Dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn: Sau chặt là... thoáng

Thứ Năm, 05/05/2011, 09:43
Trung tuần tháng tư vừa qua, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật (BDNT). Sau 6 lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung, đây là bản Dự thảo lần thứ 7 được đưa ra lấy ý kiến đóng góp.

Theo đánh giá chung, ở bản Dự thảo lần này, nhiều quy định đã có sự nới lỏng hơn về mặt tổ chức hành chính cũng như nội dung điều khoản. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm thừa mà thiếu, chung chung và thậm chí rối như tơ vò nên chưa đi đến được sự đồng thuận.

1. Dự thảo nghị định của Chính phủ về hoạt động BDNT do Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch soạn thảo gồm 6 chương, 30 điều có phạm vi điều chỉnh tập trung vào 5 lĩnh vực như biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, phát hành xuất nhập khẩu, lưu hành băng, đĩa ca múa nhạc, sân khấu… Theo đó, nhiều quy định đã được nới lỏng trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn như các địa phương không cần làm thủ tục tiếp nhận biểu diễn; người nước ngoài sống tại địa phương tham gia biểu diễn chỉ cần đăng ký với nơi tổ chức biểu diễn chứ không cần phải thông qua một tổ chức nào đó để xin cấp phép…

Một vấn đề được dư luận đặc biệt chú ý và tiếp tục "nóng" trong Hội thảo là các cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Việc thời gian qua tràn lan các cuộc thi hoa hậu, nhiều scandal liên quan đến các cuộc thi đã khiến chất lượng các cuộc thi giảm sút, suy giảm lòng tin của khán giả với các danh hiệu được trao. Tưởng chừng như vấn đề này sẽ được siết chặt lại. Tuy nhiên Dự thảo nghị định lần này lại có những điều khoản được coi là khá thông thoáng. Theo đó, đối với những cuộc thi Hoa hậu mang tầm quốc tế hay có yếu tố nước ngoài được tổ chức ở Việt Nam như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái đất… thay vì khống chế số lượng một năm chỉ tổ chức một cuộc thì sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét báo cáo Chính phủ quyết định. Bởi nhiều người cho rằng, với những cuộc thi hoa hậu có yếu tố nước ngoài, nếu được tổ chức tốt sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Những cuộc thi như Hoa hậu Trái đất được tổ chức ở Việt Nam là một cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Còn với cuộc thi sắc đẹp có quy mô toàn quốc được gọi tên là Hoa hậu, thay vì một năm chỉ có một cuộc duy nhất, theo dự thảo, năm nay sẽ có 2 cuộc. Còn với các cuộc thi người đẹp khác của các vùng, tỉnh, ngành, đoàn thể Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ theo tiêu chí, tính chất của từng cuộc thi để cho phép tổ chức mỗi năm không quá 3 lần. Nguồn kinh phí để tổ chức các cuộc thi này có thể huy động từ nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, ngay ở quy định này đã gây tranh cãi vì chưa rõ ràng. Có người cho rằng, việc Dự thảo quy định mỗi năm chỉ được tổ chức không quá 3 lần, như thế mỗi vùng, mỗi ngành được tổ chức tối đa 3 lần/ năm hay khi vùng này, ngành này tổ chức đủ chỉ tiêu rồi thì những đơn vị khác không được tổ chức nữa?

Bên cạnh việc tăng số lượng các cuộc thi sắc đẹp, Dự thảo Nghị định cũng giảm nhiều điều khoản quy định dự thi với các thí sinh. Đặc biệt là điều kiện thí sinh "Không vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật quốc tế" đã từng được đưa vào nhiều quy chế tổ chức thi sắc đẹp trước đây đã không xuất hiện trong Dự thảo lần này. Bởi theo ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục NTBD, với những người đã từng phạm tội nhưng đã hoàn lương thì "phải cho người ta làm lại". Họ vẫn có cơ hội. Khi đã cải tạo tốt và trở lại là công dân bình thường thì có quyền bình đẳng như bao người khác.

2. Một vấn đề nữa cũng nổi cộm trong thời gian vừa qua là trang phục biểu diễn của các nghệ sĩ. Có câu nói vui rằng "trong dần ra, mỏng dần đi và ngắn dần lên" đang là xu hướng trang phục của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay. Thời gian vừa qua, khán giả không ít lần bức xúc trước những trang phục gây sốc của nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể trang phục biểu diễn đã không xuất hiện trong Dự thảo quy định hoạt động BDNT lần này. Trước đây, ở quy định 47 của Cục NTBD về "Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp" ban hành năm 2004 có ghi các hành vi bị cấm "Đối với nghệ thuật ca múa nhạc hiện đại: Hóa trang tạo kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù, trang phục hở hang, lộ liễu"… Tuy nhiên, dường như những điều này đều bị các nghệ sĩ trẻ để ngoài tai. Có thể nói không quá lời rằng, chỉ trong vòng một năm qua, đã có hàng chục scandal liên quan đến việc nghệ sĩ ăn mặc quá …thoáng đến mức phản cảm, liên tục xảy ra cái gọi là sự cố "cởi, hở, lộ". Tiêu biểu như Hoa hậu Châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm khi làm MC trong một chương trình đã khiến nhiều khán giả nhăn mặt khi khoe tối đa…vòng 1, Thu Minh nude trong album "Giác quan thứ 6", Hiền Thục mặc áo quá ngắn, hở tới 2/3 ngực, Minh Hằng, Kiều Như mặc đồ trong suốt, Ngô Thanh Vân hát trong đêm nhạc hồi tháng 9 với quần soóc siêu ngắn, áo trong suốt thấu da…

Dường như quy định cụ thể về ăn mặc quá khó với các cơ quan chức năng nên Dự thảo lần này chỉ quy định chung chung "trang phục biểu diễn không trái với thuần phong mỹ tục". Theo ông Vương Duy Biên: "Quy định người biểu diễn nghệ thuật chặt chẽ về áo dài bao nhiêu phân, váy mặc dài bao nhiêu phân rất khó. Váy với người này thì ngắn, với người khác lại là dài. Nên không thể mang thước ra đo cụ thể với từng người được". Như vậy, vấn đề trang phục vẫn phụ thuộc vào ý thức của nghệ sĩ là chủ yếu. Nhưng rõ ràng, thực tế thời gian vừa qua, những trang phục "thiếu vải" của một số nghệ sĩ ngày càng tràn lan và trở thành trào lưu. Đã có những sự cố "lộ hàng" của "sao" khiến Ban tổ chức chương trình bị phạt, thậm chí nghệ sĩ biểu diễn cũng bị phạt. Như siêu mẫu Vũ Thu Phương trong "Đêm của phong cách" đã đứng như trời trồng trên sân khấu với bộ ngực trần do trang phục bị tụt bất ngờ. Cùng với một vài trang phục hở hang khác, chương trình này chịu mức phạt 9 triệu đồng. Nhưng những hình phạt đó dường như còn quá nhẹ, vẫn ở mức "chịu được" nên chưa đủ độ răn đe. Nghịch lý là cứ sau sự cố lộ hàng, các nghệ sĩ nhà ta lại càng được lên báo mạng nhiều hơn, nổi tiếng hơn. Nên hóa ra, cái sự "mất" lại không thấm tháp gì so với cái sự "được" theo quan niệm của các nghệ sĩ này. Chính vì thế, phạt thì vẫn phạt mà lộ, hở thì vẫn cứ xảy ra.

Thiết nghĩ, trong quy định cần tăng hình phạt với những hành vi cố tình ăn mặc phản cảm, cố tình tạo scadal "lộ hàng" như có thể cấm biểu diễn đối với cá nhân hoặc cấm hoạt động tổ chức hoặc đình chỉ không cho công diễn trong một thời gian nhất định với các đơn vị. Nếu đã không có quy định rõ ràng thì phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát. Có những hành động nghệ sĩ nói là vô tình nhưng sự cố đó lặp đi lặp lại thì chắc chắn là cố ý.

3. Một vấn đề nữa vẫn chưa ngã ngũ trên bàn thảo luận là việc cấp phép cho các công ty tổ chức biểu diễn hoặc thêm chức năng cho các công ty tổ chức sự kiện. Hiện nay, chỉ tính riêng Hà Nội có 135 công ty có giấy phép BDNT, ở TP Hồ Chí Minh là 700 công ty. Ngoài ra, mỗi địa phương khác cũng có tới cả chục công ty kinh doanh lĩnh vực này. Đó thực sự là một con số khổng lồ. Trong khi đó, BDNT là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, có ảnh hưởng tới hàng triệu người, vì thế lại càng cần phải quản lý sát sao hơn. Việc thêm chức năng cho các công ty tổ chức sự kiện nếu không rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng công ty về xây dựng, kinh doanh hàng dân dụng cũng có thể được cấp giấy phép biểu diễn… Tình trạng bát nháo các chương trình nghệ thuật vừa qua mà mọi người vẫn thường gọi là chương trình "lẩu thập cẩm" hay cảnh "treo đầu dê bán thịt chó" trong các chương trình nghệ thuật ở các tỉnh lẻ là minh chứng rõ ràng cho việc chúng ta đã thiếu cương quyết, thiếu sát sao trong quản lý BDNT. Những vấn đề nổi cộm trong đời sống văn hóa vừa qua còn cho thấy những quy định trong lĩnh vực BDNT chưa đi sát và theo kịp đời sống. Chính vì vậy, hy vọng rằng, Dự thảo Nghị định lần này cần được bổ sung, sửa đổi để có thể đi vào đời sống và phát huy hiệu quả

Thảo Duyên
.
.