Đi mấy ngày đàng, ghi mấy trang văn...

Thứ Hai, 18/06/2007, 11:00
Mở đầu các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam là cuộc giao lưu các nhà văn với sinh viên khoa Văn Trường đại học Sư phạm. Tiếp theo là Hội nghị công tác hội viên và chi hội toàn quốc được tổ chức tại hội trường Hội Văn nghệ Tuyên Quang.

Đây là lần đầu tiên sau 50 năm ra đời Hội Nhà văn mới có hội nghị bàn về việc hội viên và chi hội.

Khác với thông lệ thường họp ở Hà Nội, hội nghị lần này họp tại Tuyên Quang. Và nhân đây các nhà văn đại diện cho các chi hội và ban liên lạc vùng miền đi thăm lại các căn cứ cách mạng và văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp.

Trên xe 24 chỗ ngồi đủ các nhà văn vùng miền. Lâu lắm các nhà văn mới có dịp cùng nhau trên một chuyến xe. Chuyện vui suốt dọc đường. Nhà văn Đào Thắng, Chánh văn phòng được BCH giao tháp tùng các văn nhân khả kính đi đến nơi về đến chốn. Đào tiên sinh vốn người to béo, đi lại ậm ạch nhưng bù lại rất vui tươi thẽ thọt. Vóc dáng Đào tiên sinh lọt ngay vào tầm ngắm của nhà thơ cao nguyên Tạ Văn Sỹ. Bỗng Tạ Văn Sỹ lên tiếng:

- Tôi xin đọc hai câu thơ tức cảnh về Chánh văn phòng hội: “Chánh văn phòng rất là hay/ Đi vài ba bước hai tay xốc quần…”.

Cả xe cười vang. Một lúc sau Thanh Quế nhà thơ xứ Quảng chọ chẹ: “Chắc là sợ mất cái “chân”/ Cái “ chân” không chạy mà cần lắm nghe…!”.

Đúng ngọ thì chúng tôi đến xã Gia Điền thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Xã đồng rừng đây đó vẫn còn lại bóng cọ thời “Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”. Một con đường trải nhựa phẳng lỳ do Nhà nước đầu tư vừa mở xuyên qua trung tâm xã. Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp đã có nhiều cơ quan đóng quân như Kho bạc, Xưởng in tiền, Trường thiếu sinh quân, Trạm thương binh.

Đặc biệt tại đây năm 1948 số báo Văn Nghệ kháng chiến ra số đầu tiên (tiền thân của báo Văn Nghệ ngày nay). Toà soạn lúc ấy có các nhà thơ, nhà văn, nhạcĩi: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Văn Cao… Và cũng tại đây Tố Hữu đã viết hai bài thơ “Bầm ơi, Bà bủ”, Văn Cao đã viết “Trường ca sông Lô” bất hủ.

Những lán trại ngày xưa bây giờ không còn gì, duy chỉ có nhà bà Gái còn lưu giữ được bộ phản gỗ mà ngày xưa các nhà thơ, nhà văn từng nằm. Mấy tấm gỗ bị mòn bị mục đôi chỗ nhưng vẫn còn nhiều chỗ thẫm màu như đã từng thấm mồ hôi của các văn nghệ sĩ ngày nào.

Chúng tôi rưng rưng khi nhớ đến Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Xuân Diệu đã đi xa. Bây giờ chỉ còn lại nhà văn Kim Lân nhưng đã yếu lắm rồi.

Ở Gia Điền còn có con trai út của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tên  là Nguyễn Khắc Phục. Ông là người có học, tiếng Pháp làu làu mà ở đây làm một nông dân thực thụ. Hồi kháng chiến ông ở đây rồi đam mê một cô gái Gia Điền và thế là ông ở lại nơi đây. Anh học trò Nguyễn Khắc Phục đã đi cày, đi gặt, trồng chè, trồng sắn như một người sinh ra tại đất Gia Điền. Có lẽ mảnh đất nơi đây rất lành nên bao cánh chim ở nhiều vùng quê đã chọn nơi đây xây tổ ấm…

Đầu giờ chiều chúng tôi lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Theo con đường từ Hạ Hòa chúng tôi sang đất Yên Bái, qua lối Thác Bà rồi vào thị xã Tuyên Quang.

Sáng 16/4/2007 hội nghị được tổ chức tại hội trường Hội Văn nghệ Tuyên Quang. Đây là lần đầu tiên sau 50 năm ra đời Hội Nhà văn mới có hội nghị bàn về việc hội viên và chi hội. Nhiều ý kiến tham luận nêu lên cái khó của chi hội địa phương vừa trực thuộc Trung ương Hội vừa nằm trong đội hình hội văn nghệ địa phương, kinh phí không có, hội phí không được giữ lại một phần để làm công việc thăm viếng.

Nhà thơ Thanh Quế nói thẳng băng: nên giải tán các ban vùng, miền vì nó chẳng có tác dụng gì. Nhà văn Bá Dũng lại thông tin cách làm của Chi hội Nghệ An rất hay là hàng tháng ra được bản tin của chi hội. Nhiều ý kiến vẫn tập trung vào cơ chế tổ chức và kinh phí cho hoạt động. Nhà thơ Hữu Thỉnh kết luận hội nghị nêu rõ tất cả các ý kiến BCH Hội sẽ nghiên cứu tháo gỡ. Có một việc hội nghị thống nhất là việc kết nạp hội viên dứt khoát phải có ý kiến của chi hội…

Buổi chiều ngày 16/4/2007 các thành viên hội nghị trở về Tân Trào thăm đình Tân Trào nơi họp Quốc dân đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa năm 1945, thăm cây đa Tân Trào, thăm lán Nà Lừa nơi Bác từng ở một thời gian. Chỉ tiếc rằng thời tiết khắc nghiệt nên không giữ được căn lán cũ mà phải phục chế lại. Hơn 60 năm trôi đi, Tân Trào bây giờ đã khang trang, đã thành khu di tích của quốc gia.

Cuối chiều chúng tôi vượt Đèo De để sang An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên. An toàn khu ùa ra trước mắt rực rỡ những mái ngói, những công trình. Lần đầu tôi được đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước một địa danh lâu nay tưởng nơi rừng núi thâm nghiêm.

Ban quản lý khu di tích đón chúng tôi và dẫn tới khu tưởng niệm Bác Hồ. Một công trình đồ sộ, kiến trúc rất đẹp, những đầu đao cong vút như đang bay giữa nền trời. Công trình tọa lạc trên đỉnh đồi dáng uy nghi là một điểm nhấn ấn tượng nhất. Công trình này do nhân dân Hà Nội xây dựng tặng An toàn khu.

Cả đoàn chúng tôi vào dâng hương tưởng nhớ Bác. Trước khi buổi lễ bắt đầu, nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt cả đoàn thỉnh 9 tiếng chuông. Âm ba lan ra thung lũng ngân nga tưởng như không dứt.

Chúng tôi lại đi tiếp đến Tỉn Kheo. Nơi đây Bác của chúng ta đã ở vào những năm 50. Tại đây, chúng tôi leo đồi lên căn lán đã diễn ra hội nghị  giữa Bác và các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng quyết định mở chiến dịch đông - xuân năm 1953.

Trước lán một cây dâm bụt đang nở hoa đỏ rực. Cô thuyết minh Hồng Diệu, một cô gái Tày xinh đẹp, giới thiệu cho chúng tôi biết Bác trồng cây hoa này để đỡ nhớ quê, giống hoa này có nhiều kỷ niệm với Bác thời niên thiếu ở làng Kim Liên, xứ Nghệ.

Con đường lên đồi Tỉn Kheo ẩn mình trong cây lá. Những con chim rừng hót líu lo như chào đón chúng tôi. Bỗng có một con chim sà xuống ngay trước mặt nhà thơ Thanh Quế. Ông vội vàng chụm đôi tay chộp lấy. Con chim bay vút lên cất tiếng hót trong veo giữa hoàng hôn màu tím.

Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ lại An toàn khu. Khu nhà nghỉ vừa xây xong như một cánh tay ôm vòng giữa thung lũng. Các cán bộ nhân viên khu di tích tổ chức một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” chào mừng các nhà văn. Tiếng đàn tính vang lên và bài hát Chín bậc tình yêu của An Thuyên. Nhà văn Đào Thắng, giọng ca vàng của đoàn lên góp vui với bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.--PageBreak--

Sáng hôm 17/4, trước khi dời An toàn khu chúng tôi vào thăm Khuôn Tát. Nơi đây có bãi bóng ngày kháng chiến chống Pháp Bác thường đánh bóng chuyền cùng các chiến sĩ. Rồi men theo đường bìa rừng chúng tôi vào khu lán Bác từng ở.

Khi vượt qua suối Khuôn Tát, đôi giày đen của nhà thơ Nguyễn Hoa không chịu bám vào mấy tảng đá giữa suối. Nguyễn Hoa trượt chân ngã nhoài. Rất may ông không bị đập đầu xuống đá. Chúng tôi ái ngại dắt tay Nguyễn Hoa. Ông cười: “ Không sao, không sao…”.

Thật tình chúng tôi lo cho ông vì cách đây hơn 2 năm ông đã bị xuất huyết não, phải cấp cứu nằm viện Việt Xô cả tháng. Khi qua bờ bên kia tôi tức cảnh xuất khẩu đôi câu đối: Vượt Khuôn Tát, Nguyễn Hoa vồ ếch/Leo Tỉn Kheo, Thanh Quế chộp chim. Anh em cười tán thưởng.

- Tay Trần Nhương này làm câu đối khá lắm.

Chúng tôi về huyện Đại Từ để thăm lại nơi báo Văn nghệ đóng trụ sở các năm 1949-1950. Lãnh đạo huyện Đại Từ đón chúng tôi tại trụ sở huyện. Anh Từ Phó chủ tịch huyện cho biết Đại Từ có thể coi là một “hợp chủng quốc” vì có tới 50 các vùng quê cả nước có người định cư tại đây, có 21 dân tộc.

Có một thị trấn Chin Chu toàn dân Nghệ An, có cả người Êđê từ Tây Nguyên ra tìm đất ở. Đại Từ đang giàu có lên với 5,5 ngàn hécta chè. Chè Đại Từ ngon có tiếng không kém Tân Cương. Đại Từ chỉ cần 60.000 tấn lương thực là đảm bảo an toàn lương thực vậy mà Đại Từ năm qua đã đạt 70.000 ngàn tấn.

Đại Từ đang đổi mới từng ngày và chính những con người nơi đây đã thay đổi câu ca ngày xưa từ: Lử khử lừ khừ chẳng Đại Từ cũng Võ Nhai thành xinh gái, đẹp trai chẳng Võ Nhai cũng Đại Từ.

Từ huyện lỵ Đại Từ chúng tôi đi hơn 30 cây số để về xóm Chòi, xã Mỹ Yên. Nơi đây vào những năm 1949, 1950 là trụ sở của báo Văn Nghệ. Hồi đó các nhà văn, nhà thơ đã được nhân dân xóm Chòi đùm bọc.

Khu vườn nhà cụ Vệ trồng chè bây giờ là nơi trước đây dựng căn nhà 7 gian làm trụ sở tòa soạn. Các nhà văn nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân… từng ở nơi đây.

Cụ Vệ chủ nhà bây giờ đã ngoại 80 nhưng vẫn khỏe mạnh, cụ kể lại cách đây dăm năm bác Thi có về dựng tấm bia kỷ niệm này trên vườn nhà cụ. Các nhà văn trong đoàn mời cụ Vệ cùng chụp ảnh bên tấm bia kỷ niệm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tặng quà cho cụ Vệ, cụ Chương và các gia đình đã từng nuôi dưỡng các nhà văn trước đây. Đoàn nhà văn còn tặng một khoản tiền để làm quỹ khuyến học cho xã Mỹ Yên. Nhà thơ Hữu Thỉnh còn hứa sẽ tặng cho xã Mỹ Yên một thư viện với các đầu sách của các nhà văn Việt Nam...

Cuộc hành trình về nguồn kết thúc bằng buổi thăm công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam tại phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nơi đây không bao lâu nữa là nơi sẽ lưu giữ những hiện vật, tài liệu, hình ảnh nói lên cả quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam trong nhiều thế kỷ…

Trần Nhương
.
.