Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp do virus Corona:

Đời sống nghệ thuật tạm thời “đóng băng”

Thứ Năm, 13/02/2020, 09:12
Những ngày qua, người dân cả nước đã có những cảm nhận rất rõ ràng về những ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra. Cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng khi hầu hết các tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học. Riêng đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, có thể nói đời sống nghệ thuật của cả nước đã tạm thời "đóng băng" khi vấn đề sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng hiện đang được đặt lên ưu tiên hàng đầu...


Hàng loạt show diễn ca nhạc bị hủy

Cùng với việc gần 60 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học, dừng và tạm dừng tất cả các lễ hội trên quy mô toàn quốc, thì những ngày qua ảnh hưởng của đại dịch đã chính thức lan đến đời sống văn hóa - nghệ thuật: hàng loạt show diễn chương trình văn hóa nghệ thuật đã bị hoãn/hủy để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch.

Đan Trường là một nam ca sĩ hiếm hoi của làng âm nhạc Việt khi vẫn giữ được độ hot suốt 20 năm qua. Dịp Tết là dịp anh miệt mài chạy show kín hết lịch, không có ngày nghỉ và năm nay cũng không phải ngoại lệ. Nhưng cách đây vài ngày, ca sĩ Đan Trường đã thông báo trên trang cá nhân về việc bị hủy 12 show diễn lớn nhỏ diễn ra từ ngày 8 đến 16-2, thời điểm theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, có thể tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng nhất.

Trước đó, tại một số show của ca sĩ Đan Trường, hình ảnh được cập nhật cho thấy khá nhiều khán giả đã đeo khẩu trang khi đi xem biểu diễn. Ca sĩ Minh Quân cũng cho biết anh phải phải hủy 5 show diễn. Với những tên tuổi như Đan Trường, Minh Quân thì việc bị hủy nhiều show diễn như thế này khiến nghệ sĩ bị thiệt hại khá nhiều về kinh tế, bởi việc biểu diễn của các tên tuổi lớn vào dịp cận lễ, Tết, các đơn vị tổ chức phải chi ra mức cát-xê rất cao.

Nhiều khán giả đeo khẩu trang khi đến xem một show diễn của ca sĩ Đan Trường.

Tại Hà Nội, không chỉ các đêm nhạc diễn ra trong tháng 2 bị hủy, mà đơn vị tổ chức 2 chương trình ca nhạc lớn là đêm nhạc trong tháng 3 "Chuyện tình" (dự kiến diễn ra đêm 8-3) và show "Modern Talking & Sandra" (dự kiến diễn ra đêm 7-3) vốn là một show diễn rất được khán giả trẻ háo hức chờ đợi đã bị hủy.

Đơn vị tổ chức sự kiện này là IB Group cho biết, đêm nhạc "Chuyện tình" có thể được hoãn đến dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, còn "Modern Talking & Sandra" thì hiện chưa có kế hoạch gì bởi việc lên lịch một show diễn như "Modern Talking & Sandra" là không hề đơn giản. Vì thế, đơn vị tổ chức đã tính toán đến khả năng sẽ trả lại tiền cho những khán giả đã mua vé buổi biểu diễn này.

Đến chiều 10-2, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã gửi thông cáo báo chí đến các phóng viên về việc hoãn tổ chức tất cả các sự kiện dự kiến được tổ chức trong tháng 2 này.

Đến nay, ekip liveshow của nữ ca sĩ Bích Phương dự kiến sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh đêm 22-2 mang tên "Bích Phương's Concert - Do you wanna Đu?" chắc hẳn vẫn đang như "ngồi trên đống lửa" chờ đợi tâm điểm mùa dịch đi qua để chương trình lớn được đầu tư kỹ lưỡng của ca sĩ Bích Phương có thể diễn ra sớm nhất có thể. Bởi vì, từ ngày 31-1 trên trang cá nhân của mình, nữ ca sĩ đã buồn rầu thông báo về việc tạm hoãn mở bán vé liveshow này và đến nay vẫn chưa có thông báo gì thêm.

Đối với cá nhân một nghệ sĩ, thì phải nói rằng chẳng có điều gì buồn hơn việc phải hoãn lại một liveshow mà bản thân phải bỏ ra rất nhiều thời gian, tâm sức, tiền bạc. Nhưng trong thời điểm nhạy cảm này, vấn đề sức khỏe, sự an toàn của khán giả cũng được các nghệ sĩ đưa lên hàng ưu tiên.

Sân khấu kịch đóng cửa

Với sân khấu kịch ở Sài Gòn, Tết cũng là thời điểm rất đắt khách với những điểm biểu diễn có ngày 3-4 suất diễn. Song, với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp do vius Corona, hầu hết các sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh đã đóng cửa như: Sân khấu kịch Hồng Vân (dự định mở lại sau 13-2), sân khấu Hoàng Thái Thanh (dự định mở lại sau 15-2), sân khấu Trịnh Kim Chi ở quận 6... Tuy nhiên, NSND Hồng Vân cũng cho biết: "Còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của dịch bệnh thì chị và ekip của mình mới quyết định đã "sáng đèn" lại sau ngày 13-2 như dự định hay chưa...".

Khác với TP Hồ Chí Minh, dịp Tết với sân khấu Hà Nội là một dịp "ngủ đông thường niên". Nhưng năm nay, kỳ nghỉ đông này lại dài bất thường bởi lẽ sau Tết lại trùng vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng nên hàng loạt các chương trình "khai xuân" của các nhà hát đều đã bị hoãn lại.

Đặc biệt, sau công điện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; theo đó tất cả các lễ hội trên quy mô toàn quốc đều bị dừng/ tạm dừng, nên các chương trình của các nhà hát nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội... đều bị hủy bỏ.

Với các nghệ sĩ chèo, tuồng, cải lương thì mùa lễ hội chính là mùa biểu diễn sôi động nhất trong năm của họ. Bởi thế, họ cũng phải tranh thủ "chạy sô" kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình.

Mới đây, ngày 8-2, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có thông báo chính thức về việc tiếp tục dừng các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch trong nước và nước ngoài ở điểm biểu diễn là rạp Hồng Hà (số 51 Đường Thành - Hà Nội).

Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức khai xuân bằng việc tuyên truyền cho cán bộ nhân viên về vấn đề phòng chống dịch do virus Corona gây ra.

Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ hiện cũng tạm dừng các chương trình biểu diễn đã chuẩn bị trước đó cho đến khi có thông báo mới từ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và các cơ quan chức năng về việc phối hợp phòng chống dịch bệnh. Hiện tại, theo quan sát của phóng viên, chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long là vẫn đang sáng đèn để phục vụ khách du lịch (chủ yếu là khách du lịch nước ngoài).

Đại diện Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng cho biết, đơn vị đã tiến hành việc khử trùng khu vực biểu diễn và phát khẩu trang miễn phí cho khán giả. Sự chủ động của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật cũng cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm, chia sẻ trong việc phòng chống dịch bệnh là rất đáng biểu dương.

Ngày thơ Việt Nam bị hoãn

Quyết định "lùi thời điểm tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 cho đến khi nào cơ quan chức năng Việt Nam thông báo đã kiểm soát được dịch bệnh" của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 31-1 được cho là một quyết định nhạy bén. Theo kế hoạch, ngày thơ Việt Nam lần thứ XVIII sẽ được tổ chức trọng tâm ở 2 địa điểm là Hà Nội và TP Huế với nhiều nội dung.

Năm nay, sẽ có 7 đoàn nhà thơ quốc tế tham dự sự kiện này đến từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản và Đài Loan. Dự kiến lễ thả thơ sẽ được thay bằng tiết mục trình diễn 50 câu thơ hay viết trên lụa đỏ ở 2 sân thơ tại Văn Miếu - nơi các nhà thơ Việt Nam và quốc tế sẽ đọc thơ.

Sau ngày Rằm tháng Giêng (8-2), các nhà thơ quốc tế sẽ đi tàu hỏa vào thăm cố đô Huế - một di sản văn hóa quan trọng bậc nhất của Việt Nam - thăm bảo tàng nơi lưu giữ các châu bản khắc gỗ của triều Nguyễn khẳng định chủ quyền từ rất sớm đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có cuộc giao lưu với sinh viên ở Huế vào ngày 9-2.

Ngày thơ Việt Nam từ khi được khởi xướng đến nay luôn có những ý kiến khen chê, thậm chí nhiều ý kiến cực đoan còn cho rằng, đã đến lúc nên "xóa sổ", "khai tử" Ngày thơ. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy, việc hoãn tổ chức Ngày thơ cũng khiến không ít người cảm thấy tiếc nhớ một thông lệ du xuân đầu năm. Bởi vì dù sao, đây cũng là hoạt động văn học sôi động nhất trong năm, thu hút sự quan tâm của nhiều người cầm bút, người yêu văn chương và đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa các tác giả với độc giả. Khi nó bị hoãn lại vô thời hạn do dịch bệnh, đã khiến không ít người cảm thấy ít nhiều tiếc nuối, thậm chí còn ghi nhận đó là một sân chơi lành mạnh, thì hà cớ gì phải ghét bỏ hay kêu gọi "khai tử"?

Nguyệt Hà
.
.