Diễn viên truyền hình và những cuộc “vào Nam ra Bắc”

Thứ Sáu, 20/04/2018, 08:55
Tại buổi họp báo ra mắt phần 2 bộ phim "Cả một đời ân oán", bên cạnh sự có mặt NSƯT Mỹ Uyên, Lan Phương (ngay từ phần 1) thì sự tham gia của gương mặt trẻ phía Nam Hạ Anh đã gây được sự chú ý của báo giới.


Trước đó, ở bộ phim "Tình khúc bạch dương", sự xuất hiện của nghệ sĩ Chi Bảo, Thanh Mai, Hồng Loan, hay trong phim "Thương nhớ ở ai" là Hồng Kim Hạnh (vai Hơn)... đã cho thấy ngày càng nhiều diễn viên phía Nam tham gia vào những dự án phim truyền hình phía Bắc.

Có một điều khá đặc biệt là trong hầu hết những bộ phim truyền hình được sản xuất bởi ê kíp phía Bắc đã và đang phát sóng thời gian gần đây đều có sự góp mặt của các diễn viên miền Nam. Sự có mặt của NSƯT Mỹ Uyên trong phim truyền hình " Cả một đời ân oán" thực sự là điểm nhấn khá thú vị trong phim.

Mặc dù tuổi đời trẻ hơn tuổi nhân vật khá nhiều, nhưng với khả năng diễn xuất của mình, NSƯT Mỹ Uyên đã vào vai khá "ngọt" một bà mẹ chồng sắc sảo, quyền lực thâu tóm mọi quyết định trong gia đình. Khi phần 2 của phim ra mắt, bên cạnh Mỹ Uyên, Lan Phương, sự tham gia của gương mặt khá trẻ Hạ Anh cũng góp phần tạo nên một điểm nhấn mới. Được biết, Hạ Anh mới chỉ góp mặt trong 1 -2 bộ phim điện ảnh, và "Cả một đời ân oán" đánh dấu lần đầu tiên cô tham gia đóng phim truyền hình.

NSƯT Mỹ Uyên vào vai một bà mẹ chồng đầy quyền lực trong “Cả một đời ân oán”.

Tương tự y, sự có mặt của nghệ sĩ Chi Bảo, Thanh Mai, Hồng Loan... bên cạnh một ê kíp từ đạo diễn tới diễn viên đều là của phía Bắc trong bộ phim "Tình khúc bạch dương" đã góp phần khiến bộ phim thu hút được khán giả ngay từ những tập đầu tiên. Diễn xuất có nghề của các nghệ sĩ Chi Bảo, Thanh Mai và sự trẻ trung duyên dáng của Hồng Loan tỏ ra khá ăn ý với những nghệ sĩ miền Bắc như Lê Vũ Long, Hoa Thúy, Bảo An, Huỳnh Anh...

Trước đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ, khi bắt tay vào làm phim "Thương nhớ ở ai", anh đã rất kỹ tính trong lựa chọn diễn viên. Với anh, diễn viên dù ở xa xôi đến mấy nhưng phù hợp với nhân vật, anh cũng sẽ thuyết phục bằng được. Chính vì vậy, Hồng Kim Hạnh - một gương mặt của phim ảnh phía Nam đã sẵn sàng ra Bắc để vào vai Hơn trong "Thương nhớ ở ai". Dù trước đó, Hồng Kim Hạnh tiết lộ, cô đi casting phim với mong muốn được vào vai Hạnh.

Nhiều người nghĩ rằng, việc "vào Nam ra Bắc" đóng phim đó là chuyện thường của nghề diễn. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những dự án phim điện ảnh.

Với kinh phí lớn, thời gian làm phim lâu, các ê kíp hoàn toàn có thể tổ chức casting cho vai diễn trên cả nước. Ngoài ra, việc được tham gia vào một bộ phim điện ảnh luôn là niềm mong mỏi của các diễn viên nên họ đều cố gắng thu xếp tham gia dù bối cảnh quay có xa xôi, khó khăn đến mấy. Vì thế, việc trong một bộ phim điện ảnh có cả diễn viên phía Nam và phía Bắc là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, với những bộ phim truyền hình có đặc trưng là thời gian quay ngắn, kinh phí ít nên lâu nay diễn viên của miền nào thường đóng phim của miền đấy, ít có sự thay đổi, xê dịch. Thậm chí, ở phim truyền hình còn thường hình thành ê kíp. Đôi khi chỉ cần nhìn tên đạo diễn là khán giả sẽ đoán biết được sẽ có những diễn viên nào tham gia. Với những bộ phim của ê kíp sản xuất phía Nam thì diễn viên của phía Nam và ngược lại.

Tuy nhiên, khi phim truyền hình phát triển với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là thị trường phim ảnh phía Nam đã kéo theo nhu cầu về diễn viên ngày càng gia tăng. Không chỉ diễn viên đóng phim mà ca sĩ, người mẫu, MC cũng đổ bộ vào các bộ phim truyền hình.

Để có thêm nhiều gương mặt mới, các đạo diễn phía Nam đã bắt đầu để ý tới các nghệ sĩ phía Bắc. Đồng thời, các diễn viên miền Bắc cũng đã nhận ra phía Nam là mảnh đất màu mỡ để phát triển sự nghiệp. Chính vì vậy, có khá nhiều nghệ sĩ đã chọn TP Hồ Chí Minh là nơi lập nghiệp của mình sau khi ra trường. Có thể nói, những diễn viên như Lương Mạnh Hải, Minh Tiệp, NSƯT Chiều Xuân... là những nghệ sĩ đầu tiên tham gia các bộ phim truyền hình phía Nam.

Đầu năm 2008, Lương Mạnh Hải trở thành hiện tượng khi mang giọng nói Hà Nội đặc trưng của mình vào bộ phim "Tuyết nhiệt đới" (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Cũng khoảng thời gian đó, nghệ sĩ Chiều Xuân vào vai một nữ doanh nhân trồng hoa trong phim truyền hình "Hoa dã quỳ". Thế rồi lần lượt: NSƯT Đức Sơn, Việt Anh, Bích Huyền, Lý Anh Tuấn, Cao Thùy Dương... đều "Nam tiến" và có mặt trong khá nhiều bộ phim truyền hình phía Nam. Thậm chí sau này, sự "đắt sô" của nhiều nghệ sĩ phía Bắc khiến khán giả nhầm tưởng họ là diễn viên của vùng đất nhiều nắng gió này.

Sự hội tụ của diễn viên ở hai miền Nam - Bắc đã tạo nên dàn diễn viên đẹp như mơ trong “Tình khúc Bạch dương”.

Những nghệ sĩ miền Bắc đắt phim phía Nam hầu hết thuộc về những gương mặt tạo được thành công từ một số bộ phim trước đó. Sau thành công của "Sống chung với mẹ chồng", cả diễn viên Anh Dũng và Bảo Thanh đều nhận được khá nhiều lời mời của các đạo diễn phía Nam. Trong năm 2017, Anh Dũng đã đóng 2 bộ phim truyền hình với ê kíp miền Nam, trong đó có "Em ơi anh đây mà" và một bộ phim khác. Phim mới của Bảo Thanh cũng sẽ lên sóng vào tháng tới.

Trước đó, bản thân Bảo Thanh cũng đã từng đảm nhiệm vai nữ chính trong các phim "Người chồng điên" và "Ba ơi, mẹ có về không", cũng do các ê kíp phía Nam từ những năm 2013 - 2014. Một trong nhưng gương mặt diễn viên Hà Nội nhưng rất đắt sô phía Nam phải kể tới Huỳnh Anh. Từ bộ phim đầu tiên "Thiên sứ" (2010) đến nay, chàng trai trẻ này đã tham gia khá nhiều phim điện ảnh và truyền hình như "Hit Hoàng tử và Lọ Lem", "Bản lĩnh công tử", "Đảo ngọc huyền bí", "Hương ga"...

Chuyện diễn viên "vào Nam ra Bắc" đóng phim dễ hiểu nhưng cũng không hề đơn giản. Nhất là ở lĩnh vực phim truyền hình thì hai miền đang có phong cách làm việc khá khác nhau. Nếu như hầu hết các bộ phim truyền hình phía Bắc đều do Trung tâm sản xuất phim truyền hình phía Bắc (VFC) sản xuất thì ở phía Nam đa phần lại thuộc về các hãng phim tư nhân. Chính vì vậy, tiến độ thực hiện một bộ phim ở miền Nam thường nhanh hơn so với ê kíp ở miền Bắc. Từ đó, diễn viên cũng phải làm việc với cường độ cao hơn.

Nếu diễn viên miền Bắc chưa quen sẽ thấy áp lực và khá mệt so với khi làm việc với ê kíp ngoài miền Bắc. Một số diễn viên như Tiến Lộc, Anh Dũng hay Thanh Hương đều thừa nhận, mặc dù làm phim với các hãng phim tư nhân phía Nam khá áp lực, nhưng họ học được cách làm việc chuyên nghiệp và cát xê nhận được cũng cao hơn.

Mặt khác, cách làm phim chậm rãi, kỹ lưỡng của miền Bắc cũng khiến không phải diễn viên phía Nam nào đều đáp ứng được. Và không ít diễn viên miền Nam e dè khi nhận lời tham gia. Ngoài ra, sự khác biệt về giọng nói cũng là một trong những khó khăn của diễn viên 2 miền khi đóng chung một đoàn làm phim. Bảo Thanh hay Anh Dũng từng chia sẻ trên báo chí rằng, họ đều phải nhờ đồng nghiệp nói chậm lại hoặc mất khá nhiều thời gian mới hiểu bạn diễn nói gì.

Có thể nói, việc diễn viên truyền hình 2 miền "vào Nam ra Bắc" đóng phim đã tạo được một làn gió mới cho những bộ phim truyền hình, góp phần không nhỏ vào việc đưa phim truyền hình Việt đến gần với khán giả hơn. Sự tham gia của những gương mặt mới khiến những bộ phim truyền hình bớt nhàm chán ngay từ khâu diễn viên.

Ngoài ra, sự "đổi gió" này còn khắc phục được khá nhiều hạn chế mà các phim truyền hình lâu nay thường gặp phải. Các phim truyền hình phía Nam được đánh giá là nhanh nhạy trong việc khai thác những vấn đề nóng của xã hội, nhưng khâu diễn xuất của diễn viên còn "nông" sẽ được các diễn viên phía Bắc khắc phục.

Ngược lại, với kịch bản chặt chẽ của miền Bắc, diễn xuất đa dạng, tươi mới của các nghệ sĩ phía Nam sẽ khiến phim hấp dẫn hơn. Ngoài ra, sự dịch chuyển của diễn viên giữa 2 miền cũng đã cho thấy bước đi chuyên nghiệp và sự thay đổi tư duy, cách làm phim của cả diễn viên và ê kíp sản xuất.

Khánh Thảo
.
.