Dư âm Cannes 2008: Roman Polanski được minh oan

Thứ Hai, 23/06/2008, 15:00
Một đặc sản không thể thiếu của Liên hoan phim Cannes là mảng phim chiếu giới thiệu mà không dự giải. Năm nay, bộ phim tài liệu "Roman Polanski: cái còn thiếu và điều từng khát khao" gây ấn tượng mạnh. Bộ phim lật ngược lại vụ án hình sự hy hữu liên quan đến Roman Polanski, một bậc thầy của Nghệ thuật thứ bảy.

Từ khi Liên hoan khép lại, nó càng được bàn tán sôi nổi, như một sự kiện văn hóa, xã hội và pháp lý khó hiểu thời hiện tại. Thật đáng quý, ngay ở nơi người ta chăm chăm xoáy vào những chuyện giật gân thực sự diễn ra hay chỉ đơn thuần giả tưởng, nữ đạo diễn Hoa Kỳ trẻ tuổi Marina Zenovich dũng cảm nêu lên những vấn đề hóc hiểm cần nhìn nhận đúng đắn và giải quyết kịp thời. Đó là Rolan Polanski mà vụ án quái gở năm 1977 vô tình gắn cho cái tên "một ông lớn lắm tài nhiều tật".

Roman Pomanski chào đời ở Paris năm 1933, nhưng qua tuổi thơ ở Ba Lan. Có lẽ không nhà điện ảnh nào nhiều chìm nổi như ông. "Đứa con của Rosemary" (1968) của ông được suy tôn là một trong những phim kinh dị hay nhất mọi thời đại. "Nghệ sĩ dương cầm" (2002) có thể được liệt vào hàng những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Ông đã giành được những giải thưởng quan trọng nhất như Gấu vàng, Sư tử vàng, Cành cọ vàng, César, BAFTA, Quả cầu vàng, Oscar.

Năm 1977, đang là một gương mặt sáng giá bậc nhất của Hollywood, Roman Polanski bị đưa ra Tòa án Mỹ về tội lạm dụng tình dục một bé gái 13 tuổi. Dù ông phủ nhận hoàn toàn và không có bằng chứng hay nhân chứng nào khác ngoài một bức ảnh cô bé chụp chung với ông, Tòa vẫn khép cho ông án tù. Có điều, khi được tạm tha có điều kiện, ông trốn biệt về Pháp.

Thực ra, ông có thể bị dẫn độ về Mỹ, dù ông có mặt ở bất kỳ đâu, nhất là tại các quốc gia đồng minh của Mỹ. Tất nhiên, nước Pháp không nỡ đối xử tệ với ông. Từ đó, đi đâu ra ngoài lãnh thổ Pháp ông cũng giữ mình cẩn thận.

Cuối năm 2002, báo chí Mỹ tiên đoán "Nghệ sĩ dương cầm" của ông sẽ đoạt một Oscar vào năm sau. Cô bé năm xưa giờ đã làm mẹ liền công khai ngỏ lời "tha thứ cho ông và chúc mừng ông trở lại Mỹ". Ông đã không về nhận Oscar đạo diễn xuất sắc nhất năm đó. Việc này là giọt nước làm tràn ly. Nữ đạo diễn Marina Zenovich từ lâu đã băn khoăn nhiều về chuyện đáng buồn của nhà điện ảnh. Chị tìm đọc và xem lại các hồ sơ lưu trữ, mối nghi hoặc tăng lên mãi.

Cuối cùng, chị đến gặp luật sư một thuở của Roman Polanski. Luật sư không chịu nói gì, ngoài câu nhận xét: "Đấy là một nỗi ô nhục không chỉ cho Roman Polanski mà cho cả nền pháp lý Hoa Kỳ". Phải ba năm sau, luật sư mới chịu tiết lộ bí mật.

Hóa ra, ngày ấy, cô bé Mỹ tới dự Hội bia ở Đức và tình cờ mời Roman Polanski đang làm phim tại đấy chụp ảnh cùng một số bạn. Khi bị khởi kiện, Roman Polanski tuân theo mọi yêu cầu của quan tòa, kể cả việc xét nghiệm xem có mắc bệnh tâm thần không. Rồi gia đình cô bé chủ động thương lượng với ông, dĩ nhiên ông nộp cho họ một món tiền để được xử chiếu lệ. Song bức ảnh vừa nói được trương khắp các mặt báo, và được hiểu như một vụ lạm dụng trẻ em. Nhiều báo lớn tiếng đòi tòa phải xử nghiêm khắc. Cho nên, Roman Polanski đã bị tống giam.

Ông đã nhu nhược, không đấu tranh đến cùng cho lẽ phải? Hay ông bi quan về hiến pháp Mỹ? Thì đấy, vụ ám sát Kenndey, hay cái chết bí ẩn của Marilyn Monroe, bao năm trôi qua, vẫn chưa được làm sáng tỏ! Không vô cớ, trong khi thực hiện "Roman Polanski: cái còn thiếu và điều từng khát khao", Marina Zenovich viết thư cho ông nhiều lần, song ông không trả lời. Phim hoàn chỉnh rồi, chị cố gắng lần nữa. Lần này, Roman Polanski cho chị gặp. Và thốt lên: "Quả là một chuyện kỳ cục. Tôi vẫn chẳng hiểu sao nó xảy ra với mình"...

Nguyễn Văn Quảng
.
.