Đĩa than- Thú chơi sang của những tín đồ sành điệu

Thứ Năm, 08/06/2017, 11:50
Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, là thời kỳ hoàng kim của đĩa than. Các tín đồ thực sự của âm nhạc thường có trong nhà một dàn thiết bị để nghe đĩa than. Việc nghe nhạc trên đĩa than được ví như uống cà phê pha phin. Cứ phải từ từ, từng chút từng chút một, rất nghi lễ. Một kiểu thưởng thức đúng nghĩa, trong một không gian phải được chuẩn bị đúng nghĩa, không nhanh và ăn xổi như thời kỳ kỹ thuật số sau này. 

Người ta ngỡ như đĩa than giờ đây đã mất, chỉ còn lại dư âm trong lòng người yêu âm nhạc. Nhưng rất may là không phải vậy. Đĩa than đang trở lại.

Cộng đồng người nghe đĩa than ngày càng nhiều

Phạm Thu Hà, một ca sĩ trẻ hát nhạc bán cổ điển vừa cho ra mắt đĩa than gồm 8 tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy. Cô chia sẻ, sau một thời gian dài vắng bóng trên thị trường âm nhạc, đĩa than đang trở lại. Cộng đồng chơi đĩa than từ Bắc tới Nam ngày càng nhiều. Đa số là những người nghe nhạc có gu, những người sành về âm thanh.

Sau thời kỳ nghe nhạc từ công nghệ kỹ thuật số Digital, nhiều tín đồ âm nhạc bắt đầu cảm thấy chán với cách thưởng thức tiện lợi, dễ dàng của công nghệ này. Họ quay về tìm kiếm các giá trị truyền thống. Đĩa than, với yêu cầu khắt khe, phức tạp và tốn kém trong thưởng thức âm nhạc, nhưng lại cho người nghe một không gian thưởng thức nhạc phiêu hơn, chất hơn, hay hơn.

Những người có điều kiện tài chính khá, hay đơn giản là trót đam mê đĩa than, người ta sẽ theo đuổi thú chơi này, vì tính hấp dẫn khó cưỡng của nó. Phạm Thu Hà dự đoán trong tương lai không xa, sẽ là sự trở lại mạnh mẽ của đĩa than. Thậm chí, thị trường băng cối, băng casette cũng sẽ thịnh hành trở lại. Bản thân ca sĩ Phạm Thu Hà cho hay, cô phát hành đĩa than "Đường em đi" không bị lỗ. Đây là bằng chứng cho thấy số lượng người thưởng thức âm nhạc trên đĩa than ngày càng nhiều.

Trước Phạm Thu Hà, một số ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng đã nhanh nhạy cho ra mắt sản phẩm đĩa than. Ca sĩ Quang Dũng với "Tuyển tập tình ca Phạm Duy", ca sĩ Mỹ Linh với đĩa "Tóc ngắn Acoustic", rồi "Lặng lẽ tiếng dương cầm" gồm những ca khúc hay của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nghe nói ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng cũng đang chuẩn bị phát hành một đĩa than gồm các bài hát nhạc Jazz.

Ca sĩ Mỹ Linh phát hành đĩa than “Một ngày Acoustic”.

Chưa nhiều, hãy còn rón rén, thăm dò, nhưng đã có những nghệ sĩ nghe ngóng sự trở lại của đĩa than, dựa trên số lượng tín đồ của địa hạt này ngày càng nhiều. Ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, có một số câu lạc bộ, một số nhóm cũng chung đam mê, sở thích đĩa than thường xuyên tập hợp, trao đổi, và có các hoạt động bổ ích. Những người chơi đĩa than nổi tiếng ở Hà Nội có thể kể đến những cái tên như Trần Hải Đăng, Nguyễn Mạnh Thắng.

Giới làm nghệ thuật chơi đĩa than có thể kể ra như họa sĩ Quách Đông Phương, nhạc sĩ Phú Quang, nghệ sĩ Tiến Đạt…Đa phần những người chơi đĩa than không thích phô trương, kể lể thú chơi của họ. Họ thường gặp gỡ trò chuyện trong cộng đồng những người cùng sở thích với mình. Có người sở hữu gia tài đồ sộ hàng chục ngàn đĩa than với các thiết bị âm thanh lên đến hàng trăm ngàn USD. Đây thực sự là thú chơi sang của những người vừa có điều kiện kinh tế vừa có gu thưởng thức âm nhạc cao cấp.

Thú chơi tốn tiền hao sức

Nếu như nghe nhạc tiện lợi theo công nghệ số, bạn chỉ mất dăm chục ngàn mua đĩa nhạc tại bất cứ cửa hàng bán băng đĩa nào (nếu là đĩa lậu còn rẻ hơn) và có thể nghe ở bất kỳ đâu, bằng hệ thống âm thanh chuyên dụng, hay trên máy tính, trên ô tô, trên điện thoại được, thì với đĩa than, bạn phải chuẩn bị cả một núi công việc, để có được một không gian nghe nhạc của riêng mình.

Các thiết bị để nghe đĩa than công phu lắm, và phải sành, phải hiểu kỹ càng về chúng, bạn mới có thể lắp ráp, căn chỉnh phù hợp. Công đoạn phối ghép các thiết bị thực sự là khó khăn nhất mà những người mới chơi đĩa than phải mất thời gian học hỏi. Vì các thiết bị phần lớn là đồ thửa về từ các hãng sản xuất khác nhau.

Có hãng chuyên về mâm đĩa, có hãng chuyên sản xuất kim tết (dụng cụ chạy trên mặt đĩa), có hãng chuyên sản xuất cơ quay, lại có hãng chuyên sản xuất đầu phono (thiết bị khuyếch đại tín hiệu cho cơ đĩa). Phối chúng với nhau cho ăn ý, hợp lý, quả thực là một bài toán khó, công phu, đòi hòi kinh nghiệm của người nghe cộng với cái tai thẩm âm cực kỳ tốt. Có cái không phù hợp, thì người chơi phải đi lùng mua tại các cửa hàng chuyên bán đồ phục vụ thú chơi này. Thậm chí phải chờ hàng về mấy tháng trời mới có là bình thường.

Những người chơi đĩa than ngại nhất là những chiếc kim tết. Nó cực kỳ dễ hỏng. Chỉ sơ ý một chút là đi tong một cơ số tiền. Một chiếc kim tết rẻ nhất cũng vài trăm USD, đắt thì vô cùng lắm, có cái hàng ngàn USD, thậm chí là cả trăm ngàn USD. Ví dụ nó được làm bằng kim cương chẳng hạn, và được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Tuy nhiên, người chơi sẽ tùy mức tiền của mình có mà thửa những cái kim-tết hợp lý. Không mua được đồ mới thì mua đồ cũ. Thực tế, dân chơi chuyên nghiệp thường săn lùng những thiết bị cũ tại các cửa hàng chuyên bán đồ này. Những người chủ đã nhập từ nước ngoài về các thiết bị đã qua sử dụng đó, và người chơi chỉ cần lựa chọn cái phù hợp với dàn thiết bị của mình. Nếu chẳng may bị gãy, hỏng, không muốn đầu tư cái mới, thì có thể đem sửa.

Ở Hà Nôi, có một thợ chuyên sửa kim tết mà giới chơi đĩa than đều biết. Đó là ông Bình ở phố Hàng Khay. Ông Bình vốn là thợ sửa đồng hồ, rồi vì trót vương vấn với đĩa than từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông trở thành người chơi đĩa than kỳ cựu. Rồi thiết bị mỗi lần hỏng ông lại mày mò sửa. Giờ ông chuyên sửa kim tết.  Nhưng cũng chỉ là sửa cho bạn bè thân quý, hoặc những ai biết đến mình. Cái nào giá trị lớn một chút mà hỏng thì ông cố sửa, còn cái nào cũ quá, ông khuyên người chủ nên bỏ tiền mua cái khác.

Đa số dân chơi đĩa than đều là những người biết ít nhiều việc sửa thiết bị. Nghĩa là họ phải hiểu về dàn âm thanh của mình đến mức nghe đĩa than thuộc loại nhạc nào thì căn chỉnh âm thanh cho phù hợp loại nhạc đó. Những người chơi đĩa than thường nâng niu chiếc máy quay đĩa của mình như báu vật, như người yêu. Và một khi đã trót đam mê, trót nghe nhạc trên đĩa than như một thói quen rồi thì họ khó lòng dứt bỏ. Họ cũng không thể quay lại nghe các loại đĩa hay MV trên công nghệ điện tử, kỹ thuật số. Cảm xúc mỗi lần soạn sửa thiết bị để đặt chiếc đĩa than vào mâm đĩa, rồi thưởng thức đĩa nhạc mình thích giống như cảm giác của người nghiện. Việc cai nghiện là thực sự rất khó.

Phương tiện để nghe đĩa than đã phức tạp, đắt tiền, công phu như vậy, nhưng việc đầu tư để mua đĩa than cũng không hề rẻ. Một đĩa than trên thị trường có giá dao động từ 900 ngàn đến 1,3 triệu đồng. Một công chức bình thường tháng mua vài ba cái đĩa than phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc của mình cũng không phải chuyện đơn giản.

Nhưng rất may là những người có điều kiện kinh tế không dư dả mấy vẫn có thể nghe đĩa than, nếu họ tham gia sinh hoạt cùng cộng đồng những người chung thú vui này. Ở đó, ngoài học hỏi kinh nghiệm về sử dụng, phối ghép thiết bị, kinh nghiệm mua đồ cũ mà vẫn sử dụng tốt, những người chung sở thích còn trao đổi đĩa cho nhau. Người có đĩa này mang đến trao đổi cho người có đĩa khác, mang về nghe rồi lại mang trả lại.

Tuy vậy theo tâm sự của một vài thành viên chơi đĩa than, họ thường khó chịu nếu không có một bộ sưu tập đĩa lớn. Họ xem đó là lòng tự hào, là gia tài của mình. "Đi mượn nghe xong rồi trả lại không thú mấy, bởi có những đĩa nhạc, vào lúc tâm trạng này kia, mình thèm được nghe lại. Cho nên, nếu có tiền, phải sở hữu cái đĩa mình thích cho bằng được" - Anh Tú, một người chơi đĩa than chia sẻ.

Giống như bất kỳ ai đam mê một thú vui nào đó, những người chơi đĩa than thà nhịn một vài nhu cầu nào đó để dành dụm tiền mua đĩa, mua thiết bị. Đó là thứ tình yêu thực sự tốn kém. Nhưng bù lại, họ được hưởng một chất lượng âm thanh tốt nhất phục vụ niềm đam mê âm nhạc của mình.

Và như một xu hướng tất yếu, xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng đủ đầy thì con người lại mong muốn tìm về những thú chơi tao nhã. Trong thú chơi đó, không đơn thuần là nghe nhạc, mà là soạn sửa, thưởng thức một món ăn tinh thần đúng với khẩu vị, sở trường của mình. Là khi cái gu âm nhạc của mình được thể hiện rõ nét nhất.

Đây cũng chính là cơ sở để hy vọng vào tương lai không xa, thị trường âm nhạc sẽ phát triển mạnh mẽ loại hình đĩa than. Những nghệ sĩ biểu diễn, bên cạnh việc sản xuất các băng đĩa thông thường phục vụ đông đảo công chúng, họ sẽ luôn ý thức rằng, còn có một đối tượng người nghe cao cấp mà họ cần phục vụ. Đó là những người nghe nhạc trên đĩa than.

Và câu chuyện một album nhạc nào đó của một nghệ sĩ vừa được sản xuất trên công nghệ kỹ thuật số, vừa được sản xuất bằng đĩa than cùng phát hành một thời điểm, để phục vụ các đối tượng người nghe khác nhau là câu chuyện hiển nhiên, không còn quá xa vời…

Hội Quân
.
.