Dịch giả Thúy Toàn: “Tôi không bắt người khác phải theo ý mình”

Thứ Bảy, 05/04/2008, 14:00
Ông là người sớm được độc giả biết tiếng, thoạt tiên là với tư cách dịch giả của những vần thơ trữ tình ngọt ngào mà say đắm của đại thi hào Nga Puskin, rồi tiếp đó, trên cương vị Phó Giám đốc NXB Văn học.

Bây giờ, ở tuổi 70, ông lại đang giữ vị thế Chủ tịch Hội đồng văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây. Con người đều đặn có mặt trong dòng chảy của đời sống văn học, dường như không lúc nào bị khuất bóng ấy chính là dịch giả, nhà văn Thúy Toàn.

- Đọc "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng", thấy nhà văn có nhắc tới một "anh bạn trẻ Thúy Toàn". Trong bức ảnh chụp cảnh Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân đi thực tế ở Điện Biên, cũng lại thấy ghi tác giả ảnh là… Thúy Toàn. Vậy Thúy Toàn nhắc tới trên có liên quan gì với Thúy Toàn - dịch giả của những bài thơ Nga mà bạn đọc vẫn chép trong sổ tay từ nhiều năm nay?

- Đó chính là tôi đấy. Khi chụp bức ảnh (năm 1958), tôi mới hai mươi tuổi, đang là sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Lênin ở Mátxcơva. Khi ấy, lần đầu tiên trên có chủ trương cho lưu học sinh về thăm quê. Vì có ông anh là Chính ủy của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đóng ở Điện Biên, tôi lên thăm. Gặp đúng lúc ông Tưởng, ông Tuân, ông Lưu Quang Thuận đi thực tế. Là sinh viên, được gặp các văn nghệ sĩ tên tuổi, tôi vinh dự lắm. Tiện có chiếc máy ảnh Fed của Nga, tôi đã chụp cho các ông ấy một số kiểu. Sau này tôi có rửa ảnh biếu cụ Tuân, cụ Tưởng và gia đình bác Lưu Quang Thuận. Bức ảnh bạn nhắc tới chắc được lấy từ "nguồn" ấy.

- Được biết, ông cũng từng có những kỷ niệm sâu sắc với nhà thơ Xuân Diệu. Kỷ niệm ấy bắt nguồn từ mối quan hệ riêng hay từ công việc? Nghe nói dịch giả Thúy Toàn từng nhiều lần tham gia dịch nghĩa cho những bản dịch thơ tiếng Nga của Xuân Diệu?

- Năm 1962, nhân kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Mười, tôi được anh Nguyễn Xuân Sanh mời tham gia tập "Thơ Liên Xô". Có lẽ, đây là trường hợp duy nhất một anh học trò mới tốt nghiệp được tham gia với các bậc cha chú. Tôi gần gũi với các anh từ đó. Tuy nhiên, phải đến khi soạn tập "Thơ Puskin", tôi mới trực tiếp làm việc với Xuân Diệu. Thực ra, bản thảo tập thơ dịch này tôi gửi từ Mátxcơva về từ năm 1960. Nhưng lúc ấy, một tác giả mới khó ra sách riêng lắm. Thế nên năm 1964, khi về phụ trách mảng văn học dịch tại NXB Văn học, tôi phải "kéo" các ông ấy vào.

Ông Thông (nhà thơ Hoàng Trung Thông) thì có những bản dịch thơ Puskin sẵn rồi, còn ông Diệu thì chưa. Để hỗ trợ  ông - vì ông chỉ biết tiếng Pháp chứ không biết tiếng Nga - tôi làm nhiệm vụ dịch nghĩa. Sự hợp tác của hai anh em khá là ăn ý. Bài "Ánh mặt trời…" tôi mới chỉ dịch nghĩa, nhưng thấy ông Diệu chuyển thành thơ cũng hay. Ngược lại, bài thơ "Lá thư bị đốt cháy" tôi dịch hoàn chỉnh rồi, Xuân Diệu dịch lại, tôi thấy bản dịch của tôi "thoát" ý hơn, nên khi đưa in tôi cho in cả hai bản để bạn đọc cùng thưởng thức.

Khi Xuân Diệu dịch trường ca "Lênin" của Maiacốpxki, tôi lại dịch nghĩa để giúp ông dịch thơ. Trường hợp thấy ông dịch "xa" nguyên bản quá, thì tôi góp ý và được ông chấp nhận sửa lại. Nói chung Xuân Diệu là người biết mình biết người và biết trân trọng người giúp mình. Nếu khi góp ý, ta đừng dùng lời lẽ thô thiển thì ông sẵn sàng nghe thôi.

- Trong các nhà thơ lão thành, ông đánh giá cao khả năng dịch thuật của ai, nhất là ở mảng thơ Nga?

- Về việc dịch thơ, mỗi người có một thế mạnh. Như dịch thơ Maiacốpxki thì Hoàng Trung Thông dịch đạt chứ. Mặc dù ông dịch qua tiếng Trung Quốc, song cái "thần" vẫn hơn những bản dịch trực tiếp từ tiếng Nga của những anh em trẻ sau này. Nhân đây cũng nói thêm là, người Pháp dịch thơ Nga thường chuyển sang thơ tự do, trong khi thơ Nga cổ điển vần điệu rất chặt chẽ. Điều này làm cho các bản dịch thơ Nga qua tiếng Pháp của các bậc đàn anh nhiều khi chỉ còn là… ngẫu dịch.

- Ông nghĩ thế nào về việc một bài thơ Nga được chuyển sang thể thơ lục bát? Bản thân ông có hay sử dụng thể thơ này khi chuyển ngữ?

- Mình nghĩ thế này: Lục bát là thể thơ rất Việt Nam. Mình không loại trừ có những bài có thể chuyển sang lục bát được, nhưng rất nên hạn chế. Gần đây có người dịch bài thơ "Bức thư gửi người phụ nữ"  của Exênhin sang lục bát. Bài này trong nguyên bản vốn có cấu trúc như một bức thư, cũng câu dài câu ngắn, và rất gợi không khí thời đại. Chuyển sang lục bát thế, nó dễ thành vè lắm. Nhất là nó lại là một câu chuyện.

- Nhà thơ Tố Hữu, trong một lần trả lời phỏng vấn đã thốt lên rằng, bài thơ tình hay nhất của đời ông chính là bản dịch bài "Đợi anh về" của Ximônốp. Có nghĩa là ông đã dịch như… sáng tác. Là người thông thạo tiếng Nga và hẳn có dịp đọc nguyên bản bài thơ trên của Ximônốp, ông có đồng quan điểm với nhà thơ Tố Hữu?

- Theo tôi được biết nhà thơ Tố Hữu dịch bài thơ đó trong bối cảnh ông mới lập gia đình, lại đang tham gia “đầu quân” (thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp), nên khi có trong tay bản dịch ra tiếng Pháp bài thơ trên, ông đã nổi hứng dịch ngay. Cho nên bài thơ đã mang đậm cảm hứng của riêng ông. Bài thơ mang giọng điệu Việt Nam và ít nhiều có hơi hướng… tiểu tư sản. Nếu so với nguyên bản tiếng Nga, từng chữ, từng chữ thì thấy có những chỗ chưa chính xác.

Như câu đầu trong nguyên bản rất hùng tráng, vào cái là khẳng định ngay: "Em ơi, đợi anh, anh sẽ trở về". Chuyện trở về là rõ ràng chứ không phải "Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé". Đấy không phải là sự khẳng định của bản tiếng Nga. Nhưng dù thế nào thì bản dịch của Tố Hữu cũng là một cái đỉnh. Bao nhiêu người dịch lại đều hỏng hết. Đã có hàng chục bản dịch khác, song không đi vào lòng người.

- Trong số này hẳn không có bản dịch của Thúy Toàn?

-  Không! Mình không dám dịch lại, mặc dù có trong tay các bản khác nhau. Văn học nghệ thuật bao giờ cũng chỉ có độc bản. Như trường hợp bài "Xonnê" của ácve. Bản dịch của Khái Hưng "Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu" từ lâu đã đi vào lòng người. Những người đi sau cố dịch cho sát nghĩa hơn nhưng cũng không ăn thua.

- Như nhiều độc giả khác, tôi rất thích một số bản dịch thơ Puskin của ông, như bài "Gửi…", bài "Tôi yêu em…". Nhưng vẫn băn khoăn một điều: "Tôi yêu em đến nay chừng có thể". Chẳng lẽ một nhà thơ lớn lại dùng đến ba chữ đệm "chừng có thể" như vậy sao? Mấy chữ ấy có đúng như trong nguyên bản không, hay dịch giả thêm vào, kiểu như Thái Bá Tân phải dùng mấy chữ "này, nọ", "kia, đó" để câu trên bắt vần được với câu dưới?

- Không! Không phải. Nguyên bản là "Có thể". Câu ấy nếu dịch chính xác sẽ là "Anh yêu em có thể là". Khi dịch tự nhiên trong đầu mình bật ra chữ "chừng". Sau này có người dịch lại, đã dùng "có lẽ", "có thể là". Thầy Hoàng Ngọc Hiến phê mình dịch thế là không … Việt Nam, nhưng lại có người khen ông này vẫn giữ được cho câu thơ cái chất… Châu Âu. Thú thực là khi dịch, chữ nghĩa tự nhiên bật ra chứ lúc ấy mình có cân nhắc gì lắm đâu.

- Vừa rồi tôi đọc trên mạng thì thấy, dịch giả, nhà văn Ngô Tự Lập có nêu ý kiến là đoạn kết của bài "Tôi yêu em…", trong nguyên bản tinh thần không đúng với những gì ông đã dịch…

- Đoạn cuối bài thơ ấy mình dịch là: "Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em". Thú thực đi vào nghiên cứu  tiếng Nga mới thấy, tiếng Nga lúc đó và tiếng Nga bây giờ cũng thay đổi nhiều. Theo ý Ngô Tự Lập thì ý của Puskin không như thế mà là: "Chẳng bao giờ có ai yêu em được như tôi nữa đâu". Kiểu nói dỗi.

Nhìn vào toàn bộ con người Puskin, tôi nghĩ ông không có cái kiểu "đểu" ấy đâu. Tình yêu lớn phải vị tha. Không thể ghen theo kiểu "Mày mà có được người tình như tao là may". Nếu đi sâu tìm hiểu tình sử của cái ông Puskin này, thấy cũng rất lạ. Ông yêu một bề, chứ cô kia có để ý gì đến ông đâu. Thậm chí cô ấy coi ông như bậc cha chú.

- Có phải đó là nhân vật trong bài "Ngài và anh, cô và em": "Nàng buột miệng đổi tiếng ngài trống rỗng/ Thành tiếng anh thân thiết đậm đà/ Và gợi lên trong lòng đang say đắm/ Bao ước mơ tràn hạnh phúc reo ca"?

- Đúng, cũng vẫn là cô này. Cô này luôn coi Puskin như bạn của bố. Khi dịch Puskin, mình muốn bám vào cái sự trân trọng của người Nga đối với ông. Theo mình nghĩ, người được nhiều người yêu thì ý nghĩ cũng cao cả, cũng thoáng. Chứ hiểu thế kia rất thô thiển. Tất nhiên, đọc thơ, mỗi người đều có quyền nghĩ theo cách của mình. Ngô Tự Lập nói ông Toàn chưa hiểu hết. Đấy là quyền của Ngô Tự Lập. Tôi không bắt người khác phải theo ý mình.

- Được biết, dịch giả Nguyễn Thụy Ứng khi dịch "Sông Đông êm đềm" của Sôlôkhốp, trình độ tiếng Nga của ông chưa phải đã quá điêu luyện. Vì thế mà ông phải tham khảo thêm bản dịch tiếng Trung. Nhưng khi ông đã rất rành tiếng Nga, và đã có những chỉnh sửa lại bản dịch, thì nghe đâu bản dịch đã mất đi cái nhung tuyết của sự tài hoa thuở ban đầu. Dịch giả Thúy Toàn có ý kiến gì về vấn đề này?

- Có thể lắm. Cũng như tiểu thuyết "Con đường đau khổ" của Alếcxây Tônxtôi, bản dịch trực tiếp bằng tiếng Nga không hay bằng bản dịch từ tiếng Pháp của nhóm Thể Tần. Hoặc cuốn "Sống lại" (tên gọi một cuốn tiểu thuyết của Lép Tônxtôi - NV) chưa chắc đã "qua mặt" được "Phục sinh".

- Bước vào tuổi 70, ông nhìn nhận thế nào về sự nghiệp dịch thuật của mình.  Liệu những bản dịch thơ Puskin từ thời trai trẻ, cho đến nay vẫn là những bản dịch tâm đắc nhất của ông?

- Nhìn lại, thấy đời văn của mình hãy còn mỏng lắm. Mỗi tác giả mới tạt ngang được một chút. Như Puskin, bây giờ đọc lại, thấy còn rất nhiều bài hay. Nhưng khi phát hiện ra thì không có điều kiện đi sâu nữa. Thời gian còn ít lắm. Tiếc là mình vẫn chưa dịch hết được những bài tiêu biểu của Puskin.

- Xin cảm ơn dịch giả Thúy Toàn về cuộc trao đổi này

Phạm Khải (thực hiện)
.
.