rải rác ở một vài địa điểm du lịch hay giao lưu văn hóa. Ông chủ tổ chức ra những canh hát này đa số là người con của vùng đất Kinh Bắc. Say mê điệu hát quê hương, bồi hồi nhớ câu hát trao duyên bên dòng sông Cầu lặng chảy, họ đưa quan họ về đây để thỏa lòng nhớ. Đó cũng là cách để những người con Kinh Bắc xa xứ có dịp hoài vọng về cố hương qua câu quan họ quê nhà. Cũng từ đấy, quan họ trở thành một trong những món ăn tinh thần độc đáo thu hút du khách tại các khu du lịch sinh thái miệt vườn. Nghệ sĩ Vũ Văn Hùng (quê Gò Công, Tiền Giang) cho biết quan họ miệt vườn là cách đưa quan họ gần gũi với người dân Nam Bộ: "Quan họ miệt vườn cũng na ná như đờn ca tài tử, tức là không cần thuyền, cần hội, chỉ cần một khoảng trống giữa vườn cây trái và một số nhạc cụ truyền thống là những người yêu quan họ có thể ngân nga. Đôi khi, để không gian thêm phần đặc trưng, có thể thêm phông màn, hoạt cảnh của vùng Kinh Bắc. Một canh hát cũng chỉ hát độ khoảng một đến hai tiếng đồng hồ. Hát tùy theo yêu cầu của khách hoặc tự mình chọn lựa. Để giữ đúng chất quan họ chúng tôi vẫn mặc trang phục của vùng Kinh Bắc. Nhưng cũng có khi với tinh thần giao lưu, đưa quan họ gần gũi với người dân, nhiều khi liền anh, liền chị mặc áo bà ba, quấn khăn rằn hát xen lẫn với các bản ca cổ và đờn ca tài tử".

Ngoài những bài quan họ quen thuộc như "Mời trầu", "Khách đến chơi nhà", "Giã bạn", "Qua cầu gió bay"..., quan họ miệt vườn còn có những bài dạng như tình Bắc duyên Nam. Những canh hát thêm phần hấp dẫn khi có thêm nhiều khán giả, đặc biệt là người địa phương tham gia hát giao lưu, đối đáp với nghệ sĩ. Câu duyên đưa đẩy thêm phần lưu luyến, bịn rịn. Khán giả nào có tấm lòng có thể tặng hoa, tặng những tràng pháo tay chứ nghệ sĩ không ngả nón xin tiền.

Tiết mục của CLB quan họ Mười Nhớ ở miệt vườn Nam Bộ (ảnh do CLB cung cấp).

Mới đầu, người dân Nam Bộ không quen với quan họ vì chất giọng miền Bắc. Đa số, họ vẫn quen với những câu vọng cổ, đờn ca tài tử bằng giọng Nam ngọt ngào. Câu ca quan họ cũng thường đưa đẩy nhiều hơn so với vọng cổ hay đờn ca tài tử. Chính nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Giàu, quê ở Tp HCM, một thành viên gạo cội của CLB Mười Nhớ cũng thừa nhận rằng những ngày đầu nghe quan họ, chị không rõ nghệ sĩ hát gì huống hồ là hiểu được thâm ý của câu hát. Cho nên trách sao được khi nhiều canh hát đang diễn ra, nhưng phía dưới khán giả đã lục tục bỏ về. Khi mở những canh hát giữa lòng miệt vườn như thế, nhiều người cho rằng các ông chủ, chủ nhiệm CLB, đội, nhóm quan họ khá mạo hiểm. Nhưng với tinh thần giao lưu, quảng bá di sản văn hóa vùng Kinh Bắc rộng rãi đến người dân nên các canh hát vẫn diễn ra. Để gần gũi hơn, xen lẫn với những liền anh, liền chị thứ thiệt của đất Kinh Bắc là những liền anh, liền chị người Nam Bộ.

Nghệ sĩ Quý Thăng, chủ nhiệm CLB Mười Nhớ chia sẻ, mặc dù cố gắng luyện tập cho các học viên người Nam hát đúng giọng Bắc nhưng nhiều người vẫn có cách luyến láy âm thanh và nhả chữ mang âm hưởng địa phương. "Nhưng âu đó cũng là quy luật tất yếu của sự giao thoa văn hóa. Miễn sao sự tiếp biến đó không ảnh hưởng nhiều đến quan họ gốc mà vẫn đưa quan họ tiếp cận với mọi người. Điều này cũng giống như cải lương, đặc sản của Nam Bộ nhưng người Bắc vẫn hát với giọng Bắc và vẫn được khán giả đón nhận". Chính vì vậy, người dân Nam bộ lúc đầu nghe quan họ vì tính hiếu kỳ. Nhưng dần dần, khi ngấm lời ca điệu hát, hiểu được cái tao nhã thâm tình của quan họ, nhiều người yêu thích và bắt đầu học hát loại hình dân ca đặc sắc này.

2. Hiện nay, ở miền Nam, các đội nhóm quan họ vẫn còn lẻ tẻ, rải rác theo kiểu "hát cho nhau nghe" và chỉ phát triển mạnh ở vùng Đông Nam Bộ. Những đội nhóm này hình thành chủ yếu từ nhu cầu của người Bắc Ninh xa quê. Ở Tp HCM, có hai CLB quan họ hoạt động khá mạnh là CLB Trúc Xinh của Cung Văn hóa lao động TP Hồ Chí Minh (thành lập năm 2004) và CLB Mười Nhớ. Một điều khá ngạc nhiên là cả hai CLB đều có rất đông thành viên đến từ Long An, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau...

Được xem là một trong những người có công khai mở quan họ ở miền Nam, nghệ sĩ Quý Thăng đã và đang phát triển quan họ rộng rãi ở các tỉnh Nam Bộ. Là người con của vùng đất Thuận Thành, Bắc Ninh, "anh Hai quan họ" Quý Thăng mang theo làn điệu quê hương vào thành phố mang tên Bác năm 1984. Từ một nhóm hát của Hội đồng hương Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), năm 1988, nghệ sĩ Quý Thăng đã phát triển thành CLB Mười Nhớ. Ông lý giải: "Ở các chương trình văn nghệ lớn, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có hát quan họ. Điều này chứng tỏ người dân Nam Bộ vẫn chào đón loại hình dân ca đặc sắc này. Nhưng lối hát, cách biểu diễn của họ vẫn chưa đúng. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì quan họ sẽ ít nhiều bị méo mó, pha tạp. Do đó tôi quyết định thành lập CLB để mọi người có nơi học quan họ đúng chất nhất". Để giữ gìn bản sắc quan họ, nghệ sĩ Quý Thăng phải lặn lội về quê học cách têm trầu, vấn khăn, cách luyến láy, nhả chữ những bài quan họ cổ sao cho đúng hồn cốt quan họ rồi về truyền dạy lại cho học viên. Về sau, bên cạnh CLB Mười Nhớ, nghệ sĩ Quý Thăng còn thành lập Công ty Văn hóa nghệ thuật Kinh Bắc có trụ sở trên đường 28, quận Gò Vấp nhằm mở rộng quy mô hoạt động và tăng tính chuyên nghiệp. Từ các buổi biểu diễn nhỏ lẻ ở địa phương, phục vụ nhà hàng, khách sạn, đám cưới, mừng thọ hay các cơ quan, đoàn thể, CLB nhận được nhiều lời mời tham gia các sự kiện lớn như: Hội nghị APEC 2006, Hoa hậu Trái Đất 2010 tại Nha Trang, chào mừng 990 năm Thăng Long và sắp tới là festival Biển Nha Trang vào tháng 6-2013…

Ngoài ra, ông cũng mở hàng trăm lớp học miễn phí, sẵn sàng dạy cho những ai đam mê dân ca quan họ. Vì học viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và đủ mọi lứa tuổi nên các lớp học thường diễn ra vào buổi tối tại nhà riêng hay ở các điểm sinh hoạt văn hóa phường, quận… Từ đây những giọng ca triển vọng của miền Nam trù phú xuất hiện. Ông Đào Văn Khanh, điều hành đội văn nghệ của khu phố 1, phường 6, quận Gò Vấp cho hay liền anh Vũ Văn Hùng và liền chị Ngọc Diễm, Ngọc Giàu là những ví dụ. Là những người miền Tây, giọng ngọt với sáu câu vọng cổ, có người chưa từng ghé thăm vùng đất Bắc Ninh, nhưng "vang, nền, rền, nảy" của quan họ được họ thể hiện thành công một cách đáng ngạc nhiên. Chị Ngọc Giàu cho biết, sinh hoạt ở đội văn nghệ khu phố 1, nghe quan họ, thấy làn điệu nền nã mà lại ẩn cái tình sâu sắc, chị đã quyết tâm theo học. "Hát quan họ không khó lắm nhưng thể hiện đúng cốt cách quan họ thì không dễ. Quan trọng phải có niềm đam mê".

Không những tổ chức dạy học miễn phí cho những ai yêu thích dân ca quan họ, nghệ sĩ Quý Thăng còn sáng tác những bài dân ca quan họ mới dựa trên giai điệu cổ. Đó là những bài dân ca về cuộc sống, về tâm tình của con người phương Nam để phù hợp với hình thức quan họ miệt vườn, gần gũi công chúng. Với hy vọng phát triển quan họ đi xa hơn, nghệ sĩ Quý Thăng dự định thời gian tới sẽ xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa định kỳ của CLB ở miền Tây Nam Bộ chứ không dừng lại ở những buổi biểu diễn miệt vườn lẻ tẻ. Ông hy vọng dòng dân ca bác học này không chỉ tiếp cận công chúng bằng những làn điệu, câu hát mà còn mang những gì làm nên bản sắc của di sản văn hóa phi vật thể này như: trang phục, tục mời trầu, têm trầu cánh phượng, hát đối… đến gần với công chúng vùng sông nước Cửu Long

Phan Thi Uyên
.
.