Diễn viên Thúy Nga: Thích vào vai mạo hiểm

Thứ Hai, 11/07/2011, 08:10
"Tôi thường cho phép mình, ngoài niềm yêu thích còn có thể diễn theo thói quen và kỹ thuật. Nghề diễn viên ở trong một vài trường hợp nào đó cũng giống như những nghề khác, có thể sử dụng những kỹ thuật của mình được chắt lọc qua thời gian, thâm niên công tác để có thể bồi đắp cho những phần thiếu hụt của vai diễn..."

Ngoài đời, nghệ sĩ Thúy Nga là người nhẹ nhàng, chừng mực, khác hẳn với một Thúy Nga trên sân khấu khi thì yếu đuối mỏng manh, khi thì quyết liệt, ghê gớm. Chị là một trong những diễn viên có duyên sân khấu với nhiều giải thưởng cao dành cho những cống hiến nghề nghiệp: Huy chương bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, Giải A Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc năm 1996, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004, Diễn viên thứ xuất sắc nhất Liên hoan Phim lần thứ 14, Huy chương vàng tại Hội thi sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất năm 2008. Hiện chị là Trung tá, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân.

- Thưa diễn viên Thúy Nga, khi nhắc đến chị, nhiều người vẫn đùa rằng, chị là một trong những diễn viên có duyên với giải thưởng, có nghĩa là hễ cứ tham gia dự thi trong một vở kịch, bộ phim nào là y như rằng, chị đoạt giải thưởng năm đó. Chị nói gì về điều này?

+ Thật ra thì cũng do may mắn nhiều lắm, cứ 5 năm mới có một hội thi chuyên nghiệp, và 3 năm thì có một cuộc thi tài năng, nên khi có cơ hội được phân vai trong những đợt như thế này, tôi - ngoài khả năng của mình thì luôn say sưa luyện tập. Tôi là người cẩn trọng, yêu nghề và luôn cố gắng để tìm đất diễn cho nhân vật của mình, dù nhân vật ấy là xuyên suốt toàn vở kịch hay chỉ đơn giản lướt qua vài lớp diễn trên sân khấu. Tất nhiên, để có một vở diễn thành công đòi hỏi mỗi diễn viên đều cố gắng hết mình trên sân khấu, một mình tôi không làm nên điều gì cả. Tôi rất cảm ơn những người đồng chí, những người bạn của tôi đã luôn vì cái chung để cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

- Có nhiều diễn viên khi tìm được sở trường của mình, thường đi sâu vào những vai diễn thuộc về "thế mạnh". Chị thì khác, chị vừa có thể nổi bật ở vai chính diện nhưng lại vẫn có thể đóng phản diện rất thành công. Chị có bao giờ nghĩ rằng, nếu mình chuyên biệt ở một dạng vai nào đó thì sẽ được ghi nhận xứng đáng hơn?

+ Tôi thường cho phép mình, ngoài niềm yêu thích còn có thể diễn theo thói quen và kỹ thuật. Nghề diễn viên ở trong một vài trường hợp nào đó cũng giống như những nghề khác, có thể sử dụng những kỹ thuật của mình được chắt lọc qua thời gian, thâm niên công tác để có thể bồi đắp cho những phần thiếu hụt của vai diễn. Nhiều đạo diễn giao cho tôi vai bà cô già ế chồng, hiền lành, chân chất như Ngọc trong "Cuộc chia tay lần cuối", hay Hoa trong "Đám cưới trong đêm mưa"… Có đạo diễn lại giao cho tôi vai một phụ nữ đanh đá, cong cớn như con buôn chuyên nhận đi đút lót thuê trong vở "Khoảnh khắc mong manh", bà vợ cả nanh nọc trong vở "Quả báo". Cũng có lúc, một mình tôi "sắm cả hai vai", đó là trong trường hợp bà Liên - Chủ tịch tỉnh trong vở "Ngọt ngào và cay đắng", vốn là một cán bộ Công an chuyển sang, trong con người của bà ta phải đấu tranh giằng co giữa cái thiện và cái ác. Ban đầu tôi được giao vào vai bà Liên "ác", đã tập cả tháng và chuẩn bị 9 giờ sáng hôm sau tham gia Hội diễn sân khấu thì ngày tập hôm nay, đạo diễn mới thông báo hoán đổi ngôi vị, chuyển tôi sang đóng vai bà Liên "thiện". Tôi tá hỏa với một vai diễn hoàn toàn mới, xuyên suốt toàn lời thoại dài dằng dặc trong chừng nửa ngày. Nhưng rồi, cứ như có ông thần may mắn bên cạnh tôi vậy, cuối cùng vai diễn cũng đã hoàn thành và năm đó, tôi nhận được Huy chương vàng của Hội diễn.

- Là một diễn viên trong ngành, lại đi đến nhiều đơn vị Công an trên khắp đất nước, chắc hẳn chị có nhiều kỷ niệm tâm đắc, chị có thể chia sẻ?

+ Trước hết, tôi phải nói rằng, tôi đã đến với lực lượng Công an như một sự sắp xếp của số phận. Tôi tốt nghiệp khóa II khoa Sân khấu kịch nói, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh. Tôi vẫn nhớ, hồi đó, ra trường tôi đang chênh vênh đi tìm việc thì có một người bạn rủ tôi đến Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân để thử vai. Lúc đó tôi gặp nghệ sĩ Trần Nhượng. Không hiểu nhìn gương mặt tôi thế nào mà anh Trần Nhượng nói: "Hay là em đầu quân về đoàn kịch Công an đi!". Tôi mừng quá, mừng vì biết chắc chắn mình có một nơi để có thể được diễn, được làm nghề. Dù thời điểm ấy, Đoàn kịch Công an nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn từ khâu kịch bản, đến đạo diễn rồi kinh phí dàn dựng, nhưng sống cùng các anh chị em tôi thấy rằng tập thể Đoàn rất đoàn kết, luôn nỗ lực để tập luyện và rất yêu nghề...

Tôi đã sống trong tình bao bọc của anh chị em trong Đoàn và cùng họ đi khắp nơi trên đất nước, đến những đơn vị Công an ở hải đảo xa xôi lẫn rừng sâu nước độc. Có lần, chuyến đi kéo dài tới 3 tháng trời. Xa gia đình thì nhớ, song khi đến các đơn vị, nhìn những người lính đón nhận đêm diễn một cách háo hức, mê say mới thấy rằng, họ thực sự cần chúng tôi. Nhiều đêm đoàn chúng tôi cứ diễn liên tục từ 7h tối đến 12h đêm mà vẫn thấy chưa đủ! Nhiều lần đến các trại giam trong rừng sâu thì mới thấy cảm thông với những người quản giáo, họ là những cán bộ chiến sĩ đầy lòng dũng cảm vì cuộc sống của họ thực sự thiếu thốn tình cảm. Còn các tù nhân, họ xem các vở diễn mà đều xúc động rơm rớm nước mắt. Đó là những niềm vui khó tả không dễ gì ai cũng có được trong đời làm nghệ sĩ.

- Trong đoàn kịch Công an nhân dân, mọi người vẫn nói vui với nhau rằng, Thúy Nga là một nữ diễn viên gặp nhiều "sự cố" lúc đóng phim. Chị có thể giải thích điều này?

+ (Cười!) Là các bạn nhớ lại những lần tôi bị "tai nạn nghề nghiệp" trên sàn diễn ấy mà. Là vì tôi hay đóng các vai khá mạo hiểm. Trong vở "Đám cưới trong đêm mưa" tôi vào vai cô gái bị cấm đoán không được phép lấy người mình yêu, cô gái đã treo cổ tự tử. Trên sân khấu, diễn đoạn treo cổ không hề dễ, phải treo một mảng gỗ lơ lửng trên sân khấu và trang trí các đoạn dây thừng. Lúc vào vai, tôi chỉ quấn hờ vào cổ rồi giữ tay để ròng rọc phía trên kéo người tôi lên, phía trong cánh gà thì có ba người đứng giữ dây thừng lại. Lần diễn ở Kim Sơn (Ninh Bình) tôi đã gặp nạn khi kéo lên thì cả mảng gỗ bị vỡ và tôi rơi từ trên cao chừng 3 mét xuống đất, kéo theo cả tấm phông sân khấu ụp vào người. Ngay lúc đó, đạo diễn Trần Nhượng (vào vai bố cô gái) chạy ra sân khấu hốt hoảng gọi: "Con ơi, con ơi, con có làm sao không?" (đoạn này cũng có trong kịch bản nhưng là cảnh ông bố từ từ đỡ cô gái từ trên xuống), sau đó anh Trần Nhượng đã hoảng hốt bới tôi trong đống phông màn. May thay lúc đó tôi cũng chỉ bị choáng một lát rồi bình tĩnh diễn trở lại.

Cũng vở diễn này, khi diễn tại một trại giam ở Gia Lai, khi kéo tôi lên, ba diễn viên kéo dây thừng ở sau cánh gà bị mất đà và tất cả lao ra sân khấu, khán giả được một trận cười vỡ bụng. Còn trong vở kịch "Đối đầu" của tác giả Phan Gia Liên, tôi vào vai cô Thơm (biệt động) vì muốn cứu thủ trưởng, cũng là mình thầm yêu nên đã cầm lựu đạn (đã mở chốt) nhảy xuống sông. Cảnh nhảy xuống sông cũng là một cảnh khiến tôi thấp thỏm vì tôi phải nhảy thật ở độ cao chừng 2 mét, khi nhảy thì có hai em ở phía dưới đỡ tôi, nhưng ngặt một nỗi, có lúc các em ấy luống cuống đã không đỡ được tôi và tôi rơi phịch xuống đất, đau ê ẩm cả người… Sợ nhất màn bế cô gái từ sông lên, có nghĩa là có một em trong đoàn đã bế tôi chạy lên cầu thang (tượng trưng cho cái đê của bờ sông) và mỗi lần như thế tôi lại chỉ sợ cậu em đánh rơi khi bế tôi một quãng đường khá dài như thế!

- Ngoài các vở kịch chị còn được nhắc đến với vai Tơ trong bộ phim "Mê thảo thời vang bóng", bộ phim đã mang lại cho chị giải diễn viên thứ xuất sắc nhất Liên hoan phim lần thứ 14. Chị có thể kể về sự gặp gỡ may mắn này?

+ Tôi vẫn cho rằng, mình có cái duyên may với sân khấu nhưng không có sự may mắn như thế đối với điện ảnh, cho nên, thường thì tôi cũng ít tham gia phim trường. Nữ đạo diễn Việt Linh biết tôi qua một người bạn. Chị là người khắt khe trong việc tuyển lựa diễn viên vào phim của mình, bởi thế, khi được nhận vào vai cô đào Tơ, tôi đã phải đến các lớp học hát ca trù, nhưng ca trù là một bộ môn vừa khó vì rất kỳ công nên không thầy nào muốn dạy cho một cô chỉ học hát để đóng phim cả. Trong nhiều tháng, tôi tìm đến câu lạc bộ chầu văn để ngồi nghe các cụ hát, gõ phách rồi mua băng đĩa về nhà tự luyện hát. Thậm chí thời gian đó, đi diễn ở đâu xa, tôi cầm theo cả mõ, đũa và luôn lẩm nhẩm hát. Mọi người còn đùa là tôi trông như con…dở! Đến hôm diễn cảnh đó, tôi cũng rất tự tin, dù chỉ là hát nhép song với những gì đã học được, tôi đã làm tròn nhiệm vụ của mình! Sau những đúp quay thành công, đạo diễn Việt Linh vui quá còn bảo tôi: "Hôm nào công chiếu ở Pháp thì mời Thúy Nga đi để hát chầu văn!".

- Gần đây, chị đang theo học lớp Đạo diễn văn bằng 2 tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chị đang muốn… chuyển nghề chăng?

+ Tôi không có tham vọng chuyển nghề, vì đạo diễn là một nghề không phải ai cũng làm được. Tôi đi học vì muốn trau dồi thêm cho bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, học cái gì thì được cái đó. Năm nay tôi đã ngoài 40 rồi, nếu sau này, khi có nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống mà tôi có thể làm thêm được một điều gì có ích để cống hiến cho Đoàn kịch Công an nhân dân, nơi mà tôi đã gắn bó nhiều năm nay, thì tôi cũng sẽ cảm thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn.

- Xin cảm ơn chị!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.