Điệu thức ngàn xanh

Thứ Ba, 05/09/2017, 07:59
Nếu cồng chiêng chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của tín ngưỡng đa thần, chỉ được sử dụng vào các dịp lễ hội đặc biệt và trước khi sử dụng, bao giờ chủ làng (pô plei) cũng phải tiến hành nghi lễ để xin phép thần linh, thì ngược lại rơkel đã được thế tục hóa, mặc dầu vẫn nằm trong quan niệm vạn vật hữu linh...

Tìm dò một lúc tôi mới đến được nhà chị Ma Tham (43 tuổi), nghệ nhân trình tấu rơkel (kèn bầu) của lũ làng Chu Ru, ở plei (thôn) Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về chiếc rơkel, chị Ma Tham vui vẻ bảo em gái sang nhà bố mượn, rồi bắt đầu trình tấu và diễn giải. Này là điệu "Con sóc" (Pro), gửi gắm về thân phận người con không có cha có mẹ, sống thui thủi một thân một mình, đơn độc giữa rừng sâu, chỉ còn biết bầu bạn cùng con chim con sóc, kiếm được quả gì thì ăn cùng nhau. 

Pro có giai điệu chậm, buồn, xa vắng, nao lòng. Này là bài "Ru con" (Ryou anặh), nhẹ nhàng, khoan thai, trìu mến, đong đưa, đong đưa. Còn đây là điệu rơkel đưa tiễn người về nơi chín suối. "Trước khi đi chôn, mình thổi ru đưa tiễn, linh hồn người quá cố sẽ ở lại bên mình", Ma Tham cho hay. Âm điệu rơkel trong bài này nỉ non, day dứt, đắm chìm trong kỷ niệm về người đã đi vào thiên cổ nhưng không hề bi lụy mà là sự ru vỗ, an ủi người ở lại, dặt dìu tiễn linh hồn người đi. 

"Có hết, có hết, nó "nói" ở trong này này", nghệ nhân Ma Tham ngừng thổi, vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc rơkel: "Vui cũng có, buồn cũng có, thủ thỉ tâm tình có, đối đáp thách thức nhau có...".

Khi vui cũng như lúc buồn chị Ma Tham lại lấy chiếc rơkel làm bầu bạn.

Đang dở câu chuyện thì có người tới. Ma Tham nhanh miệng: "Ha Sen, bố chị đấy! Người chế tác rơkel cho lũ làng Chu Ru mình đấy!". Tôi lặng ngắm cái dáng hình khắc khổ, lầm lũi của người đàn ông đã bước qua 70 mùa rẫy (70 tuổi) và không khỏi chạnh lòng, xót xa. Khuôn mặt ấy vạch chằng chịt những đường cày số phận sâu hoắm, những tâm sự ẩn chìm, những nỗi đời khuất lấp…, mà may ra chỉ hồn cây, khí núi mới có thể thấu ngộ. Bất giác, tôi rùng mình nghĩ: bóng cây thì dài, đời người lại ngắn, biết đâu? Trông già Ha Sen, tôi cũng tự hiểu vì sao cung âm chủ đạo của rơkel lại trầm buồn, sâu lắng đến vậy!

Chừng như không muốn thấy sự xa xót hiện lên trong mắt tôi, già Ha Sen lảng sang chuyện chế tác rơkel. Theo già Ha Sen, rơkel có cấu tạo khá đơn giản, gồm một quả bầu và sáu ống nứa. Quả bầu giữ vai trò làm hộp âm và sáu ống nứa chính là đường âm. Tuy vậy, chế tác được một chiếc rơkel có âm sắc chuẩn, đầy đủ hồn vía thì lại là chuyện khác.

Qua lời kể có nhiều rời rạc và đứt nối của già Ha Sen, tôi tìm cách xâu chuỗi, hệ thống lại để có thể hình dung như thế này: Trước hết, chọn quả bầu thật già, dày vỏ, kích thước vừa phải và tròn đều, đem thả xuống giếng nước cho ruột rữa ra trước khi loại bỏ ruột qua lỗ cắt ở phía cuống, rồi làm sạch bằng nước suối và mang đi phơi nắng. Phơi xong, cho vỏ quả bầu vào luộc với lá hoặc vỏ cây rừng có chất đắng chát để tránh mối mọt và co giãn sau này.

 Kế đến, gác quả bầu lên giàn bếp khoảng một tháng cho da lên màu nâu đỏ và săn, rồi lại đem phơi sương thêm vài đêm nữa. Sau đó, khoét lỗ ở bên hông, kiểm tra âm để lắp sáu ống nứa thành hai hàng. Hàng trên gồm bốn ống và hàng dưới có hai ống. Mỗi ống ở hàng trên sẽ được khoét một lỗ thoát âm tương ứng với các âm Đô, Rê, Mi, Fa trong âm nhạc phương Tây. Hai ống nứa ở hàng dưới cũng được làm tương tự. Có điều ở hai lỗ thoát âm này chỉ tạo ra được mỗi âm Sol.

"Rơkel thiếu hai nốt La và Si" - Ha Sen giải thích - "Ống nứa phải thon gióng, mỏng vừa độ. Ống ngắn cho lượng âm cao, ống dài cho lượng âm thấp. Ống nứa cũng phải trải qua các khâu kiểm tra âm và phải đảm bảo độ bền chất liệu. Nếu thỏa mãn được những yêu cầu trên, bấy giờ người chế tác mới dùng dao chuyên dụng khoét sáu lỗ ở phía bên ngoài hộp âm (quả bầu). 

Ngoài ra, người chế tác rơkel còn phải tính toán, đo đạc, căn chỉnh làm sao lấy được phần chính giữa của ống nứa ở phía trong hộp âm, rồi dùng dao khoét một lỗ dài khoảng 2cm và gắn thêm một cái lưỡi gà bằng inox vào đấy để tạo độ rung. Khâu này rất quan trọng và cũng là khâu khó nhất. Bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn đường âm (sáu ống nứa) vào hộp âm (quả bầu) và lấy sáp của con ong muỗi cố định ống nứa vào quả bầu. Chiếc rơkel hình thành. Tất nhiên, để âm sắc rơkel chuẩn, có hồn vía, còn phải tháo lắp, chỉnh sửa nhiều lần".

Âu đó là định mệnh, hay nói đúng hơn, như một lẽ tự nhiên thường hằng nhuốm màu sắc siêu linh trong việc bảo lưu những tinh túy văn hóa dân gian, Ha Sen được Yàng (thần linh trong tín ngưỡng đa thần của người bản địa) chọn, trở thành truyền nhân giữ nghiệp làm rơkel cho lũ làng. Nhờ óc sáng tạo cùng bàn tay khéo léo, tỉ mẫn, cầu kỳ và khả năng thẩm âm tinh tế, Ha Sen đã chế tác nên những chiếc kèn độc đáo, mang đúng điệu thức dân tộc mình. 

Hơn chục năm nay, rơkel của Ha Sen nổi tiếng khắp vùng. Nó theo chân người yêu nhạc có mặt ở trăm nhà, từ người Raglai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đến người Mạ, Chu Ru, K'Ho, Cil, Làc, Srê… ở hầu khắp các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng. Không những vậy, rơkel của Ha Sen còn vượt cả sông K'rông Nô để đến với đồng bào Êđê, Bana ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Người tìm mua rơkel là tìm bạn tri âm, tri kỷ. Thả hồn mấy điệu, nếu âm sắc rơkel chuẩn là mua liền. Chủ khách đều vui cái bụng, rồi rượu gà được bày ra, chếnh choáng, chất ngất trong men rừng, trong điệu rơkel ngân vang da diết, cảm thương, bồng bềnh, hoan hỉ…

Già làng Chu Ru và chiếc rơkel.

Cách thức sử dụng kèn bầu sáu ống là thổi hoặc hít hơi vào cuống quả bầu. Các ngón cái, trỏ, giữa và áp út bàn tay trái giữ lỗ thoát hơi của bốn ống nứa hàng trên. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải giữ lỗ thoát hơi của hai ống nứa hàng dưới. Rơkel có thể dùng độc tấu, hoặc hợp tấu với các loại nhạc cụ khác như chiêng (chinh sàrr), trống (sơgơk) và các điệu dân vũ ảo huyền: Tamya Ariya, T'rum-pô, Dam dra… 

Trong giàn nhạc hợp tấu, rơkel đóng vai trò giữ nhịp, tâm sự dọc chiều lễ nghi. Rơkel tấu trước, cồng chiêng đánh theo sau tạo nên bản hòa âm uyên bác, đa nghĩa. Tín niệm người Chu Ru cho rằng, sự thông nối giữa kèn bầu và cồng chiêng là sự thông nối giữa âm và dương, giữa vợ và chồng, giữa đực và cái. "Không biết cái nào vợ cái nào chồng, nhưng âm dương thì phải "ăn" nhau", Ma Tham nói. 

Nhưng kèn bầu khác cồng chiêng ở chỗ: Nếu cồng chiêng chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của tín ngưỡng đa thần, chỉ được sử dụng vào các dịp lễ hội đặc biệt và trước khi sử dụng, bao giờ chủ làng (pô plei) cũng phải tiến hành nghi lễ để xin phép thần linh, thì ngược lại rơkel đã được thế tục hóa, mặc dầu vẫn nằm trong quan niệm vạn vật hữu linh.

 Do vậy, đồng bào Chu Ru sử dụng rơkel ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi trạng thái tình cảm. Bài vui thì có: Cúng thần đập nước, mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới hỏi… Tiết tấu nhanh, rộn ràng, linh thiêng. Bài "Lấy lửa" (Mặ ơpui), lấy lửa bằng cách cà vỏ cây nứa vào nhau. Rơkel thủ thỉ tâm tình: Con đói rồi vợ ơi, chàng đang làm mỏi tay mới ra lửa, về thổi cơm cho con ăn… 

Bài "Tập trung" (Tơri gùm) kêu gọi đoàn kết, rơkel lại nói: "Cùng nhau về bên ché rượu cần, ai cũng ở nhà xa là chia rẽ, hãy tập trung một chỗ, cùng sống với nhau nhằm tránh hoang mang, sợ hãi trước hiểm họa thiên nhiên, thú dữ". Rơkel ngân, cuốn, du dương, gọi mời. Bài "Giao duyên" tha thiết, quấn quyện, ngọt ngào: "Tôi yêu đằng ấy, đằng ấy có yêu tôi không? Tôi thương đằng ấy, đằng ấy thương tôi chứ?". Nam thanh nữ tú Chu Ru thích những điệu rơkel nhanh, mạnh, kiêu hãnh, vui tươi, còn những người già yêu các điệu trầm, man mác, nhuốm màu hoài niệm.

Mỗi một thông điệp gắn liền với một điệu thức, một bài bản riêng, không hề lẫn lộn. Người thổi hay rơkel là phân biệt ở chỗ rơkel có đủ điệu thức hay không, âm sắc có chuẩn, đầy đủ hồn vía không. Ma Tham học thổi rơkel từ năm 13, 14 tuổi và bây giờ chị đã 43 tuổi. Chị bồi hồi nhớ lại: "Có người già vào làng thổi, mình hỏi điệu này điệu kia, nghe và để trong cái đầu rồi bắt chước, hai năm sau thì thành thạo. Các bài đều có sẵn, nhưng không ai biết ký âm để truyền dạy bằng văn bản, mà chỉ bằng phương pháp thị phạm, ai có năng khiếu cảm thụ thì nhớ".

Lướt nhẹ đôi tay trên chiếc rơkel, nghệ nhân Ma Tham đưa tôi vào một thế giới thần tiên siêu thực, nhưng cũng hết sức bình dị và rất đời, qua những khúc thức, giai điệu bổng trầm: Khi trầm thiêng như tiếng sấm rền dội vang từ vách núi; lúc thâm u như tiếng gió giữa đại ngàn; có khi róc rách, nhấn nhá như con nước xuôi dòng; lắm lúc lại buông lơi, lả lướt như giọt nắng cuối chiều… Và tôi hiểu, đấy chính là tiếng lòng của người Chu Ru tự ngân rung, tự thẩm thấu từ thế hệ này đến thế hệ khác: Tiếng vọng của ngàn xanh.

Rời sơn thôn về lại phường phố, tạm biệt những khuôn mặt dặc dài nắng gió, tạm biệt điệu thức rơkel, trong tôi lại mê man những thang âm ngày mới. Vâng, thang âm của niềm tin đại ngàn.

Trịnh Chu
.
.