Dịch giả Trần Đình Hiến: Vừa dịch vừa khóc

Thứ Năm, 22/11/2012, 08:00
Những tâm sự của dịch giả Trần Đình Hiến nhân sự kiện nhà văn Mạc Ngôn được trao giải Nobel văn học.

Dịch giả Trần Đình Hiến nói rằng, ông đến với văn học cũng tự nhiên, lúc đầu là sở thích cá nhân, sau chuyển tải những gì mình thích đến với độc giả Việt. Với ông, dịch sách là một niềm vui nên "chả có gì vất vả cả", dù tiền nhuận bút mỗi trang dịch xưa nay lúc nào cũng... còm cõi.

Dịch giả Trần Đình Hiến có thời gian công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đến nay, ông đã chuyển ngữ hơn 20 đầu sách tiếng Trung, riêng với tác giả Mạc Ngôn - người vừa đoạt giải Nobel văn học 2012 - ông dịch 6 cuốn. Đó là "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", "Cây tỏi nổi giận", "Rừng xanh lá đỏ", "Tửu quốc", "41 truyện tầm phào". Theo chia sẻ của Trần Đình Hiến, có những khi ông "vừa dịch vừa chảy nước mắt!"...

- Thưa dịch giả Trần Đình Hiến, tiếp cận với các tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn, ông có nghĩ rằng đây sẽ là một nhà văn đoạt giải Nobel Văn học trong tương lai?

+ Lần đầu tiên tôi đọc Mạc Ngôn là tác phẩm "Củ cải đỏ trong suốt" từ năm 1978. Lúc ấy tôi chỉ thấy "lạ" về Mạc Ngôn, là vì ông ấy viết khác tất cả các nhà văn Trung Quốc mà tôi từng đọc. Đến những năm 1990, khi Mạc Ngôn cho ra đời thêm tác phẩm "Cao lương đỏ", "Rừng xanh lá đỏ" trở thành bộ ba tác phẩm mà người Trung Quốc gọi là "Mạc Ngôn tam hồng", thì tôi bắt đầu có suy nghĩ rằng Mạc Ngôn chắc hẳn sẽ trở thành tác giả lớn, có thể là chủ nhân của các tác phẩm mang tầm vóc nhân loại. Bởi tất cả các tác phẩm của ông đều viết về thân phận con người. Với mối đồng cảm sâu sắc, ông viết về nỗi đau của những con người yếu thế và dễ bị tổn thương. Ông đứng về phía con người, bảo vệ quyền sống của con người nên mang tính nhân văn sâu sắc.

- Là dịch giả đã có công đưa 6 tác phẩm của Mạc Ngôn đến với độc giả Việt Nam, khi nghe tin Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố Giải Nobel Văn học 2012 dành cho Mạc Ngôn, cảm xúc của ông thế nào?

+ Tôi chưa từng gặp Mạc Ngôn, và bây giờ cũng không cần trực tiếp chia sẻ niềm vui này với ông ấy. Vì rằng tôi thực thi nghiêm chỉnh lời bàn của ông về mối liên hệ giữa nhà văn với độc giả: "Hiểu nhau qua tác phẩm là chính xác và đầy đủ nhất". Vì vậy, việc ông được trao giải Nobel văn học 2012, tôi có niềm vui duy nhất là không đánh giá sai về ông và văn chương của ông.

- Ông đã dịch văn học Trung Quốc từ lâu nhưng công chúng thực sự biết đến tên tuổi của ông khi "Báu vật của đời" được giới thiệu ở Việt Nam. Ông có thể cho biết tại sao trong nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn, ông lại chọn "Báu vật của đời" để dịch trước tiên?

+ Tôi chọn dịch "Báu vật của đời" để dịch trước tiên đơn giản vì đó là một đỉnh cao trong sáng tác của Mạc Ngôn, khơi thông dòng văn học "tầm căn" mà vẫn phản ánh trung thực hiện thực trước mắt. Nguyên tác là "Phong nhũ phì đồn", nếu dịch nguyên văn sẽ là "Vú to mông nở", với cách tiếp nhận của người Việt, dễ bị sốc, nên tôi chuyển thành "Báu vật của đời" mà vẫn đầy đủ ý nghĩa. Cuối năm 1995, "Báu vật của đời" được giải thưởng lớn ở Trung Quốc, thì đầu năm 1996 tôi có sách và dịch trong 3 tháng thì xong. Nhưng bản thảo ấy lênh đênh suốt 5 năm, qua nhiều NXB, câu trả lời thường là: "Không in được!". Mãi đến đầu năm 2001, qua anh Trần Thức - Trưởng phòng liên kết xuất bản Công ty Văn hóa Phương Nam - nó đã được NXB Văn nghệ Tp HCM ấn hành. Ngay lập tức nó tạo nên "cơn sốt", bởi dường như người ta chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào mà nỗi đau, thân phận con người lại dữ dội đến thế. Tôi dịch "Báu vật của đời", nhưng quảng bá "Báu vật của đời" là anh Trần Thức, nếu nói ai có công trong việc này thì nên vinh danh anh Trần Thức!

- Quan tâm đến nỗi đau và thân phận con người - điều trở đi trở lại một cách chân thực và dữ dội trong nhiều trang viết của Mạc Ngôn - ông có khi nào khóc khi dịch những trang viết ấy?

+ Có chứ. Tôi khóc. Không phải thương vay khóc mướn, tôi khóc vì thân phận những người thân của tôi cũng không khác mấy thân phận những người nông dân Cao Mật. Có khi dịch đến chương nào cũng phải lau nước mắt! Nỗi đau về thân phận con người rải suốt các tác phẩm của Mạc Ngôn. Đừng bị cái lối kể chuyện tưng tửng của ông đánh lừa. Đằng sau nó là máu và nước mắt! Đúng như Viện Hàn Lâm Thụy Điển nhận định: "Mạc Ngôn viết về những người nông dân quê hương ông, về cuộc đấu tranh dữ dội của người nông dân để bảo vệ quyền sống và quyền tự do được sống. Họ cũng giành được đôi chút thắng lợi, nhưng họ đã tiêu phí mất cả cuộc đời"... Quá đúng! Viện Hàn Lâm Thụy Điển họ tinh lắm!

- Trong số các tác phẩm của Mạc Ngôn mà ông đã dịch và được xuất bản ở Việt Nam như "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", "Cây tỏi nổi giận", "Rừng xanh lá đỏ", "Tửu quốc", "41 truyện tầm phào"... tác phẩm nào khiến ông trăn trở nhất, việc dịch vất vả, mất nhiều công sức nhất, thưa ông?

+ Với tôi, công việc dịch thuật chả có gì vất vả cả! Vì nó đem lại cho tôi niềm vui của sự sáng tạo cùng với tác giả. Nhưng để hiểu, dịch được Mạc Ngôn hay Lão Xá, Giả Bình Ao đều phải hiểu rất sâu về văn hóa Trung Quốc. Bởi vì thực chất của dịch văn học là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa. Phải nắm được cả hai văn hóa Trung Quốc và Việt Nam thì mới có bản dịch tốt. Nhiều khi yếu tố văn hóa quan trọng hơn yếu tố câu chữ. Với tôi, dịch sách cũng là một cách vừa giải trí vừa rèn luyện trí tuệ. Tôi làm việc và cảm thấy vui vẻ, hứng thú với việc mình làm. Tôi cũng đã được "bù đắp": Tháng 9/2003, khi "Phong nhũ phì đồn" được tái bản lần thứ 2 tại Trung Quốc, bản dịch tiếng Việt của tôi đã được đánh giá (in trên bìa 4) là 1 trong 3 bản dịch tiếng nước ngoài hay nhất cùng với bản tiếng Ý và tiếng Nhật.

- Khi tiếp cận với các tác phẩm của Mạc Ngôn nói riêng, các tác phẩm văn học Trung Quốc nói chung, vấn đề bản quyền đối với các tác giả được xử lý như thế nào?

+ Tôi tiếp cận và dịch các tác phẩm của Mạc Ngôn đều từ trước năm 2004, tức là trước khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ bản quyền tác giả, nên việc lựa chọn và dịch tác phẩm ấy của tôi không  gặp khó khăn trắc trở gì... Sau này, việc mua bản quyền thường do các NXB làm (nghe nói Công ty Văn hóa Phương Nam mua toàn bộ bản quyền của Mạc Ngôn vào năm 2009 hoặc 2010 gì đó, tôi nhớ không chính xác), chứ tôi không trực tiếp làm việc ấy. Riêng với Mạc Ngôn, sau 6 cuốn trên, tôi không dịch thêm cuốn nào nữa.

- Hơn 10 năm lại đây, sách dịch từ văn học Trung Quốc của Trần Đình Hiến xuất hiện nhiều trên các hiệu sách và các giá sách gia đình, đó quả là niềm hạnh phúc lớn đối với một dịch giả. Nhưng thú thực, đâu là động lực để ông làm việc hăng say đến thế, trong khi tiền nhuận bút cho việc dịch sách ở Việt Nam là cực kỳ khiêm tốn?

+ Tôi xin được nói thật là ở Việt Nam chẳng ai sống được bằng nghề dịch sách văn học. Mọi người đều có nghề tay trái và lấy "tay trái" để nuôi "tay phải" cả đấy chứ. Tôi có lương hưu, lại có tay trái là dịch kỹ thuật, dịch ngược hợp đồng kinh tế từ tiếng Việt sang tiếng Trung, công dịch chí ít 50 ngàn/ trang. Trong khi nhuận bút cả cuốn "Báu vật của đời" gần 1 ngàn trang chỉ được có 6 triệu, mà lượng phát hành - theo thống kê xã hội học - có tới ba trăm ngàn bản. Còn động lực ư? Có lẽ đó là... nghiệp chướng. Gia tài của tôi chỉ toàn là sách, nhiều lúc muốn loại bớt cho đỡ chật nhà mà lại tiếc. Với tôi, sách là người bạn trung thành vì sách không bao giờ nói dối khi ta đối thoại với sách.

- Nguyên là một cán bộ ngoại giao, từ lúc nào ông thấy mình "bén duyên" với văn học dịch, với Mạc Ngôn? Có khi nào ông cảm thấy chán nản công việc này?

+ Tôi bắt đầu dịch từ những năm 1961 với "Tuyển tập kịch Lão Xá" rồi "Gieo hạt tình yêu" của Từ Hoài Trung. Sau đó có nhiều năm tôi không dịch nữa, vì cảm thấy không có gì đáng dịch. Rồi mãi đến 1996, tôi trở lại dịch "Báu vật của đời" của Mạc Ngôn. Phải nói thêm, lúc đầu, tôi tiếp cận với Mạc Ngôn từ góc độ tìm hiểu văn học Trung Quốc và thấy ông ta khác người. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của ông không giống ai, chẳng giống Marquez, cũng chẳng giống nhà văn nào ở Trung Quốc. Tôi thấy trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề xã hội mà Việt Nam quan tâm. Vì thế, tôi bám sát, và có ý đưa Mạc Ngôn vào Việt Nam. Do hoàn cảnh công tác, kiếm không ra người cộng tác trong việc dịch, nên tôi phải tự làm lấy. Cũng tiếc, vì dịch cũng chiếm khá nhiều thì giờ, tôi không còn thời gian đọc hết các tác phẩm của Mạc Ngôn (gần 300 tác phẩm các loại). Thành ra đến bây giờ tôi vẫn chưa viết xong "Phương pháp sáng tác văn học của Mạc Ngôn" mà tôi tin rằng có nhiều điều lý thú, nhất là thủ pháp "đi giữa đỏ và trắng" mà ông từng tâm sự với phóng viên BBC tiếng Trung...

- Xin cảm ơn dịch giả Trần Đình Hiến!

Hà Anh
.
.