Dịch giả Nguyễn Bích Lan với "Phật ở tầng áp mái"

Thứ Hai, 31/03/2014, 08:06

Nguyễn Bích Lan là tác giả dịch của hàng chục đầu sách dịch, cùng nhiều truyện ngắn, thơ đã vừa có buổi ra mắt cuốn sách dịch mới nhất nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

"Phật ở tầng áp mái" (The Buddha in the Attic) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Juile Otsuka, một người Mỹ gốc Nhật Bản, viết về cuộc sống của những người phụ nữ Nhật Bản di cư sang Mỹ vào đầu thế kỷ XX. Những người phụ nữ Nhật Bản, với đầy đủ các thành phần, từ người nông dân, các cô gái quá lứa nhỡ thì… họ di cư sang Mỹ với ước vọng đổi đời, với một niềm háo hức và hy vọng. Nhưng họ đã thất vọng ngay từ khi bước lên tàu. Sau đó là nỗi nhớ quê hương mà không còn đường nào quay trở lại.

Bích Lan cho biết, tác giả dùng những câu văn được lặp đi lặp lại một cách có chủ ý, nhằm nhấn mạnh về sự xa cách, sự nhớ nhung của những người phụ nữ Nhật đi tìm cuộc sống mới ở miền đất hứa. Nhưng đó chỉ là một sự xa cách, ngăn biệt, không có đường về. Chị chia sẻ, cuốn sách tạo cho chị một niềm hứng thú, và chị thấy hài lòng vì dịch được "một tác phẩm văn học đích thực".

Dịch giả Nguyễn Bích Lan tặng sách cho độc giả tại buổi ra mắt "Phật ở tầng áp mái".

Tại buổi ra mắt cuốn sách, độc giả đã có dịp được nghe  Bích  Lan chia sẻ thêm cuộc sống của mình. Là một người gặp khó khăn nhiều gấp bội những người bình thường khác, nhưng chị không bao giờ có tư tưởng phụ thuộc vào người khác. Tự mình cố gắng đến 100 lần mà không được, đến lần thứ 101 chị mới phải nhờ đến người khác, và người giúp đỡ phải là một người thoải mái, giúp không phải vì thương hại, vì ban ơn.

Chị kể: "Những ngày đầu tiên, khi chiếc máy tính còn hiếm hoi, tôi cũng như nhiều người khác, chưa biết cách sử dụng. Cậu em trai tôi, một sinh viên công nghệ thông tin, một hôm nó bê về một chiếc máy tính, để ở đó mà không hề dạy tôi cách sử dụng. Ban đầu tôi chỉ biết mỗi hai nút là bật và tắt. Nhưng như thế cũng có sao. Tôi cũng không hỏi cậu em cách dùng. Tự tay tôi mày mò. Cuối cùng…

Như bạn biết đấy. Ngày nào tôi cũng có vài tiếng làm bạn với chiếc máy tính"; "Bạn hỏi tôi có động lực gì ư? Có nhiều buổi sáng thức dậy, tôi đau khắp toàn thân. Tôi tạo động lực cho mình từ những điều xung quanh cuộc sống này, niềm khao khát sống. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi chỉ cần nhìn tất cả mọi người trong nhà một lượt, tạo ra sự đầy đủ, bình an… Sau đó tôi sẽ làm việc.

Một tuần của tôi đầy kín lịch làm việc. Từ thứ 2 đến thứ 6 là dịch sách, thứ 7 là sáng tác truyện ngắn hoặc thơ; còn ngày chủ nhật cuối tuần, sẽ chơi với cháu nhỏ 4 tuổi, con của em trai tôi và buổi tối cuối tuần sẽ xem một bộ phim cùng với cả gia đình. Tôi không nghĩ cuộc sống ngắn dài, mà là từng ngày đã qua, tôi đã trải qua như thế nào. Điều gì làm chưa được để tạo cơ hội được làm lại. Đó là niềm vui, là động lực, là niềm vui sống của tôi".

Có một câu nói nổi tiếng trong cuốn sách dịch mới ra mắt của Bích Lan: "Phụ nữ thường yếu đuối, nhưng người mẹ lại mạnh mẽ". Khi độc giả hỏi: "Chưa làm mẹ, sao chị lại mạnh mẽ như vậy?", Bích Lan trả lời: "Tôi không làm mẹ nhưng tôi mạnh mẽ, vì tôi đã gặp quá nhiều khó khăn. Và mỗi lần khó khăn thì con người ta lại mạnh mẽ hơn. Tất nhiên tôi nói điều đó là tôi không mong khó khăn cho bạn. Nhưng đó là một sự thực. Cảm ơn".

Cuối buổi ra mắt, Bích Lan không quên cảm ơn tất cả những người có mặt trong buổi chiều ngày hôm ấy, một buổi chiều tháng 3 mưa phùn. Cuối giờ chiều, trời mưa càng nặng hạt, nhưng các hàng ghế đều được phủ kín, và không thiếu những cháu nhỏ được bố mẹ đón từ trường về và đưa thẳng đến dự buổi ra mắt sách của Bích Lan

Ngô Thị Chuyên
.
.