Đọc “Cánh hoa hình dấu hỏi”

Thứ Bảy, 03/06/2006, 10:00

Với giọng kể “như không” bởi lớp ngôn ngữ gần gũi với ngôn ngữ đời sống, nhất là đời sống của những người trẻ, hiện đại (đối tượng phản ánh chủ yếu trong tập truyện), Đoàn Thị Phương Nhung đi vào những khám phá bất tận trong những bi kịch muôn màu.

Những câu chuyện tình buồn bã vốn như bản chất và sự thật của chúng nhưng tác giả không bi lụy hóa- đó là cảm nhận của những ai cầm trên tay tập truyện ngắn mới, đầy hơi thở trẻ trung của một tác giả cũng còn rất trẻ trong lực lượng những người sáng tác của CAND. Đoàn Thị Phương Nhung làm biên kịch và điều đó khiến truyện ngắn của chị có cấu tứ khá hay.

Sự khởi đầu của mỗi truyện ngắn luôn luôn “nổ” như một quả pháo không ngòi. Người đọc vừa mở cánh cửa của câu chuyện thì ngay lập tức phải đối mặt với nhân vật hay vấn đề cần được tác giả đặt ra. Nhân vật nữ trong truyện ngắn được lấy làm nhan đề cho toàn tập đến với bạn đọc bằng mớ hỗn độn tâm trạng, tình huống ứng xử rồi dẫn dắt bạn đọc đến sự lý giải. Nhưng lý giải xong chưa phải đã hết mà lại tiếp tục mở ra những “dấu hỏi”. Điều này tạo nên sự lôi cuốn, không nhàm chán cho những mối tình tay ba, tay tư muôn thuở.

Và thú vị hơn nữa, Đoàn Thị Phương Nhung còn “thi vị hóa”, “lãng mạn hóa” những tình yêu tưởng như trần trụi và nghiệt ngã thời hiện đại. Cứ thử tưởng tượng trong xã hội hiện đại ngày nay, tình yêu chỉ tồn tại với những toan tính, ghen tuông, phản bội và thù hận thì sẽ u ám tới mức nào.

Hai cặp vợ chồng chạm mặt nhau một cách tréo ngoe trong nhà hàng nhưng may thay đã có sắc vàng của hoa cúc xóa bớt đi sự bẽ bàng (Cánh hoa hình dấu hỏi). Luôn là những cánh hoa “hóa giải”, “Hoa gạo tháng ba”, “Mùa hoa dâu da” hay “Cây xương rồng” cũng mang lại những hiệu ứng tương tự. Ngay cả một câu chuyện tình quyết liệt nhất đúng kiểu thời hiện đại: hai người yêu nhau đều chết vì HIV thì dư ba về nó dù đầy thương cảm và cảnh tỉnh nhưng vẫn cứ ngọt ngào bởi tình yêu họ đã từng, đã tận (Ngày trọng đại).

Không đẩy người đọc vào trạng thái tình cảm cực đoan như chán chường hay tuyệt vọng mặc dù sự thật luôn là sự thật, Đoàn Thị Phương Nhung đã làm được điều quan trọng trong sứ mệnh của người kể chuyện. Với giọng kể “như không” bởi lớp ngôn ngữ gần gũi với ngôn ngữ đời sống, nhất là đời sống của những người trẻ, hiện đại (đối tượng phản ánh chủ yếu trong tập truyện), chị đi vào những khám phá bất tận trong những bi kịch muôn màu.

Ở thời đại người ta nói và viết rất ngắn, như lẽ tất nhiên, Đoàn Thị Phương Nhung cùng cách viết với nhiều cây bút trẻ: ngắn gọn, súc tích, mang tính thông tấn. Thoát khỏi sự rườm rà là điều đáng khích lệ nhưng cũng đặt những thử nghiệm mới trong một nỗ lực dài

Hoài Nguyễn
.
.