Điện ảnh Việt cuối năm: Mạo hiểm với đề tài mới lạ
Cạnh tranh bằng món lạ
Trước đây, phim Việt cuối năm chủ yếu là hài nhảm, kinh dị thì bắt đầu từ năm 2015, khẩu vị dần thay đổi. Năm 2015, phim ngôn tình trẻ trung với những khuôn hình lung linh, chuyện tình siêu lãng mạn của "soái ca" và "Lọ Lem" gây được sự chú ý dù dàn diễn viên là những gương mặt không mấy tên tuổi. Năm 2016, công thức ăn khách nhường chỗ cho phim tâm lý, bi kịch lấy nước mắt khán giả.
Năm nay, bên cạnh các phim khai thác thể loại quen thuộc như "Gái xinh nổi loạn" (tình cảm - hài), "Papa" (kinh dị), "Yêu nữ siêu quậy" (ngôn tình - hài), "Bảo vệ xưởng 13" (hành động), "Khi con là nhà" (tình cảm gia đình)... thì nổi trội lên thành trào lưu là dòng phim khai thác đề tài khó nhằn, độc lạ.
Tiên phong cho trào lưu này phải kể đến "Cô Ba Sài Gòn" vừa ra rạp tháng 11. Bộ phim đổi vị cho khán giả và tạo được hiệu ứng tích cực nhờ phong cách hoài cổ về một Sài Gòn thập niên 60 với tà áo dài ngập phố. Yếu tố xuyên thời gian tuy không mới mẻ với phim ngoại nhưng lại vô cùng lạ lẫm trong điện ảnh Việt.
Phim "Lôi Báo" của Victor Vũ ly kỳ, thú vị khi khai thác câu chuyện ghép đầu người. |
Sau "Cô Ba Sài Gòn", hàng loạt dòng phim có nội dung mới lạ như: thời đại giả định, giả tưởng, kỳ ảo, siêu anh hùng, siêu nhiên... xếp hàng chờ ra rạp trải dài từ tháng 12 dương lịch cho đến cận Tết Nguyên đán. Chuộng chất liệu xưa cũ như "Cô Ba Sài Gòn" nhưng có sự pha trộn đầy sáng tạo là "Mẹ chồng" của đạo diễn Lý Minh Thắng.
Lấy thời gian giả định nằm ở giai đoạn 1945 -1950 nên trang phục trong phim "Mẹ chồng" được tung hứng, pha trộn giữa hiện đại và truyền thống. Nội dung kể về cuộc đời Ba Trân (Thanh Hằng thủ vai) chịu nhiều oan trái với bà mẹ chồng cay nghiệt. Cô phải ngậm đắng nuốt cay để chồng mình lấy vợ bé. Đến khi trở thành mẹ chồng, Ba Trân lại nham hiểm nhân bản nỗi đau của mình cho hai nàng dâu trẻ.
Đề tài "mẹ chồng - nàng dâu" tuy không mới nhưng được bồi đắp bằng ý tưởng và cách kể hiện đại, đầy kịch tính trong bối cảnh xưa cũ nhưng đầy xa hoa, lạ mắt. Ngoài thời gian giả định thú vị, điểm khiến "Mẹ chồng" được mong đợi không kém gì "Cô Ba Sài Gòn" là bởi bộ phim tôn vinh nét văn hóa Việt, tôn vinh chiếc áo bà ba.
Sở hữu kịch bản độc lạ: ghép đầu người, nên không có gì nghi ngờ nếu "Lôi Báo" của Victor Vũ hứa hẹn là "bom tấn" dịp cuối năm. Tất cả bắt đầu từ một thông tin có thật trên báo chí về ca phẫu thuật ghép đầu người mà Victor Vũ đọc được.
Anh tự đặt ra nhiều câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra khi một cái đầu gắn vào cơ thể lạ? Có khi nào cơ thể cũ sẽ thừa hưởng ký ức của cái đầu mới và ngược lại?"…Bao câu hỏi xoay vần truyền cảm hứng cho anh bắt tay thực hiện "Lôi Báo". Nhân vật Lôi Báo được cứu sống nhờ ca ghép đầu người của một bác sĩ bí ẩn.
Sau ca phẫu thuật, anh mang sức mạnh siêu nhiên và thường xuyên hiện lên trong tâm trí những kí ức của người khác. Chúng khiến Lôi Báo lâm vào tình huống nguy hiểm. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: "Dù khai thác hình tượng siêu anh hùng nhưng tôi làm khác Hollywood. Lôi Báo là nhân vật rất đời thường, đại diện cho những con người thầm lặng và gần gũi, can đảm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ người yếu thế. Phim ly kỳ đan xen những yếu tố kinh dị, siêu nhiên".
Cũng khai thác thể loại siêu nhiên, ly kỳ, tâm lý, "Người bất tử" - dự án điện ảnh thứ hai của Victor Vũ - xoay quanh một nhân vật khác lạ sống qua ba thế kỷ. Nếu "Lôi Báo" đổi đầu người thì "Hoán đổi" của đạo diễn Võ Thanh Hòa đổi linh hồn. Linh hồn cô ca sĩ Tiên Tiên bị tráo đổi qua thân xác của nữ võ sư và ngược lại. Từ đó, nó gây ra bao tình huống éo le. Bên cạnh đó, còn nhiều bộ phim lạ mà các nhà sản xuất hào hứng thử sức như: "Bí mật đảo Linh Xà" (giả tưởng), "Mai Thị - Nhân thần truyện" (cổ trang)...
Ngoài thử nghiệm thể loại mới, các nhà làm phim cũng chú trọng nội dung ít người khai thác. "Giấc mơ Mỹ" (dự kiến công chiếu ngày 8-12) trở thành phim điện ảnh Việt dấn thân mở đường đề tài y khoa. Để đảm bảo yếu tố chuyên môn ngành y, nữ diễn viên chính Mai Thu Huyền phải vào tận phòng mổ quan sát một ca mổ thực sự.
Hòa cùng trào lưu tìm tòi đề tài khó, đạo diễn Charlie Nguyễn gác lại dự án remake hài - hành động "Cú té trời tính" đang triển khai dang dở để dồn lực cho "Chàng vợ của em". Đọc tiểu thuyết "Busy Woman Seeks Wife" của Annie Ashworth và Meg Sanders, anh luôn hào hứng với phản đề: Đàn ông luôn cần một phụ nữ ở hậu phương để giúp mình thành đạt và tỏa sáng. Vậy ngược lại thì sao?
Cú hích đổi mới
Từ sau "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" năm 2015 rồi đến cú hích "Em chưa 18" năm 2017, phim Việt được đà thắng thế xông lên. Vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm chúng ta đón 50 - 60 bộ phim ra rạp. Doanh thu vượt qua "bom tấn" Mỹ "Kong: Đảo đầu lâu" của "Em chưa 18" khiến giới đầu tư có cái nhìn hoàn toàn khác về phim Việt. Đây cũng là dấu mốc để giới làm phim hiểu rằng công thức "hài + ngôi sao + nội dung bình dân dễ dãi" đã hết hiệu nghiệm để hốt bạc.
Sự thất bại của hàng loạt phim hài ra mắt trong năm nay như "Ngày mai Mai cưới", "Xóm trọ 3D", "Chạy đi rồi tính", "Bạn gái tôi là sếp" ... là minh chứng rõ nét. Số tiền dăm tỉ cho dòng phim "mì ăn liền" cũng đã lui về quá vãng. Hiện nay, kinh phí cho điện ảnh Việt không ngừng tăng lên ở mức xấp xỉ 20 tỷ/ một phim. Khâu kỹ thuật, hiệu ứng, kỹ xảo... đều được nâng cao và có sự góp mặt của các ekip danh tiếng. Để quay "Lôi Báo", Victor Vũ phải mời đến cộng sự là Vincent Wang - người từng chỉ đạo võ thuật của nhiều phim "bom tấn" của Hollywood như "Doctor Strange" và "The Great Wall".
Bộ phim"Giấc mơ Mỹ" lần đầu đưa đề tài y khoa lên màn ảnh rộng. |
Hay "Giấc mơ Mỹ" chi bộn tiền nhằm có những cảnh quay sát sao với ngành y, cảnh xa hoa trên du thuyền ở Mỹ... Hầu hết phim Việt nào cũng được trau chuốt hình thức rất bài bản.
Số lượng phim Việt tăng tỉ lệ thuận với sự cạnh tranh khốc liệt ở phòng vé. Để sống còn, nhiều nhà làm phim chọn cho mình lối đi riêng. Nói như đạo diễn Victor Vũ: "Một đầu bếp không ai muốn khách ăn hoài món cũ. Họ luôn cố gắng sáng tạo cái mới để phục vụ thực khách. Chúng tôi làm phim cũng thế, cố gắng sáng tạo để mang đến cái mới cho khán giả và cũng là thử thách làm mới mình".
Chính nhờ kinh phí đầu tư tăng cùng với công nghệ kỹ thuật ngày càng nâng cao nên những thể loại khó, đề tài lạ mới có dịp được thực hiện. Phim Việt hiện nay đồng đều về hình thức và độ chịu chi nên ăn thua nhau bây giờ là kịch bản. Đây là khâu quyết định 70% sự thành công của phim nhưng cũng là khâu bị xem là yếu nhất của điện ảnh nước ta. Một kịch bản chặt chẽ, hay, độc lạ là điều mà các nhà sản xuất khát khao.
Nhưng món lạ chưa chắc đã ngon miệng. Không ít phim "ngã ngựa" dù dụng công sáng tạo, đào sâu cái mới lạ (tất nhiên chẳng xa lạ với xứ người, nhất là kinh đô điện ảnh Hollywood). Năm 2016, "Fan cuồng" rất được trông chờ vì khai thác đề tài rock Việt nhưng cuối cùng ngay cả "ông hoàng phòng vé" Thái Hòa cũng không thể cứu nổi nhà sản xuất Charlie Nguyễn dù phim được quảng bá rầm rộ.
"Siêu trộm" của mùa Tết 2016 dù được coi là phim nổi trội nhất về chất lượng, có ý tưởng mới mẻ khi khai thác thể loại trộm cắp công nghệ cao nhưng lại thảm bại với doanh thu 15 tỷ đồng. Nhãn tiền trong năm nay có "S.O.S Sói trắng" của Lê Hoàng. Tác phẩm đầu tiên đưa đề tài ấu dâm lên màn ảnh rộng đã không có doanh thu và phản hồi tích cực như mong đợi. Thế mới thấy, kịch bản lạ, diễn viên thực lực và PR bài bản nhưng làm nên chuyện hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời điểm, thị hiếu công chúng, xu hướng...
Dù gì đi nữa, việc khai phá, tìm tòi cái mới của người làm phim là điều rất đáng khuyến khích. Nó mang lại làn gió mới mẻ, kích thích sự đổi mới, dám nghĩ dám làm để thay máu cho bức tranh điện ảnh nước nhà.