Du lịch TP Hồ Chí Minh: Loay hoay định vị bản sắc

Thứ Tư, 05/09/2018, 07:45
Mang trong mình sự trẻ trung năng động của một trung tâm kinh tế - văn hóa xã hội hàng đầu cả nước, TP Hồ Chí Minh ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng, bản sắc riêng biệt của thành phố này là gì, ấn tượng mà thành phố để lại trong tâm trí du khách ngoài Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành... còn có gì khác thì vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.


Tại Tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP Hồ Chí Minh - 25 thành công và thách thức” diễn ra giữa tháng 8 vừa qua, đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như năm 1993, khách quốc tế đến thành phố là 519 ngàn lượt thì năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Ước tính đến hết năm 2018 lượng khách quốc tế đạt khoảng 7,5 triệu lượt.

Như vậy, qua 25 năm, lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đã tăng hơn 14 lần, chiếm hơn 50% tỉ lệ khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách nội địa cũng tăng gấp 24 lần. Tổng thu du lịch có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 40 lần trong giai đoạn 1997-2017.

Với những thành tựu trên, năm 2018, Nhà xuất bản sách du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet xếp hạng TP Hồ Chí Minh là một trong 10 điểm đến châu Á tuyệt vời, TripAvisor chọn TP Hồ Chí Minh là top 25 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á.

Du khách đến TP Hồ Chí Minh vẫn chủ yếu loanh quanh ở các địa điểm nổi tiếng của quận 1 (Trong ảnh: Nhà thờ Đức Bà).

Tuy nhiên, du lịch TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn tập trung vào các biểu tượng, địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của quận 1 như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… Thành phố không có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng nhưng lại sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng (234 tài nguyên văn hóa vật thể, chiếm 61% trong tài nguyên du lịch). Các tài nguyên này phong phú và rất đặc trưng, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, hệ thống bảo tàng.

Bên cạnh đó là sự hấp dẫn về văn hóa phi vật thể nhờ sự đa dạng như văn hóa ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí. Nhưng 25 năm qua thành phố vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch trọng điểm nhằm tạo sự khác biệt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Mặc dù thời gian qua, thành phố đã xây dựng được chuỗi sự kiện du lịch có tính định kỳ thường niên như: "Lễ hội Áo dài", "Ngày hội du lịch", "Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam", Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan Lân – Sư – Rồng, chương trình “Street Show” tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ… với kỳ vọng tạo điểm nhấn ấn tượng, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thế nhưng công tác xúc tiến quảng bá các sự kiện này còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp khiến chúng chưa tạo được dấu ấn sâu đậm với du khách. Các sản phẩm và dịch vụ bổ trợ cho du lịch, đặc biệt là sản phẩm mới khai thác các thế mạnh về văn hóa - lịch sử, ẩm thực... còn yếu kém, chưa đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú cho khách.

TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ đầy đủ các dòng, các trường phái của tất cả các ngành nghệ thuật (kể cả hiện đại lẫn truyền thống). Trong đó, đáng lưu ý là có các đặc sản nghệ thuật mang đậm nét đặc thù địa phương như hát bội, cải lương, đờn ca tài tử...

Tuy nhiên cho đến nay, nhìn chung đó vẫn còn là những tài nguyên hơn là những sản phẩm du lịch được đầu tư nghiêm túc, có chất lượng và đạt hiệu quả thực sự. Đặc biệt, thành phố vẫn còn thiếu những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch quy mô lớn như “Tiffanys show” của Thái Lan hay các chương trình nghệ thuật hoành tráng trong công viên Trung Hoa Cẩm Tú ở Thâm Quyến, Trung Quốc...

PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, do nhiều nguyên nhân, du lịch thành phố phát triển còn chưa tương xứng với vị thế và chưa đáp ứng được kỳ vọng. Cụ thể, mặc dù được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên cho đến nay TP Hồ Chí Minh lại là địa phương đi sau nhiều địa phương thực hiện xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.

Cho đến nay thành phố vẫn đang trong quá trình xây dựng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong bối cảnh sắp kết thúc giai đoạn phát triển đến năm 2020 và Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, theo đó sẽ không còn quy hoạch ngành ở cấp tỉnh. Thành phố chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo đột phá cho du lịch để TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến “Du lịch không ngủ” cũng như các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách truyền thông chưa chuyên nghiệp khiến nhiều sự kiện du lịch như Lễ hội Áo dài vẫn chưa định vị được bản sắc trong lòng du khách.

Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, mặc dù là địa phương đi đầu trong cả nước khi đề xuất ý tưởng thành lập “Cảnh sát du lịch”, tuy nhiên cho đến nay du lịch TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều lúng túng trong việc phối hợp với các ngành chức năng để thành phố thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện trong mắt du khách.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh nhận định trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, để phát triển du lịch bền vững, việc khai thác các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao trình độ khoa học quản lý du lịch, tuyên truyền thông tin du lịch, bảo tồn và phát huy các nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là vốn di sản văn hóa... là điều có ý nghĩa quyết định.

Đáng mừng khi cuối năm 2017, thành phố chính thức triển khai thí điểm đề án xây dựng đô thị thông minh nhằm hướng đến việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực cho người dân, góp phần tăng sự hấp dẫn, tính cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy du lịch thông minh phát triển.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Viện trưởng, Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay, nếu tầm nhìn đến năm 2030 của TP Hồ Chí Minh là trở thành đô thị du lịch văn hóa sôi động được yêu thích nhất châu Á, thì thành phố cần vạch ra định hướng chiến lược thương hiệu và truyền thông 4.0 thời gian tới.

Thành phố mang tên Bác vốn mang trong mình sự đa dạng về tài nguyên du lịch, văn hóa vùng miền. Sự đa dạng này tạo nên tiềm năng du lịch rất lớn nhưng cũng gây nhập nhằng trong việc định vị bản sắc. Sự nhập nhằng này còn đến từ chỗ mỗi đơn vị làm du lịch, mỗi cá nhân tham gia vào du lịch gần như đang giữ “một bản sắc riêng” của thành phố theo cách của mình.

Theo PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và bài bản của các điểm đến mới nổi trong nước cũng như các quốc gia khu vực Đông Nam Á, thành phố phải định vị được trong tâm trí du khách là một đô thị du lịch văn hóa sống động với trải nghiệm đa sắc màu. “Việc làm cần ngay là phải thống nhất và truyền thông nội hàm “đa sắc màu”, “sôi động”. Hay nói cách khác đâu là bản sắc và giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh. Thành phố phải tìm ra bản sắc riêng, đó là tính đương đại và đa văn hóa, sự thân thiện hào sảng của người phương Nam....

Giá trị cốt lõi của đô thị này không phải là sự hào nhoáng bên ngoài như lần đầu mới đến mà phải lột tả được thực chất bên trong là sức sống rực rỡ bắt nguồn từ bản sắc của người Việt Nam, người miền Nam. Đây là nơi hội tụ các giá trị của người Việt trong tiến trình mở mang bờ cõi, trong dòng chảy của lịch sử và tiên phong trong thời kỳ hội nhập thế giới; là trung tâm kinh tế, nơi hội tụ văn hóa các vùng miền cả nước. Tất cả tổng hòa tạo nên một bản giao hương tươi vui, đầy màu sắc. Sự lan tỏa thương hiệu và bản sắc này cần sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền, các tổ chức làm du lịch lẫn tâm huyết của mỗi người dân” – bà phân tích.

Nguyễn Trang
.
.