Đua chó đua địa hình nơi hòn đảo "hình trái tim"

Thứ Năm, 15/02/2018, 08:57
Đến Phú Quốc, xem chó đua địa hình, tôi không chỉ tận mắt chứng kiến những kỹ năng độc đáo của loài chó có tên trong từ điển Larousse bởi sự thông minh, ngoại hình đẹp, độc... mà còn như được thấy một phần lịch sử của hòn đảo "hình trái tim". Để có được điều này, ông Lê Quốc Tuấn - chủ nhân Khu Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga (Tiểu khu 77, ấp Suối Mây, xã Dương Tơ) đã mất gần 20 năm gây dựng...

Hào hứng đến từng xăng-ti-mét

"Đầu tiên là Hổ, kế đến là Mi No và cuối cùng là Mi Na, đây là 3 vận động viên (VĐV) lần đầu tiên thi đấu chính thức sau quá trình huấn luyện, vì vậy hứa hẹn sẽ có những bất ngờ thú vị. Xin quý khán giả cho một tràng pháo tay để cổ vũ tinh thần" - Chất giọng ấm, trầm của xứ Huế pha lẫn chút hơi hướng Nam Bộ của anh Chung (người dẫn chương trình Trường đua chó địa hình Thanh Nga) lập tức truyền cho tôi cảm giác mới lạ trước giờ cuộc đua diễn ra.

Đúng như tên gọi, hai cô nàng họ Mi đều thuộc hàng có "nhan sắc", nhưng No có vẻ hơi "tròn người" hơn Na. Còn VĐV Hổ thể hiện đúng chất "bặm trợn" của chú chó có màu lông "rằn ri" giống chúa sơn lâm. Ôi, những cái tên nghe thật dễ nhớ, dễ phân biệt và truyền cảm biết bao!

Đây là điều mà cảm xúc tôi chưa từng "chạm" khi dự khán tại một số trường đua chó trước đó. Bởi thường, người ta chỉ gắn lên mỗi chú chó một con số để mang tính phân biệt, chứ hoàn toàn không chuyển tải thêm bất cứ nội dung, sự truyền cảm nào đến người xem...

Giống chó Phú Quốc tinh khôn.

Không khí trường đua thêm phần sôi động trên nền nhạc bài hát "The cup of life" bật lên theo sự xuất hiện của 3 VĐV chuyển từ "Nhà vận hành" sang vị trí xuất phát. Nhạc dừng lại, tiếng anh Chung dõng dạc: "Một..., hai...., ba. Xuất phát".

Cánh cổng sắt hạ xuống, cả 3 VĐV chó lao lên. Không có những tuyến đường dài tăm tắp và bằng phẳng để chứng kiến những cuộc đua tốc độ như nhiều trường đua chó chuyên nghiệp mà tôi từng thấy trước đó. Đua chó địa hình ở đây lại mang đến cho người xem nhiều điều kỳ thú của cái sự độc và lạ. Tim tôi như loạn nhịp khi nàng Mi Na mỏng mảnh, xuất phát ở vị trí cuối cùng đã băng lên vị trí dẫn đầu. Nhưng cái trật tự này đã nhanh chóng bị đảo lộn khi đến đoạn cua đầu tiên.

Tận dụng sức mạnh cơ bắp, Hổ "rướn" thân hình theo vòng cua rồi bứt lên dẫn đầu. Mi No cũng không phải tay vừa, khi đoàn đua tới địa hình "Chạy qua ghềnh đá", tận dụng lợi thế đôi chân và thân hình chắc nịch, vững chãi đã lướt qua chướng ngại vật để giật lại ngôi đầu. Nhưng không, đến địa hình "Bới đất tìm đường", thì Mi Na lại vượt lên.

Thân hình thon, gọn, Mi Na cúi xuống sát đất, rồi nhanh chóng chui mình qua khe hẹp duy nhất trên địa hình. Cứ thế cuộc đua "tam cẩu" hấp dẫn người xem với những pha tranh chấp suốt các địa hình còn lại: Vượt lên độ cao, lách qua dốc cây ngã, xuyên rừng cổ thụ, lội qua suối...

Sau những lần soán ngôi ngoạn mục, trường đua lại vang lên những tràng pháo tay cổ vũ thật nhiệt tình. Nhất là đoạn VĐV Hổ lấn trái phép Mi Nu tại địa hình "Vượt lên độ cao", bị trọng tài Hùng rút thẻ vàng "cảnh cáo" cho hành động thiếu "fairplay", càng khiến cho khán giả thêm phần thú vị về sân chơi tràn ngập sự tự nhiên, thân thiện, nhưng không kém phần nghiêm khắc và công bằng. Bởi theo quy chế đã thông báo trước cuộc đua của anh Chung, VĐV nào bị dính thẻ, khi về đích sẽ bị phạt bằng hình thức: Nhận suất ăn thưởng sau cùng!

Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự phấn khích và hào hứng chính là lúc đoàn đua bước vào địa hình "Lội qua sông" - chướng ngại vật cuối cùng trên đường đua. Đúng như lời giới thiệu, do là lần đầu tranh tài trước đám đông, nên cả 3 VĐV có thoáng chần chừ trước hố nước sâu... Đến khi trọng tài Hùng thúc còi, 3 VĐV mới "giật mình" lao xuống.

Nước tung tóe dưới tia nắng xuyên qua cành lá tạo ra những chùm hoa nước thật lộng lẫy. Và tôi đã không ngăn được sự ngạc nhiên khi chứng kiến những cú lội nước của loài chó Phú Quốc. Sau bao ngày chỉ được biết qua lời kể, tài liệu về loài chó chân có màng, lần đầu tiên tôi mắt thấy, tai nghe tài bơi lội của chó Phú Quốc.

Cả trường đua như vang lên tiếng reo hò trước màn rượt đuổi hồi hộọp đến nghẹt thở. Lợi thế nhanh, lẹ, Mi Na lao lên dẫn đầu, nhưng đến nửa chặng đua, với sức bền sẵn có, Hổ lại vượt lên.... Bất ngờ đã xảy ra vào phút 89. Khi vừa chạm chân đến đoạn dốc dẫn tới đích đến, Hổ và Mi Na dừng lại để giũ nước trên người. Chớp lấy cơ hội, Mi No lao thẳng và chạm đích. Chứng kiến khoảnh khắc soán ngôi không tưởng này, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay khiến trường đua nóng như "chảo lửa"...

Ngồi trường đua, thấy... đảo

Tuy chỉ chiếm vị trí khiêm tốn trong khuôn viên 5ha của Khu Bảo tồn, nhưng đến đây xem chó đua địa hình, tôi có cảm nhận như đang thấy cả một phần lịch sử của đảo Phú Quốc mà ông chủ Khu Bảo tồn dày công tính toán.

Từ phòng kiểm soát vé ra trường đua, quãng đường không xa lắm, nhưng tôi có cảm giác như đi qua lớp học với nhiều kiến thức lâm học. Không chỉ giữ lại toàn bộ nét hoang sơ, ông Tuấn còn mời các nhà lâm học của Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh về định danh khoa học và tổ chức khoanh vùng bảo vệ cây rừng. Dọc tuyến đường, mọi người phải thường xuyên cúi người để qua những sợi dây leo, những rễ cây chắn ngang lối đi. Và tất cả loài cây có mặt tại đây đều có "bản khai sinh lâm học" khiến du khách biết mặt mũi, hình hài lẫn tên thông dụng, tên khoa học của nhiều loài cây rừng. Đặc biệt là còn biết rất nhiều loài lan sống trên các phiến đá rêu phong...

Tuy nhiên, trường đua mới chính là lớp học lớn nhất. "Đường đua có tổng chiều dài 365m, được chia thành 4 làn, với 12 địa hình đặc trưng trên đảo như hang động, suối, ghềnh.... - Giọng anh Chung hút khách - 365m tượng trưng cho 365 ngày, 4 làn đua tượng trưng cho 4 mùa và 12 địa hình tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Những thông số này vừa đủ để khai thác hết những đặc tính vượt trội của loài chó từng được có tên trong từ điển Larousse, vừa tạo ra điểm nhấn để quý khách chiêm nghiệm về không gian, thời gian...".

Quang cảnh một lễ đua chó ở Khu Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc.

Nối vòng tay lớn

"Sau khi huấn luyện chó đua địa hình, tôi lao vào huấn luyện mới, như: Chó chọn đúng chữ, chó nhặt rác, chó vượt độ cao... Tất cả cũng chỉ để hướng tới mục tiêu nối vòng tay lớn" - Câu nói hình tượng của anh Tuấn (sinh năm 1964) - như cuốn tôi vào hành trình gắn bó với nghiệp nuôi chó Phú Quốc. Sinh ra và lớn lên trong rừng U Minh ở vùng Miệt Thứ, tuổi thơ của Tuấn gắn với thú vui đùa cỏ cây, với con kênh con rạch trước nhà. Nhà anh còn có thêm mấy con Phèn, con Mực để đi săn.

Sau khi lập nghiệp và yên bề gia thất ở TP Rạch Giá, một lần được tận mắt nhìn thấy con chó xoáy lưng của người bạn tha đàn con vào nhà sau thời gian tự đào hang sinh con, rồi thấp thoáng đâu đó trong cuộc trà dư tửu hậu là những thông tin cảnh báo về tình trạng chó Phú Quốc đang đứng trước nguy cơ không còn thuần chủng vì nạn lai tạp, bị thất thoát do thương mại hóa... bất chợt cơn "nghiện" cũ với chó trong anh trỗi dậy. Năm 2000, anh mang 5ha đất nuôi tôm sú mà vợ chồng chung sức gây dựng ra bán lấy tiền ra Phú Quốc mua đất nuôi chó xoáy lưng. 

Càng nuôi, anh càng phát hiện ra bên trong loài chó này còn tiềm ẩn nhiều đặc tính tinh khôn. Nếu phát huy được, chắc nhiều người sẽ yêu thương chúng hơn và đồng thuận chung tay bảo vệ chúng trước cơn lốc nạn lai tạp và mua bán... Kết hợp những kinh nghiệm được lưu truyền từ người cha và tài liệu sách báo, anh tự thiết kế chương trình rồi trực tiếp huấn luyện.

Anh Tuấn chia sẻ. Để làm được điều này, mỗi cuối tuần, anh lại phải mua vé tàu ra đảo rồi làm tất tần tật trước khi kịp quay trở lại Rạch Giá để làm việc ngày đầu tuần. Hơn thế nữa, anh còn phải tìm cách "né đòn" để giữ an toàn cho việc đeo đuổi đam mê, khi bà xã xót của... Tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ bằng cách cho thuê 5ha đất rừng để anh di dời "đại bản doanh" cũ đã quá chật chội.

Trước lúc chia tay, anh Tuấn còn "bật mí"cho biết là đang trong thời kỳ thử nghiệm huấn luyện chó biểu diễn trò mới, để hướng tới mục tiêu cơi nới thêm hình trình "nối vòng tay lớn" ra cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

Tùng Hương - Xuân 2018
.
.