Đi tìm cảm hứng sáng tạo

Thứ Ba, 21/01/2014, 08:00
Có nhiều người hay nói đến việc đi tìm cảm hứng sáng tác. Ừ, là văn nghệ sĩ mà không có được cảm hứng sáng tạo thì phải đi tìm? Nhưng tôi rất nghi ngờ kết quả của việc đi tìm cảm hứng sáng tác này! Bởi cảm hứng sáng tác là một cái gì rất vô hình. Chúng ta có nhận dạng, có định vị được nó đâu mà đi tìm nó. Người ta không thể đi tìm những thứ mà mình không hiểu rõ, mà nhất là khi nó không thuộc về mình...

Cảm hứng sáng tạo

Tất nhiên sáng tác thì cần có cảm hứng. Đa số những người có chất nghệ sĩ bẩm sinh thì cứ sống rồi cảm hứng sáng tác tự đến. Nhưng nhà văn, nhà thơ nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung, cảm hứng sáng tác của mỗi người mỗi khác. Các nhà thơ, nhà văn nói về vấn đề này cũng khác nhau. Nhà thơ Nguyễn Khuyến thì nói: "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút...". Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: "Đã lâu không làm bài thơ nào/ Nay lại thử làm xem ra sao"... Thi sĩ Tố Hữu cũng viết: "Tưởng đâu quên mất thơ rồi/ Tạm ngừng công việc lại ngồi với thơ...". Thực ra, đó là những cách nói mà thôi. Còn vì sao có cảm hứng, cảm hứng đến thì sáng tác như thế nào, cảm hứng đến nhiều đến ít có liên quan đến chất lượng sáng tác không? Đó vẫn là những điều bí ẩn.

Thi tiên Lý Bạch (Trung Hoa - Đời Đường) thơ và rượu đi liền với nhau. Nhưng uống rượu có làm tăng cảm hứng sáng tác, có gọi được thơ đến, có làm chất lượng thơ hay hơn không thì cũng không ai dám khẳng định. Ông để lại hàng nghìn bài thơ mà rất nhiều bài ở dạng tuyệt bút. Đại thi hào Nguyễn Du, ngoài kiệt tác "Truyện Kiều", ông còn có ba tập thơ "Thanh Hiên thi tập", "Bắc hành tạp lục", "Nam Trung tạp ngâm", thì cảm hứng sáng tác ở mỗi tập một khác. Lại còn có nhà văn viết nhiều thể loại như Nguyễn Đình Thi, mà mỗi thể loại đều có những đỉnh khá ấn tượng. Cảm hứng sáng tác khi ông viết tiểu thuyết "Vỡ bờ" chắc chắn là khác khi ông viết thơ không vần, khác với ông viết kịch "Con nai đen", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan". Và càng khác khi ông viết nhạc, viết phê bình tiểu luận.

Đối với các nhà thơ, nhà văn, cảm hứng sáng tác thì tất phải có rồi. Thế còn đối với các nhà phê bình thì khi viết có cần cảm hứng không? Đọc "Thi nhân Việt Nam" của nhà phê bình Hoài Thanh thì thấy rõ ông viết rất cảm hứng, rất giàu chất thơ và giọng văn rất đẹp được bao phủ trên những nhận định khoa học và táo bạo. Có người còn xếp Hoài Thanh là nhà phê bình cảm hứng. Dù xếp ông vào đâu, đánh giá ông thế nào thì Hoài Thanh vẫn là nhà phê bình văn chương vĩ đại nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Các nhà phê bình khác của văn học hiện đại Việt Nam so với Hoài Thanh thì ít nhất cũng phải xếp dưới ông một bậc. Một bậc khá dài dài. Còn các nhà lý luận phê bình văn chương hàn lâm kinh viện thì có cần cảm hứng không?

Theo tôi thì vẫn cần cảm hứng. Tuy nhiên, tôi không thể trả lời thay cho các giáo sư - tiến sĩ làm nghiên cứu phê bình được mệnh danh là trung tâm của phê bình này. Nhưng cứ đọc những tác phẩm phê bình thực tế của phương thức phê bình này hơn nửa thế kỷ qua thì tôi thấy chưa có tác phẩm nào thực sự lớn. Phải chăng là do tài năng chứ không phải do phương thức phê bình?

Có nhiều người hay nói đến việc đi tìm cảm hứng sáng tác. Ừ, là văn nghệ sĩ mà không có được cảm hứng sáng tạo thì phải đi tìm? Nhưng tôi rất nghi ngờ kết quả của việc đi tìm cảm hứng sáng tác này! Bởi cảm hứng sáng tác là một cái gì rất vô hình. Chúng ta có nhận dạng, có định vị được nó đâu mà đi tìm nó. Người ta không thể đi tìm những thứ mà mình không hiểu rõ, mà nhất là khi nó không thuộc về mình. Nhưng nếu cảm hứng sáng tác không đến thì chả lẽ lại cứ ngồi chờ đợi nó! Rất nhiều người không có khả năng sống một cuộc sống bình thường, rất sốt ruột khi phải chờ đợi.

Theo tôi thì không phải đi tìm cảm hứng sáng tác, cũng không phải ngồi chờ đợi nó. Cái nền, cái gốc để nảy sinh cảm hứng sáng tác chính là từ cuộc sống giàu có và phong phú của nhà nghệ sĩ. Thế thì hãy sống tích cực, sống hết mình. Đó là cách chăm bón tốt nhất cho tâm hồn để nảy sinh cảm hứng sáng tác. Còn cảm hứng sáng tác đến thưa thớt hay đến dồn dập không quan trọng. Cảm hứng sáng tác tạo nên tác phẩm. Sáng tác một nghìn bài thơ đã chắc gì có giá trị bằng một bài. Rất nhiều đỉnh cao của văn chương nhân loại cả đời chỉ sáng tác một tác phẩm duy nhất.

Đừng cố tạo ra cảm hứng. Hãy để cảm hứng sáng tác đến một cách tự nhiên. Điều này không phụ thuộc vào văn nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư.

Duyên văn

Trong tác phẩm "Tản mạn nghiệp văn", tôi đã viết về "Duyên văn". Nhưng đó mới chỉ là vài ý kiến khái quát. Càng đi sâu nghiên cứu về đời sống văn chương nghệ thuật, tôi càng thấy cái duyên trong văn chương đặc biệt quan trọng.

Trong cuộc sống ông cha ta cũng đã đúc kết từ lâu đời: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng" (Có duyên xa nghìn dặm luôn gặp nhau, không duyên thì đối diện cũng không gặp). Thi nhân Nguyễn Khuyến cũng có câu thơ để đời khi nói về cái duyên bằng hữu: "Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua" (Khóc Dương Khuê). Đấy là cái duyên trong tình cảm. Còn tự thân, cái duyên có sức hút rất mạnh.

Dân ca Quan họ có duyên rất đậm nên đã có sức hút lớn đối với nhân loại và có sức sống truyền đời. "Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa... Bác muốn nghe một đôi làn Quan họ", lời ca trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn có một dấu ấn đặc biệt. Chuyện ấy thực hư thế nào thì thuộc về các nhà sử học. Nhưng ca từ của Trần Hoàn vẫn là một phát hiện chân thực độc đáo để nói về tình cảm của lãnh tụ yêu đất nước, yêu cuộc đời vô cùng thiết tha và cái duyên đặc biệt của dân ca Quan họ. Nhưng cũng chính trong lời ca của dân ca Quan họ Bắc Ninh đã nói về giá trị của cái duyên trong cuộc sống: "Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng...".

Hẳn ai cũng từng gặp, có những cô gái đẹp nhưng không có duyên, ngược lại có những cô gái hình thức bình thường nhưng lại có duyên cuốn hút. Chọn người đẹp hay chọn người có duyên thì tùy thuộc mỗi người. Còn người đẹp mà lại có duyên thì không có gì phải nói thêm nữa. Tôi lan man vậy để thấy trong cuộc sống cái duyên là đặc biệt quan trọng.

Văn chương nghệ thuật cũng giống như cuộc đời. Cái duyên vô cùng quan trọng. Cái duyên văn thơ đã cứu được nhà thơ Tào Thực khỏi chết khi Tào Phi bắt ông đi bảy bước phải làm được một bài thơ. Đấy là do tài thơ của Tào Thực đã đánh động được tâm hồn thơ của Tào Phi vì Tào Phi cũng là một nhà thơ. Hai kiệt tác của văn chương cổ điển nước nhà cũng là do duyên ngộ đặc biệt. Tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán. Nếu tác phẩm này không gặp được Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đang trong tâm trạng xa chồng và bà có tâm hồn thi sĩ và tài chữ nôm dịch, thì sao có thể lưu truyền được?

Kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du (tên chữ Tố Như) cũng là do sự gặp gỡ kỳ diệu của tài năng Tố Như với "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. Nếu "Kim Vân Kiều truyện" không gặp được tâm hồn đồng điệu của Tố Như tiên sinh mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều"; hoặc ngược lại tâm hồn và tài thơ đặc biệt của Tố Như không gặp được "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, thì văn chương nước nhà làm sao có được "Truyện Kiều" làm rạng rỡ cho nền văn chương nghệ thuật nước nhà trước toàn nhân loại?

Vừa rồi, có liên hoan sân khấu về kịch của kịch Lưu Quang Vũ. Cũng có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về kịch của Lưu Quang Vũ. Riêng tôi thì thấy rằng, kịch Lưu Quang Vũ đã gặp thời (với ý cao đẹp của từ này), tức là có duyên với thời đại. Kịch của ông đã ra đời đúng lúc khi xã hội cần một tiếng nói bằng nghệ thuật như vậy. Tiếng chuông chống tiêu cực của ông gióng lên đúng khi xã hội đang cần nó. Giá trị trước hết của kịch Lưu Quang Vũ là giá trị thời sự. Còn nghệ thuật kịch của ông cũng phải đạt đến mức nào đó thì nó mới đánh động được trái tim của đông đảo khán giả. Sức mạnh của tác phẩm bao giờ cũng là sự cộng hưởng của tư tưởng và nghệ thuật. Ở từng tác phẩm cụ thể thì có thể yếu tố này trội hơn yếu tố kia, chứ rất hiếm khi có giá trị ngang bằng.

Những tác phẩm truyền đời là do nhiều yếu tố hợp thành. Cái duyên là một trong những yếu tố đó. Tất nhiên chất lượng tác phẩm là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng cái duyên có thể làm tăng giá trị của cái đẹp lên gấp nhiều lần. Cái duyên chính là phần sóng sánh hư ảo: "Lóng lánh là lóng lánh ơi/ Mắt cười lóng lánh như sao trên trời", "Lúng liếng là lúng liếng ơi/ Nụ cười lúng liếng có đôi đồng tiền"... "Mắt cười lóng lánh", "Nụ cười lúng liếng" chính là cái duyên, cái hồn của đôi mắt và nụ cười. Những tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn chương nghệ thuật nhân loại chính là những tác phẩm có phần "lóng lánh" và "lúng liếng" kia.

Nhưng cái duyên của mỗi người đẹp một khác, cái duyên của mỗi tác phẩm hay một khác. Đó là điều không thể bắt chước, không thể vận dụng hay học tập mà có được. Hay nói cách khác, cái duyên chính là trời cho mỗi người đẹp, mỗi tác phẩm.

22/11/2013

Đ.Q.T.
.
.