Tản văn

Đòi hỏi tối thiểu

Thứ Ba, 03/09/2013, 08:00

Cách nay quãng 8 - 9 năm, một lần sang Mỹ, chúng tôi may mắn được gặp một nhà báo nổi tiếng. Bà làm ở ngành Phát thanh và Truyền hình đã lâu. Bà giữ hẳn một chuyên mục được nhiều người quan tâm. Khi tiếp xúc với các nhà báo Việt Nam với tư cách là khách tham quan quốc tế của nước Mỹ, bà tự tin nói: "Bây giờ, các bạn có thể hỏi những câu hỏi thật khó về bất cứ vấn đề gì có liên quan đến nghề nghiệp và tôi sẵn lòng giải đáp. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cởi mở với nhau trong lần gặp gỡ hiếm hoi này".

Tôi  hỏi bà: "Thường thì các nhà báo "ăn theo" sự kiện và dựa vào các sự kiện để săn tin, viết bài. Nói trắng ra là nghề làm báo luôn sống nhờ vào các sự kiện. Nếu sự kiện càng tầm cỡ thì bài báo và nhà báo càng có tiếng vang. Thế có trường hợp nào nhà báo tạo dựng được sự kiện không?"

Bà vui vẻ trả lời: "Có. Nhưng rất ít. Chẳng hạn như mỗi lần bầu cử Tổng thống ở Mỹ, có nhiều nhà báo đã tạo dựng sự kiện để tác động đến cử tri, lôi kéo cử tri. Nhưng, điều quan trọng là tính chân xác và tầm ảnh hưởng của những sự kiện ấy".

Tôi hỏi tiếp: "Theo tôi, nhà báo là người chủ yếu làm nhiệm vụ phản ánh xã hội. Nhà báo không làm thay các cơ quan chức năng khác. Điều ấy có đúng không?".

Bà vui vẻ trả lời tiếp: "Đúng như thế! Còn những nhà báo mà làm thay những người khác ở các cơ quan chức năng khác là sai. Nhà báo chỉ là người gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo là chính. Rồi nhờ thế mà xã hội quan tâm, xã hội cùng sẻ chia và tìm cách giải quyết. Đó cũng là giá trị thật của quyền lực thứ tư".  

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi hai câu trả lời rất đáng nhớ này. Và tôi luôn nghĩ: Tạo dựng được một sự kiện gây ảnh hưởng đến đông đảo độc giả là chuyện hy hữu và rất khó làm, nhất là trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay.

Vậy mà ở ta, đã có không ít người muốn nổi đình đám, thỉnh thoảng lại tạo dựng ra một vài sự kiện cỏn con, giống như ném một hòn đá nhỏ vào hồ nước rộng lớn. Và mặt nước có thể hơi lăn tăn nhưng đáy hồ thì chẳng hề sủi tăm một chút xíu nào. Cũng có một, hai nhà báo hy vọng tạo ra sự kiện bằng cách bịa ra một vài chuyện không hề xảy ra trong thực tế.

Cách đây đã lâu, nhà báo Tường Vy có viết một bài báo để vạch mặt chỉ tên Q.T, vì Q.T tự nghĩ ra một bài phỏng vấn thủ môn huyền thoại Lép Lasin (người đã một lần nhận giải Quả bóng Vàng châu Âu). Bài tự nghĩ này của Q.T,  rất dễ bị đổ bể vì Lép Lasin đã trở về cát bụi trước khi Q T phỏng vấn. Một người đã mất làm sao có thể gặp một người còn sống để người còn sống phỏng với vấn được! Một sự bịa đặt trắng trợn đến khó tưởng tượng ra nổi trong làng báo!

Cũng trong chuyến thăm nước Mỹ đó, chúng tôi được nhà báo Nguyễn Quý Đức cho hay: "Bà nhà báo nổi tiếng mà các anh chị vừa tiếp xúc tuần trước đã bị cơ quan cho nghỉ việc". Nghe tin này, chúng tôi vừa buồn vừa ngạc nhiên. Chúng tôi hỏi ngay: "Lý do? Tại sao bà ta lại ra nông nỗi ấy? Hay là anh nhầm lẫn với ai?".

Anh Nguyễn Quý Đức trả lời: "Đây không phải là tin thất thiệt, là lời đồn thổi. Cách nay không lâu, bà ta đã thực hiện một cuộc phỏng vấn. Tuy đúng người, đúng việc nhưng vì người bà ta tìm đến để phỏng vấn lại là chồng của bà ta. Rồi cơ quan chủ quản kết luận: Làm thế dù sao cũng là không khách quan".

- Thế nào là đúng người, đúng việc?

- Chẳng hạn như anh cần phỏng vấn một chuyện gì đó có liên quan đến văn học  chẳng hạn. Người anh gặp là nhà văn. Vậy là đúng người, đúng việc rồi. Nhưng người anh phỏng vấn lại là vợ anh. Nếu người đó không phải là vợ anh thì không sao. Nhưng oái oăm thay người anh phỏng vấn lại là vợ anh. Đấy, mấu chốt vấn đề là ở chỗ ấy.

- Chốt lại, nghề làm báo là nghề rất khó tạo dựng sự kiện và phải trung thực, khách quan chăng?

- Đương nhiên là thế. Nhưng bên cạnh đó, còn phải minh bạch nữa. Nếu không trung thực, khách quan và minh bạch thì còn ai tin vào ngòi bút của nhà báo nữa. Nhưng đây mới là một vài đòi hỏi tối thiểu của nghề làm báo thôi, anh ạ!

Ngọc Trân
.
.