Diễn viên Xuân Nghị: Nụ cười từ những gian khó
- Diễn viên Thân Thúy Hà và ngày em đến với tư cách gái hai con
- Diễn viên Thanh Trúc: Làm gì với “Chồng người ta”?
- Diễn viên Hoàng Thùy Linh trở lại cùng "Trái tim quái vật"
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Xuân Nghị giành giải “Nam diễn viên được yêu thích" tại VTV Awards 2020. Đêm lên bục nhận giải, anh mừng đến phát khóc. Bởi đó là vinh dự đầu tiên trong nấc thang sự nghiệp, ghi nhận dấu ấn diễn xuất trong vai Bách, phim “Nhà trọ Balanha”.
Cái tên Xuân Nghị chỉ bắt đầu gây chú ý trên màn ảnh nhỏ khi anh tham gia phim “Ngày ấy mình đã yêu” năm 2018. Anh được đạo diễn Khải Anh giao cho vai Đức - chàng cảnh sát giao thông nghiêm nghị, khó tính nhưng lại gây cười bởi vẻ thật thà, chân chất vì cái giọng Phú Yên đặc sệt. Nhờ một câu thoại hài hước trong màn “cọc đi tìm trâu” của Sol (diễn viên Bảo Thanh), Đức gắn với biệt danh Mr Cần Trô. Dù chỉ là một vai “siêu phụ” với bảy phân đoạn ngắn ngủi, nhưng Mr Cần Trô gây ấn tượng mạnh với khán giả. Sau khi phim đóng máy, Xuân Nghị “chết” tên Mr Cần Trô. Tận hưởng cảm giác của người nổi tiếng sau bao năm lăn lộn đi diễn, ra ngoài đã có người biết mặt xin chụp hình, anh lâng lâng như trên mây.
Từ thành công này, đạo diễn Khải Anh mạnh dạn mời Xuân Nghị đóng vai Bách trong series phim truyền hình “Nhà trọ Balanha”. Đây là một trong những nhân vật phác họa nên cuộc sống đầy hỉ nộ ái ố của người trẻ trong căn nhà trọ Balanha. Mỗi người một ước mơ, khát vọng.
Riêng Bách là cậu thanh niên miền Nam láu táu, mắc tật mê gái và đeo đuổi đam mê diễn xuất. Cậu chàng tìm đủ mọi cách để được đóng phim. Từ vai quần chúng hay những vai mới xuất hiện là đã “ngủm củ tỏi”, anh đều hăm hở xin thử, không nề hà bất cứ chuyện gì bởi slogan của Bách là “liêm sỉ gì tầm này”.
Nghe đạo diễn Khải Anh mô tả sơ vai diễn qua điện thoại, Nghị gật đầu cái rụp vì biết rằng đây là vai diễn sinh ra để dành cho mình. Bách cũng là vai chính đầu tiên sau nhiều năm anh mãi đóng đinh vai phụ.
Nâng niu cơ hội hiếm có này, Xuân Nghị bỏ hết lịch sân khấu, gameshow cuối năm 2019 để ra Hà Nội dồn sức cho vai diễn dù đây là mùa cao điểm chạy show kiếm tiền. Anh tập trung nghiên cứu kỹ nhân vật đến từng chi tiết nhỏ, sáng tạo lối diễn mới.
“Tôi không sợ Bách không qua nổi cái bóng của Mr Cần Trô. Vì Mr Cần Trô đơn giản chỉ là vai hài, còn Bách có tính cách phức tạp và thú vị hơn, có lúc hài, có lúc bi. Do vậy, tôi phải bỏ nửa năm trời để nghiền ngẫm nhân vật này. Nhiều lúc để chắc ăn, mình cùng bạn diễn tập đi tập lại trước khi bấm máy hoặc soi gương tập cơ mặt cho những phân đoạn mê gái. Nhờ vậy tôi mới cao hứng tạo ra nhiều câu thoại, hành động khùng điên không có trong kịch bản nhưng đạo diễn khá hài lòng” - Xuân Nghị chia sẻ.
Trời không phụ lòng người. Giọt mồ hôi đổ trên trường quay của Xuân Nghị đã được đền đáp bằng sự yêu mến của người hâm mộ, bằng giải VTV Awards 2020. Những pha “cưa gái” đỉnh cao của Bách được khán giả sưu tầm và lan truyền rầm rộ vì độ lầy, bựa mà vẫn thản nhiên, duyên dáng của anh chàng này.
Xuân Nghị thú thật: “Tôi quá xấu trai. Nhưng nhiều khi nhờ vậy mà khán giả dễ nhớ và chú ý nhiều hơn đến khả năng diễn xuất của mình. Khi diễn, tôi lấy sự chân thành để thể hiện nhân vật. Và tôi tin khi mình trao đi sự chân thành thì khán giả cũng sẽ đáp lại bằng sự yêu mến chân thành”.
Xem cảnh Bách dùng đủ mọi chiêu trò để có được một vai diễn nhỏ, khán giả ôm bụng cười ngặt nghẽo, còn Xuân Nghị lại chảy nước mắt. Anh chạnh lòng thương Bách, thương mình. Bởi Bách là hiện thân của anh một thuở chân ướt chân ráo vào nghề đầy gian khó, lận đận.
Anh bị chặn lương, bị đồng nghiệp chèn ép, nhiều khi bầm dập đóng diễn viên quần chúng cả ngày nhưng thù lao chỉ có một hộp cơm. Miếng cơm đưa lên miệng chưa kịp nuốt đã bị đá văng… Tháng năm ấy chất chứa bao đắng cay, tủi nhục mà có lúc cùng đường, anh tưởng như phải từ giã nghiệp diễn.
Xuân Nghị và các bạn diễn trong phim “Nhà trọ Balanha”. |
Tốt nghiệp lớp 12, cậu học trò nghèo gốc Khánh Hòa lặn lội vào Nam thi đại học với giấc mộng diễn viên. Ở trường phổ thông, Nghị vốn là cây hài đình đám. Cậu bé sinh năm 1990 ấy có thể giả được giọng ba miền ngon ơ nên bạn bè, thầy cô ai cũng khoái.
Hồi còn nhỏ xíu, Nghị hay coi tiểu phẩm của danh hài Hoài Linh rồi chết mê chết mệt thần tượng. Chỉ cần coi hai, ba lần, cậu đã bắt chước y chang lời thoại, điệu bộ của thần tượng khiến cả nhà không nhịn được cười. Từ đó, Nghị ôm mộng sẽ trở thành một danh hài nổi tiếng như Hoài Linh.
Nhưng ba má thì không ưa cái nghiệp “xướng ca vô loài”. Bị cấm tiệt nên Nghị trốn nhà đi thi. Anh tin tài năng của mình sẽ chinh phục được cánh cửa Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ai ngờ, ngày nhận kết quả như cú tát vào mặt Nghị.
Không nản chí, năm sau, cậu quyết tâm thi thêm lần nữa. Lần này, cú trượt còn đau hơn lần đầu. Chán nản vì cánh cửa đầu đời dần đóng sầm trước mặt, Nghị được một người bạn cho hay sân khấu kịch Phú Nhuận đang mở lớp đào tạo diễn viên.
Trở thành học viên của Sân khấu kịch Phú Nhuận, Xuân Nghị được các thầy cô như nghệ sĩ Hữu Châu, Hồng Vân, Minh Nhí… hết lòng dìu dắt. Họ thương cậu học trò đen nhẻm, gầy gò mà chăm chỉ, ham học ấy. Mỗi lần nhớ lại, nghệ sĩ Minh Nhí lại cảm khái: “Nghị là đứa bị tui la nhiều nhất trong lớp. Bị la dữ vậy mà tui thấy nó cười riết, không dám ho he gì. Cái thằng nhìn lù khù vậy mà rất chịu nghe mình góp ý, sửa cách diễn”.
Năm 2014, Xuân Nghị được giữ lại và trở thành diễn viên của sân khấu kịch Phú Nhuận. Những ngày đầu, “bà bầu” Hồng Vân chỉ cho Nghị diễn mấy cảnh đơn giản, đi qua đi lại. Dần dần, bà thấy cậu chàng chịu khó, không nề hà bất cứ chuyện gì nên đưa cậu vào các vai có thoại, rồi từ phụ lên vai chính.
Hồi mới chập chững vào nghề, cách diễn hài của Nghị có phần hơi lố, thiếu tiết chế. Anh kể: “Trong vở “Giờ chết”, lúc cô Hồng Vân diễn nét bi, tôi chen ngay miếng hài. Tưởng như vậy là ngon vì khán giả cười rần rần. Nhưng cô Hồng Vân thì coi bộ tức lắm, vơ ngay cây đạo cụ đánh tôi tới tấp. Cô đánh không đau nhưng sau khi kết màn, tôi cứ ấm ức mãi vì sao cô đánh mình. Vào cánh gà, cô Hồng Vân “quạt” một trận tơi tả. Miếng hài của tôi không đúng lúc, đúng chỗ, làm cô và bạn diễn bị tụt cảm xúc. Tôi hiểu ra và rối rít xin lỗi cô. Kể từ đó, tôi luôn cố gắng tiết chế lối diễn của mình”.
Làm diễn viên kịch trong lúc đời sống sân khấu bộn bề khó khăn, thu nhập của Nghị không đủ đắp đổi qua ngày. Nhiều lúc bí quá, gọi về nhà cầu cứu thì chỉ nghe mẹ khóc nấc. Ba thất nghiệp, cảnh nhà túng quẫn buộc Nghị phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh, và trên hết: để giữ lửa đam mê.
Ngoài những buổi lên sân khấu, anh chạy xe ôm, lồng tiếng, bưng bê cho quán nhậu, lau dọn phòng khách sạn… Để tiết kiệm tiền, Nghị chen chúc cùng 7, 8 người lao động trên căn gác xép cũ nát trong khu ổ chuột.
“Đêm ngủ, trời nóng hầm hập nhưng mình phải kéo chăn trùm kín từ đầu đến chân vì sợ chuột cắn. Chuyện hết tiền, phải ăn mì tôm, húp cháo loãng mấy tháng trời cầm hơi là chuyện thường” - Xuân Nghị kể.
Thiếu ăn, Nghị như con ma đói. Người lúc nào cũng lất khất, lừ khừ nhưng hễ được xếp vai diễn là anh tươi hơn hớn. Cơ cực vậy nhưng Nghị rất siêng đi xin vai và tham gia gameshow để trao dồi kinh nghiệm. Do đó, trước khi vụt sáng thành “sao”, Xuân Nghị đã góp mặt trong khá nhiều phim như “Xóm trọ 3D”, “Khúc hát mặt trời”, "Hạ cuối tình đầu"… và gameshow như “Tiếu lâm tứ trụ”, “Đấu trường tiếu lâm”…
Giờ đây, nấc thang đầu tiên của danh vọng đã cho anh hoa trái ngọt lành. Nhờ đắt show hơn, dành dụm được chút tiền, anh từ giã khu ổ chuột để mua căn nhà trả góp. Ngày nhận chìa khóa căn hộ chung cư, anh ngỡ chiêm bao. Mua được nhà ở Sài Gòn từng là giấc mơ cao sang với anh một thời. Ngày ấy, anh chỉ mong cơm no ba bữa để đủ sức mà diễn. Muôn đời, ông trời không nỡ phụ người hết lòng với nghề, hết lòng trên con đường mình chọn. Xuân Nghị thấm thía điều ấy hơn ai…