Đưa văn học Việt ra thế giới: Khan hiếm dịch giả

Thứ Bảy, 20/10/2018, 08:38
“Văn chương Việt Nam có vị trí thế nào trên bản đồ thế giới?”. Mỗi lần bắt gặp câu hỏi ấy, các nhà văn lại chạnh lòng. Chúng ta không thiếu tác phẩm hay mà trở ngại lớn nhất chính là “người bắc cầu” - đội ngũ dịch giả.


Tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt 2018 diễn ra tại Đức vào giữa tháng 10, Nhà xuất bản Trẻ mang đến loạt tác phẩm văn học Việt nổi bật. Trong đó, đáng chú ý có các tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (tựa tiếng Anh: I see yellow flowers in the green grass); “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” - Nguyễn Ngọc Thuần (Open the windows, eyes closed); các tựa sách của nhà văn Dương Thụy như “Nhắm mắt thấy Paris” (Paris through closed eyes), “Oxford thương yêu” (Bloved Oxford), “Cung đường vàng nắng” (In the golden sun)… Công ty Phanbooks cũng giới thiệu nhiều đầu sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại hội sách này.

Đây có thể xem là lần hiếm hoi Việt Nam có nhiều đầu sách văn học nổi bật được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu, chào bán với bạn bè quốc tế tại Hội sách Frankfurt - hội sách thường niên lớn nhất thế giới. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết, đơn vị tham gia Hội sách Frankfurt từ năm 2004. Nhưng nhà xuất bản chỉ dám cử một, hai người đến thăm thú cho biết kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Các đầu sách Việt Nam khi ấy nếu có cũng chỉ toàn tiếng Việt nên khách tham quan chỉ lật giở cho vui.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) và nữ dịch giả Montira Rato trong một buổi giao lưu về văn học dịch Việt Nam – Thái Lan.

Trước đây, không phải không có tác phẩm Việt Nam được dịch sang nhiều thứ tiếng để đến với bạn bè quốc tế. Thế nhưng số lượng tác phẩm đó khá ít ỏi, chỉ có thể điểm qua một số cuốn nổi bật như: "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, một số truyện ngắn của Nam Cao, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp…

Dịch giả, PGS.TS Montira Rato, Khoa Văn học Nghệ thuật, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cho hay ngay như với nước láng giềng rất gần là Thái Lan, văn học Việt Nam vẫn hoàn toàn xa lạ. Trước năm 2011, các nhà sách lớn của Thái rất hiếm sách Việt. Văn chương Việt Nam nếu được biết tới cũng nhờ những lần giao lưu văn hóa hoặc đoạt giải ở các giải thưởng văn học nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là tác phẩm được công chúng nước ngoài đón đọc rộng rãi. Vấn đề không phải văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay mà vì chúng ta vừa ít được dịch, vừa thiếu bản dịch tốt.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người có nhiều đầu sách được dịch sang tiếng nước ngoài, tâm sự: “Mỗi dân tộc đều treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình, nhà văn có sứ mệnh phải rung quả chuông đó lên bằng văn chương. Nhưng tâm hồn của dân tộc đó phải có người vận chuyển qua biên giới để có thể đến được với tâm hồn của dân tộc khác, giúp hai dân tộc yêu và hiểu nhau. Đó chính là vai trò quan trọng và thiêng liêng của dịch giả”.

Đáng buồn là trong khi lực lượng dịch giả dịch sách nước ngoài sang tiếng Việt khá hùng hậu thì lực lượng dịch sách Việt sang tiếng nước ngoài cực kỳ mỏng và yếu. Cũng dễ hiểu bởi so với các nền văn học lớn được dịch nhiều như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp…, nền văn học của chúng ta quá nhỏ bé, chưa được thế giới biết đến. 

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng văn chương Việt Nam gần như không có tiếng vang nào trên thế giới ngoại trừ một vài cây bút hiếm hoi, mà đa số họ viết về chiến tranh. Vài năm trở lại đây, tình hình sách Việt (nhất là văn chương đương đại) ra thế giới có vẻ thay đổi nhưng đó vẫn chỉ là nỗ lực cá nhân đơn lẻ và vấp phải vô số khó khăn. Ông cho hay có một nhóm người Việt ở Mỹ làm công việc dịch thuật văn chương Việt sang tiếng nước ngoài một cách âm thầm.

Tại Pháp, dịch giả Đoàn Cẩm Thi thành lập một nhà xuất bản chuyên dịch văn chương Việt ra tiếng Pháp. Một số cuốn được in nhưng không bán được nên nhà xuất bản đứng trước nguy cơ phá sản vì mọi khoản đều tự bỏ tiền túi, không có nguồn tài trợ.

Nhiều người lo ngại nếu người Việt chuyển ngữ, họ nắm được cái thần của tác giả nhưng lại không nắm hết văn hóa, văn phong của nước bạn, nó khiến bản dịch lủng củng, khó đọc. Còn nếu là người nước ngoài chuyển ngữ, họ lại gặp khó khăn khi không hiểu hết cái hay của văn bản tiếng Việt và tinh thần tác giả gửi gắm. Bởi khi dịch, dù dịch thoáng hay dịch bám sát nguyên tác, họ cũng là người bắc cầu hai nền văn hóa, cho nó một đời sống mới trong một ngôn ngữ mới. Người dịch phải đạt được cái gì đó gần như là sự đồng nhất giữa họ và tác giả, nắm được dòng tư tưởng, cảm hứng của tác giả đến mức họ cảm thấy những trang mình đang dịch giống như mình đang viết tác phẩm.

Số người nước ngoài giỏi tiếng Việt, yêu văn chương và dịch sách Việt tốt có thể điểm qua vài gương mặt như: Giáo sư người Mỹ Peter Zinoman- người dịch cuốn “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng ra tiếng Anh; PGS.TS Montira Rato dịch cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh ra tiếng Thái; GS Guenter Giesenfeld và dịch giả Marianne Ngo dịch “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư sang tiếng Đức… Họ đều là những người nghiên cứu sâu về văn chương Việt Nam, am hiểu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Tuy nhiên những người tâm huyết như vậy chiếm số lượng rất khiêm tốn.

Một số tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu tại Hội sách Frankfurt 2018.

Dịch tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt vốn gặp không ít “sạn” thì việc dịch tác phẩm Việt sang tiếng nước ngoài lại càng gặp nhiều “sạn”, nhất là với dịch giả tay mơ. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nêu ví dụ: “Đọc vài trang bản dịch tiếng Anh “Nỗi buồn chiến tranh”, tôi nghĩ những người nước ngoài không hề biết tiếng Việt sẽ thấy nó ổn. Nhưng nếu là người Việt và đã từng đọc “Nỗi buồn chiến tranh”, bạn chắc chắn sẽ thất vọng như tôi vì bản dịch quá tồi so với nguyên tác.

Đoạn tả lính Mỹ hãm hiếp cô giao liên, tác giả dùng từ “cực khỏe”, còn bản tiếng Anh khiến người đọc hiểu nôm na rằng chúng nó “rất thể thao, khỏe như vận động viên”. “Cực khỏe” trong tiếng Việt có ngữ khí rất mạnh. Anh cần phải lột được hai từ “cực khỏe” ấy sang tiếng Anh để nó như một quả đấm vào người đọc chứ từ “rất thể thao, khỏe như vận động viên” không đủ sức nặng”.

Dịch giả Montira Rato công nhận dịch tiếng Việt sang tiếng Thái là điều rất khó khăn. Dịch văn chương không thể máy móc theo kiểu “một – một”. Mà riêng văn học Việt dành cho thiếu nhi thì các từ biểu cảm, từ láy rất nhiều.

Đây là đặc trưng rất hay của tiếng Việt nhưng vô cùng làm khó dịch giả. Bà thừa nhận rằng bản thân mình dù có lợi thế là rành ngôn ngữ tiếng Việt, am hiểu văn hóa Việt nhưng vẫn phải cố gắng đến mức cao nhất để truyền tải tinh thần và cái đẹp của từng trang văn đến độc giả. Người đọc bản xứ hiểu được 70, 80% là bản dịch đã thành công.

Bí quyết của bà là hiểu được nguyên tác trước rồi sau đó đặt mình vào người đọc để xem họ cảm nhận thế nào bằng ngôn ngữ mới. Nhờ tâm sức ấy cộng với chiến dịch truyền thông tốt, các cuốn sách Việt do Montira Rato dịch bán rất chạy ở thị trường Thái, đặc biệt là cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt thừa nhận rằng, lần này Nhà xuất bản Trẻ mạnh dạn mang nhiều đầu sách đến chào hàng tại Hội sách Frankfurt bởi đơn vị đã có nhiều bản dịch chất lượng. Các tác phẩm được chuyển ngữ bởi các nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín như Kaitlin Rees, Elbert Bloom… Để đảm bảo chất lượng nghệ thuật, văn chương của cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhà xuất bản phải cậy nhờ tới hai người: một người Việt rất giỏi tiếng Anh và nhà văn người Mỹ Kaitin Rees – một người yêu văn học Việt Nam. Hai người cùng trao đổi, bàn bạc để cho ra bản dịch tốt nhất: vừa giữ được tinh thần nguyên tác vừa phù hợp, cuốn hút độc giả bản xứ.

“Để đưa văn chương Việt Nam ra nước ngoài cần có cái bắt tay giữa dịch giả trong nước và ngoài nước như thế. Ở phương Tây có không ít nhà xuất bản săn tìm bản thảo ở các nước Đông Nam Á. Bởi họ biết rằng ở những nước này có rất nhiều tác phẩm hay chưa hề được dịch. Nếu chúng ta gõ đúng cửa nhà xuất bản đó với một bản dịch tốt, kết hợp với công tác truyền thông bài bản thì cánh cửa cho văn chương Việt Nam ra thế giới không quá hẹp” – dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định.

Mai Quỳnh Nga
.
.