Đời sống văn chương Việt: Nhiều nỗi niềm, ít giải pháp

Thứ Bảy, 17/03/2018, 08:24
Có lẽ, đời sống văn chương Việt vừa trải qua những ngày sôi động nhất trong năm. Chưa bao giờ Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức "linh đình" với nhiều hoạt động như năm nay: kéo dài 4 ngày (từ ngày 27-2 đến ngày 2-3, tức là từ ngày 12 đến hết 15 tháng Giêng âm lịch)...


Theo phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh - "Ngày thơ năm nay là bước "chạy" đà quan trọng để hướng tới thay thế "Ngày thơ Việt Nam" thành "Ngày văn học Việt Nam". Nhưng dù có ồn ã đến đâu, đời sống văn chương Việt vẫn còn đó nhiều nỗi niềm mà giải pháp để giải tỏa những nỗi niềm này thì lại ít được đề cập đến trong những cuộc hội thảo với đủ đầy "bá quan văn võ".

"Có rừng mà không thấy cây to"?

Hội thảo "Thơ và những vấn đề của thơ đương đại" và Hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" được xem là 2 hoạt động trọng tâm trong chuỗi sự kiện của "Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16" được tổ chức tại tâm điểm là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và trên nhiều tỉnh, thành.

Song, qua các tham luận được các diễn giả trình bày, có thể thấy hiện lên rõ sự "nhạt nhòa" của đời sống văn chương Việt trong một vài năm qua. Tác phẩm thơ, tiểu thuyết tuy có số lượng nhiều, song để người đọc có thể nhắc nhớ, "điểm mặt chỉ tên" là rất hiếm.

Những nỗ lực để cách tân thơ hay đổi mới tư duy tiểu thuyết hình như chưa mang lại những hiệu ứng đáng kể. Ý kiến của nhà văn Bùi Việt Sỹ nêu rằng: "Tiểu thuyết đương đại Việt Nam - Có rừng mà không thấy cây to" là một ý kiến khiến cho nhiều người cầm bút phải suy ngẫm.

Hằng năm, nếu nhìn vào số lượng đầu tác phẩm được xuất bản lên tới con số hàng ngàn, nhiều người đã đặt câu hỏi, vậy những tác phẩm ấy đã đi đâu, về đâu? Và đâu là tác phẩm đang thực sự gây chú ý, đang được người ta "xúi" nhau đi mua về mà đọc? Cho dù số lượng in thường chỉ loanh quanh con số 1.000 đến 2.000 bản, nhưng sách của các nhà văn được in ra và bán chạy trên thị trường quả là chỉ đếm được trên đầu ngón tay, số còn lại chủ yếu là được đem cho/ biếu/ tặng.

Thực tế cho thấy, dù giải thưởng về sáng tác văn học năm nào cũng được trao đều đặn, trong đó có các giải thưởng uy tín như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhưng quả thực trong mấy năm qua, để nhớ được tên một sáng tác mới vừa đoạt giải thưởng của một Hội Văn học nào đó là một điều khá khó khăn. Ngay cả đối với một số tác phẩm nhận được sự "ưu ái" của giới báo chí và giới phê bình thì dường như cũng đã lâu lắm chưa xuất hiện một tác phẩm khiến văn đàn thực sự xôn xao.

Đúng như các cụ xưa thường nói, "cây cao, bóng cả", chứ nếu vẫn trong tình trạng "so bó đũa, chọn cột cờ" thì làm sao bóng hình tác phẩm có thể in lại trong tâm trí độc giả?

Số lượng sách mới sáng tác được bạn đọc trẻ tìm đọc rất khiêm tốn, chủ yếu là sách tái bản.

Hiện tượng "Có rừng mà không có cây to" như nhà văn Bùi Việt Sỹ và một số người từng nhận định đã lặp lại nhiều năm. Thực tế cũng chứng minh, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 đã chính thức đánh dấu sự "mất mùa" của sáng tác khi không có tập thơ hay văn xuôi nào đoạt ngôi vị cao nhất.

Giải thưởng của năm đã thuộc về 2 tác phẩm Lý luận phê bình (Tập tiểu luận - phê bình "Bóng người trong bóng núi" của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị; tập Lý luận - phê bình "Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây" của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu) và 1 tác phẩm dịch (tập kịch "Khổ vì trí tuệ" của Aleksander Griboedov, bản dịch Lê Đức Mẫn).

Bên cạnh đó, Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017 cũng bị "mất mùa thơ" (trong khi các năm trước đó, giải thưởng dành cho các tập thơ luôn chiếm ưu thế), với các tác phẩm đoạt giải là: Tiểu thuyết "6 ngày" của nhà văn Tô Hải Vân; tập phê bình  - đối thoại văn học "Trang sách mạch đời" của nhà thơ - nhà phê bình Phạm Khải; tác phẩm dịch thuật "Búp bê" của Boleslaw (Ba Lan) do dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ.

Sự "lên ngôi" của thể  luận loại tiểu luận - lý luận - phê bình và dịch thuật cũng là một minh chứng hết sức rõ ràng cho sự chững lại, nếu không muốn nói là "xuống dốc" của lĩnh vực sáng tác.

Nhiều lý luận, ít giải pháp

Hai cuộc Hội thảo "Thơ và những vấn đề của thơ đương đại" và Hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" được xem là cần thiết vì đã động chạm đến 2 lãnh địa quan trọng nhất của văn học. Chỉ ra được những mặt tồn tại, thậm chí điểm mặt những nguyên nhân của những tồn tại này, nhưng làm thế nào để thay đổi tình hình, để tạo được những "cú hích" đối với tác giả - tác phẩm thì xem ra là vấn đề quá đỗi... nan giải.

Bởi vì, xét đến cùng, viết văn là hoạt động sáng tạo cá nhân, ít chịu những ảnh hưởng đến từ bên ngoài. Vì thế, những giải pháp và các hoạt động khác diễn ra đều được xem là ít thực tế và kém hiệu quả.

Giải pháp mà Hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" đưa ra, đó chính là việc mở các trại sáng tác và duy trì các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các Hội khác. Thực tế, trong 40 năm qua, kể từ khi Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho xây nhà sáng tác đầu tiên tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) đến nay, mỗi năm các Hội Văn học nghệ thuật, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đều tổ chức các đợt sáng tác dành cho các nhà văn.

Song, như Báo Văn nghệ Công an từng đề cập trong một diễn đàn Văn học nghệ thuật gần đây, như đã trở thành truyền thống, các trại sáng tác văn học nghệ thuật vẫn chủ yếu là nơi giao lưu, gặp gỡ, thậm chí là... dưỡng lão của một số người. Đương nhiên vẫn có những tác giả "gặt hái" được những kết quả đáng nể tại các trại viết như các nhà văn Chu Lai, Nguyễn Như Phong... song con số ấy thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Rất ít người được như nhà văn Chu Lai, cứ trốn vào 1-2 trại viết là lại cho ra lò một tiểu thuyết. Còn giải pháp tăng tiền thưởng thật lớn cho tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi tiểu thuyết, thoạt đầu nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nếu kỳ khu 2-3 năm mới ra được một tiểu thuyết thì khoản tiền thưởng vài chục triệu đồng cũng chả thấm vào đâu.

Chỉ trừ khi tác phẩm đoạt giải, song phải có được một đời sống phong phú như được xuất bản với số lượng lớn, được mua bản quyền giá cao, được chuyển thể thành phim... thì nhà văn mới có cơ sống được bằng nghề viết. Mà muốn được như vậy thì tác phẩm chẳng có cách nào khác là phải hay, được "thị trường" - tức độc giả đón nhận.

Có nên có Ngày văn học Việt Nam

Quay trở lại với vấn đề Ngày thơ Việt Nam đang được cân nhắc để trở thành Ngày văn học Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam nên cân nhắc kỹ vấn đề này xem đó có thực sự là việc làm cần thiết hay không? Bởi vì Ngày thơ Việt Nam đã có lịch sử 16 năm với 16 lần tổ chức không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành với nhiều hoạt động hướng tới việc tôn vinh thơ.

Thực lòng mà nói, kể từ năm đầu tổ chức đến nay, năm nào Ngày thơ Việt Nam cũng vấp phải dư luận bàn ra tán vào... Từ khâu tổ chức đến việc lựa chọn thơ để "thả lên giời", thơ để đọc, để trình diễn, tôn vinh... để dễ trở thành chủ đề bàn tán, đàm tiếu trên báo chí cũng như trong các cuộc trà dư tửu hậu. Ai cũng đồng ý rằng, đã đến lúc cách thức tổ chức Ngày thơ Việt Nam phải thay đổi, phải đổi mới và nếu không đổi mới được thì có thể tổ chức luân phiên chẵn - lẻ.

Nhưng quả thực, ý tưởng thay thế Ngày thơ Việt Nam thành Ngày văn học Việt Nam là phương án được ít nhà văn, nhà thơ hay độc giả nghĩ đến nhất. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, ý tưởng này là nhằm hướng đến việc tôn vinh cả văn xuôi và lý luận phê bình chứ không riêng gì thơ.

Tuy nhiên, thơ là một thể loại sáng tác đặc biệt và hiếm có một đất nước nào trên thế giới lại mê thơ như người Việt Nam. Từ ca dao tục ngữ đến thơ hiện đại đã khiến thơ trở thành một nguồn cảm hứng, niềm yêu thích tương đối phổ quát. Chính vì thế, Ngày thơ Việt Nam dù được tổ chức ở các thành phố lớn hay các địa phương vẫn thu hút đông đảo độc giả tham gia - dù năm nào đi về họ cũng chê bai, nhưng năm sau họ vẫn đến.

Và điều quan trọng nữa là, nếu là Ngày văn học Việt Nam, chẳng nhẽ chúng ta lại mang 1 chương của tiểu thuyết hay 1 truyện ngắn ra đọc thay việc đọc thơ, trình diễn thơ, trưng bày thơ thì cũng thật kém hấp dẫn và... vô lý. Bên cạnh đó, nếu đã có Ngày văn học Việt Nam thì hẳn các Hội khác như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam hẳn sẽ lại đưa ra ý tưởng có Ngày sân khấu, Ngày mỹ thuật, Ngày ca hát... chẳng phải là điều hài hước lắm sao.

Nguyệt Hà
.
.